Dấu hiệu cơn đau thắt ngực và những điều cần lưu ý
Hiện nay, cơn đau thắt ngực là loại bệnh khá thường gặp ở các nước phát triển và có xu hướng gia tăng rất mạnh ở các nước đang phát triển. Theo ước tính hiện ở Mỹ có khoảng gần 7 triệu người bị đau thắt ngực và hàng năm có thêm khoảng 350.000 người bị đau thắt ngực mới. Đây là một trong những biều hiện của căn bệnh động mạch vành, và ở Châu Âu số người mắc phải căn bệnh này ...
Dấu hiệu cơn đau thắt ngực và những điều cần lưu ý
Hiện nay, cơn đau thắt ngực là loại bệnh khá thường gặp ở các nước phát triển và có xu hướng gia tăng rất mạnh ở các nước đang phát triển. Theo ước tính hiện ở Mỹ có khoảng gần 7 triệu người bị đau thắt ngực và hàng năm có thêm khoảng 350.000 người bị đau thắt ngực mới. Đây là một trong những biều hiện của căn bệnh động mạch vành, và ở Châu Âu số người mắc phải căn bệnh này mỗi năm tăng khoảng chừng 0,3 - 0,6%. Tỉ lệ tử vong mỗi năm chiếm khoảng 120 - 250 người chết trên 100.000 người ở các nước công nghiệp phát triển. (Nguồn: Vademecum clinique 1988).
Và ở Việt Nam, hiện tại vẫn chưa có số liệu nào thống kê được con số chính xác của những người bị lên cơn đau thất ngực trên cả nước. Nhưng theo một nghiên cứu tại Bệnh viện Thống Nhất ở Thành Phố Hồ Chí Minh cho 106 bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng là đau thắt ngực ổn định và có kết quả chụp mạch vành cho thấy, tỷ lệ mắc hội chứng chuyển hóa lên đến trên 65%. Nhiều chuyên gia y tế nổi tiếng của thế giới và Việt Nam cũng đã cảnh báo rằng nếu chủ quan với những cơn đau thắt ngực, nhiều người chưa kịp đến bệnh viện đã tử vong. Vậy làm thế nào có thể nhận biết tổng quan về cơn đau thắt ngực, để từ đó có thể thăm khám và điều trị kịp thời nhằm hạn chế thấp nhất sự nguy hiểm. Mong rằng những chia sẻ sau đây của HoiBenh sẽ giúp bạn bảo vệ được chính sức khỏe bản thân và chăm sóc cho gia đình một cách tốt nhất.
Cơn đau thắt ngực là gì?
Đau thắt ngực là biểu hiện trực tiếp của thiếu máu cục bộ cơ tim và sự tích lũy các chất chuyển hóa do thiếu oxy, tình trạng này xảy ra khi khả năng cung ứng oxy của động mạch vành không đủ đáp ứng nhu cầu hấp thụ oxy của tim. Một khi cơ tim thiếu máu cục bộ, độ pH giảm trong xoang vành, mất kali tế bào, tăng sản xuất lactat, xuất hiện các bất thường ECG, chức năng tâm thất xấu đi. Các yếu tố xác định tiêu thụ oxy cơ tim là nhịp tim, sự co bóp cơ tim, áp lực tâm thu. Khi có tăng một hoặc là nhiều yếu tố nói trên cộng với tình trạng dòng máu vành giảm thì sẽ tạo ra cơn đau thắt ngực.
Dấu hiệu nhận biết cơn đau thắt ngực
Cơn đau thắt ngực thường xảy ra ở 2 trường hợp, đó là khi làm việc quá gắng sức và giảm hoặc hết khi nghỉ ngơi trở lại. Trường hợp thứ 2 là cơn đau thắt ngực có thể xuất hiện ngay cả khi gắng sức tối thiểu hoặc cả khi nằm nghỉ. Vì vậy có thể chia cơn đau thắt ngực ra làm 2 dạng: cơn đau thắt ngực ổn định và cơn đau thắt ngực không ổn định.
Cơn đau thắt ngực ổn định: Là hậu quả của sự hẹp cố định động mạch vành, do mảng xơ vữa mạch vành ổn định. Khi mạch vành bị hẹp, lưu lượng máu nuôi cơ tim bị giảm đi, dẫn đến triệu chứng đau ngực, nhất là khi người bệnh hoạt động gắng sức hay bị stress tâm lý. Tuy nhiên, nếu người bệnh nghỉ ngơi, nhịp tim chậm lại, động mạch vành lại có thể đáp ứng được nhu cầu oxy của cơ tim, nhờ vậy triệu chứng đau ngực sẽ mất đi.
Và biểu hiện của đơn đau này, là vị trí đau thường sau xương ức, đột ngột làm bệnh nhân đang gắng sức phải ngừng lại. Bệnh nhân có cảm giác tức ngực như có gì bóp thắt, đè chèn sau xương ức hoặc phía bên quả tim. Hoặc đau lan lên hai vai, lên hai bên quai hàm dưới ra phía trong tay trái, lên cổ. Lưu ý có trường hợp không điển hình, thì cơn đau xuất hiện bên phải, ở vùng thượng vi có khi nhầm thành cơn đau dạ dày cấp. Cũng có khi đau ở bả vai, cổ tay hay cổ.
