Hội chứng thắt lưng - hông là gì?

Hội chứng thắt lưng hông có thể gặp trong mọi độ tuổi. Ngày nay, tỷ lệ người mắc chứng đau vùng thắt lưng hông là rất lớn. Mặc dù trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như khả năng làm việc, vận động nhưng phần lớn người bệnh thường tự điều trị và chỉ đến gặp bác sĩ khi bệnh đã có diễn biến phức tạp hơn.

Hội chứng thắt lưng - hông là gì? Hội chứng thắt lưng - hông là gì?

Mặc dù là bệnh lý phổ biến và nguy hiểm, nhưng những hiểu biết về hội chứng thắt lưng hông còn rất hạn hẹp. Hãy cùng HoiBenh tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Hội chứng thắt lưng hông là gì?

Hội chứng thắt lưng hông là tổn thương phối hợp của bệnh lý cột sống thắt lưng và bệnh của dây thần kinh hông to (thần kinh tọa). Những ngày trời rét và ẩm thường làm bệnh trở nặng, gây ra những cơn đau ở vùng thắt lưng hông.

Ở đoạn cột sống thắt lưng có các rễ thần kinh tủy sống L1, L2, L3, L4, L5 liên hệ chặt chẽ với nhau. Khi cột sống hay đĩa đệm này bị tổn thương sẽ khiến các rễ thần kinh cũng gặp thương tổn theo, gây đau thắt lưng hông.

vicare.vn-hoi-chung-that-lung-hong-la-gi-body-1

Nguyên nhân gây ra hội chứng thắt lưng hông

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hội chứng thắt lưng hông. Ngoài những căn bệnh về cột sống, các bệnh về nội tạng và hố chậu, nhiễm khuẩn, tâm lý cũng có thể gây hội chứng thắt lưng hông như sau:

  • Các bệnh về xương khớp, cột sống: bệnh thoái hoá đĩa đệm ở người cao tuổi, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, thoái hóa cột sống thắt lưng cùng, trượt đốt sống bẩm sinh hay do chấn thương, viêm đốt sống, gãy xương cột sống thắt lưng, gãy xương chậu, viêm cột sống, hẹp ống sống...
  • Bệnh ở nội tạng và các cơ quan trong hố chậu: bệnh tim mạch, bệnh dạ dày – ruột, ung thư đại tràng – trực tràng, bệnh tiết niệu, sỏi thận, viêm tụy, viêm túi mật, bệnh đường sinh dục như ung thư tuyến tiền liệt...
  • Một số nguyên nhân trong ống sống: viêm màng nhện tủy dày dính, u màng tủy, áp xe ngoài màng cứng vùng thắt lưng, u rễ thần kinh
  • Người bệnh bị tiêm vùng mông sai kỹ thuật hoặc do chấn thương.
  • Phụ nữ mang thai ở giai đoạn cuối của thai kỳ cũng có thể gặp hội chứng đau thắt lưng hông.
  • Căng thẳng về tâm lý cũng gây đau thắt lưng.
  • Người bệnh bị nhiễm khuẩn, viêm dây thần kinh hông do virus.

Biểu hiện của hội chứng thắt lưng hông

Hội chứng thắt lưng hông được biểu hiện bởi các triệu chứng của hội chứng cột sống hội chứng rễ thần kinh kết hợp với nhau.

  • Ở hội chứng cột sống, bệnh nhên sẽ cảm thấy đau đột ngột ở cột sống thắt lưng hay đau sau khi gặp chấn thương. Cơn đau cũng có thể xuất hiện từ từ và chỉ đau ở các đốt sống nhất định. Cơn đau kéo dài âm ỉ hoặc dữ dội. Nếu được thăm khám bằng cách ấn trên mỏm gai đốt sống, bệnh nhân sẽ thấy đau chói ở những đốt bị tổn thương. Cột sống cũng bị biến dạng và mất dần đường cong sinh lý, có thể bị gù hay lệch vẹo cột sống. Người bệnh gặp khó khăn và bị hạn chế trong việc thực hiện một số động tác như cúi người, ngửa, nghiêng xoay cột cống.
  • Ở hội chứng rễ thần kinh, bệnh nhân bị đau lan theo đường đi của rễ thần kinh và cảm thấy đau nhức và buốt. Đau giảm khi nghỉ ngơi và tăng mạnh khi hoạt động, nhiều trường hợp bị đau mọi lúc mọi nơi khiến người bệnh hạn chế vận động, ảnh hưởng đến lao động và sinh hoạt.
  • Ngoài ra, nhiều người bệnh còn gặp phải các rối loạn thần kinh thực vật, rối loạn vận động, rối loạn cảm giác... Do đó, cần phải được thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cụ thể để chẩn đoán chính xác.

vicare.vn-hoi-chung-that-lung-hong-la-gi-body-2

Điều trị hội chứng đau thắt lưng hông

Nguyên tắc chung để điều trị bệnh vùng đau thắt lưng hông là dựa trên nguyên nhân, kết hợp với việc dùng thuốc và các biện pháp phục hồi chức năng, thay đổi lối sống.

