Gia tăng kháng thuốc vì "bác sĩ Google" hướng dẫn dùng thuốc kháng sinh
Giao mùa, nhiệt độ trong ngày thay đổi đột ngột khiến bệnh nhi phải nhập viện gia tăng so với bình thường. Không ít bậc phụ huynh khi thấy con ho, sốt, sổ mũi... liền lên mạng tra cứu thông tin, sau đó tự mua thuốc kháng sinh cho uống. Chính sự trợ giúp của “bác sĩ Google” đã góp phần làm cho Việt Nam trở thành quốc gia có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới.
Gia tăng kháng thuốc vì "bác sĩ Google" hướng dẫn dùng thuốc kháng sinh
Miền Bắc đang bước vào thời điểm giao mùa, nhiệt độ trong ngày thay đổi đột ngột khiến số lượng bệnh nhi phải nhập viện gia tăng so với bình thường. Không ít bậc phụ huynh khi thấy con ho, sốt, sổ mũi... liền lên mạng tra cứu thông tin, sau đó tự mua thuốc kháng sinh cho uống. Chính sự trợ giúp của “bác sĩ Google” đã góp phần làm cho Việt Nam trở thành quốc gia có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới.
Hễ sụt sịt là dùng kháng sinh
Những ngày qua, tại Khoa Nhi, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Hà Nội, lượng bệnh nhi tới khám các bệnh: Tiêu chảy cấp, sốt vi rút, bệnh liên quan đến đường hô hấp... tăng cao. Bác sĩ Nguyễn Thị Anh Xuân, Trưởng khoa Nhi cho biết, với mỗi bệnh nhi, câu đầu tiên bác sĩ thường hỏi bố mẹ là bé đã sử dụng thuốc gì trước khi tới viện. Và câu trả lời của hầu hết các phụ huynh là tự ý mua thuốc về điều trị nhưng không khỏi...
Bế con nhỏ 3 tuổi trong tình trạng da xanh xao, thở khò khè, chị Dương Kim Dung (ở phố Phương Mai, quận Đống Đa) chia sẻ, cứ mỗi lần con ốm, chị lại lên mạng tra cứu các triệu chứng, rồi điều trị theo chỉ định của “bác sĩ Google”. Lần này cũng vậy, thấy con húng hắng ho, sổ mũi, nghĩ con bị viêm họng nên chị mua kháng sinh cho con uống, nhưng đã gần 1 tuần mà bệnh chưa thuyên giảm. Khi đến bệnh viện, bác sĩ thông báo cháu bị biến chứng viêm phổi nặng...
Một nghiên cứu của Bộ Y tế cho thấy, từ năm 2009 đến nay, lượng thuốc kháng sinh ở Việt Nam bán ra cộng đồng đã tăng gấp 2 lần do việc tự ý sử dụng thuốc của người dân. Ở thành thị, 88% người dân tự mua thuốc điều trị, ở nông thôn tỷ lệ này lên tới 91%. Vì việc mua thuốc kháng sinh quá dễ, khiến tình trạng kháng thuốc ngày càng trầm trọng. Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, dùng kháng sinh là “con dao hai lưỡi”, có thể đem tới hậu quả khôn lường. Hiện có tới 80-90% người bệnh tìm đến bác sĩ sau khi sử dụng kháng sinh ở nhà không hiệu quả. Nhiều người không hiểu rằng, không phải bệnh gì cũng uống kháng sinh là khỏi, thậm chí uống kháng sinh không đúng, không đủ liều còn dẫn đến hình thành các vi khuẩn kháng thuốc.
“Có trường hợp khi nhập viện chỉ bị viêm đường hô hấp nhưng do kháng kháng sinh, điều trị mãi không khỏi và chuyển sang viêm phổi cấp. Với những ca bệnh như vậy, bác sĩ phải rất vất vả để giành giật sự sống cho bệnh nhân; cũng có lúc chúng tôi trở tay không kịp, bởi bệnh nhân đã mất đi “thời gian vàng” để trị bệnh” - bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng cho biết.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, phụ trách Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương lo ngại, khi người bệnh mang mầm bệnh kháng kháng sinh thông thường sẽ phải sử dụng kháng sinh thế hệ mới, kết hợp nhiều loại, khả năng thành công thấp, tỷ lệ tử vong cao, thời gian nằm viện kéo dài, điều trị khó khăn, chi phí khám và điều trị bệnh tăng. Hơn nữa, việc sử dụng phối hợp nhiều kháng sinh liều cao sẽ làm gia tăng các tác dụng phụ như: Suy thận, suy gan...
