Hội chứng Cổ vai cánh tay – Nỗi lo của dân văn phòng

Ngồi nhiều, giữ nguyên tư tế và chọn sai ghế ngồi trong một thời gian dài là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra hội chứng Cổ vai cánh tay ở dân văn phòng. Căn bệnh này không chỉ gây ảnh hưởng tới khả năng lao động mà còn tạo ra nguy cơ gây hại cho sức khỏe của người bệnh nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời.

Hội chứng Cổ vai cánh tay – Nỗi lo của dân văn phòng Hội chứng Cổ vai cánh tay – Nỗi lo của dân văn phòng

Hội chứng Cổ vai cánh tay là gì?

Hội chứng cổ vai cánh tay là một nhóm các bệnh lý và rối loạn liên quan đến cột sống cổ có kèm theo triệu chứng chèn ép rễ dây thần kinh cột sống cổ, tủy cổ gây đau và làm tổn thương chức năng cảm giác, cử động và sinh hoạt hàng ngày của vùng cổ, vai, cánh tay.

Trước đây hội chứng được cho là thường gặp ở người cao tuổi do có liên quan đến các bệnh lý thoái hóa khớp và thoát vị đĩa đệm. Tuy nhiên nhiều năm trở lại đây, hội chứng Cổ vai gáy đang có xu hướng trẻ hóa, tập trung chủ yếu ở đối tượng dân văn phòng do họ phải ngồi nhiều, tiếp xúc với máy tính với một tư thế trong một khoảng thời gian dài. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy cho sức khỏe như viêm khớp, thoái hóa khớp, ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng lao động và cống hiến của người lao động.

vicare.vn-hoi-chung-co-vai-canh-tay-noi-lo-cua-dan-van-phong-body-1

Nguy hiểm hơn nữa là nếu không được phát hiện sớm và điều trị, hội chứng Cổ vai cánh tay còn có thể gây ra những biến chứng nguy hại cho sức khỏe như bại liệt cánh tay, biến dạng các đốt sống cổ, mất khả năng cử động các khớp ở vùng cai, cổ và cánh tay và làm tắc nghẽn quá trình lưu thông máu tới các chi ở nửa trên của cơ thể, gây teo cơ, đau đớn, mất khả năng lao động.

Biểu hiện của hội chứng

Ban đầu các triệu chứng của hội chứng không rõ ràng như chỉ đau thành từng đợt ở vùng cổ, sau đó lan ra vai và cánh tay. Sau một thời gian người bệnh sẽ gặp phải khó khăn khi muốn cử động cổ quay đi theo các hướng khác nhau, vùng vai luôn mỏi và tê bại khiến cho cánh tay và bàn tay khó khăn trong việc cầm nắm và hoạt động.

Tiến triển tiếp theo, người bệnh gặp phải nhiều biến chứng nặng nề và gây đau đớn nhiều hơn. Tất cả mọi hoạt động hàng ngày, kể cả ăn ngủ cũng khiến cho Cổ vai và cánh tay cảm thấy đau đớn và tê buốt. Điều này gây cản trở và hạn chế mọi sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân như xoay vặn cổ, cầm nắm đồ đạc, với tay lên cao...

Tình trạng nặng còn dẫn tới hậu quả làm người bệnh mất ngủ dài ngày do đau đớn và tê bại hai cánh tay kéo dài. Nhiều trường hợp còn phải ngủ nửa nằm nửa ngồi để giữ cho hai bên tay không bị chèn ép. Tuy nhiên khi căn bệnh đã tiến triển nặng, bất cứ tác động nào lên tay dù nhẹ hay mạnh cũng sẽ khiến bệnh nhân đau buốt và nhức mỏi.

vicare.vn-hoi-chung-co-vai-canh-tay-noi-lo-cua-dan-van-phong-body-2

Cách điều trị hội chứng Cổ vai cánh tay

Tây y

Trong y học hiện đại, khi đã xác định được hội chứng Cổ vai gáy, tùy vào tình trạng của bệnh mà các bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng các loại thuốc và phương pháp điều trị khác nhau. Có thể kể tới như các loại thuốc giảm đau, chống viêm non-steroid như ibuprofen, diclofenac, paracetamol, aspirin có tác dụng chống viêm và giảm thiếu tối đa các biến chứng trên cột sống, vai và cánh tay của người bệnh. Ngoài ra cũng có thể sử dụng miếng dán Salonpas vì trong sản phẩm có chứa chất kháng viêm có thể thấm thấu qua da giúp giảm đau và giảm tình trạng viêm sưng, tắc nghẽn mạch máu ở các vùng khớp, cơ tổn thương.

