Dự phòng nhiễm trùng đường tiết niệu sau sinh
Nhiễm trùng đường tiết niệu xuất hiện khi tác nhân gây bệnh xâm nhập vào đường tiểu, thường là qua niệu đạo và gây nhiễm trùng. Trong một số trường hợp, vi khuẩn có thể di chuyển tới thận và gây viêm thận. Hãy cùng HoiBenh tìm hiểu căn bệnh này
Dự phòng nhiễm trùng đường tiết niệu sau sinh
Mang thai - sinh con là thiên chức cao cả của người phụ nữ và đó cũng là lúc người phụ nữ chấp nhận hy sinh sức khỏe của mình. Bởi lẽ mang thai khiến cơ thể người mẹ thay đổi theo nhiều cách và những thay đổi này ảnh hưởng tới cơ thể người phụ nữ ngay cả sau khi sinh con. Trong quá trình cơ thể phục hồi, người mẹ có thể phải đối phó với nhiều vấn đề sau sinh ở những mức độ khác nhau. Một trong những rắc rối phổ biến các người mẹ phải đối mặt sau khi sinh con là nhiễm trùng đường tiết niệu.
Nhiễm trùng đường tiết niệu xuất hiện khi tác nhân gây bệnh xâm nhập vào đường tiểu, thường là qua niệu đạo và gây nhiễm trùng. Trong một số trường hợp, vi khuẩn có thể di chuyển tới thận và gây viêm thận. Hãy cùng HoiBenh tìm hiểu dự phòng nhiễm trùng đường tiết niệu sau sinh
Nguyên nhân gây ra nhiễm trùng đường tiết niệu sau sinh
Nhiễm trùng đường tiết niệu xuất hiện điển hình khi vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu qua niệu đạo và bắt đầu nhân lên ở bàng quang. Thông thường đường tiết liệu có những đặc tính để chống lại sự nhiễm trùng thông qua ức chế sự phát triển của vi khuẩn và loại bỏ những tác nhân vi khuẩn gây bệnh đó. Tuy nhiên, có một số yếu tố làm tăng nguy cơ xâm nhập của vi khuẩn vào đường tiết niệu, lưu trú và nhân lên cho đến khi gây ra nhiễm trùng thực sự. Một số ít trường hợp bị nhiễm trùng đường tiết niệu do vi khuẩn đến từ đường máu. Đại đa số các trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu là do vi khuẩn gram âm gây ra, hay gặp nhất là Escherichia coli (E.coli). Ngoài ra còn do Klebsiella Proteus, Pseumodonas hoặc Enterobacter. Vi khuẩn gram ít gặp hơn. Hiếm hơn là các vi khuẩn bệnh viện, nấm, virus...
Cơ sàn chậu là bộ phận giúp giữ chặt niệu đạo để nước tiểu không rò rỉ ra ngoài. Trong khi sinh con, những cơ này bị yếu đi cùng với dây chằng, dây thần kinh và cơ bụng dưới. Kết quả là chúng hoạt động kém đi. Mang thai cũng khiến bàng quang hoạt động kém và nước tiểu khó thoát đi hết. Điều này làm cho nước tiểu dễ bị chảy ngược lại niệu quản. Nước tiểu càng ở lại lâu trong đường niệu, nguy cơ vi khuẩn sinh sôi càng lớn, do vậy tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Đặc biệt, chúng ta biết rằng niệu đạo của phụ nữ (dài 4cm) ngắn hơn so với nam giới (20cm) khiến vi khuẩn dễ tấn công bàng quang. Do vậy, nhiễm trùng đường tiết niệu ở phụ nữ phổ biến hơn ở nam giới. Mang thai khiến phụ nữ càng dễ bị tổn thương hơn.
Triệu chứng lâm sàng của bệnh
Không phải người mẹ nào sau sinh khi bị bệnh cũng có các dấu hiệu trên lâm sàng một cách điển hình và rõ rệt nhưng hầu hết các bệnh nhân này đều có một số biểu hiện rõ rệt:
- Luôn có cảm giác buồn tiểu và đi tiểu nhiều lần, mỗi lần chỉ được một lượng ít nước tiểu (tiểu rắt),
- Có máu trong nước tiểu, có thể là khi đi tiểu gần hết hay trong toàn bộ nước tiểu (đái máu cuối bãi hoặc toàn bãi): nước tiểu có thể có màu đục và có mùi hôi.
