Hà thủ ô chữa bệnh gì?

Trong dân gian, hà thủ ô được xem như một loại thảo dược quý. “Muốn cho xanh tóc đỏ da, rủ nhau lên núi tìm hà thủ ô”. Vậy bên cạnh công dụng “xanh tóc đỏ da”, liệu hà thủ ô còn công dụng nào khác nữa hay không? Hà thủ ô chữa bệnh gì? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ.

Hà thủ ô chữa bệnh gì? Hà thủ ô chữa bệnh gì?

Trong dân gian, hà thủ ô được xem như một loại thảo dược quý. “Muốn cho xanh tóc đỏ da, rủ nhau lên núi tìm hà thủ ô”. Vậy bên cạnh công dụng “xanh tóc đỏ da”, liệu hà thủ ô còn công dụng nào khác nữa hay không? Hà thủ ô chữa bệnh gì? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ.

Các loại hà thủ ô

Hà thủ ô, tên khoa học là Fallopia multiflora, có hai loại là hà thủ ô đỏ và hà thủ ô trắng. Hà thủ ô được phát hiện mọc hoang và sinh trưởng ở độ cao trên 500m, tại một số tỉnh có vùng núi ở phía bắc như Lạng Sơn, Tuyên Quang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Ba Vì (Hà Nội), Thanh Hóa,... Hiện nay, người ta trồng hà thủ ô tại cả các tỉnh miền Nam và Nam Trung bộ, đặc biệt là Đắk Lắk, Lâm Đồng, Phú Yên, Bình Thuận.

Theo đó:

Hà thủ ô trắng hay nam hà thủ ô: là cây thân leo, thường được thái mỏng phần thân để thay cho hà thủ ô đỏ. Hà thủ ô trắng có mùi thơm dịu nhẹ, vị hơi đắng chát, thân và lá chứa nhiều nhựa, tác dụng đối với cơ thể ít hơn so với hà thủ ô đỏ.

Hà thủ ô đỏ: cũng là cây thân leo, lâu năm.

  • Thân hà thủ ô đỏ mọc xoắn, quấn vào nhau, màu xanh hơi tía, nhẵn, không có gai hay lông, có vân.
  • Rễ cây thuộc loại rễ củ, phồng lên thành củ to. Củ hà thủ ô đỏ hình gần giống củ khoai lang: mặt ngoài nâu đỏ, lồi lõm nhiều, cứng chắc, đặc biệt là cực kì khó bẻ. Cắt ngang củ thấy lớp vỏ nâu sẫm, lớp bên trong hồng, nhiều bột, giữa là lõi gỗ cứng.
  • Lá hà thủ ô đỏ có cuống dài, mọc so le. Phiến lá hình tim, rộng khoảng 2,5 – 5cm, dài từ 4 – 8cm, mép lá hơi lượn sóng, đầu lá nhọn, nhẵn đều hai mặt.
  • Hoa rất nhỏ, đường kính chỉ khoảng 2mm, mọc cách xa nhau ở kẽ lá. Hoa có 8 nhụy, trong đó có 3 nhụy dài hơn, đầu nhụy giống hình mào gà.
  • Bột hà thủ ô đỏ có màu nâu hơi hồng, vị đắng chát, không có mùi. Hà thủ ô đỏ có rất nhiều tác dụng đối với cơ thể. Vì vậy, nói đến công dụng của hà thủ ô, người ta chủ yếu nhắc đến hà thủ ô đỏ.

Ngoài ra, cũng cần phân biệt hà thủ ô đỏ với một loại củ khác: củ nâu. Củ nâu cũng có màu nâu hồng, nâu tím giống như hà thủ ô đỏ. Củ hình bầu dục hoặc hơi tròn. Bên ngoài củ hơi sần sùi, có ít xơ gai nhỏ. Củ cũng cứng, khó bẻ và vị đắng chát. Vì vậy, củ nâu rất dễ nhầm với hà thủ ô đỏ.

