Cách điều trị nhức mỏi đầu gối và những điều cần biết
Đau nhức mỏi đầu gối là hiện tượng thường gặp trong đời sống hàng ngày. Bệnh gây nhức mỏi, khó chịu, và làm hạn chế vận động của người bệnh. Vậy cách chữa nhức mỏi đầu gối như thế nào?
Cách điều trị nhức mỏi đầu gối và những điều cần biết
Đau nhức mỏi đầu gối là hiện tượng thường gặp trong đời sống hàng ngày. Bệnh gây nhức mỏi, khó chịu, và làm hạn chế vận động của người bệnh. Vậy cách điều trị nhức mỏi đầu gối như thế nào?
Nguyên nhân gây nhức mỏi đầu gối
Thoái hóa khớp gối: Khớp gối là khớp rất quan trọng, chịu sức năng của toàn bộ cơ thể nhưng cũng là khớp dễ bị tổn thương nhất. Khi bị thoái hóa khớp gối, người bệnh thường cảm thấy đau nhức, đau nhiều về đêm, đau tăng khi vận động mạnh, leo cầu thang...
Đôi khi người bệnh bị cứng khớp thường vào buổi sáng khi vừa thức dậy, nghỉ ngơi, xoa bóp một lúc thì giảm. Khớp gối có thể bị sưng, nóng, đỏ. Nếu bị nặng thì có thể bị biến dạng khớp dẫn đến tàn phế.
Tổn thương dây chằng và gân khớp gối: Tổn thương, va đập vào đầu gối. Tổn thương khi chơi thể thao (đá bóng, tennis, bóng rổ, trượt tuyết...) hoặc tai nạn là nguyên nhân gây đau nhức mỏi đầu gối.
Viêm gân bánh chè cũng là một trong những nguyên nhân gây đau mỏi hai đầu gối bởi lúc này gân và cơ nhỏ xung quanh bị viêm, tấy lên khiến người bệnh khó chịu.
Viêm khớp dạng thấp: khớp gối bị sưng to, đau, gập duỗi khó khăn, phù nề tổ chức cạnh khớp. Đầu gối hai bên chân nhức mỏi, nếu để lâu không chữa có thể bị dính khớp...
>>> Xem thêm: Nhức mỏi đầu gối là bệnh gì?
Một số lưu ý về cách điều trị nhức mỏi đầu gối
Khi có các triệu chứng nhức mỏi đầu gối thường xuyên, người bệnh nên đến các bệnh viện có phòng khám chuyên khoa cơ xương khớp để tìm nguyên nhân gây bệnh, từ đó bác sĩ sẽ tư vấn cách điều trị phù hợp.
Người bệnh có thể điều trị bằng biện pháp vật lý trị liệu, xoa bóp, chườm lạnh hay chườm nóng.
Thuốc điều trị đau mỏi hai đầu gối bao gồm thuốc giảm đau, giãn cơ. Người bệnh không được sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Phương pháp phẫu thuật chỉ được chỉ định khi các phương pháp trên không mang lại kết quả.
Phòng tránh nhức mỏi đầu gối
Tập thể dục đều đặn, vừa sức như đi bộ, bơi,... Thường xuyên bổ sung các khoáng chất như canxi, magie, kali, vitamin cho cơ thể. Chế độ ăn đầy đủ bao gồm các thành phần đạm, đường, mỡ,... trong đó các thực phẩm như tôm, cua, sữa, các loại hạt... chứa nhiều canxi.
Tư thế ngồi làm việc đúng sẽ tạo sự thư giãn, thoải mái cho khớp gối. Khi ngồi lâu, đứng lâu cần đi lại, vận động để các cơ được thư giãn. Không nên đi giày cao gót cao quá hay giày làm từ chất liệu cứng, không chắc chắn vì dễ mất cân bằng.
Một số tư vấn của bác sĩ về các trường hợp cụ thể
Bạn Trần Hòa Bình có hỏi trên HoiBenh về tình trạng nhức mỏi đầu gối khi ngồi lâu như sau: Tôi 26 tuổi, làm công việc văn phòng. Tôi bị nhức mỏi và cảm giác rất khó chịu trong đầu gối của chân trái. Đêm ngủ chân trái bị giật khiến bản thân rất mệt mỏi vì mất ngủ. Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi.
Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Huệ đã trả lời chi tiết cũng như đưa ra tư vấn cho người bệnh như sau: Làm việc văn phòng là công việc thường xuyên phải ngồi tại bàn, ít vận động sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe (nhức mỏi cơ, phù chân, giãn tĩnh mạch...).