- Ngoài ra có thể quan sát triệu chứng đặc biệt khác tùy theo phần nào của đường tiết niệu bị nhiễm trùng.
- Nếu là bị viêm bể thận cấp tính: đau vùng hông lưng hoặc mạng sườn, sốt cao, có thể kèm theo có run, buồn nôn và nôn.
- Nếu là viêm bàng quang: cảm giác tức nằng vùng bụng dưới hoặc đau tức, khó chịu vùng hạ vị, tiểu buốt, rắt và nước tiểu có mùi hôi.
- Nếu là viêm niệu đạo: cảm giác bỏng rát khi đi tiểu
Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu sau sinh như thế nào?
Việc điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu ở đây bao gồm diệt trừ những vi rút gây bệnh và loại trừ các yếu tố thuận lợi nếu có. Kháng sinh là lựa chọn hàng đầu cho những người nhiễm đường tiết niệu điển hình và có tình trạng sức khỏe tốt. Loại thuốc và thời gian điều trị tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, loại vi khuẩn phân lập được từ nước tiểu và vị trí nhiễm trùng. Các loại thuốc điều trị bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu thông thường được hay sử dụng nhất là: nitrofurantoin, trimetoprim - sunfamethoxazol, nhóm beta- lacta-min, nhóm aminoglycosid và nhóm quinolon.
Đối với phụ nữ sau sinh, việc cho con bú là rất quan trọng, các loại thuốc kháng sinh điều trị trong viêm đường tiết niệu thường là kháng sinh loại mạnh, cho nên điều trị như thế nào cần có sự chỉ định của bác sĩ, tự ý uống thuốc kháng sinh còn có thể khiến chị của bạn bị mất sữa. Bạn nên đưa chị đến cơ sở y tế gần nhà để được các bác sĩ thăm khám, làm xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh, từ đó mới đưa ra được phác đồ điều trị thích hợp. Với phụ nữ sau sinh bị viêm đường tiết niệu cần uống nhiều nước, giúp vi khuẩn được đào thải ra ngoài thông qua đường tiểu đồng thời uống nhiều nước cũng giúp mẹ mới sinh có nhiều sữa hơn cho con bú.
Dự phòng nhiễm trùng đường tiết niệu sau sinh
Bên cạnh việc điều trị bệnh bằng kháng sinh, thì dự phòng nhiễm trùng đường tiết niệu là việc làm vô cùng cần thiết giúp chúng ta bảo vệ được sức khỏe của chính mình đặc biệt là sức khỏe của phụ nữ sau sinh. Một số cách sự phòng bệnh như:
- Uống nhiều nước giúp đẩy vi khuẩn ra khỏi hệ bài tiết.
- Không nhịn tiểu mỗi khi buồn tiểu.
- Uống nước ép nam việt quất: loại nước ép này được khoa học chứng minh là điều trị cũng như dự phòng nhiễm trùng đường tiểu bằng cách ngăn chặn vi sinh vật gây bệnh bám vào thành đường niệu.
- Dùng thực phẩm chứa nhiều vitamin C để giúp nước tiểu có tính axít hơn, giúp cơ thể phá hủy và giảm số lượng vi khuẩn gây nhiễm trùng trong hệ tiết niệu.
- Thực hành vệ sinh tốt. Tránh dùng tampon, và thay băng vệ sinh thường xuyên khi có kinh nguyệt hoặc ra sản dịch.
- Tránh sử dụng các sản phẩm có mùi thơm, kem hoặc gel quanh âm hộ vì chúng có thể làm tăng khả năng nhạy cảm với nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Mỗi khi tiểu tiện hay khi đại tiện cần lau từ trước ra sau để tránh lây lan vi khuẩn từ hậu môn lên âm đạo, niệu đạo.
- Mặc quần áo rộng để bộ phận sinh dục luôn khô ráo và ngăn ngừa vi khuẩn phát triển.
- Thận trọng khi quan hệ tình dục. Đi tiểu ngay sau khi quan hệ tình dục để đẩy vi khuẩn ra ngoài. Đồng thời vệ sinh âm đạo bằng nước ngay sau khi giao hợp.
- Tránh kích thích niêm mạc đường sinh dục bằng việc dùng các loại sản phẩm xịt thơm, vòi xịt , phấn...
- Cách điều trị viêm đường tiết niệu ở phụ nữ
- 5 địa chỉ điều trị bệnh viêm đường tiết niệu uy tín tại Hà Nội