Dấu hiệu rách dây chằng trước khớp gối

Rách dây chằng trước là một trong những chấn thương phổ biến nhất ở vùng đầu gối. Tuy nhiên đại đa số mọi người lại rất chủ quan, bỏ qua những dấu hiệu ban đầu, chỉ đến khi bệnh nặng gây ra nhiều biến chứng thì mới bắt đầu điều trị.

Dấu hiệu rách dây chằng trước khớp gối Dấu hiệu rách dây chằng trước khớp gối

Bài viết sau sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin để có thể nhận biết dấu hiệu rách dây chằng trước khớp gối một cách chính xác và kịp thời nhất.

Dây chằng chéo khớp gối là gì?

Các dây chằng chéo được tìm thấy bên trong khớp gối và bắt chéo nhau để tạo thành một chữ "X" với dây chằng chéo trước ở phía trước và dây chằng chéo sau ở phía sau. Các dây chằng chéo kiểm soát vận động tới và lui của đầu gối.

Dây chằng chéo trước chạy theo đường chéo từ trong ra ngoài ở giữa đầu gối. Nó ngăn xương chày trượt ra phía trước xương đùi, cũng như cung cấp sự ổn định khi quay đầu gối.

Khoảng một nửa số chấn thương dây chằng chéo trước xảy ra cùng với các tổn thương cấu trúc khác ở đầu gối, chẳng hạn như sụn khớp, sụn chêm hoặc dây chằng khác. Rách một phần của dây chằng chéo trước rất hiếm gặp, hầu hết các chấn thương dây chằng chéo trước là rách hoàn toàn hoặc rách gần như hoàn toàn.

vicare.vn-dau-hieu-rach-day-chang-truoc-khop-goi-body-1

Nguyên nhân gây rách dây chằng trước khớp gối

Nguyên nhân của tổn thương dây chằng khớp gối thường do chấn thương trong thể thao, tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt và thường gặp ở người trẻ với các hoạt động mạnh như: Thay đổi hướng quá nhanh; dừng lại đột ngột; tiếp đất không tốt sau một bước nhảy; tiếp xúc trực tiếp hoặc va chạm với lực mạnh như va đập đầu gối trong tai nạn xe gắn máy hoặc té đập đầu gối trong sinh hoạt hằng ngày.

Dấu hiệu rách dây chằng trước khớp gối

Sưng và đau vùng gối

Khi bị tổn thương dây chằng chéo trước, bạn có thể nghe thấy một tiếng "rắc" và cảm thấy đầu gối trở nên lỏng lẻo.

Đau và sưng: Trong vòng 24 giờ, đau và sưng là dấu hiệu rách dây chằng khớp gối điển hình. Đầu gối của bạn sẽ đau và sưng lên do chảy máu từ sự đứt dây chằng và có thể do tổn thương những thành phần khác của khớp như bao khớp và các dây chằng bên.

Lỏng gối

Đây cũng là một trong những dấu hiệu rách dây chằng khớp gối thường gặp. Khớp gối bị hạn chế vận động và mất tầm vận động tối đa: Bệnh nhân sẽ bị hạn chế vận động gối do đau, sưng. Sau 1 thời gian khoảng 2-3 tuần thì các triệu chứng này sẽ mất dần đi, tuy nhiên sẽ xuất hiện hiện tượng lỏng gối do mâm chày không có gì giữ nên sẽ bị bán trật ra trước gây triệu chứng mất vững hoặc đau hoặc cả hai. Biểu hiện như:

  • Bệnh nhân có cảm giác chân yếu khi đi lại.
  • Khó khăn khi đứng trụ một chân bên gối lỏng.
  • Khi chạy nhanh có cảm giác ríu chân, dễ vấp ngã.
  • Khi đi bộ nhanh trên đường gập ghềnh, dễ có cảm giác trẹo gối.
  • Lên cầu thang cảm giác không thật chân, khó khăn khi đi xuống dốc hoặc bước xuống cầu thang.

Teo cơ

Chân càng ngày càng yếu do đùi bên chấn thương nhỏ dần do teo cơ, nhất là khi cơ đùi teo nhiều. Teo cơ dễ xảy ra ở những người ít hoạt động như dân văn phòng, học sinh... Tuy nhiên với vận động viên thể thao, triệu chứng lỏng gối thường biểu hiện không rõ ràng vì cơ đùi rắn chắc làm cho gối vững giả tạo mặc dù dây chằng chéo trước đã đứt hoàn toàn.

vicare.vn-dau-hieu-rach-day-chang-truoc-khop-goi-body-1

Biến chứng

Khi dây chằng chéo trước bị tổn thương dẫn tới sự liên kết giữa xương đùi và xương chày sẽ bị lỏng lẻo và gây khó khăn khi thực hiện các hoạt động nhanh và mạnh. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra một số biến chứng như:

Tổn thương sụn chêm

Sụn chêm gắn chặt vào mâm chày. Khi liên kết giữa các đầu xương ở đây bị lỏng lẻo, mâm chày di động và có thể khiến sụn chêm bị chèn ép, dẫn tới biến dạng hoặc rách.

Thoái hóa khớp

Tổn thương khớp gối có thể dẫn đến tổn thương xương sụn ở khoang trong, khoang ngoài hoặc bánh chè. Khi khớp gối đã bị thoái hóa nặng thì không thể phẫu thuật tái tạo dây chằng và phải phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo.

Điều trị

Tùy vào mức độ tổn thương, các tổn thương kèm theo, độ tuổi mà người bệnh sẽ có chỉ định điều trị bảo tồn (không phẫu thuật) hoặc điều trị phẫu thuật.

Điều trị bảo tồn

Điều trị bảo tồn được chỉ định trong trường hợp: Đứt không hoàn toàn dây chằng chéo trước, khớp gối còn vững; đứt dây chằng chéo trước ở bệnh nhân lớn tuổi; đứt dây chằng chéo trước ở trẻ em còn sụn tăng trưởng.

Phương pháp điều trị chủ yếu là dùng thuốc giảm đau, kháng viêm, tập vật lý trị liệu tăng sức mạnh cơ tứ đầu đùi.

Điều trị phẫu thuật

Phẫu thuật nội soi tái tạo lại dây chằng chéo trước đứt là phẫu thuật phổ biến hiện nay ở Việt Nam và trên thế giới. Thời điểm phẫu thuật tốt nhất là sau 3 tuần kể từ khi bị chấn thương.

Phẫu thuật viên có thể dùng mảnh ghép bằng gân khác thay thế dây chằng chéo trước khớp gối đã bị đứt, có thể là mảnh ghép tự thân hoặc đồng loại. Tuy nhiên do hiện nay ở Việt Nam các ngân hàng mô chưa phát triển nên chủ yếu vẫn là dùng các mảnh ghép tự thân là chính. Các mảnh ghép tự thân hiện nay hay được sử dụng là: mảnh ghép gân hamstring, mảnh ghép gân bánh chè, mảnh ghép gân mác dài, mảnh ghép gân tứ đầu đùi...

Sau mổ bệnh nhân sẽ được bất động chân phẫu thuật bằng nẹp ở tư thế duỗi và đi 2 nạng không chống chân đau trong vòng 3 tuần. Ngoài ra bệnh nhân sẽ được các kỹ thuật viên vật lý trị liệu để hồi phục chức năng vận động.

Xem thêm:

  • Giãn dây chằng đầu gối nên làm gì?
  • Mách bạn cách tập luyện phục hồi giãn dây chằng đầu gối nhanh nhất
  • Quy trình luyện tập sau mổ nội soi tái tạo dây chằng chéo trước như thế nào?