Ít vận động sẽ làm nhức mỏi nhiều cơ trên cơ thể (cơ gân kheo dưới, cơ bắp chân, cơ trước ngực, cơ vai...). Hiện tượng này là do ngồi làm việc nhiều giờ, chân ở tư thế cong, thiếu vận động, độ linh hoạt của cơ bắp vùng chân giảm, khiến huyết mạch ở khu vực này lưu thông kém, cơ thể ít vận động làm ứ đọng nhiều Axit lactic.
Do đó, chân của bạn nhức mỏi có cảm giác khó chịu là do cơ thể ít vận động, thường ngồi một chỗ nhiều giờ nên máu huyết không lưu thông tốt. Chân trái bị giật khi ngủ có thể do thiếu vitamin nhóm B và khoáng chất như Mg, P, Ca... hoặc do giãn tĩnh mạch (suy tĩnh mạch chi dưới).
Bạn thường xuyên vận động, không ngồi yên một chỗ, làm việc sau 1- 2 giờ nên đứng lên đi lại để máu huyết lưu thông và thư giãn cơ hoặc bạn có thể tập thể dục tại chỗ: sửa lại tư thế ngồi, mũi bàn chân chạm đất, gót chân nhún lên sau đó hạ xuống, làm đi làm lại trong vòng 30- 50 lần, kết hợp bổ sung thêm thuốc canxi, vitamin D, vitamin tổng hợp cùng khoáng chất Magné B6 bằng đường uống, chế độ ăn dùng nhiều thực phẩm có chứa canxi.
Nếu không cải thiện bạn nên đi khám làm thêm siêu âm màu mạch máu để khảo sát tĩnh mạch chi dưới và có hướng điều trị thích hợp.
>>> Xem thêm: Triệu chứng đau khớp gối ở người già
Một trường hợp khác là bạn đọc Đương Phú Quý đã gửi thắc mắc về tình trạng nhức mỏi đầu gối, đôi lúc thấy tê như sau: Chồng tôi năm nay 31 tuổi, làm thợ nhôm kính, thời gian gần đây anh hay bị đau, nhức mỏi đầu gối, nếu ngồi lâu hoặc nằm ngủ co người là anh lại thấy đau, đôi lúc thì thấy tê tê. Xin cho tôi hỏi biểu hiện của chồng tôi là bệnh gì, có nghiêm trọng không? điều trị như thế nào?
Cùng về vấn đề này bác sĩ Nguyễn Thị Minh Huệ có đưa ra giải đáp thắc mắc cho bạn Phú Quý như sau: Chồng bạn là thợ nhôm kính, một công việc đòi hỏi phải ngồi nhiều, có khi phải leo trèo và vận động. Triệu chứng đau, nhức mỏi khớp gối ở tuổi 31 có thể do nhiều lí do gây nên. Tuy nhiên, bạn không cho biết khớp gối của chồng bạn có bị sưng, nóng, đỏ hay không; bị một hay cả hai khớp gối; thời gian đau cụ thể bao nhiêu lâu?
Trong cơ thể, khớp gối là một khớp phải hoạt động nhiều, chịu đựng trọng lượng của cơ thể và dễ bị tổn thương nhất. Triệu chứng đau, nhức, mỏi khớp có thể do nhiều bệnh khác nhau của khớp như: chấn thương, viêm, thoái hóa, bệnh mạch máu hoặc nguy hiểm hơn là các bệnh u ác tính khớp gối.
Dựa vào tính chất đau của khớp gối chồng bạn: đau nhiều khi tăng hoạt động khớp gối (ngồi lâu hoặc khi nằm ngủ co) và nếu giảm đi khi nghỉ ngơi, đây là biểu hiện của bệnh thoái hóa khớp hoặc đau sau chấn thương. Đôi khi có thể nghe thấy tiếng lạo xạo, lắc rắc gặp trong bệnh thoái hóa khớp. Nếu bị thoái hóa khớp nó có thể chèn ép thần kinh gây nên biểu hiện tê tê. Nếu biểu hiện đau liên tục kể cả lúc nghỉ ngơi, tăng nhiều về đêm hoặc sáng sớm thì đây là biểu hiện của bệnh viêm khớp.
Một số biện pháp giảm đau có tính chất tạm thời như: chườm đá, tránh va chạm mạnh khớp gối, tránh ngồi xổm nhiều... Để chẩn đoán chính xác bệnh và có hướng điều trị cụ thể, chồng bạn cần được đi khám chuyên khoa Xương Khớp. Tại đây chồng bạn sẽ được thăm khám, xét nghiệm, chụp X-quang, có thể phải xét nghiệm dịch khớp, nội soi (nếu cần thiết).