Thực chất, theo Y học cổ truyền, củ nâu là một vị thuốc giúp thanh nhiệt, khử trùng, cầm máu, hoạt huyết, trị tiêu chảy, mất nước. Tuy nhiên, củ nâu có chứa tanin gây táo bón, tích độc, hại gan thận. Vì vậy, nếu nhầm lẫn hà thủ ô với củ nâu, dùng dài ngày, sẽ dẫn đến những hậu quả nguy hiểm khó lường.

Thành phần của hà thủ ô

vicare.vn-ha-thu-o-chua-benh-gi-body-1

Thành phần của hà thủ ô, hay hà thủ ô đỏ bao gồm:

  • 1,1% protide
  • 3,1% lipid
  • 45,2% tinh bột
  • 4,5% các chất vô cơ
  • 1,7% anthraglycoside (bao gồm: rhein, emodin, chrysophanol, physcion): nhóm chất này rất tốt cho các tạng như thận, gan, tử cung.
  • 26,45g các chất - hợp chất tan trong nước:
  • Lecithin: kích thích quá trình trao đổi chất của cơ thể, giúp giải độc, rất tốt cho hệ thần kinh, hệ tuần hoàn.
  • Rhaponticin: có tác dụng hỗ trợ quá trình thải lọc đường máu.
  • Anthraquinon: công dụng nhuận tràng, hỗ trợ điều trị sốt rét, ung thư. Anthraquinon bao gồm dẫn xuất anthraquinon tự do và dẫn xuất anthraquinon toàn phần. Theo đó:
  • Trong hà thủ ô chưa chế biến có chứa 0,25% anthraquinon tự do và 0,8058% anthraquinon toàn phần.
  • Trong hà thủ ô đã qua chế biến, tỉ lệ anthraquinon tự do là 0,1127%, anthraquinon toàn phần là 0,2496%.
  • Tannin: giúp bổ huyết, kháng viêm, kháng virus. Tanin chiếm 7,68% trong thành phần của hà thủ ô.

Theo Y học cổ truyền, hàm lượng dược tính cao nhất là ở rễ cây hà thủ ô. Thân, lá, hoa ít dược tính. Vì vậy rễ hay củ hà thủ ô thường được dùng để chế biến dược liệu. Củ hà thủ ô có vị đắng, hơi chát, ngọt nhẹ, có tính mát. Có rất nhiều bài thuốc chữa bệnh có thành phần là hà thủ ô. Vậy hà thủ ô chữa bệnh gì?

Hà thủ ô chữa bệnh gì?

Theo Y học cổ truyền, nói chung, khi ngũ tạng (tâm, can, tỳ, phế, vị) suy yếu hoặc hoạt động kém nhịp nhàng, sẽ dẫn đến khí huyết kém lưu thông, cơ thể suy nhược, từ đó làm da xanh xao, tóc bạc và rụng nhiều. Hà thủ ô căn bản giúp điều hòa ngũ tạng, vì vậy chữa được nhiều bệnh, trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến ngũ tạng.

Có thể kể đến như:

Chữa rụng tóc: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến rụng tóc như chất độc từ nguồn nước, tóc khô cứng do dầu gội hoặc sản phẩm dưỡng tóc không phù hợp,... Trong đó, một nguyên nhân rất thường gặp là căng thẳng, mệt mỏi kéo dài. Hà thủ ô có tác dụng bổ huyết, nhuận tràng, mát gan, làm giảm lo âu, suy nhược,... vì vậy giúp giảm rụng tóc và kích thích mọc tóc mới. Tác dụng này thường sẽ thấy sau 1 - 2 tháng dùng thuốc.

vicare.vn-ha-thu-o-chua-benh-gi-body-2

Chữa bệnh bạc tóc sớm: Nhiều người bạc tóc khá sớm, bạc nhiều, làm ảnh hưởng không nhỏ đến ngoại hình. Rất nhiều người tìm đến thuốc nhuộm tóc hay một số viên uống đen tóc khác, nhưng hiệu quả cũng không được lâu. Hà thủ ô, với dược tính đi sâu vào cơ thể, có tác dụng phục hồi tóc tận gốc, giúp người dùng giảm đáng kể tình trạng tóc bạc sớm. Thường sau 4 - 6 tháng dùng thuốc sẽ nhìn thấy hiệu quả rõ rệt.

