Đau lưng khi nằm xuống là bệnh gì? Có nguy hiểm không?
Đau lưng khi nằm xuống là một trường hợp cụ thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ. Bệnh đau lưng khi nằm kéo dài có thể là dấu hiệu của các bệnh về cột sống, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nặng như teo cơ, bại liệt.
Đau lưng khi nằm xuống là bệnh gì? Có nguy hiểm không?
Bệnh đau lưng là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến nhất với hơn 540 triệu người mắc phải tại cùng một thời điểm trên toàn cầu (theo The Guardian).
Phân loại các bệnh đau lưng thường gặp
Bệnh đau lưng thường được chia ra làm hai loại: đau lưng trên (vai, cổ) và đau lưng dưới (thắt lưng, hông). Tuy nhiên, đau lưng dưới hay đau thắt lưng (lumbago) phổ biến hơn cả. Đau vùng thắt lưng sau các hoạt động thể chất mạnh, ngồi sai tư thế, nâng vác các vật nặng có thể được hồi phục nhanh trong vòng vài tuần mà không tái phát. Một số trường hợp đau lưng dưới mãn tính, kéo dài dai dẳng khi nằm, ngồi có thể do các bệnh lý về cột sống hoặc về các cơ quan trong cơ thể.
Một số nguyên nhân đau lưng khi nằm xuống kéo dài
Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng (disc herniation)
Đây là nguyên nhân đau lưng hàng đầu dẫn đến chứng đau lưng dưới gần mông. Khu vực cột sống thắt lưng được cấu tạo bởi các đốt sống ngăn cách bởi các đĩa đệm. Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi nhân nhầy thoát ra khỏi đĩa đệm bị tổn thương và chèn ép dây thần kinh. Đĩa đệm với tác dụng giảm xóc khi bị thoái hóa sẽ gây đau thắt lưng dưới, nhất là khi nằm xuống. Với người già, cột sống bị thoái hóa trở nên xốp hơn, đĩa đệm dễ bị vỡ, gây ra thoát vị đĩa đệm
Viêm cột sống dính khớp (Ankylosing spondylitis)
Viêm cột sống dính khớp là một dạng của viêm khớp. Khớp khi bị viêm sẽ gây nên sự liên hợp (fusion) của xương, gây đau lưng dưới và có thể dẫn đến gù. Thông thường, cơn đau thắt lưng khi nằm thường xảy ra vào buổi đêm khi đang ngủ và ít vận động.
Viêm tủy xương (osteomyelitis)
Viêm tủy xương xảy ra do người bệnh bị nhiễm khuẩn xương, tủy xương và mô mềm xung quanh xương. Khi xương bị gãy, da gặp vết cắt, nhiễm trùng tai giữa hay viêm phổi, vi khuẩn có thể xâm nhập vào xương theo đường máu. Người có tiền sử bệnh lao do tiểu đường hoặc mắc hội chứng suy giảm miễn dịch sẽ có nguy cơ cao mắc viêm tủy xương. Sốt, đau thắt lưng và gặp khó khăn khi vận động cũng là những dấu hiệu nhận biết phổ biến của viêm tủy xương. Bệnh viêm tủy xương diễn ra nhanh chóng và gây đau lưng dưới cho người bệnh, tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh diễn biến chậm và ít gây đau đớn hơn.
Loãng xương (osteoporosis)
Loãng xương là tình trạng tăng phần xốp của xương, giảm lượng xương tổ chức do thiếu bổ sung canxi, phospho, acid amin hoặc các nguyên tố vi lượng khác. Loãng xương là tình trạng phổ biến ở người cao tuổi và gần đây đang có xu hướng trẻ hóa, đặc biệt là gây ra bệnh đau thắt lưng ở phụ nữ. Loãng xương dễ gây tổn vỡ ở vùng xương cột sống, là nguyên nhân đau lưng ở phụ nữ phổ biến nhất.
Đau thần kinh tọa (Sciatica)
Đau thần kinh tọa là sự sưng tấy hoặc chèn ép dây thần kinh tọa, gây đau thắt lưng hông, tê bì trải từ hông đến một bên bàn chân.
Khối u ở cột sống (Spinal tumor)
Cơn đau lưng dưới dai dẳng và ngày càng nghiêm trọng có thể là do khối u trong cột sống phát triển đã chèn ép lên các dây thần kinh. Cơn đau thắt lưng trở nên dữ dội hơn khi nằm ngửa và đè lên cột sống.
