Độc tính của thuốc Acetaminophen khi dùng quá liều

Acetaminophen là một trong những thuốc giảm đau hạ sốt đường uống được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Tên gọi khác của hoạt chất này chính là Paracetamol. Một số chế phẩm thông dụng chứa acetaminophen là Panadol, Efferalgan, Hapacol, Tylenol... Thuốc khá an toàn khi sử dụng nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc dẫn đến hoại tử gan nếu dùng quá liều.

Độc tính của thuốc Acetaminophen khi dùng quá liều Độc tính của thuốc Acetaminophen khi dùng quá liều

Acetaminophen là một trong những thuốc giảm đau hạ sốt đường uống được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Tên gọi khác của hoạt chất này chính là Paracetamol. Một số chế phẩm thông dụng chứa acetaminophen là Panadol, Efferalgan, Hapacol, Tylenol... Thuốc khá an toàn khi sử dụng nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc dẫn đến hoại tử gan nếu dùng quá liều.

Tác dụng điều trị bệnh của acetaminophen

Acetaminophen là thuốc giảm đau - hạ sốt hiệu quả, có thể thay thế aspirin. Tuy nhiên, khác với aspirin, acetaminophen không có hiệu quả điều trị viêm. Với liều ngang nhau tính theo gam, thuốc có tác dụng giảm đau và hạ sốt tương tự như aspirin nhưng không gây ra tác dụng phụ lên dạ dày và tiểu cầu như aspirin.

Acetaminophen làm giảm thân nhiệt ở người bệnh sốt, nhưng hiếm khi làm giảm thân nhiệt ở người bình thường. Thuốc tác động lên vùng dưới đồi gây hạ nhiệt, tăng tỏa nhiệt do giãn mạch và tăng lưu lượng máu ngoại biên. Acetaminophen được hấp thu nhanh chóng và hầu như hoàn toàn qua đường tiêu hóa. Nồng độ thuốc trong máu đạt tối đa và cho hiệu quả điều trị sau 30 - 60 phút dùng thuốc.

Acetaminophen được dùng rộng rãi trong điều trị các chứng đau và sốt từ nhẹ đến vừa. Thuốc có hiệu quả nhất trong việc làm giảm đau cường độ thấp và đau có nguồn gốc không phải nội tạng. Acetaminophen không có tác dụng trị thấp khớp. Liệu pháp hạ sốt của acetaminophen không đặc hiệu, không ảnh hưởng đến tiến triển của bệnh lý và có thể che lấp tình trạng bệnh của bệnh nhân.

vicare.vn-doc-tinh-cua-thuoc-acetaminophen-khi-dung-qua-lieu-body-1

Acetaminophen có thể gây ngộ độc gan nếu dùng quá liều

Hoạt chất này đã được rất nhiều nghiên cứu chứng minh tính an toàn tuyệt vời của nó khi sử dụng ở liều điều trị thích hợp. Quy cách đóng gói thông dụng nhất của acetaminophen là 500mg (paracetamol 500mg). Tuy nhiên khi dùng quá liều, nhiễm độc gan sẽ xảy ra. Tại Hoa Kỳ, độc tính trên gan của hoạt chất này đã vượt qua viêm gan do virus và trở thành nguyên nhân phổ biến nhất gây suy gan cấp tính.

Điều này được giải thích là do thuốc chuyển hóa chủ yếu ở gan trở thành chất không còn hoạt tính và thải ra ngoài. Acetaminophen khi vào đến gan bị hydroxyl hóa tạo nên N - acetyl – benzoquinonimin, một chất có độc tính cao. Bình thường, chất chuyển hóa này sẽ phản ứng với các nhóm sulfhydryl trong glutathion của gan và bị khử độc tính. Tuy nhiên, nếu uống liều quá cao acetaminophen, chất chuyển hóa này được tạo thành vượt mức cho phép làm cạn kiệt glutathion của gan. Khi đó, chất chuyển hóa có độc tính sẽ phản ứng với nhóm sulfhydryl của protein gan dẫn đến hoại tử gan.

