Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị bệnh tim mạch vành
Bệnh tim mạch vành là một trong những bệnh tim mạch phổ biến và có nguy cơ gây tử vong cao nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Bằng chứng là mỗi năm trên thế giới ghi nhận 4 triệu ca nhập viện vì bệnh tim mạch vành và có tới 25% số ca tử vong khi đang ở trong giai đoạn cấp tính của bệnh.
Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị bệnh tim mạch vành
Dấu hiệu nhận biết
Bệnh tim mạch vành xuất hiện khi một hoặc nhiều nhánh của động mạch vành bị hẹp hay bị cản trở do sự hình thành những mảng bám tích tụ bên trong, những mảng bám này được tạo nên bởi cholesterol, chất béo và một số chất khác bám trên thành mạch máu.
Đau thắt ngực là dấu hiệu điển hình nhất của bệnh tim mạch vành. Người bệnh thường có cảm giác bó chặt, thắt nghẹt, đè ép hay đôi khi chỉ là cảm giác có 1 cái gì đó khó chịu trong lồng ngực.
Vị trí xuất hiện cơn đau thường là sau xương ức, giữa ngực hoặc vùng tim. Các cơn đau có thể xuất hiện tại chỗ, đôi khi có thể lan lên cổ, hàm, vai hay cánh tay bên trái, và một số ít trường hợp lan ra sau lưng hoặc vùng cột sống. Cơn đau thường kéo dài từ 10 đến 30 giây, dài hơn có thể lên đến một vài phút.
Các cơn đau thắt ngực được chia thành 2 loại là cơn đau thắt ngực ổn định và không ổn định. Các cơn đau ổn định thường xuất hiện khi người bệnh gắng sức làm một việc gì đó, trong cùng một hoàn cảnh. Các cơn đau không ổn định có thể xảy ra bất cứ khi nào, ngay cả khi nghỉ ngơi.
Bên cạnh đó, người bệnh còn xuất hiện các triệu chứng của bệnh như: khó thở, có cảm giác như đánh trống ở ngực, nhịp tim nhanh, cơ thể yếu ớt, chóng mặt, đổ mồ hôi và buồn nôn.
Khi gặp các triệu chứng nêu trên, bạn không nên chủ quan mà cần gặp bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán bệnh sớm nhất. Bởi vì, bệnh tim mạch vành nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim, suy tim, nhồi máu cơ tim và đột tử.
Các yếu tố nguy cơ gây nên bệnh tim mạch vành
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây nên bệnh tim mạch vành mà rất nhiều người mắc phải hiện nay. Người ta chia các yếu tố nguy cơ này thành hai nhóm:
Yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được:
- Tuổi: Nam giới trên 50 tuổi và nữ giới trên 55 tuổi thường có nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành cao hơn những lứa tuổi khác.
- Giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ giới từ 2 đến 3 lần.
- Di truyền: Nếu gia đình có người đã từng bị bệnh tim mạch vành thì những thành viên khác cũng có nguy cơ mắc phải bệnh.
- Chủng tộc:
Yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được bao gồm: Hút thuốc, béo phì, ít vận động, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, căng thẳng,..
Cách điều trị bệnh mạch vành
Điều trị nội khoa bằng thuốc
- Điều trị các yếu tố nguy cơ khiến bệnh nặng hơn: tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu,..
- Phòng ngừa nhồi máu cơ tim cấp: sử dụng các loại thuốc chống lại sự kết dính tiểu cầu nhằm phòng ngừa đông máu gây tắc động mạch vành gây nên nhồi máu cơ tim.
- Chống cơn đau thắt ngực: thuốc dãn mạch.
Điều trị can thiệp động mạch vành
Các điều trị can thiệp động mạch vành bao gồm: nong rộng lòng động mạch, đặt khung giá đỡ trong lòng động mạch vành. Phương pháp này thường được sử dụng trong các trường hợp:
- Thiếu máu cơ tim, điều trị bằng thuốc không hiệu quả.
- Đau thắt ngực không ổn định.
- Nhồi máu cơ tim cấp.
Điều trị phẫu thuật bắc cầu động mạch vành - Phương pháp hiệu quả
Phương pháp điều trị này thường được sử dụng khi động mạch vành bị tổn thương nhiều chỗ, tổn thương kéo dài, các phương pháp khác điều trị không hiệu quả.
Ngoài ra, hiện nay y học cũng đang nghiên cứu thêm các phương pháp mới để điều trị bệnh tim mạch vành như: sử dụng chất sinh mạch, phản xung động ngoại biên tăng cường.
Trong quá trình điều trị bệnh tim mạch vành, bệnh nhân cần: không hút thuốc lá, chăm chỉ luyện tập thể thao, ăn uống lành mạnh dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ, uống thuốc đầy đủ, tuân thủ theo lộ trình điều trị của bác sĩ và nhanh chóng thông báo cho bác sĩ nếu cơ thể có bất kỳ biểu hiện nào khác thường.
Xem thêm:
- Tổng quan về bệnh Tim mạch vành
- Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh tim mạch vành