Giảm mỡ máu, chữa bệnh cao huyết áp, bệnh đái tháo đường: Các bệnh toàn thân này đều có vai trò quan trọng của tình trạng rối loạn lipid. Hà thủ ô chứa tannin cùng với 2, 3, 4, 5 - tetrahydroxystribene - 2 - о - β - D - glucoside có tác dụng hỗ trợ cân bằng lipid máu. Vì vậy, người bị tăng mỡ máu, cao huyết áp, đái tháo đường dùng hà thủ ô thường xuyên sẽ giúp làm chậm quá trình phát triển và ngăn ngừa biến chứng của bệnh.

Hà thủ ô tốt cho hệ thần kinh nhờ hoạt chất lecithin. Lecithin có tác dụng bảo vệ tế bào não, làm nền cho vỏ bọc dây thần kinh, đảm bảo các hoạt động của hệ thần kinh. Do đó, hà thủ ô chữa được các bệnh:

  • Đau đầu
  • Mất ngủ
  • Tổn thương dây thần kinh
  • Thần kinh suy nhược

Giúp tăng cường sinh lực cho nam giới: Hà thủ ô có tác dụng kích thích sản sinh nội tiết tố nam, do đó có tác dụng hỗ trợ chữa di tinh, yếu tinh, yếu sinh lý ở nam giới. Các chuyên gia y học cổ truyền khuyên người nam yếu sinh lý, khó có con nên thường xuyên dùng hà thủ ô, trong thời gian dài.

Chữa suy giảm trí nhớ: Theo các nghiên cứu, người uống hà thủ ô trong bệnh cảnh suy giảm trí nhớ, kém tập trung có những tiến triển tích cực sau một thời gian sử dụng. Lý giải hiện tượng này, các nhà khoa học cho rằng hà thủ ô có tác dụng làm giảm nồng độ amyloid beta - một trong những nguyên nhân quan trọng gây giảm trí nhớ.

Theo một nghiên cứu tại Trung Quốc, hà thủ ô chứa một số hoạt chất ức chế cực mạnh khi tương tác với virus HIV.

Hà thủ ô giúp hạn chế, ngăn chặn quá trình phân bào của tế bào MCF-7. Nhờ vậy, giảm thiểu sự sản sinh bất thường của các tế bào có thể gây ung thư, hay làm chậm lại sự phát triển của mô u ác tính.

Chữa viêm gan, suy gan, tăng men gan, bổ cho gan: nhờ hoạt chất Lecithin có trong hà thủ ô giúp hỗ trợ thải độc gan và làm nhẹ gánh nặng cho gan.

Làm chậm quá trình lão hóa da nhờ tác dụng hoạt huyết: tăng hồng cầu, bạch cầu, giảm sản sinh sắc tố melanin làm tối màu da. Nhờ đó da trở nên căng bóng, mịn màng và hồng hào hơn.

Hiệu quả thải độc gan còn giúp cho người thường xuyên uống hà thủ ô giảm đáng kể tình trang mụn, mẩn ngứa trên da.

Bên cạnh chữa bệnh, hà thủ ô còn được xem như một loại thuốc bổ với tác dụng chung là bồi bổ cơ thể, thường được dùng cho người suy nhược cơ thể, người mới ốm dậy, người cao tuổi,... Một số tác dụng bồi bổ của hà thủ ô được ghi nhận là:

  • Bổ máu
  • Nhuận tràng, giúp ăn uống ngon miệng hơn
  • An thần, ngủ sâu giấc
  • Tăng đề kháng, tăng cân sau suy nhược cơ thể, ốm yếu
  • Lợi tiểu
  • Làm chậm quá trình lão hóa
  • Tăng sinh lý
  • Tăng hoạt động tim mạch
  • Có lợi cho xương khớp
  • Mát gan, thải độc
  • Tốt cho người đang mang thai với tình trạng thiếu máu, mệt mỏi kéo dài. Mặc dù vậy, việc sử dụng hà thủ ô ở phụ nữ có thai cũng cần có ý kiến của bác sĩ sản khoa.

