Mẹ bầu mắc bệnh thủy đậu có nguy hiểm hay không?
Trong thời điểm dịch thủy đậu bùng phát, nhiều mẹ bầu lo lắng về nguy cơ mắc loại bệnh nguy hiểm này và băn khoăn liệu nó có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thai kỳ không. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho các mẹ những kiến thức căn bản về bệnh thủy đậu và làm thế nào để đối phó với nó.
Mẹ bầu mắc bệnh thủy đậu có nguy hiểm hay không?
Nguy cơ từ bệnh thủy đậu
Với phụ nữ mang thai
Thủy đậu là một bệnh rất dễ lây truyền, xảy ra nhiều ở trẻ em. Đối với thai phụ, bệnh có thể ảnh hưởng đến người mẹ và để lại hậu quả nặng nề cho thai nhi. Vì thế phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu cần được khám và điều trị cẩn thận để bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và bé.
Thủy đậu (hay còn gọi là trái rạ) là bệnh do virut Varicella zoster gây ra, thường lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh. Biểu hiện của thủy đậu bắt đầu từ cơn sốt và đau nhức toàn thân, sau đó nổi đốm nhỏ, mọng nước, gây ngứa ngáy khắp cơ thể. Nếu phụ nữ khi mang thai bị thủy đậu có sẽ để lại nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm khác như viêm phổi, tổn thương hệ thần kinh, thậm chí gây tử vong.
Khi thai phụ nhiễm bệnh thủy đậu sẽ có nguy cơ viêm phổi do Varicella-zoster virus từ 10-20%. Đối với những thai phụ mắc bệnh thủy đậu nguyên phát khi mang thai, sự ảnh hưởng của bệnh trên thai nhi tùy vào từng giai đoạn tuổi thai.
Với thai nhi
Trong ba tháng đầu, đặc biệt là tuần lễ thứ 8-12 của thai kỳ, nguy cơ thai nhi bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh là 0,4%. Biểu hiện thường gặp nhất của hội chứng thủy đậu bẩm sinh là sẹo ở da. Những bất thường khác có thể xảy ra là tật đầu nhỏ, bệnh lý võng mạc, đục thủy tinh thể, nhẹ cân, chi ngắn, chậm phát triển tâm thần. Ngoài ra, có thể gây sẩy thai hoặc thai chết lưu.
Trong ba tháng giữa, đặc biệt là tuần 13-20 của thai kỳ, nguy cơ thai nhi bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh là 2%. Sau tuần lễ thứ 20 của thai kỳ, hầu như không ảnh hưởng trên thai. Nếu người mẹ nhiễm bệnh trong vòng 5 ngày trước sinh và 2 ngày sau sinh, bé sơ sinh dễ bị bệnh thủy đậu lan tỏa do mẹ chưa có đủ thời gian tạo kháng thể truyền cho thai nhi trước sinh. Để tránh nguy cơ lây bệnh cho con, ngay sau sinh bé cần được dùng varicella zoster immune globulin và cách ly với mẹ.
Tuy nhiên, phụ nữ đã từng nhiễm bệnh thủy đậu trước khi mang thai hoặc đã được chủng ngừa bệnh thủy đậu thì được miễn dịch với bệnh này, trong cơ thể đã có kháng thể chống lại bệnh. Do đó, khi mang thai, những thai phụ đã có kháng thể chống lại bệnh thủy đậu không cần phải lo lắng về biến chứng của bệnh đối với bản thân họ cũng như thai nhi.
Cách phòng ngừa và điều trị thủy đậu cho phụ nữ mang thai
Phòng bệnh hơn điều trị bệnh nên lời khuyên tốt nhất là chị em phụ nữ nên đi tiêm chủng ngừa thủy đậu ít nhất 3 tháng trước khi mang thai (nếu đã từng tiêm trước đó thì không cần tiêm lại). Ngoài ra tránh tiếp xúc với người mắc thủy đậu,giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường xung quanh.
Nếu như phụ nữ mắc bệnh thủy đậu trong khi đang mang thai thì hãy chú ý đến tất cả các triệu chứng, liên hệ ngay với bác sĩ chuyên môn để điều trị kịp thời. Tại đây các mẹ sẽ được trao đổi về cách điều trị cùng với nguy hiểm của những biến chứng cho cả mẹ và bé. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra những biện pháp điều trị cần thiết, vì thế tình hình sẽ không vượt qua khỏi sự kiểm soát.
(Theo Gia đình Việt Nam)