Chia sẻ của vị bác sĩ may mắn thoát khỏi ung thư phổi giai đoạn cuối
Đến bây giờ là đã hơn 5 năm phải sống chung với căn bệnh ung thư phổi nhưng tôi cảm thấy mình vẫn còn khỏe mạnh lắm, vẫn có thể đi làm, tự nấu cơm, chăm sóc vườn hoa cây cảnh,... Có thể duy trì được những việc này đối với tôi như là một kỳ tích vậy.
Chia sẻ của vị bác sĩ may mắn thoát khỏi ung thư phổi giai đoạn cuối
Nhưng tôi nghĩ không phải là quá khó để những người ung thư phổi như tôi có thể tạo nên được điều kỳ diệu này, bởi đơn giản tôi điều trị bệnh trước hết là nhờ vào chính sự lạc quan của mình.
Dù là một bác sĩ của Viện Tim mạch Quốc gia nhưng khi phát hiện bị ung thư phổi, bệnh của tôi cũng đã ở giai đoạn muộn. Giống như các bệnh nhân khác, tôi đã phải trải qua những cơn hành hạ đau đớn do bệnh tật dày vò và những lần điều trị tưởng chừng như không thể qua khỏi. Nhưng bây giờ đã qua tuổi 62, tôi vẫn có thể tận tâm làm những công việc chuyên môn, trải nghiệm những hành trình khám bệnh từ thiện mọi miền đất nước mà ít người nhận ra tôi là một bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối.
Chúng ta có thể đã đều biết rằng, ung thư phổi là một bệnh lý ác tính, dù hiện nay việc chẩn đoán và điều trị đã có nhiều tiến bộ nhưng khả năng sống của những người bệnh giai đoạn cuối vẫn rất thấp. Căn bệnh quái ác này có diễn biến khá âm thầm, các triệu chứng thường không rõ nên dù là một bác sĩ như tôi nhưng chủ quan mà vẫn không phát hiện bệnh sớm. Nếu bệnh được phát hiện ở những giai đoạn đầu thì bệnh nhân còn có cơ hội sống sót lên tới 70% và có thể kéo dài tuổi thọ lên 5-10 năm nếu được phẫu thuật kịp thời. Nhưng những bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn thì có đến 90% tỷ lệ tử vong trong vòng 6 tháng.
Tôi không còn nhớ rõ 5 năm qua tôi đã trải qua bao nhiêu lần hóa chất, hơn 30 lần điều trị xạ trị. Nhưng bệnh này ác tính, hết đợt này lại đến đợt khác tái phát. Tôi nhớ có lần khối u di căn vào xương chậu khiến tôi vô cùng đau đớn đến mức không thể di chuyển được mà phải ngồi xe lăn.
Năm ngoái, tôi tưởng mình không thể qua khỏi khi khối u tiếp tục di căn lên não. Khi đó, tôi có những dấu hiệu bất thường như mắt dần dần mờ đi, có hiện tượng bị bong võng mạc thì mới đi công hưởng từ, chụp PET/CT,... Kết quả cho biết tôi có khối u trong não ở phía sau nhãn cầu đã có kích thước 3x4 cm. Vì là khối u trong não nên các bác sĩ bảo tôi không thể mổ, chỉ có thể điều trị bằng hóa chất. Do sợ khối u tiếp tục di căn đến các vị trí khác nên tôi được tiến hành xạ phẫu bằng dao gamma quay để loại bỏ khối u, thực chất là xử lý khối u bằng tia phóng xạ.
Sau lần đó đến giờ, cũng rất may là bệnh chưa tái phát thêm lần nào nữa. Rất nhiều người đã hỏi tôi làm thế nào để chiến thắng ung thư, tôi chỉ nghĩ rằng quan trọng nhất chính là yếu tố tâm lý. Trong cả quá trình điều trị, tôi luôn giữ tâm lý mình thoải mái nhất có thể, người nhà tôi còn lo lắng hơn cả tôi. Tôi biết mình mắc ung thư giai đoạn cuối nhưng vẫn coi nó như một căn bệnh bình thường khác. Có lẽ công việc của một bác sĩ đã phần nào cho tôi được sức mạnh lạc quan này.
Trong những năm qua, tôi luôn xác định bản thân mình đang mắc một căn bệnh mãn tính, tuy không thể chữa khỏi và sẽ vẫn có những lần tái phát nhưng không phải là không thể điều trị được. Nếu bạn đang là một bệnh nhân ung thư, điều cần thiết bạn cần biết chính là chiến đấu với bệnh là một quá trình lâu dài và không được phép chán nản. Hãy cố gắng luôn lạc quan yêu đời, thay vì lo lắng bệnh tật thì hãy tìm đến những niềm vui đơn giản như xem phim hài, tập ngồi thiền, trồng hoa hay chăm sóc cây cảnh.
Trên sân thượng tôi tự trồng hoa, trồng rau, mùa nào thức đấy vừa để thư giãn lại vừa có nguồn thực phẩm tươi sạch để ăn. Những lúc rảnh rỗi thì tôi đi đến các buổi khám và điều trị bệnh từ thiện, tìm vài người bạn uống nước chơi cờ. Cứ như thế, tôi chẳng còn dư thời gian mà nghĩ đến bệnh tật nữa.
Như kinh nghiệm chiến thắng được ung thư mà tôi tích lũy được, ngoài việc tuân thủ tuyệt đối phác đồ điều trị của bác sĩ thì việc duy trì chế độ ăn uống, rèn luyện thân thể cũng rất quan trọng. Từ khi điều trị bệnh, tôi cũng thay đổi chế độ ăn của mình. Tôi chia nhỏ các bữa ăn trong ngày thành 5 bữa, hạn chế ăn các chất đường bột và chủ yếu là ăn rau quả. Tôi ăn các loại rau như cải xanh, súp lơ xanh, rau chân vịt,... và các loại hoa quả ít ngọt như cam, chanh, bơ, mãng cầu,... Bên cạnh đó, có điều kiện thì tôi thỉnh thoảng cũng uống thêm sâm ngọc linh, các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thiên nhiên. Để có được sức khỏe dẻo dai như ngày hôm nay thì tôi còn tập thêm những bài tập thể dục đơn giản, tập dịch cân kinh, ngồi thiền đều đặn hàng ngày.
Tôi thấy hiện nay rất nhiều bệnh nhân hay chạy ra nước ngoài điều trị bệnh nhưng tốn khoản tiền rất lớn mà vẫn không khỏi. Tôi tin y học của Việt Nam ngày nay cũng đã có tiến bộ rất lớn, nếu tuân thủ đúng liệu trình điều trị kết hợp với tâm lý thoải mái và lối sống lành mạnh thì chiến thắng được ung thư phổi là điều không hề khó.
Ghi chú: Bài viết mang tính chất tham khảo độc giả vui lòng cân nhắc trước khi sử dụng phương pháp điều trị bệnh