Mang thai tuần 39 mà chưa có dấu hiệu sinh

Đa phần các mẹ bầu đều sợ những cơn đau chuyển dạ, song khi mang thai tuần 39 mà chưa có dấu hiệu sinh, các mẹ lại cũng lo lắng không kém. Liệu có thật sự cần thiết phải lo lắng trong trường hợp này hay không? Và vác mẹ cần phải làm gì khi gặp phải tình huống này? Để biết được những điều này, xin mời các mẹ bầu cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới dây.

Mang thai tuần 39 mà chưa có dấu hiệu sinh Mang thai tuần 39 mà chưa có dấu hiệu sinh

Mang thai tuần 39 mà chưa có dấu hiệu sinh có sao không?

Khi thai nhi được 39 tuần tuổi, là thời điểm em bé đã sẵn sàng để bước ra thế giới bên ngoài bụng mẹ. Chắc chắn khi đến thời điểm này, các mẹ đều nóng lòng được gặp mặt bé yêu. Cũng vì vậy khi mang thai tuần 39 mà chưa có dấu hiệu sinh, có không ít bà mẹ lại lo lắng, đặc biệt là các mẹ sinh con lần đầu. Bởi theo kinh nghiệm của nhiều mẹ, khi sinh con so thường sẽ sớm hơn so với ngày dự sinh từ 7 - 10 ngày.

vicare.vn-mang-thai-tuan-39-ma-chua-co-dau-hieu-sinh-body-1
Mang thai tuần 39 mà chưa có dấu hiệu sinh có sao không?

Đến tuần thứ 39, các cơ quan bộ phận trong cơ thể thai nhi đã hoàn thiện, bé đã có thể thở bằng phổi. Vì vậy nếu mẹ có sinh trong tuần này, thì em bé hoàn toàn có đầy đủ điều kiện để sống khỏe mạnh. Tại thời điểm này, cân nặng của em bé đạt khoảng 2,8 - 3kg, và có chiều dài cơ thể vào khoảng 40 - 50cm. Có một số mẹ sinh sớm có thể vượt cạn trong tuần này. Song, cũng có nhiều mẹ mang thai tuần 39 mà chưa có dấu hiệu sinh nào cả. Điều này có thể do các nguyên nhân sau đây:

Do mẹ dự đoán sai ngày dự sinh

Do mẹ nhớ nhầm kỳ kinh cuối có thể dẫn đến việc bác sĩ tính sai ngày dự sinh. Trên thực thế thì chỉ có khoảng 5% mẹ bầu có thể sinh con đúng ngày dự sinh. Còn lại đa phần sẽ sinh sớm hơn hoặc sinh muộn hơn ngày dự sinh 1 - 2 tuần. Chính vì vậy ngày dự sinh chỉ là mang tính chất tương đối, để mẹ và gia đình chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng đón chào thành viên mới mà thôi.

Bởi em bé có thể chào đời bất cứ lúc nào, khi cơ thể bé đã phát triển đầy đủ và sẵn sàng bước ra thế giới bên ngoài bụng mẹ.

Do em bé chưa sẵn sàng chào đời

Em bé chưa di chuyển xuống khung chậu cũng là một lý do khiến cho các mẹ chưa thấy các dấu hiệu sinh nào. Thông thường, vào khoảng thời gian trước khi sinh từ 1 - 2 tuần, thai nhi sẽ di chuyển xuống dưới khung chậu để có thể cử động dễ dàng hơn và cũng là chuẩn bị cho việc chào đời. Khi đó mẹ sẽ thấy bụng bầu của mình như bị tụt xuống. Song với những mẹ có cơ bụng dưới đủ rộng rãi để cho thai nhi cảm thấy thoải mái, thì bé sẽ muốn ở lại đó lâu hơn một chút. Cũng chính vì điều này, mà các mẹ bầu là các vận động viên, hoặc chơi thể thao thì thường có dấu hiệu sinh chậm hơn so với những người khác.Như vậy, khi mang thai tới tuần 39 mà chưa thấy xuất hiện một dấu hiệu sinh nào cả là hoàn toàn bình thường. Vì vậy các mẹ bầu không nên quá lo lắng, để yên tâm, các mẹ có thể đi khám hoặc trao đổi với các bác sĩ sản khoa để có được sự tư vấn thích hợp.

vicare.vn-mang-thai-tuan-39-ma-chua-co-dau-hieu-sinh-body-2
Em bé chưa sẵn sàng chào đời

Các dấu hiệu sắp sinh báo trước 1 tuần

Trước khi sinh khoảng 01 tuần, cơ thể mẹ sẽ có những thay đổi đáng kể, báo hiệu sắp đến ngày bé yêu chào đời. Mẹ bầu nên chú ý đến những dấu hiệu này để có thể chuẩn bị tốt nhất cho cuộc vượt cạn sắp tới.