Mặc dù có rất nhiều tác dụng, nhưng giống như tất cả các loại dược chất khác, hà thủ ô cũng có những tác dụng không mong muốn mà người dùng cần biết để lưu ý khi quyết định hay trong và sau quá trình sử dụng:

  • Rối loạn tiêu hóa: nôn, buồn nôn, tiêu chảy, chán ăn,...
  • Hại thận
  • Đái máu, bí đái
  • Táo bón
  • Tăng huyết áp

Hầu hết các tác dụng không mong muốn này xảy ra là do hà thủ ô không được sơ chế đúng cách hay bị lạm dụng, uống quá nhiều, quá kéo dài mà không có sự hướng dẫn, lời khuyên từ những người có chuyên môn.

Bên cạnh đó, việc hà thủ ô được dùng song song với một số loại thuốc Tây y cũng dẫn đến những tương tác như:

  • Làm tăng tác dụng của thuốc hạ huyết áp khi dùng chung với thuốc chống đông máu.
  • Làm tăng nguy cơ hạ kali máu khi được dùng kết hợp với thuốc lợi tiểu nhóm mất kali.

Hà thủ ô thường không dùng cho phụ nữ có thai, đang cho con bú hoặc trẻ em. Hà thủ ô cũng được khuyên hạn chế hoặc không dùng với người mắc chứng tiêu chảy hay có phản ứng dị ứng với các loại thảo mộc.

vicare.vn-ha-thu-o-chua-benh-gi-body-3

Cách chế biến và một số bài thuốc từ hà thủ ô

Củ hà thủ ô, cần được chế biến đúng cách để phát huy tối đa dược lực và bảo quản được lâu. Có 2 cách chế biến cơ bản đối với hà thủ ô, là nghiền thành bột sắc hoặc ngâm rượu.

Với cách làm bột hà thủ ô, cụ thể như sau:

  • Sau khi thu hoạch, thường là vào mùa thu, củ hà thủ ô được cắt bỏ đầu, rửa sạch, cắt thành miếng, phơi hoặc sấy khô.
  • Sau khi đã khô, đem cạo vỏ rồi rửa sạch, ngâm hà thủ ô với nước vo gạo khoảng 1 - 4 ngày đêm (24 - 96 giờ). Ủ cho củ mềm rồi đem thái thành từng lát nhỏ.
  • Chuẩn bị một lượng nhỏ đậu đen. Trung bình cứ khoảng 10kg hà thủ ô thì chỉ cần dùng 100g đậu đen. Nhặt bỏ hạt sâu, hạt lép, rửa sạch, ngâm trong nước ở nhiệt độ thường khoảng 30 phút.
  • Đem hấp hà thủ ô cùng đậu đen theo tỉ lệ như trên, đến khi hạt đậu đen chín nhừ.
  • Để nguội, bỏ lõi hà thủ ô rồi phơi khô.
  • Lặp lại ít nhất 9 lần quy trình trên để hà thủ ô phát huy tối đa công dụng khi dùng.

Một số bài thuốc từ hà thủ ô sắc uống được dân gian và các lương y ghi lại:

  • Bài thuốc làm giảm mỡ máu: Hà thủ ô tươi đem rang giòn, nghiền thành bột, bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát. Pha bột hà thủ ô với nước ấm, mỗi lần pha khoảng 15g. Ngày uống 2 lần, uống liên tục trong 30 ngày.
  • Bài thuốc giúp lưu thông khí huyết, chắc khỏe gân cốt, xanh tóc đỏ da, bền tinh khí, kéo dài tuổi thọ: Chế biến cùng với đậu đen như đã trình bày ở trên. Có thể bổ sung thêm hà thủ ô trắng với lượng ngang với hà thủ ô đỏ. Sấy khô, tán bột, ta có thành phẩm bột hà thủ ô - đỗ đen có thể uống dài ngày như một vị thuốc bổ. Trong đó, mỗi ngày sắc khoảng 50g bột với 3 bát nước, lấy 1 bát, uống hết trong ngày.
  • Bài thuốc trị chứng xơ cứng, tắc mạch máu, cao huyết áp, chứng yếu tinh, yếu sinh lý, khó có con ở nam giới: mỗi thang bao gồm: 20g hà thủ ô, 16g ngưu tất, 16g kỳ tử, 16g tầm gửi dâu. Đem sắc uống theo từng thang đã được định lượng sẵn.
  • Trộn thêm 1 thìa mật ong với hà thủ ô khi sắc hoặc nghiền có thể làm tăng tác dụng của hà thủ ô.