Hầu hết các bệnh nhân điều trị với những phương pháp tự chăm sóc tại nhà. Những cách này bao gồm dán miếng dán nóng hoặc lạnh, giãn cơ, tập thể dục và dùng các loại thuốc giảm đau không kê toa. Nên tập vận động trở lại sớm nhất có thể. Sự phục hồi chức năng có thể ngăn ngừa những chấn thương mới.

Đối với những cơn đau mãn tính và không thể kiểm soát, nên thay đổi các thói quen trong lối sống kèm theo giảm cân và tham gia câu lạc bộ sức khỏe để các triệu chứng được cải thiện. Các bài tập thể dục sẽ giúp bạn chỉnh lại tư thế, làm cơ lưng khỏe mạnh và cải thiện độ dẻo dai.

Bác sĩ có thể chỉ định cho bạn dùng các loại thuốc chống viêm không chứa steroid (NSAID), thuốc làm giãn cơ, thuốc giảm đau và thuốc tiêm steroid có thể được chỉ định. Vật lý trị liệu bằng phương pháp kéo dãn cột sống, thể dục trị liệu, chiếu hồng ngoại hay sóng ngắn... Nếu những phương pháp điều trị này không hiệu quả hoặc đối với những triệu chứng nhất định, cần phải được phẫu thuật. Với các trường hợp liệt, hẹp ống sống thắt lưng, hội chứng đuôi ngựa... cần được phẫu thuật.

Phòng ngừa hội chứng thắt lưng hông

Việc điều trị đau thắt lưng hông cần phải song song với phòng tránh để bệnh không diễn biến nặng hơn và tái phát. Những lưu ý dưới đây bất cứ bệnh nhân nào hay người bình thường cũng cần phải chú ý:

  • Hạn chế việc ngồi liên tục trong một thời gian dài, sau 40-60 phút làm việc nên đứng dậy đi lại khoảng 1 -2 phút để cho xương khớp được thư giãn.
  • Nên đặt điện thoại xa chỗ nghỉ ngơi. Đặc biệt nên đứng khi gọi điện thoại.
  • Không nên ngồi lom khom, ngồi vẹo sang một bên, không ngồi xổm, không vắt chéo chân khi ngồi.
  • Nên đi giày đế bằng, hạn chế cao gót.
  • Đi khám bác sĩ chuyên khoa cột sống/khoa khớp ngay khi có những biểu hiện của bệnh.
  • Nếu phải sử dụng thuốc, hãy sử dụng một cách thận trọng dưới sự giám sát của bác sĩ.
  • Áp dụng một số thủ thuật hỗ trợ trong việc phục hồi chức năng vận động cùng thắt lưng như vận động trị liệu, châm cứu... kết hợp với thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ, thuốc an thần, vitamin nhóm B.
  • Nên giữ cho tư thế người cân bằng khi ngồi và khi làm việc. Hai vai cân đối, cố gắng không để cho người bị lệch vẹo sang một bên trong thời gian dài. Khi ngồi lâu, nên ngồi thẳng lưng.
  • Tránh mang vác vật nặng. Khi buộc phải mang vác một vật nặng, nên lưu ý sao cho hai vai bằng nhau, không lệch vẹo người.

vicare.vn-hoi-chung-that-lung-hong-la-gi-body-3

  • Tập thể dục hay tập bơi, hoặc tập tạ tay, kéo lò xo thì nên tập ở tư thế nằm.
  • Chú ý trong việc sinh hoạt vợ chồng, tránh tình trạng quan hệ sai tư thế, quan hệ với cường độ mạnh... tuyệt đối không quan hệ khi say.
  • Xây dựng chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng, canxi, hạn chế rượu bia và các chất kích thích.

Qua những thông tin trên, hi vọng bạn đã hiểu rõ hơn về hội chứng thắt lưng hông và cách nhận biết cũng như điều trị, phòng ngừa bệnh. Đau thắt lưng hông không phải là một bệnh quá nguy hiểm, hầu hết các trường hợp người bệnh sẽ khỏi mà không cần can thiệp của phẫu thuật. Chúc bạn luôn khỏe mạnh!

Bài viết được bác sĩ Đông y bảo trợ thông tin

Hiền Trần