Tăng cường kiểm soát thuốc kháng sinh
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã liệt Việt Nam vào danh sách quốc gia có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất toàn cầu. Theo quy định, muốn mua thuốc kháng sinh phải có đơn của bác sĩ, song trên thực tế, người dân có thể mua thuốc kháng sinh ở bất cứ đâu mà không cần đơn. WHO cảnh báo, đến năm 2050, cứ 3 giây sẽ có một người tử vong do các vi khuẩn kháng thuốc, tương đương khoảng 10 triệu người mỗi năm.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám và điều trị bệnh (Bộ Y tế), tình trạng kháng thuốc diễn ra ngày càng trầm trọng, phần lớn xuất phát từ chưa quản lý được việc mua, bán thuốc kháng sinh tự do. Quá trình thanh, kiểm tra của lực lượng chức năng đã phát hiện, có 3 loại kháng sinh đang bán phổ biến mà không cần đơn của bác sĩ, đó là: Amoxicilin, Cephalexin, Azithromycin, khiến chúng ta phải đối mặt với tốc độ lan rộng của các vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh. Trong khi các quốc gia phát triển vẫn sử dụng kháng sinh thế hệ 1, thì Việt Nam đã sử dụng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4; chi phí kháng sinh trong điều trị chiếm tới 17% tổng chi cho phí dịch vụ khám, điều trị bệnh của người dân. Đáng lo ngại hơn, ở nước ta đã xuất hiện một vài loại siêu vi khuẩn kháng lại tất cả các loại kháng sinh.
Để hạn chế tình trạng này, Bộ Y tế đã thành lập nhóm kỹ thuật về giám sát kháng thuốc giai đoạn 2017-2020. Nhóm có nhiệm vụ tham gia phối hợp, đánh giá, báo cáo giám sát về kháng thuốc và đưa ra các giải pháp ngăn chặn sự gia tăng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh thường gặp. Ngành Y tế cũng sẽ tăng cường áp dụng các giải pháp cấp thiết: Tuyên truyền việc sử dụng kháng sinh đúng cho cả bác sĩ điều trị, người bán thuốc và người bệnh; kháng sinh chỉ bán theo đơn, người bệnh tuân thủ điều trị, sử dụng đúng hướng dẫn...
“Lên mạng tra cứu thông tin về sức khỏe, bệnh tật là điều cần thiết. Song, tra cứu để tìm hiểu xem bệnh có nghiêm trọng không, nên khám ở đâu, chứ nhắm mắt làm theo chỉ dẫn của “bác sĩ Google” là cách làm sai lầm và nguy hiểm” - bác sĩ Nguyễn Trung Cấp khuyến cáo.
Theo PGS.TS Đoàn Mai Phương, Trưởng khoa Vi sinh, Bệnh viện Bạch Mai, một nghiên cứu mới đây tại các tỉnh phía Nam cho thấy, vi khuẩn đường ruột Ecoli kháng kháng sinh lên tới 74,6%; tỷ lệ kháng của vi khuẩn gây nhiễm trùng K.pneumoniae gần 60%; khuẩn A.baumannii gây nhiễm khuẩn bệnh viện có tỷ lệ kháng với hầu hết các loại kháng sinh ở mức trên 90%; carbapenem là nhóm kháng sinh mạnh nhất hiện nay cũng có tỷ lệ kháng thuốc lên tới 50%... Trong khi đó, tốc độ tìm ra kháng sinh mới trên thế giới không kịp so với mức độ gia tăng của các vi khuẩn kháng kháng sinh.
Theo Hà Nội Mới