Cơn đau thắt ngực không ổn định: Là cơn đau xuất hiện do sự giảm đột ngột của dòng máu mạch vành nuôi cơ tim, thường do nứt vỡ mảng xơ vữa dẫn đến bít tắc đột ngột một phần hoặc toàn bộ lòng mạch. Khác với đau thắt ngực ổn định gặp khi bệnh nhân gắng sức, đau thắt ngực không ổn định có thể gặp kể cả khi người bệnh nghỉ ngơi, đang ngủ, hoặc sinh hoạt bình thường. Cơn đau ngực này thường dữ dội hơn, kéo dài hơn. Các cơn đau có xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều, với cường độ đau tăng dần. Đau thắt ngực không ổn định có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim và đe dọa nghiêm trọng tính mạng người.
Ngược lại với cơn đau thắt ngực ổn định, các triệu chứng của cơn đau thắt ngực không ổn định xảy ra một cách ngẫu nhiên và khó đoán hơn. Trong khi trong cơn đau thắt ngực ổn định, các triệu chứng thường xuất hiện khi gắng sức, mệt mỏi, giận dữ, hoặc bị stress. Còn các triệu chứng của cơn đau thắt ngực không ổn định có thể xảy ra không cần có tác nhân thúc đẩy nào cả. Khi bị đau thắt ngực không ổn định, các triệu chứng của cơn đau cũng giống như ở cơn đau thắt ngực ổn định. Nhưng thường kéo dài nhiều hơn vài phút và có thể xảy ra thường xuyên hơn bình thường.
Đối tượng của cơn đau thắt ngực
Người lớn tuổi
Càng lớn tuổi, nguy cơ bị đau thắt ngực càng tăng cao, thông thường hay xãy ra ở nam giới trong độ tuổi dưới 60, nữ giới sau thời kì mãn kinh. Ở độ tuổi này chức năng của các cơ quan trong cơ thể bị suy yếu, thành động mạch vành dễ bị tổn thương và khó phục hồi gây nên tình trạng xơ vữa. Vì vậy, người già là đối tượng dễ mắc chứng đau thắt ngực do bệnh lý động mạch vành và thiếu máu cơ tim cục bộ mang lại.
Người bị cao huyết áp
Cao huyết áp khiến cho thành động mạch dễ bị tổn thương, mảng bám làm bằng chất thải cholesterol và các sản phẩm khác có xu hướng tích tụ lại ở điểm thương tích rôi làm hẹp thành của động mạch vành, gây nên tình trạng thiếu máu cơ tim. Tình trạng này kéo dài dẫn đến triệu chứng đau thắt ngực.Vì vậy, những người bị cao huyết áp là nhóm đối tượng có nguy cơ đau thắt ngực cao, cần có những biện pháp phòng ngừa kịp thời để tránh biến chứng.
Người bị béo phì
Người bị thừa cân béo phì thường có nguy cơ đau thắt ngực cao hơn những người có cân nặng ở mức độ trung bình. Lý do là người béo phì thường có lượng mỡ tích tụ khá nhiều kể cả trong máu tạo nên hình thành nên những mãng xơ vữa; lâu ngày làm hẹp thành của động mạch vành. Vì vậy, tốt nhất bạn hãy chủ động kiểm soát cân nặng của mình bằng chế độ ăn uống hợp lý và tập luyện đều đặn để ngăn ngừa tình trạng đau thắt ngực.
Người nghiện thuốc lá
Trong thuốc là có chứa chất Nicotin và Carbon monoxide. Chất Nicotin có thể làm co mạch máu và Carbon monoxide có thể làm hỏng lớp lót bên trong mạch máu, dẫn đến tình trạng xơ vữa. Vì vậy, thường xuyên hút thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành gây nên tình trạng đau thắt ngực. Ở nước ta hiện nay, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới chiếm 47,4%; nữ giới là 1,4% (Nguồn: GATS 2010). Điều này dẫn đến các đối tượng hút thuốc lá thụ động như phụ nữ và trẻ em cũng gia tăng. Đây lcũng à lý do khiến nhóm đối tượng đau thắt ngực ở Việt Nam có nguy cơ ngày càng gia tăng và trẻ hóa.
Bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm trong đó có các bệnh lý về tim mạch. Tiểu đường thường làm hư hại đến các mạch máu dẫn truyền đi khắp cơ thể. Có nguy cơ làm gây tổn thương đến động mạch vành sẽ làmgây xơ vữa và thu hẹp động mạch khiến tim bị thiếu máu và gây ra cơn đau thắt ngực. Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế trong 10 năm qua thì số bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường ở nước ta tăng 211% và Việt Nam nằm trong số quốc gia có tốc độ tăng bệnh nhân đái tháo đường cao nhất thế giới.
