Liệt dây thần kinh ngoại biên số 7
Liệt nửa mặt, méo miệng hay còn gọi là liệt dây thần kinh ngoại biên số 7. Bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính, không lây. Liệt dây thần kinh ngoại biên số 7 không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng lại gây biến dạng khuôn mặt, ảnh hưởng đến khả năng lao động, giao tiếp hằng ngày.
Liệt dây thần kinh ngoại biên số 7
Liệt dây thần kinh ngoại biên số 7 là gì?
Liệt dây thần kinh ngoại biên số 7 hay còn gọi với cái tê khoa học là Bell’s Palsy, căn bệnh xảy ra khi dây thần kinh số 7 bị chèn ép và chịu tổn thương. Về cơ bản, bộ dây thần kinh này có bao gồm trung ương và ngoại biên.
Bệnh này xảy ra ở hầu hết mọi độ tuổi. Nó có thể bắt đầu ở tuổi dậy thì, và càng về già càng có nguy cơ mắc cao. Khi dây thần kinh số 7 bị thương tổn và sưng viêm, các cơ trên mặt do nó quản lý sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp và có những biểu hiện rõ rệt ra ngoài gây đau, khó khăn trong việc cử động và có thể biến dạng.
Nguyên nhân liệt dây thần kinh ngoại biên số 7
Bệnh hiện nay rất phổ biến và có rất nhiều trường hợp mắc. Bệnh do nhiều nguyên nhân, nhưng khoảng trên 75% trường hợp mắc bệnh là do nhiễm lạnh đột ngột làm ảnh hưởng trực tiếp tới dây thần kinh số 7, gây liệt mặt ngoại biên. Còn lại là do biến chứng các loại chấn thương, như: chấn thương sọ ở vùng thái dương, xương chũm, viêm tai mũi họng thường xuyên mà không chữa trị dứt điểm...
Dấu hiệu liệt dây thần kinh ngoại biên số 7
Biểu hiện của bệnh liệt dây thần số 7 ngoại biên rất rõ ràng, ai cũng có thể phát hiện và nhận biết bệnh:
Có thể thấy ngay biểu hiện trên khuôn mặt của bệnh nhân mắc viêm dây thần kinh số 7: nửa mặt trở nên méo mó, mất cân đối, không tự nhiên mà cứng ngắc như mặt nạ, rất khó để biểu hiện cảm xúc vui buồn, tức giận...; nếp nhăn, miệng, nhân trung bị kéo xệch sang phía nửa mặt không bị liệt.
Đối với mắt: mắt không nhắm chặt được do bị liệt cơ khép vòng mi; bên mắt của nửa mặt bị liệt nhìn như chỉ còn lòng trắng do nhãn cầu bị đẩy lên trên; mắt khô hoặc tự chảy nước mắt không kiểm soát.
Đối với tai: đau, một bên tai cảm giác nghe rất lớn.
Đối với miệng: không chum miệng lại được, nói chuyện, cười rất khó khăn.
Nước bọt, nước dãi tiết ra tăng cường không kiểm soát.
Nhiều trường hợp nửa mặt liệt bị tê cứng, hầu như lưỡi không còn cảm giác.
Điều trị liệt dây thần kinh ngoại biên số 7
Điều trị liệt dây thần kinh số 7 bằng châm cứu là phương pháp điều trị phổ biến và mang đến kết quả cao. Phương pháp châm cứu bao gồm: ôn châm, tủy châm, điện châm, điện xung, chạy đèn hồng ngoại... chữa khỏi cho 90% bệnh nhân trong thời gian ngắn.
Còn những bệnh nhân đến bệnh viện điều trị muộn hơn, từ 3 đến 4 tháng thì chức năng của các cơ vùng mặt khó hồi phục, việc điều trị chỉ đỡ được một phần, vẫn để lại di chứng như: méo miệng, mắt nhắm không kín, ăn uống còn rơi vãi, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và giao tiếp của người bệnh.
Phòng tránh liệt dây thần kinh ngoại biên số 7
Để không bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, mọi người cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng cách tập thể dục thể thao thường xuyên; ăn đủ dưỡng chất, tăng cường ăn rau xanh, trái cây chín, uống nước cam, nước chanh hoặc bổ sung vitamin C tổng hợp.
Khi đi ra ngoài, nên đeo khẩu trang giữ ấm trán, đầu, mặt, cổ để tránh tiếp xúc trực tiếp với gió lạnh; hạn chế ở ngoài trời lạnh khi nhiệt độ thấp và luôn giữ ấm cơ thể; khi thức dậy, hãy ngồi lại giường một lúc trước khi ra ngoài.
Vào mùa lạnh, khi đang nằm trong chăn ấm hoặc ở trong nhà mà ra ngoài thì phải mặc thêm áo ấm, nên tắm nước ấm, trong phòng kín và tắm nhanh, tránh tắm nước lạnh và tuyệt đối không nên tắm khuya vì cơ thể rất dễ nhiễm lạnh.
Vào mùa nắng nóng, sử dụng quạt, máy lạnh nhưng không trực tiếp để luồng khí lạnh vào người, nhất là sau gáy.
Khi bị liệt mặt cần đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị sớm, đồng thời cũng để chẩn đoán, loại trừ một số bệnh nguy hiểm khác cũng gây liệt mặt như: chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não, u não...
Trên đây là chia sẻ của chúng tôi về liệt dây thần kinh ngoại biên số 7 cũng như một số biện pháp điều trị và phòng tránh. Hy vọng thông tin này đã bổ sung một chút kiến thức nho nhỏ cho người bệnh trong việc bảo vệ sức khỏe và tính mạng của chính mình.