Liều lượng gây độc cho gan của acetaminophen

Hầu hết bệnh nhân dùng quá liều acetaminophen ban đầu sẽ không có triệu chứng, vì các triệu chứng lâm sàng của nhiễm độc nội tạng thường không biểu hiện ra ngoài cho đến 24 - 48 giờ sau khi uống thuốc. Do đó để xác định một bệnh nhân có nguy cơ nhiễm độc gan, bác sĩ sẽ xác định dựa vào thời gian uống, số lượng và hàm lượng acetaminophen mà bệnh nhân uống vào. Liều acetaminophen tối thiểu cho một lần uống có khả năng gây nhiễm độc gan nặng như sau:

  • Người lớn: 7.5 - 10g (khoảng 15 – 20 viên paracetamol 500mg trong 1 lần uống)
  • Trẻ em: trung bình là từ 150 mg/kg và khoảng 200 mg/kg ở trẻ khỏe mạnh trong độ tuổi từ 1 - 6 tuổi.

Các giai đoạn nhiễm độc gan và dấu hiệu nhận biết

Quá trình phát huy độc tính acetaminophen thường được chia thành 4 giai đoạn. Các biểu hiện của từng giai đoạn khác nhau ở từng cá thể, tùy thuộc vào mức độ nhiễm độc gan.

Giai đoạn 1

  • Từ 0.5 - 24 giờ sau khi uống liều độc tính.
  • Bệnh nhân có thể không có triệu chứng hoặc cảm thấy chán ăn, buồn nôn hoặc nôn và khó chịu.
  • Khám thấy bệnh nhân xanh xao, khó chịu và mệt mỏi.

Giai đoạn 2

  • Từ 18 - 72 giờ sau khi uống liều độc.
  • Bệnh nhân đau bụng ở vị trí hạ sườn (dưới xương sườn) bên phải, chán ăn, buồn nôn và nôn
  • Đau nửa góc trên bên phải cũng có thể có gặp ở một vài trường hợp.
  • Nhịp tim nhanh và hạ huyết áp.
  • Một số bệnh nhân còn có tình trạng giảm lượng nước tiểu (thiểu niệu)

Giai đoạn 3

  • Từ 72 – 96 giờ sau khi uống liều độc.
  • Bệnh nhân bị buồn nôn và nôn liên tục, đau bụng và bờ gan đau khi chạm vào.
  • Hoại tử gan và rối loạn chức năng gan có thể biểu hiện như vàng da, rối loạn đông máu, hạ đường huyết và bệnh não gan.
  • Suy thận cấp phát triển nhanh ở một số bệnh nhân nguy kịch
  • Tử vong do suy đa cơ quan có thể xảy ra.

Giai đoạn 4: Giai đoạn phục hồi

  • Từ 4 ngày đến 3 tuần sau khi uống liều độc.
  • Bệnh nhân sống sót sau cơn nguy kịch ở giai đoạn 3 thông thường sẽ vượt qua hoàn toàn các triệu chứng và giải quyết hoàn toàn tình trạng suy nội tạng.

Chẩn đoán ngộ độc gan do acetaminophen

vicare.vn-doc-tinh-cua-thuoc-acetaminophen-khi-dung-qua-lieu-body-2

Nồng độ acetaminophen huyết thanh là cơ sở để chẩn đoán và điều trị. Nồng độ thuốc trong huyết thanh giúp chẩn đoán chính xác ngay cả khi bệnh nhân không có triệu chứng. Nồng độ acetaminophen (tính bằng microgam trên ml) liên quan đến thời gian (tính theo giờ) sau khi uống.

