Mổ xẻ tường tận công dụng của hạt mắc ca
Công dụng của hạt mắc ca là gì? Giá trị dinh dưỡng như thế nào? Hãy cùng HoiBenh giải mã những thắc mắc xung quanh loại hạt cây nổi tiếng này.
Mổ xẻ tường tận công dụng của hạt mắc ca
Mắc ca là gì? Hạt này có giá trị dinh dưỡng như thế nào? Công dụng của hạt mắc ca là gì?... Đó là những câu hỏi rất nhiều người thắc mắc về hạt mắc ca – một loại thực phẩm dạng hạt đang ngày càng phổ biến và thu hút sự quan tâm của xã hội. Vậy mắc ca thực sự bổ dưỡng đến mức nào, hương vị ra sao? Hãy cùng HoiBenh giải mã những thắc mắc và nghi vấn xung quanh loại hạt cây nổi tiếng này.
1. Nguồn gốc của hạt mắc ca
Mắc ca – tên khoa học là Macadamia, có nguồn gốc tại các khu rừng cận nhiệt đới của Châu Úc. Các cư dân bản địa cách đây hàng ngàn năm, đã dùng hạt mắc ca như là một nguồn thực phẩm quí với tên gọi "kindal kindal". Năm 1857, nhà khoa học và thực vật học người Đức - Ferdinand von Mueller, đã khám phá ra mắc ca và đặt chúng theo tên của một người bạn đã qua đời là nhà hoá học John Loudon McAdam . Loại hạt này có kích cỡ từ 2 – 3 cm, trọng lượng hạt khoảng 8 – 9 gram, hình tròn, màu kem và có hương thơm đặc trưng. Với những giá trị dinh dưỡng vượt trội đã được khám phá, hạt mắc ca nhanh chóng vươn lên vị trí hàng đầu trong các loại hạt.
2. Tác dụng bảo vệ tim mạch
Hạt mắc ca chứa nhiều chất béo nhưng ít protein, trong đó hàm lượng chất béo không bão hòa đơn cao nhất trong hầu hết những loại hạt dinh dưỡng. Nhân của hạt mắc ca có hàm lượng dầu lên tới 78%, cao hơn hẳn lạc (44,8%), hạt điều (47%)... Trong dầu của hạt mắc ca có trên 87% là axit béo không no, trong đó có nhiều loại mà cơ thể con người không tự tổng hợp được. Khi ăn vào giúp giảm được cholesterol, có tác dụng phòng trị xơ cứng động mạch. Hàm lượng protein trong nhân có tới 9,2% gồm 20 loại axit amin trong đó có 8 loại axit amin cần thiết cho cơ thể người.
Ngoài ra, trong hạt mắc ca còn có chứa một loại axit amin tên là arginine giúp các thành mạch máu linh hoạt. Các chất chống oxi hóa trong mắc ca cũng mang lại nhiều lợi ích cho hệ tim mạch của bạn. Theo nghiên cứu, nếu 1 người sử dụng 10 – 15 hạt mắc ca tự nhiên mỗi ngày có thể giảm 50% nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
3. Tốt cho phụ nữ mang thai và trẻ em
Hạt mắc ca giàu axit béo thiết yếu, vitamin B, protein và khoáng chất rất tốt cho sự hình thành và phát triển trí não cho thai nhi. Mặt khác, đối với chứng chán ăn của bà mẹ mang thai, bổ sung hạt mắc ca vào khẩu phần ăn cũng sẽ cải thiện được đáng kể. Đối với trẻ em, hạt mắc ca cũng là một loại thực phẩm lý tưởng. Nó chứa nhiều loại dầu tốt cho sức khỏe, chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa.
4. Giá trị ẩm thực
Từ lâu mắc ca đã được xếp vào hàng thượng phẩm và đưa vào thực đơn của những yến tiệc quan trọng. Mắc ca có vị béo ngọt, giòn tan trung hòa gia vị giúp món ăn thêm đậm đà, có thể dùng để ăn sống, luộc hoặc xào nấu. Nhân mắc ca sau khi rang có hương vị của bơ sữa hấp dẫn, ăn rất ngậy, ngọt bùi. Vì thế nó thường được dùng làm nhân bánh, chocolate, dầu trộn salad,....
5. Công dụng làm đẹp
Hạt mắc ca cũng là nguyên liệu dùng để bào chế các sản phẩm làm đẹp cao cấp, được đánh giá cao bởi các chuyên gia mỹ phẩm thiên nhiên. Trong nhân hạt chứa khoảng 22% các axit béo omega-7, đây là giải pháp thay thế cho dầu chồn – một trong những thần dược cho làn da phụ nữ.
6. Tác dụng giảm cân, phù hợp với các chế độ ăn kiêng
Hạt mắc ca cung cấp một hàm lượng carbohydrate thấp, giúp đốt cháy tối đa chất béo trong cơ thể, thúc đẩy cảm giác no và ngon miệng hơn. Sử dụng hạt mắc ca vừa phải để thay thế cho các sản phẩm khác, sẽ cung cấp đầy đủ năng lượng mà vẫn đảm bảo giảm cân hiệu quả...
7. Hạt mắc ca có độc tính hay tác dụng phụ gì hay không?
Thực chất, công dụng của hạt mắc ca tuyệt vời là thế nhưng loại hạt này cũng có chứa độc tố, tuy không nguy hại cho con người nhưng gây nhiễm độc cho chó khi ăn phải. Trong vòng 12 giờ, chó sẽ xuất hiện hiện tượng suy yếu và tê liệt các ngón chân sau, khiến cho chân không đứng vững. Phụ thuộc vào kích thước con chó và số lượng hạt mắc ca nuốt phải, các triệu chứng có thể gồm run rẩy cơ, tổn thương khớp và tổn thương bụng nghiêm trọng. Trong trường hợp liều lượng độc tính cao, để giảm tác hại của độc tố, cần phải sử dụng các loại thuốc giảm đau chuyên dùng theo sự theo dõi của bác sĩ thú y.
Ngoài ra, mối quan tâm về dị ứng các loại hạt cây đối với trẻ nhỏ là rất quan trọng. May thay, dị ứng đối với hạt mắc ca là rất hiếm gặp. Đối với một số người, hệ thống miễn dịch đưa ra những dấu hiệu "tự vệ", có thể chỉ là sưng môi nhẹ, cảm giác ngứa cổ họng nhưng nghiêm trọng có thể là sốc phản vệ. Vì vậy, đối với những ai chưa từng ăn hạt mắc ca hoặc người có tiền sử dị ứng với các loại hạt cây, nên kiểm nghiệm với lượng nhỏ, hoặc áp dụng cách kiểm tra trên da tay (đối với các loại mỹ phẩm chiết xuất từ hạt này) để biết được mình có bị dị ứng với hạt mắc ca hay không.