Đau thắt lưng ở nam giới - nguy cơ và cách chữa trị
Đau thắt lưng là bệnh bệnh phổ biến trong cộng đồng, chiếm tỷ lệ khoảng 65 – 80% ở người trưởng thành, đặc biệt là trên đối tượng nam giới. Đau thắt lưng ở nam giới do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó tiềm ẩn triệu chứng của nhiều bệnh nguy hiểm. Để phòng và chữa trị hiệu quả hội chứng đau thắt lưng ở nam giới, chúng ta cùng tìm hiểu bài viết dưới đây.
Đau thắt lưng ở nam giới - nguy cơ và cách chữa trị
Đau thắt lưng là bệnh bệnh phổ biến trong cộng đồng, chiếm tỷ lệ khoảng 65 – 80% ở người trưởng thành, đặc biệt là trên đối tượng nam giới. Đau thắt lưng ở nam giới do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó tiềm ẩn triệu chứng của nhiều bệnh nguy hiểm. Để phòng và chữa trị hiệu quả hội chứng đau thắt lưng ở nam giới, chúng ta cùng tìm hiểu bài viết dưới đây.
Đau thắt lưng là gì?
Đau thắt lưng (hay còn gọi là đau cột sống thắt lưng hay đau lưng vùng thấp) là đau (một hoặc hai bên) khu trú ở vị trí từ đốt sống L1 đến nếp lằn mông của cột sống. Người trưởng thành có ít nhất một lần trong đời bị đau thắt lưng đợt cấp, 10% trong số đó chuyển thành đau mạn.
Nguyên nhân đau thắt lưng ở nam giới
Đau thắt lưng do căng giãn quá mức dây chằng: cảm thấy đau đột ngột sau khi bưng bê vật nặng hoặc cơ thể duy trì sai tư thế hoạt động trong một thời gian dài, thường thấy ở người lao động chân tay, nam giới là nhân viên văn phòng, tài xế xe đường dài,...cảm giác đau kèm theo co cứng khối cơ cạnh cột sống, lệch vẹo cột sống biến dạng tư thế sinh lý.
Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Nếu bị chèn ép ở vị trí L5, cảm giác đau xuất hiện từ cột sống thắt lưng lan dần xuống mông, phía sau ngoài đùi, đến mặt trước cẳng chân, mắt cá qua mu chân tới ngón chân cái I.
Nếu tổn thương ở S1, cảm giác đau lan từ mặt sau đùi, cẳng chân, gân Achille, mắt cá ngoài qua bờ ngoài gan chân tới ngón V.
Kèm theo cảm giác nông như: tê bì, kiến bò, kim châm... dấu hiệu giật dây chuông, Lasegue dương tính. Mất hoặc giảm phản xạ gân xương chi dưới, cơ đùi và cẳng chân teo nếu đau kéo dài.
Đau thắt lưng do chế độ ăn uống
Nam giới bước vào tuổi trung niên có nguy cơ bị loãng xương do chế độ ăn uống thiếu khoa học, thiếu dưỡng chất cần thiết cho xương như canxi, phốt - phô, kali và magiê,..nguyên nhân gây đau thắt lưng, xương cột sống xốp và dễ gãy hơn
Đau thắt lưng ở nam giới béo bụng
Nam giới béo bụng có thể do sử dụng rượu bia thường xuyên, ngồi hàng giờ ở văn phòng,.. cân nặng quá mức là nguyên nhân tăng áp lực lên cột sống, phần bụng quá khổ còn làm các cơ quanh cột sống phải căng hết mức để giữ thăng bằng cơ thể, gây cảm giác đau vùng thắt lưng.
Đau thắt lưng ở nam giới hút thuốc lá
Nam giới hút thuốc lá có tỉ lệ đau thắt lưng cao hơn 2-3 lần so với người không hút thuốc, nguyên nhân là do chất nicotin trong thuốc lá làm co huyết quản dẫn đến sự thiếu hụt các thành phần dưỡng chất cần thiết cho xương, làm thoái hóa các sụn đệm cột sống của xương.
Ngoài ra đau thắt lưng ở nam giới còn là một trong những triệu chứng của bệnh nguy hiểm khác như:
Đau thắt lưng ở nam giới mắc bệnh viêm tiền liệt tuyến
Cảm giác đau thắt lưng sẽ kèm theo các triệu chứng như: đau buốt khi đi tiểu, đi tiểu nhiều, bụng dưới căng tức khó chịu. Bệnh nhân viêm tuyến tiền liệt nếu không được điều trị sớm dễ gây biến chứng chức năng sinh dục, dẫn đến liệt dương hay xuất tinh sớm.
Đau thắt lưng ở nam giới do các vấn đề về thận
Vị trí của thận nằm ở hai bên của thắt lưng, do đó những vấn đề liên quan đến chức năng thận cũng sẽ ảnh hưởng đến cột sống thắt lưng.
Sỏi thận được hình thành do nồng độ cao khoáng chất và muối có trong nước tiểu, sỏi nhỏ có thể không gây đau, tuy nhiên sỏi có kích thước lớn gây tắc nghẽn niệu quản, dẫn đến đau lưng rõ rệt. Bệnh nhân có thể nhận biết được cơn đau thắt lưng do sỏi thận – niệu quản kèm theo các đặc điểm khác như: đau lệch một bên cột sống, kèm theo triệu chứng vã mồ hôi, buồn nôn, tiểu máu.