Các xét nghiệm khác cũng được thực hiện: xét nghiệm chức năng gan (ALT, AST, bilirubin, phosphatase kiềm), thời gian prothrombin (PT), Glucose, kiểm tra chức năng thận (điện giải, ure, creatinin...), men lipase và amylase (ở bệnh nhân đau bụng), hCG (ở nữ trong độ tuổi sinh đẻ), khí máu động mạch và amoniac (ở bệnh nhân có các biểu hiện tổn thương gan)

  • Giai đoạn 1: khoảng 12 giờ sau khi uống liều cấp tính, các nghiên cứu về chức năng gan cho thấy sự gia tăng về nồng độ men gan (ALT, AST)
  • Giai đoạn 2: nồng độ ALT và AST, PT, và nồng độ bilirubin trong huyết thanh tăng cao; bất thường chức năng thận có thể biểu hiện và cho thấy độc tính trên thận
  • Giai đoạn 3: nhiễm độc gan nặng có thể thấy rõ trên các xét nghiệm huyết thanh; hoại tử tế bào gan được chẩn đoán dựa trên sinh thiết gan

Xử trí ngộ độc acetaminophen

Các chất rửa ruột (rửa đường tiêu hóa) có thể được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, trong khung thời gian cho phép. Than hoạt tính (hấp phụ bớt acetaminophen, ngăn cho thuốc hấp thu vào máu) được dùng khi bệnh nhân còn tỉnh táo, lý tưởng nhất là trong vòng 1 giờ sau khi uống quá liều acetaminophen. Khoảng thời gian mà than hoạt tính còn cho tác dụng có thể được kéo dài hơn nếu bệnh nhân uống viên giải phóng kéo dài có chứa acetaminophen hoặc bệnh nhân uống cùng các thuốc khác giúp chậm việc làm rỗng dạ dày. Bệnh nhân sau khi súc rửa ruột và kiểm tra nồng độ acetaminophen dưới mức có thể gây độc cho gan có thể được xuất viện về nhà.

Đối với bệnh nhân có nồng độ acetaminophen vượt mức cho phép cần phải được điều trị bằng N-acetylcystein (thuốc tiêu nhầy thường sử dụng trị bệnh ho có đờm). N-acetylcystein có tác dụng bảo vệ gan gần như 100% nếu được dùng trong vòng 8 giờ sau khi uống acetaminophen liều độc. Đối với bệnh nhân đã qua 24 giờ uống quá liều thì N-acetylcystein sẽ có lợi hơn trong việc hạn chế hoại tử tế bào gan. N-acetylcystein có thể dùng bằng đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch.

Phác đồ được FDA phê chuẩn N-acetylcystein đường uống như sau:

  • Liều đầu tiên (liều tải): 140 mg/kg cân nặng.
  • 17 liều tiếp theo: 70 mg/kg cân nặng trong mỗi 4 giờ liên tục đến khi đủ 17 liều.
  • Tổng thời gian điều trị 72 giờ

Tiêm tĩnh mạch N-acetylcystein thường được sử dụng tại cơ sở y tế để điều trị ngộ độc acetaminophen, ưu tiên trong các tình huống sau:

  • Tình trạng tinh thần của bệnh nhân không ổn định
  • Xuất huyết tiêu hóa và/hoặc tắc ruột
  • Có tiền sử nuốt phải axit hoặc kiềm mạnh.
  • Độc tính tiềm tàng ở phụ nữ mang thai
  • Không có khả năng dung nạp N-acetylcystein đường uống.

Phẫu thuật ghép gan có thể được chỉ định cho những bệnh nhân bị nhiễm độc gan nặng và có khả năng tiến triển thành suy gan. Tiêu chí ghép gan bao gồm:

  • Nhiễm toan chuyển hóa dai dẳng sau khi hồi sức
  • Suy thận
  • Bệnh rối loạn đông máu
  • Bệnh não

(HoiBenh chuyển ngữ từ Emedicine)

Xem thêm:

  • 7 điều bạn chưa biết về thuốc giảm đau Acetaminophen
  • Cách dùng thuốc hạ sốt hiệu quả