Đau đầu uống thuốc gì cho nhanh khỏi?

Đau đầu là một hiện tượng thường gặp trong cuộc sống hàng ngày nhưng không phải ai cũng biết cách đối phó hiệu quả. Điều này dẫn đến việc các loại thuốc giảm đau đầu nhanh được sử dụng tràn lan mà không mang lại lợi ích, ngược lại có thể còn đưa đến các hậu quả khó lường.

Đau đầu uống thuốc gì cho nhanh khỏi? Đau đầu uống thuốc gì cho nhanh khỏi?

Nguyên nhân gây đau đầu

Đau đầu hay nhức đầu thường đến từ hai nhóm nguyên nhân.

Nguyên nhân nguyên phát

Làm việc liên tục, căng thẳng, stress, mất ngủ, thay đổi thời tiết, chứng đau nửa đầu migraine...

Khi thấy cơn đau đầu xuất hiện, bạn có thể nhận biết nguyên nhân dựa vào lịch trình sinh hoạt hàng ngày của bản thân. Đặc điểm của đau đầu do căng thẳng, stress chính là cơn đau đầu kéo dài, có thể suốt cả tuần lễ, người bị đau có cảm giác nén chặt ở vùng đau và giấc ngủ sẽ giúp cơn đau dịu lại.

Nguyên nhân thứ phát

Đau đầu có thể là triệu chứng của bệnh lý nguy hiểm như các bệnh về não (thiểu năng tuần hoàn não, xuất huyết não, u não...), bệnh về tim mạch (xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim...) hay viêm xoang, thoát vị đĩa đệm...

Những cơn đau đầu bệnh lý thường dữ dội hơn, đột ngột hơn và có thể đi kèm các triệu chứng khác của bệnh như nôn hay buồn nôn...Người bị đau cần phải hết sức chú ý để phát hiện các triệu chứng kèm theo này.

Các loại đau đầu do nguyên nhân khác nhau sẽ có cách xử trí khác nhau, do đó người bệnh cần nhận diện đúng căn nguyên gây bệnh.

vicare.vn-dau-dau-uong-thuoc-gi-cho-nhanh-khoi-body-1

Đau đầu uống thuốc gì nhanh khỏi?

Thông thường, đối với đau đầu do căng thẳng hay do thay đổi thời tiết, bạn có thể sử dụng một số thuốc giảm đau không steroid như paracetamol, ibuprofen, aspirin. Đây là những thuốc không cần kê đơn và có thể mua ở bất kỳ nhà thuốc nào. Tuy nhiên, khi sử dụng những thuốc này cần chú ý những điểm sau:

  • Paracetamol: dùng cho cơn đau đầu nhẹ và vừa. Khi dùng nhất định phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng về liều dùng, chỉ định, chống chỉ định của sản phẩm. Paracetamol là một thuốc khá an toàn nếu sử dụng đúng và chỉ được uống nhắc lại sau 4-6 giờ nếu còn cảm thấy đau. Quá liều paracetamol sẽ gây độc cho gan khiến gan bị hoại tử không thể phục hồi.
  • Ibuprofen: Tương tự như paracetamol, ibuprofen cũng là thuốc giảm đau trong trường hợp đau nhẹ và vừa. Tuy nhiên, ibuprofen có tác dụng phụ là gây viêm loét dạ dày nên cần sử dụng thuốc trong hoặc sau bữa ăn.
  • Aspirin: Đây cũng là một thuốc trong nhóm giảm đau không steroid dùng cho cơn đau nhẹ và vừa. Nhưng ngày nay người ta ít khi dùng thuốc này với mục đích giảm đau nhẹ vì các tác dụng phụ thường gặp của thuốc. Nếu chỉ có phương án sử dụng aspirin, cần chú ý uống thuốc trong hoặc sau bữa ăn và nên dùng liều thấp nhất có tác dụng. Khi có bất kỳ triệu chứng chóng mặt, ù tai, giảm thính lực thì cần phải ngừng thuốc ngay lập tức.

Sau 2-3 ngày sử dụng thuốc giảm đau, nếu cơn đau đầu vẫn không chấm dứt thì đó có thể là triệu chứng của một bệnh lý nguy hiểm. Lúc này, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

Bên cạnh việc sử dụng thuốc, người bệnh cần được nghỉ ngơi khi cảm thấy nhức đầu, mệt mỏi. Trường hợp đau đầu kèm theo chóng mặt, có thể gác chân cao khoảng 10-20 cm khi nằm và tránh kê gối quá cao. Sử dụng thuốc giúp tăng tuần hoàn não cũng được khuyến cáo trong tình huống này. Tuy nhiên, cần phải hết sức thận trọng nếu có triệu chứng bất thường nào khác. Người bệnh có thể tự đo huyết áp tại nhà, nếu phát hiện có sự tăng hay giảm huyết áp cần phải đến ngay cơ sở y tế.

Đặc biệt, không nên ở một mình khi nhức đầu mà cần báo cho người bên cạnh về tình trạng của bạn để được theo dõi, chăm sóc khi có tình huống bất ngờ xảy ra.

vicare.vn-dau-dau-uong-thuoc-gi-cho-nhanh-khoi-body-2

Làm thế nào để tránh cơn đau đầu quay trở lại?

Cơn đau đầu có thể quay trở lại bất cứ lúc nào nếu bạn không có biện pháp giữ gìn sức khỏe. Dưới đây là một số lưu ý giúp bạn ngăn chặn những cơn đau đầu phiền toái.

  • Chế độ sinh hoạt điều độ: tránh thức khuya, để cơ thể nghỉ ngơi 7 tiếng mỗi ngày, không nên làm việc quá sức, tránh để rơi vào tình trạng căng thẳng, stress...
  • Chế độ ăn uống hợp lý: nên ăn đủ bữa, đầy đủ chất dinh dưỡng, hạn chế sử dụng chất kích thích. Chú ý ăn các thức ăn có nhiều vitamin nhóm B như thịt gà, trứng, cá hồi, sữa ... Vitamin nhóm B không những giúp bạn giảm lo âu, căng thẳng, dễ ngủ mà còn giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
  • Đối với những người có tiền sử hay nguy cơ mắc bệnh đau nửa đầu migraine (thường gặp ở nữ giới), cần thực hiện chế độ sinh hoạt và chế độ ăn nghiêm ngặt. Hạn chế tiếp xúc với tiếng ồn, ánh sáng mạnh và các mùi hương nồng dễ khiến cơn đau quay trở lại.
  • Tập thể dục, vận động thường xuyên để tăng tuần hoàn máu trong cơ thể, tránh các bệnh tim mạch.
  • Thường xuyên thăm khám, tầm soát các nguy cơ mắc bệnh tim mạch, các bệnh về não hay thoát vị đĩa đệm...

Như vậy, chắc hẳn các bạn đã biết được đau đầu nên uống thuốc gì và làm thế nào để ngăn chặn cơn đau đầu nguy hiểm. Việc nhận thức đúng và đủ đối với các triệu chứng thường gặp sẽ giúp chúng ta có thể tự bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và gia đình. Chúc các bạn luôn khỏe mạnh và vui vẻ.

Xem thêm:

  • Đau nửa đầu sau gáy: Triệu chứng, nguyên nhân, cách chữa trị
  • Cách điều trị và phòng ngừa đau đầu migraine
  • Sản phụ bị đau đầu sau sinh nên làm gì?