Bên cạnh đó, ngâm rượu hà thủ ô cũng là một cách thường được dùng để sử dụng củ hà thủ ô hiệu quả. Rượu hà thủ ô bổ huyết, dự phòng các bệnh lý xương cốt, hỗ trợ tăng cường sinh lý cho đàn ông. Cách chế biến như sau:

Chuẩn bị:

  • 3kg hà thủ ô (tốt nhất nên dùng hà thủ ô đỏ)
  • 500g đậu đen
  • 7l rượu trắng, nồng độ cồn không quá 50 độ
  • 1l Nước vo gạo
  • Bình ngâm rượu

Ngâm rượu:

  • Sơ chế hà thủ ô cùng với đậu đen như cách sơ chế làm bột hà thủ ô
  • Rang đậu đen, nhỏ lửa đến khi có mùi thơm. Lưu ý chỉ rang đến lúc lên mùi, nếu rang kĩ quá sẽ làm mất tác dụng của đậu đen trong rượu hà thủ ô.
  • Cho hà thủ ô và đậu đen vừa rang vào bình, đổ rượu, đậy kín.
  • Để khoảng 3 - 6 tháng là có thể uống.

Uống rượu hà thủ ô:

  • Uống rượu hà thủ ô đều đặn, có định lượng. Mỗi ngày 10 - 20ml rượu hà thủ ô, chia làm 2 lần uống trong bữa cơm, từ 1 - 3 tháng.
  • Lưu ý kiêng ăn hành, tỏi, củ cải trắng trong quá trình uống rượu hà thủ ô.
  • Tránh ăn đồ cay nóng: đồ chứa quá nhiều ớt, gừng, tiêu, hành tây,...
  • Không nên uống quá nhiều rượu hà thủ ô, vì thực chất đây vẫn là rượu. Nếu uống quá nhiều sẽ gây hại cho gan, gây độc thần kinh và rất nhiều hậu quả khác do chứng nghiện rượu gây ra.

Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng hà thủ ô chữa bệnh

vicare.vn-ha-thu-o-chua-benh-gi-body-4
Phụ nữ có thai nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng hà thủ ô chữa bệnh

Với những lợi ích và nguy cơ rõ rệt như trên, bạn đọc cần lưu ý hỏi ý kiến bác sĩ điều trị khi muốn bắt đầu sử dụng hà thủ ô. Đặc biệt trong các trường hợp:

  • Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú
  • Cơ địa đã từng dị ứng với thảo mộc hoặc thành phần của hà thủ ô
  • Mang một bệnh lý toàn thân hoặc tại chỗ, đang điều trị hay đã ổn định.
  • Mang bất kì một mẫn cảm nào khác: dị ứng phấn hoa, chất bảo quản,...

Ngay cả khi đã được sự đồng ý của bác sĩ, nhưng trong quá trình sử dụng, bạn thấy có dấu hiệu bất thường của cơ thể, hoặc tăng nặng bệnh, hay bệnh không thuyên giảm khi đã dùng hà thủ ô kéo dài, bạn cũng nên ngừng uống và đi kiểm tra lại.

Xem thêm:

  • 17 bệnh lý điều trị hiệu quả bởi Phương pháp Tác động cột sống
  • Cây mật gấu trị bệnh gì?
  • Cách sử dụng An cung ngưu hoàng hoàn