Mách bạn cách chăm sóc da khi mang thai
Trong thời gian mang thai, do sự thay đổi nội tiết trong cơ thể và ảnh hưởng của tâm lý, các hiện tượng nám da, nổi mụn, rạn da... có cơ hội phát triển và lan rộng hơn bình thường. Đặc biệt, trong thời gian bầu bí, việc chăm sóc da sẽ khó khăn hơn do bạn phải hạn chế sử dụng rất nhiều loại mỹ phẩm, hóa chất có thể có hại cho sức khỏe bản thân và thai nhi.
Mách bạn cách chăm sóc da khi mang thai
Bài viết dưới đây HoiBenh sẽ chia sẻ với bạn các cách chăm sóc da an toàn và hiệu quả khi mang thai.
1. Nám da khi mang thai
Do sự tăng nồng độ hormone Estrogen, phụ nữ mang thai rất dễ bị nám da. Các đốm nám da thường xuất hiện ở hai bên má và vùng chữ T – những khu vực rất dễ nhìn thấy. Trên thực tế, nám da không gây hại cho sức khỏe của phụ nữ mang thai và sự phát triển của thai nhi nhưng sẽ làm cho bạn mất tự tin về vẻ bên ngoài của mình.
Lời khuyên để đẩy lùi nám da khi mang thai là nên sử dụng các loại mặt nạ táo, dâu để làm sáng da (chỉ nên đắp mặt nạ tối đa 3 lần/tuần). Bạn cũng nên sử dụng kem chống nắng (ít nhất là SPF 30) khi ra ngoài, kể cả khi ngoài trời không nắng to cùng bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin C và vitamin B6 để giảm sự hình thành các sắc tố melanin là nguyên nhân gây nám da.
2. Chăm sóc da bị mụn khi mang thai
Bạn có thể sử dụng các sản phẩm chăm sóc da cho da mụn khi mang thai, nhưng cần tránh dùng các loại sản phẩm chứa nhiều dầu và chứa các thành phần dị ứng. Một số loại kem trị mụn có thành phần có thẻ gây dị tật bẩm sinh thai nhi, bạn cần hết sức cẩn thận khi sử dụng kem trị mụn. Tốt nhất, nếu mụn quá nặng, bạn nên khám bác sĩ chuyên khoa để được chỉ định dùng thuốc an toàn.
Nếu tình trạng mụn không nghiêm trọng, bạn có thể áp dụng các loại mặt nạ thiên nhiên trị mụn sau để chăm sóc da khi mang thai:
Dùng nước cốt chanh: Dùng bông y tế thấm nước cốt chanh và thoa lên da, sau đó để da khô tự nhiên khoảng 15 phút rồi rửa mặt bằng nước ấm. Chanh có tính axit, có khả năng kháng khuẩn và diệt khuẩn an toàn cho da
Mặt nạ nước cốt chanh và lòng trắng trứng gà: Dùng 1 nửa quả chanh vắt lấy nước, trộn đều với lòng trắng trứng gà rồi đắp mặt nạ hỗn hợp này lên mặt trong khoảng 15 – 20 phút rồi rửa lại với nước sạch. Chanh có tác dụng kháng khuẩn, lòng trắng trứng làm se khít lỗ chân lông, rất hiệu quả với da bị mụn.
3. Rạn da khi mang thai
Có tới 90% các bà bầu bị rạn da trong quá trình mang thai, tùy mức độ nặng nhẹ. Rạn da thường xuất hiện ở vùng bụng, mông do sự tăng nhanh về kích thước khiến các sợ đàn hồi collagen, elastin không kịp chuẩn bị để thích nghi, da không giãn da kịp. Ban đầu là những vết nứt gãy liên tiếp có màu nâu đỏ, sau đó là những vết sẹo trắng. Khi đã hình thành và phát triển, các vết rạn da này rất khó mờ. Vì vậy, để ngăn ngừa những ảnh hưởng của rạn da khi mang thai, nên sử dụng các loại tinh dầu tự nhiên như tinh dầu dừa, tinh dầu oliu massage nhẹ nhàng cho da để tăng độ đàn hồi.
Bên cạnh những cách chăm sóc da trên, phụ nữ mang thai cũng nên uống ít nhất 2 lít nước 1 ngày để cung cấp đủ nước cho làn da, ăn nhiều rau xanh, hoa quả, không sử dụng chất kích thích, không thức quá khuya cũng như cần cân bằng tâm lý, không tạo quá nhiều áp lực cho bản thân khi mang thai để có một làn da khỏe mạnh.