Chế độ ăn uống và tập luyện dành cho người bị đau thắt ngực
Về chế độ ăn uống:
Theo phương pháp Ornish - Phương pháp được đặt theo tên giáo sư Y khoa Dean Ornish, người sáng lập ra viện Nghiên cứu và y học dự phòng Preventive Medicine Research Institute. Thành phần dinh dưỡng chủ yếu của người bệnh mắc chứng đau thắt ngực bao gồm các loại ngủ cốc thô, các loại đậu, các loại hạt và rau quả. Nhiều nghiên cứu khác nhau đều cho thấy những loại ngủ cốc thô như gạo lứt, bắp lứt, lúa mạch, lúa mì còn nguyên mài và lớp vỏ lụa bên ngoài sẽ có nhiều chất xơ, chất đạm, đường phức hợp, nhiều sinh tố và chất khoáng rất hửu ích cho sức khoẻ. Nên hạn chế ăn nhiều thịt cá, hấp thụ các chất béo trong thức ăn hàng ngày. Nên ăn nhiều các loại rau quả, nhất là các loại rau lá màu xanh đậm, màu vàng và màu đỏ. Những loại rau quả này có nhiều sinh tố và nhiều chất chống oxy hoá khác nhất là các sinh tố C, E, A, B2, B6, Acid Folic cần thiết cho nhu cầu chuyển hoá, cho hoạt động của hệ miển dịch, tăng cường sức bền của mạch máu và bảo vệ thành mạch khỏi sự xâm hại của những gốc tự do.
Những người mắc phải bệnh lý này không nên hút thuốc, không ăn mặn hay quá mặn và quá nhiều chất đường bột. Vì thuốc làm tăng LDL và giảm HDL trong máu, còn với lượng muối có trong thức ăn hàng ngày mặn hay quá mặn sẽ có tác dụng làm gia tăng huyết áp. Đặc biệt là với những người lớn tuổi; về chất bột đường thì phải cân bằng giữa lượng hấp thụ và họat động của cơ thể. Vì khi dư thừa, một phần glucid sẽ được dự trử trong các bắp thịt và gan, phần khác sẽ được chuyển thành acid béo hoặc triglycerides làm gia tăng lượng mở trong cơ thể.
Chế độ luyện tập
Theo Chuyên gia quốc tế bệnh Viện Nông Nghiệp - Thạc sỹ/Bác sỹ: Trần Văn Thắng cho biết, những người mắc bệnh cơn đau thắt ngực hay các bệnh lý về tim mạch, nên có chế độ tập luyện thể dục thể thao một cách hợp lý để có thể điều hòa được lượng máu lưu thông ở các cơ quan. Các bộ môn được khuyến khích như:
Đi bộ
Muốn đạt lợi ích thật sự cho tim mạch thì nên đi hơi nhanh, hơi rảo bước để cho tim mạch nhanh lên. Sau đó thong thả đi chậm. Nếu thấy ra chút mồ hôi và hơi thở gấp một chút là tốt. Có thể đi bộ nhiều lần trong ngày. Mỗi ngày đi rảo bước độ 30 – 60 phút là đủ.
Chạy
Là cách tập luyện rất tốt cho người tăng huyết áp cũng như cho mọi người. Mỗi buổi tập nên bắt đầu chạy chậm, sau đó nhanh dần lên vừa phải chớ không chạy như marathon và khi thấy mệt thì chạy chậm dần lại trước khi ngừng hẳn.
Những buổi tập đầu tiên nên chạy những quãng đường ngắn, vài trăm mét hoặc người yếu thì vài chục mét cũng được, nhưng sau đó sẽ tăng dần lên đến vài kilomet. Không được chạy đua. Nếu điều kiện mỗi tuần chỉ chạy 3 – 4 lần cũng không sao, miễn là tổng số kilomet chẳng hạn trong tuần được nâng dần lên.
Bơi
Là một môn thể thao rất thích hợp với điều kiện là bơi thư thả nhẹ nhàng, không bơi nhanh và lặn vì có nín thở rất nguy hiểm cho tim mạch và huyết áp.
Bóng bàn, cầu lông
Là những môn thể thao nhẹ rất an toàn. Chơi tùy sức, đừng cố gắng.
Khí công Trung Quốc, Yoga Ấn Độ
Gần đây, nhiều nhà nghiên cứu phương Tây cũng đã nhận thấy những ưu điểm đặc sắc của các phương pháp luyện tập Á Đông như khí công và Yoga có lợi đến hệ hô hấp và tim mạch. Đặc biệt đối với bệnh nhân tăng huyết áp và bệnh đau thắt ngực nói chung, các phương pháp này còn có nhiều ảnh hưởng tốt đến tâm lý, gây lạc quan và tự tin cho người tập.
Người tăng huyết áp không được tập những môn thể thao có tính cách nhanh, mạnh, dùng nhiều sức và cơ bắp như tập tạ, leo núi vì cơ bắp căng thẳng kéo dài, máu khó lưu thông, huyết áp tăng lên và gây mệt cho cơ tim. Hay chạy marathon, vì khiến tim đập nhanh, không đủ lượng máu cung ứng.