Nhiễm trùng ở thận cũng là một trong những nguyên nhân gây ra triệu chứng đau lưng ở nam giới. Vi khuẩn thường xâm nhập vào niệu đạo, ngược dòng lên bàng quang - thận gây nhiễm trùng thận. Triệu chứng đi kèm có thể viêm, sốt, tiểu đục, tiểu buốt.
Chẩn đoán đau thắt lưng ở nam giới
Nếu nguyên nhân gây đau thắt lưng là nguyên nhân cơ học, không kèm theo bệnh toàn thân khác, việc chẩn đoán dựa theo dấu hiệu sau:
- Cảm giác đau giảm sau khi nghỉ ngơi
- Tổng trạng toàn thân không đổi, không sốt, không có bất kỳ bất thường nào về chức năng ở các cơ quan khác trong cơ thể như dạ dày, ruột, thận, phế quản.
- Xét nghiệm chẩn đoán viêm và bilan phospho-calci âm tính.
- Chụp X - quang cột sống thắt lưng bình thường hoặc có thể xuất hiện một số hình ảnh thoái hóa.
Trong trường hợp đau thắt lưng kèm theo triệu chứng toàn thân khác như biểu hiện sốt, sụt cân nhanh, đau không giảm mà ngày càng tăng, không đáp ứng với các thuốc kháng viêm giảm đau thông thường,..thì rất có thể là gợi ý cho một bệnh liên quan đến cơ quan khác trong cơ thể. Nam giới không nên chủ quan, tùy vào biểu hiện toàn thân mà tiến hành các xét nghiệm chuyên khoa liên quan để sớm phát hiện bệnh và điều trị.
Điều trị đau thắt lưng ở nam giới
Tùy vào nguyên nhân bệnh mà có cách điều trị khác nhau, nếu nam giới đau thắt lưng là cơn đau đơn thuần do nguyên nhân cơ học không do các bệnh toàn thân khác:
- Dùng thuốc kết hợp với biện pháp phục hồi chức năng như luyện tập, thay đổi lối sống.
- Tuyệt đối không lạm dụng điều trị ngoại khoa.
Đau thắt lưng cấp tính có thể lựa chọn
Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs)
- Piroxicam 20mg hoặc Meloxicam 15mg tiêm bắp 1 ống/ngày trong 2-3 ngày, sau đó chuyển sang uống Piroxicam 20mg 1 viên/ ngày hoặc Meloxicam 7,5mg 2 viên/mỗi
- Celecoxib 200mg: uống 1-2 viên mỗi ngày
Chú ý khi sử dụng phối hợp NSAID có làm tăng nguy cơ trên đường tiêu hóa và trên tim mạch cho người bệnh, do đó cần cân nhắc và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Paracetamol
- Paracetamol: 0,5g x 4-6 viên / ngày, chia 3 lần uống sau ăn và tối đa không quá 4000mg/ngày.
- Các chế phẩm Paracetamol kết hợp với Codein hoặc với Tramadol.
Các thuốc giãn cơ
- Đường tiêm: tolperisone 100-200mg/ ngày chia 2 lần.
- Đường uống: tolperisone 150mg x 2-3 viên/ ngày hoặc eperisone: 50mg dùng liều tương tự.
- Trường hợp đau vùng thắt lưng có nguồn gốc thần kinh, bác sĩ có thể chỉ định thêm các thuốc giảm đau thần kinh khác như: Gabapentin hay Pregabalin.
- Một số biện pháp khác nhằm hỗ trợ giảm đau như: nằm trên giường phẳng, đeo đai hỗ trợ vùng thắt lưng, chiếu đèn hồng ngoại hoặc hỗ trợ bằng điện xung, châm cứu kết hợp với điều trị bằng thuốc.
Trường hợp đau mãn tính
- Sử dụng thuốc chống trầm cảm ba vòng hay chống lo âu như: viên Amitriptylin 25 mg.
- Kèm theo các bài tập hỗ trợ: kéo dãn cột sống, bơi, thể thao nhẹ nhàng. Điều quan trọng là cần phải điều chỉnh lối sống, thói quen làm việc và ăn uống. Nam giới hạn chế rượu bia, bổ sung vào khẩu phần ăn thực phẩm chứa chất dinh dưỡng cần thiết như phosphat, calci,.. nếu có dấu hiệu béo bụng nên tích cực giảm cân. Nam giới là nhân viên văn phòng cần dành ít nhất 30 phút/ngày để vận động cơ thể, hạn chế việc ngồi sai tư thế trong lúc làm việc.
Trường hợp đau thắt lưng có kèm các triệu chứng tổng trạng khác, bệnh nhân cần sớm đến kiểm tra ở cơ sở y tế gần nhất để điều trị nguyên nhân kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.
Xem thêm:
- Tìm hiểu về đau thắt lưng và bệnh lý cột sống
- Đau thắt lưng cột sống: Điều trị bằng thuốc có khỏi hẳn không?
- Phải làm gì khi bị đau thắt lưng dưới?