Bệnh đường tiết niệu (uropathy)
Sỏi thận, sỏi tiết niệu, nhiễm trùng đường tiết niệu cũng là những nguyên nhân gây đau thắt lưng, cụ thể là đau lưng thận. Thông thường, khi được điều trị dứt điểm các bệnh lý này, cơn đau thắt lưng hông cũng không còn.
Bệnh dạ dày (Gastric diseases)
Viêm loét dạ dày, hội chứng ruột kích thích cũng là những nguyên nhân đau lưng dưới phổ biến. Tuy nhiên, triệu chứng chính của các bệnh lý này là đau buốt lưng quặn bụng, suy nhược, trào ngược...
Một số nguyên nhân đau lưng khác
- Thói quen hàng ngày: Ngồi lâu, nằm sai tư thế, stress, quan hệ tình dục không điều độ, mang vác đồ nặng, đi giày cao gót... cũng có thể gây đau thắt lưng.
- Tập thể dục không đúng cách: Không khởi động trước khi bắt đầu, tập các động tác quá khó hay tập quá lâu có thể tạo ra cơn đau thắt lưng.
- Tai nạn, chấn thương: Chấn thương tại vùng gáy, vai hay cột sống có thể gây đau lưng dưới dai dẳng. Giường đệm quá cứng hoặc quá mềm làm xương sống bị giữ ở tư thế bất lợi, lâu ngày dẫn đến những cơn đau thắt lưng do vẹo cột sống.
Cách chữa tình trạng đau lưng khi nằm xuống
Một số cách chữa đau lưng khi nằm xuống có thể áp dụng tại nhà
Giữ xương sống luôn ở trạng thái cân bằng bất kể khi đứng, ngồi hay nằm. Nằm trên một mặt phẳng không hề hồ trợ cho đường cong tự nhiên của cột sống. Khi nhìn nghiêng, các đốt sống cổ và đốt sống thắt lưng của cột sống uốn cong nhẹ vào trong. Ngược lại, các đốt sống ngực lại có độ cong uốn ra ngoài. Những đường cong tự nhiên này giúp chúng ta giữ được trạng thái thăng bằng của cơ thể, giúp nâng đỡ cho phần thân trên khi chúng ta ngồi nghỉ hoặc trong trạng thái hoạt động.
Tư thế ngủ hợp lý
- Không nên nằm quá lâu một chỗ, nằm bị đau lưng dưới ở giữa nên thay đổi tư thế liên tục.
- Nằm trên những loại đệm thông thoáng, không quá mềm hoặc không quá cứng.
- Ngủ nghiêng, đặt một chiếc gối vào giữa hai đầu gối sẽ giúp giữ cho hông, khung xương chậu và xương sống thẳng hàng.
- Ngủ theo kiểu trẻ sơ sinh: Tư thế này mang đến sự thoải mái cho những người có vấn đề với đĩa đệm. Tuy nhiên, cần giữ cho cột sống thẳng bằng cách thu đầu gối gần nhất có thể với ngực.
Chọn gối ngủ phù hợp
Gối đóng vai trò quan trọng trong một giấc ngủ trọn vẹn và hình dáng của cột sống. Gối không nên quá cao hoặc quá thấp sẽ gây cong vẹo dáng xương sống. Gối cần thoải mái, đáp ứng được nhiều tư thế nằm ngủ và giữ được hình dáng ban đầu sau khi sử dụng.
Các bài tập hỗ trợ
Tập luyện đúng cách góp phần cải thiện chứng đau thắt lưng
- Bài tập đảo máu: Nằm thẳng trên mặt phẳng sạch, hai tay duỗi thẳng ép 2 bên hông. Lăn người từ bên này sang bên kia, tay giữ nguyên. Lăn liên tục 3 lần để máu trong người “đảo” đều giúp khí huyết lưu thông.
- Bài tập hít thở: Ngồi thẳng, khoanh chân chữ ngũ, hai tay để lên đầu gối. Từ từ hít vào đưa ngực ra phía trước, võng lưng và siết căng thắt lưng. Thu vai về, thả lỏng phần lưng cong, thở ra. Vừa tập vừa siết chặt phần cơ bụng và cơ lưng theo hơi thở, rất có ích cho người đau thắt lưng cần cải thiện cột sống.
