Dấu hiệu viêm màng não ở trẻ mẹ cần biết

Bệnh viêm màng não ở trẻ có thể để lại những di chứng nặng nề hoặc thậm chí là khiến trẻ tử vong. Do đó, cha mẹ cần học ngay cách nhận biết những dấu hiệu viêm màng não ở trẻ để sớm phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.

Dấu hiệu viêm màng não ở trẻ mẹ cần biết Dấu hiệu viêm màng não ở trẻ mẹ cần biết

Vì sao cần học cách nhận biết dấu hiệu viêm màng não ở trẻ?

Viêm màng não là tình trạng vùng màng bao quanh não và tuỷ sống (gọi chung là màng não) bị viêm. Nguyên nhân gây bệnh rất đa dạng, nặng nhất là do nhiễm trùng hoặc do virus, nấm, các chất độc hại từ môi trường bên ngoài xâm nhập vào cơ thể, do phản ứng phụ của thuốc. Tuy nhiên, trong đa số các trường hợp thì trẻ bị viêm màng não do vi trùng hoặc siêu vi trùng ở vùng mũi họng xâm nhập vào màng não và gây bệnh.

Do lây qua đường hô hấp nên bệnh viêm màng não rất dễ lây lan. Bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ vào mùa nắng nóng hoặc giao mùa bởi đây là thời điểm trẻ dễ mắc bệnh hô hấp, tạo điều kiện thuận lợi cho vi trùng, siêu vi trùng tấn công vào hệ thống thần kinh trung ương gây viêm màng não.

Lý do phải phát hiện sớm dấu hiệu viêm màng não ở trẻ là bởi đây là loại bệnh nặng cần phải được điều trị cấp cứu kịp thời, nếu không có thể gây ra những di chứng nặng nề ám ảnh suốt cuộc đời trẻ như chậm phát triển tâm thần vận động, yếu liệt tay chân, động kinh, mù, điếc,... hoặc thậm chí là tử vong.

vicare.vn-dau-hieu-viem-mang-nao-o-tre-me-can-biet-body-1

Những dấu hiệu viêm màng não ở trẻ

Chính bởi sự nguy hiểm của bệnh mà ngay khi trẻ có biểu hiện sốt, cha mẹ cần chú ý theo dõi để phát hiện các dấu hiệu viêm màng não ở trẻ. Các biểu hiện cụ thể của bệnh như sau:

- Biểu hiện ban đầu của bệnh viêm màng não bao gồm trẻ bị sốt, bú kém, chán ăn, rối loạn tiêu hoá như nôn hoặc tiêu chảy, chảy nước mũi, ho,... Những dấu hiệu viêm màng não ở trẻ rất dễ nhầm lẫn với triệu chứng của bệnh sốt virus hay viêm nhiễm đường hô hấp thông thường. Do đó, cha mẹ cần phải kiểm tra nhiệt độ cơ thể cho trẻ thường xuyên, nếu bé bị sốt cao trên 38,5 độ C cần lau mát và cho bé uống thuốc hạ sốt theo đúng chỉ dẫn về cân nặng và liều lượng. Theo dõi sát sao diễn biến tình trạng của trẻ để phát hiện các dấu hiệu viêm màng não tiếp theo nếu có.

- Co giật: Hiện tượng này có thể xảy ra ở miệng, mắt, chân, tay hoặc toàn thân. Một số trẻ bị co giật đơn thuần là do sốt cao hoặc rối loạn điện giải, nhưng cũng cần theo dõi xem liệu đây có phải là dấu hiệu viêm màng não ở trẻ hay không.

- Rối loạn ý thức: Ban đầu, trẻ trong tình trạng dễ bị kích động nhưng sau đó có thể ngủ li bì, người lờ đờ hoặc hôn mê. Trẻ thường cảm thấy đau đầu, nôn hoặc có biểu hiện liệt hoặc giảm vận động ở tay chân, liệt mặt, liệt nửa người.

- Với trẻ sơ sinh: Các dấu hiệu viêm màng não ở trẻ sơ sinh ban đầu thường không đặc hiệu nên rất khó phân biệt với các bệnh nhiễm trùng khác, có thể không sốt hoặc có bị sốt kèm theo một trong những triệu chứng nói trên.

Làm gì khi trẻ có dấu hiệu viêm màng não?

Do những di chứng của bệnh viêm màng não rất nặng nề nên mỗi khi trẻ có biểu hiện sốt, cha mẹ cần thường xuyên kiểm tra nhiệt độ của trẻ, cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo tư vấn của bác sĩ và theo dõi kỹ tình trạng bệnh của trẻ. Nếu trẻ bị sốt cao không rõ nguyên nhân và đến ngày thứ ba vẫn không thuyên giảm, cần nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện kiểm tra.

Trường hợp trong cơn sốt, trẻ còn cảm thấy buồn nôn, nôn, đau đầu thì chưa thể nghi ngờ đó là dấu hiệu viêm màng não ở trẻ. Tuy nhiên nếu trẻ đã hết sốt mà vẫn còn những biểu hiện này thì đó có thể là dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh viêm màng não; hoặc nếu trẻ sốt kèm theo hiện tượng ăn uống kém, ngủ li bì, mệt lả, co giật, đau đầu, nôn,... cũng cần đưa tới bệnh viện khám ngay.

Ngoài ra, do bệnh viêm màng não ở trẻ có thể lây qua đường hô hấp nên nếu trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp, cũng cần đưa bé tới gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị tận gốc.

vicare.vn-dau-hieu-viem-mang-nao-o-tre-me-can-biet-body-2

Phòng bệnh viêm màng não ở trẻ thế nào?

Bên cạnh việc học cách nhận biết dấu hiệu viêm màng não ở trẻ, cha mẹ cũng cần chủ động phòng bệnh cho bé. Để phòng tránh viêm màng não, phụ huynh cần thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân và nơi ở cho trẻ, thường xuyên cho bé rửa tay bằng xà phòng, súc miệng và họng bằng dung dịch sát khuẩn; phòng tránh các bệnh đường hô hấp cho bé để hạn chế nguy cơ bị lây nhiễm mầm bệnh viêm màng não qua đường hô hấp khi sức khoẻ của trẻ suy giảm bởi các biến chứng về đường hô hấp cũng tạo điều kiện thuận lợi để bệnh viêm màng não phát triển.

Ngoài ra, phụ huynh cần chủ động đưa con em mình đi tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc viêm màng não cũng như ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm có thể gây viêm màng não do virus quai bị, sởi, thuỷ đậu, cúm,... gây ra. Hiện đã có loại vắc-xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản B, viêm màng não do não mô cầu và viêm màng não mủ do vi khuẩn HIB nên cha mẹ cần chủ động đưa trẻ đi tiêm đầy đủ để phòng bệnh từ sớm.