  • Dấu hiệu bụng bầu tụt xuống: để giúp cho quá trình chào đời được thuận lợi hơn, trước khi sinh 1 tuần, em bé sẽ di chuyển xuống dưới khung chậu. Khi này các mẹ sẽ thấy bụng bầu của mình tự nhiệt tụt xuống. Điều này khiến cho không ít mẹ bầu có cảm giác như em bé có thể chui ra ngoài bất cứ khi nào.
  • Dấu hiệu cổ tử cung mở: gần tới ngày sinh, âm đạo sẽ tiết ra nhiều dịch nhầy hơn giúp cho cổ tử cung mềm hơn và mở rộng hơn. Khi này, nút nhầy vốn để bịt kín cổ tử cung sẽ bị bong ra ngoài. Do đó bà bầu có thể thấy xuất hiện một lớp dịch nhầy có màu vàng nhạt hoặc màu đỏ ở quần lót. Đây chính là hiện tượng “máu báo”, là một trong các dấu hiệu sắp sinh điển hình nhất.
  • Dấu hiệu đau lưng: trước khi sinh 1-2 tuần, mẹ sẽ cảm thấy các cơ, các khớp xương ở vùng lưng và háng bị kéo căng, gây ra những cơn đau nhức ở vùng lưng hông. Điều này giúp cho quá trình chào đời của em bé được dễ dàng hơn.
  • Dấu hiệu tiêu chảy: trong giai đoạn cuối của thai kỳ, hệ tiêu hóa của bà bầu bị ảnh hưởng bởi các loại hormone dẫn đến hiện tượng tiêu chảy.
  • Dấu hiệu giảm cân: vào những tuần cuối của thai kỳ, cân nặng của các mẹ bầu sẽ có xu hướng tăng nhẹ, sau đó dừng lại hoặc có thể bị giảm cân. Nguyên nhân của hiện tượng này có thể do sự sụt giảm nước ối.

Những điều mẹ cần lưu ý trong tuần thai thứ 39

Trong tuần này, các mẹ bầu đã bắt đầu cảm thấy sốt ruột, lo lắng nếu như chưa thấy có dấu hiệu sinh nào cả. Đặc biệt là khi nhận được các lời hỏi thăm từ người thân, bạn bè hay đồng nghiệp. Nhưng dù thế nào, mẹ cũng không nên lo lắng quá nhé. Các mẹ cần tập luyện cho mình có một tinh thần thoải mái nhất, có thể bằng cách hình dung em bé đang vui chơi thoải mái ở trong bụng và chưa muốn chui ra ngoài.

Trong trường hợp cảm thấy quá mệt mỏi, căng thẳng, mẹ bầu cần nghỉ ngơi nhiều hơn. Các mẹ có thể thư giãn tinh thần bằng việc nghe nhạc, xem phim hay đọc một cuốn sách mà mình yêu thích,...

Trong tuần này, các mẹ bầu cũng nên hạn chế việc đi lại, đặc biệt không nên đi một mình hoặc đi xa. Bởi ở thời điểm này, các dấu hiệu chuyển dạ có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, chính vì vậy mẹ bầu luôn cần có người đi cùng, và chỉ đi lại trong phạm vi gần.

Các bà bầu cũng nên luyện tập một số bài tập thể dục đơn giản trong thời gian này như đi bộ hay bài tập kegel,... Việc tập luyện sẽ giúp cho cổ tử cung được mở rộng hơn, khung xương chậu được chắc khỏe hơn, tạo thuận lợi cho em bé đi ra ngoài khi sinh.

Lúc này, mẹ và gia đình cũng cần sắm sửa và sắp xếp đồ đạc cần thiết cho lúc sinh. Mẹ hãy kiểm tra lại danh sách các món đồ sinh và sắp xếp chúng một cách gọn gàng vào trong một chiếc làn/giỏ để chuẩn bị cho những tình huống bất ngờ có thể xảy ra nhé.

Nếu cơ thể mẹ bầu xuất hiện một trong các dấu hiệu sau đây, thì cần phải đến bệnh viện ngay lập tực:

  • Xuất huyết âm đạo.
  • Dịch nhầy âm đạo có dính máu tươi.
  • Các chuyển động của thai nhi (hiện tượng thai máy) giảm dần.
  • Vỡ ối.
  • Mẹ cảm thấy hoa mắt, đau đầu, sưng phù nghiêm trọng.

Trường hợp bước sang tuần thứ 40 mà mẹ vẫn chưa thấy xuất hiện dấu hiệu sắp sinh nào thì cần đi khám tại nơi đăng ký sinh. Các bác sĩ sản khoa sẽ thăm khám, kiểm tra các yếu tố như: độ mở của cổ tử cung, độ xơ hóa của rau thai và sự phát triển của thai nhi cùng với các yếu tố khác. Thông qua đó, bác sĩ sẽ đánh giá tình hình cụ thể xem có cho mẹ chờ sinh tự nhiên hay là sử dụng phương pháp giục sinh.

  • Tóm lại, khi mang thai tuần 39 mà chưa có dấu hiệu sinh, bà bầu cũng không cần phải lo lắng quá. Bởi có thể do mẹ tính sai ngày dự sinh, hoặc đơn giản là em bé chưa thực sự sẵn sàng để chui ra khỏi bụng mẹ đến với thế giới bên ngoài. Tùy theo cơ địa của từng mẹ và sự phát triển của thai nhi trong bụng, mà thời gian xuất hiện các dấu hiệu chuyển dạ có thể bị lệch từ 1 - 2 tuần so với dự tính ban đầu. Để tránh lo lắng, mẹ bầu có thể đi khám và nhờ sự tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa.

Xem thêm:

  • Các tư thế đi, đứng, ngồi, nằm tốt cho sức khỏe mẹ bầu cần xem ngay
  • Thai nhi 38 tuần tuổi: Con đã sẵn sàng!
  • Tìm hiểu nguyên nhân thai nhi đạp nhiều vào ban đêm