Sử dụng một số loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ
Thuốc Tây:
- Nhanh chóng, hiệu quả cao tuy nhiên có thể có tác dụng phụ với những người mẫn cảm với các thành phần của thuốc. Vì vậy, cần uống theo chỉ định của bác sĩ có chuyên môn.
- Ví dụ: Paracetamol (Acetaminophen), Ibuprofen- giảm đau lưng dưới; Myonal, Mydocalm- giãn cơ; Felden, Brexin, diclofenac- chống viêm không steroid.
Thuốc Nam:
- Có thể sử dụng kết hợp với thuốc Tây để thanh lọc cơ thể, chống viêm, kháng khuẩn.
- Ví dụ: thuốc đắp từ cây chìa vôi, cây xấu hổ, rượu ngâm từ ngải cứu... là những bài thuốc dân gian phổ biến chống đau thắt lưng hiệu quả.
- Ngoài việc uống thuốc, bạn nên thăm khám các bác sĩ Đông y để được điều trị bằng các biện pháp cơ học an toàn, hiệu quả.
Giảm cân ở những người béo phì
Người béo phì thường mắc các vấn đề về cột sống do cân nặng làm tăng áp lực lên cột sống, lâu ngày sẽ dẫn đến sự thoái hóa, giòn, xốp của xương sống. Khi nằm, phần cơ và xương ở lưng phải chịu sức nặng từ cơ thể nên gây đau lưng dưới. Ăn uống khoa học, tập luyện đều đặn giúp bạn kiểm soát được trọng lượng cơ thể, tránh tạo áp lực lên các vùng xương sống.
Đau thắt lưng thường không quá nghiêm trọng, có thể khỏi sau luyện tập và điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý. Nếu có những triệu chứng sau, cần thăm khám với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị đúng cách:
- Đau thắt lưng kèm sốt, mệt mỏi, giảm cân đột ngột, chế độ đi tiểu bất thường.
- Cơn đau thắt lưng không cải thiện sau vài tuần.
- Cơn đau thắt lưng cản trở những sinh hoạt thường ngày.
- Sưng hay biến dạng xương ở cột sống.
- Tê buốt ở vùng xương chậu và cơ quan sinh dục.
Một số biện pháp điều trị đau lưng khi nằm tại bệnh viện
Khi được chẩn đoán với những căn bệnh cụ thể, bệnh nhân đau thắt lưng sẽ được điều trị tùy theo thể trạng và tình trạng bệnh
Điều trị Viêm cột sống dính khớp:
- Tùy thuộc vào sự nghiêm trọng của bệnh.
- Thông thường sẽ được kê thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS), nếu không tiến triển có thể dùng thêm một số dược phẩm như thuốc chống yếu tố gây hoại tử (TNF), chất ức chế IL-17.
- Có thể cần phẫu thuật nếu cơn đau lưng dưới trở nên trầm trọng.
Điều trị khối u cột sống
- Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật hoặc phương pháp xạ trị để phòng ngừa tổn thương dây thần kinh trong cột sống.
- Nếu được phát hiện sớm, khả năng khỏi bệnh sẽ cao hơn.
Điều trị thoát vị đĩa đệm:
Thường được tiến hành mà không cần phẫu thuật bằng các biện pháp:
- Thuốc giảm đau thắt lưng
- Biện pháp luyện tập vật lí
- Mát-xa cột sống
- Giảm cân
Phẫu thuật đối với những bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm rất phức tạp và thường được trì hoãn cho đến khi những biện pháp trên được chứng minh không hiệu quả.
Nhìn chung, cơn đau hông khi nằm có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Dù là cơn đau thắt lưng hông ngắn hạn hay kéo dài, chúng ta cũng không nên chủ quan mà cần có những hiểu biết cơ bản để phòng tránh cũng như nhận biết được tình trạng bệnh của mình để sớm được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Ăn uống điều độ, đủ chất, tập luyện thể thao thường xuyên, sống lạc quan, vui vẻ có lẽ vẫn là những “liều thuốc” tốt nhất để hạn chế các nguy cơ có hại cho sức khỏe từ chứng đau lưng khi nằm!
Xem thêm:
- Đau thắt lưng - chứng bệnh kinh niên của dân văn phòng
- Mối quan tâm trong điều trị đau lưng dưới
- Phẫu thuật đau lưng nâng đỡ đời sống tình dục