Ngoài ra bác sĩ cũng có thể chỉ định cho bạn sử dụng các loại thuốc chống co thắt như mephenesin (decontractyl) để giảm bớt cơn đau, các loại vitamin nhóm B như B1, B6, B12 để làm tăng khả năng dẫn truyền của thần kinh, thông tắc vùng ứ đọng của các mạch máu ở vùng cổ, vai và cánh tay.

Riêng đối với các trường hợp nặng, các bác sĩ rất có thể sẽ chỉ định sử dụng các loại thuốc tiêm để đảm bảo khả năng giảm đau và kháng viêm của thuốc đối với cơ thể. Các loại thuốc tiêm được sử dụng phổ biến hiện nay là lidocain hoặc novocain. Tuy nhiên các sản phẩm thuốc tiêm thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe nên chỉ được sử dụng khi có sự chỉ định, hướng dẫn và tư vấn của bác sĩ.

Đông y

Trong đông y, hội chứng Cổ vai cánh tay thường được liệt vào chứng tý với nguyên tắc điều trị chính là phù chính trừ tà trong đó sẽ sử dụng các phương pháp nhằm phục hồi cơ thể, bổ thận, kiện tì, ích khí, an thần. Các vị thuốc được sử dụng trong chữa trị chứng Cổ vai cánh tay thường được chiết xuất từ các loại thảo dược quý trong thiên nhiên với hàm lượng vừa đủ như phòng phong, cam thảo, bồ công anh, thục địa, quế chi...

Ngoài ra hội chứng Cổ vai cánh tay cũng được khuyến khích sử dụng phương pháp châm cứu để giúp kinh, hoạt lạc, khu phong, tán hàn. Phương pháp được tiến hành chủ yếu là châm tả hoặc châm bổ ở các huyệt phong môn, kiên trung, kiên tỉnh, can du, tam âm giao...Với thời gian từ 25 đến 30 phút cho một lần châm cứu.

vicare.vn-hoi-chung-co-vai-canh-tay-noi-lo-cua-dan-van-phong-body-3

Cách phòng ngừa hội chứng Cổ vai cánh tay

Để phòng ngừa và phòng tránh tái phát hội chứng Cổ vai cánh tay, người bệnh thường được khuyến khích duy trì tư thế đúng trong lúc làm việc, nghỉ ngơi, vui chơi và hoạt động thể thao. Đặc biệt lưu ý với dân văn phòng cần đứng dậy vận động cơ thể sau mỗi 30 phút làm việc để các đốt sống cổ, vùng vai và cánh tay được thư giãn và nghỉ ngơi, tránh tư thế ngồi lệch lạc hoặc ngồi ghế không thích hợp ( ghế quá cao hoặc quá thấp so với người).

Bên cạnh đó cũng đừng quên các bài tập thể dục cho vùng cổ vai cánh tay hàng ngày bằng các bài tập cơ bản để tăng sức đàn hồi và khả năng co giãn cho các vị trí này, tránh nguy cơ bị mỏi hoặc căng cứng có thể gây ra hội chứng cổ vai cánh tay.

Ngoài ra để phòng ngừa hội chứng có thể tái phát, người bệnh cũng có thể sử dụng các loại thuốc đông y có thành phần bổ thận, ích gan, bồi bổ cơ thể, mạnh xương cốt để đảm bảo cho một cơ thể khỏe mạnh và tràn đầy sức sống.

Bài viết được bác sĩ Đông y bảo trợ thông tin

Thu Phương