Các dấu hiệu nhiễm độc thai nghén thường gặp nhất

Nhiễm độc thai nghén là một tình trạng đặc biệt chỉ xảy ra ở phụ nữ mang thai, gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Vậy phát hiện sớm những dấu hiệu nhiễm độc thai nghén sẽ đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con.

Các dấu hiệu nhiễm độc thai nghén thường gặp nhất Các dấu hiệu nhiễm độc thai nghén thường gặp nhất

Nhiễm độc thai nghén là một tình trạng đặc biệt chỉ xảy ra ở phụ nữ mang thai, gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Nhưng nếu được phát hiện và can thiệp kịp thời thì sẽ đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con. Vậy phát hiện sớm nhiễm độc thai nghén dựa vào những dấu hiệu nào, cùng HoiBenh tìm hiểu vấn đề này.

Nhiễm độc thai nghén là gì?

Nhiễm độc thai nghén là một bệnh lý thường xảy ra vào 3 tháng đầu và 3 tháng cuối của thai kỳ. Nhiễm độc thai nghén nếu không được điều trị tốt sẽ dẫn đến biến chứng tiền sản giật và sản giật gây ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ, thậm chí có thể gây tử vong cho cả mẹ lẫn thai nhi.

Các dấu hiệu nhiễm độc thai nghén

vicare.vn-cac-dau-hieu-nhiem-doc-thai-nghen-thuong-gap-body-1

Ốm nghén nặng

Thông thường sau khi có thai, nhiều phụ nữ sẽ bị ốm nghén. Ốm nghén thường biểu hiện bằng tình trạng mệt mỏi, xanh xao, lợm giọng, ứa ra nước bọt, buồn nôn hoặc nôn ói. Ngoài ra, còn có thể xuất hiện cảm giác sợ ăn những món ăn mà trước đây thai phụ rất thích, ngoại trừ các món ăn chua và ngọt.

Đó chính là tình trạng ốm nghén nhẹ xảy ra ở 3 tháng đầu thai kỳ. Tình trạng bắt đầu từ khi có thai khoảng gần 1 tháng và thường kéo dài đến 3 tháng, sau đó giảm dần rồi biến mất, thai phụ sẽ không còn ốm nghén nữa.

Tình trạng này có thể làm cho thai phụ gầy sút đi nhưng không bị suy nhược quá nhiều. Thai phụ chỉ cần nghỉ ngơi, ăn nhẹ và nên chia nhỏ làm nhiều bữa ăn trong ngày hoặc có thể sử dụng một số thuốc an thần để chống nôn theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Ngược lại, tình trạng ốm nghén nặng ở 3 tháng đầu thai kỳ gặp trong nhiễm độc thai nghén lại có diễn biến khác hẳn. Các biểu hiện ốm nghén dưới đây là dấu hiệu nhiễm độc thai nghén bạn cần đặc biệt lưu tâm:

  • Lúc đầu, thai phụ cũng có triệu chứng ốm nghén nhẹ nhưng thường xuất hiện sớm hơn.
  • Nôn ói nhiều là một triệu chứng rất thường gặp của ốm nghén nặng. Thai phụ nôn nhiều, có thể nôn ra tất cả mọi thứ đã ăn, thậm chí nôn hết thức ăn rồi mà vẫn tiếp tục nôn ra dịch nhầy hoặc nôn khan. Do nôn nhiều và không ăn uống được gì nên cơ thể thai phụ dễ bị mất nước, gầy sút nặng, mê sảng, co giật, gây viêm tắc ruột, viêm đường tiết niệu làm ảnh hưởng đến sức khoẻ và đe dọa tử vong. Còn thai nhi có thể bị nhẹ cân hoặc thai lưu.
  • Ngoài ra, thai phụ bị ốm nghén nặng còn có các triệu chứng khác như: đau đầu, chóng mặt, nhiều trường hợp thai phụ chỉ có thể nằm trên giường, không đủ sức đi lại.

Khác với ốm nghén nhẹ chỉ thỉnh thoảng xảy ra trong ngày, ốm nghén nặng xảy ra cả ngày lẫn đêm. Tỷ lệ thai phụ mắc ốm nghén nặng chiếm khoảng 10% tổng số người ốm nghén và đây là dấu hiệu nhiễm độc thai nghén rất thường gặp.

Bị phù nặng - dấu hiệu nhiễm độc thai nghén, không được lơ là

Đây là hiện tượng xảy ra ở rất nhiều thai phụ trong 3 tháng cuối thai kỳ. Nhưng nếu hiện tượng này xảy ra nhiều lần thì thai phụ nên chú ý. Có thể phát hiện phù hai chân bằng cách ấn ngón tay vào mắt cá chân thì sẽ để lại dấu lõm hình ngón tay trên mắt cá chân đó. Ở những người bị phù nặng, có thể phù cả ở mặt và hai tay, thậm chí phù ở các cơ quan bên trong cơ thể. Vì vậy, thai phụ có thể sẽ cảm thấy nhức đầu, mờ mắt, đau bụng, khó thở...

Những thai phụ không bị nhiễm độc thai nghén mà bị phù hai chân thường là do thai nhi lớn gây chèn ép tĩnh mạch. Khi đó, chỉ cần nằm nghỉ ngơi, kê cao chân lên sẽ hết phù. Còn ở những thai phụ bị nhiễm độc thai nghén thì phù hai chân không giảm sau khi nằm nghỉ và kê cao chân.

Tiểu ít

Đi đôi với phù hai chân thường là dấu hiệu tiểu ít. Lượng nước tiểu ngày càng giảm đi so với trước. Phù càng to, càng nhiều vị trí thì đi tiểu càng ít.

Tăng cân nhanh

Ngoài các dấu hiệu kể trên, thai phụ bị nhiễm độc thai nghén còn có hiện tượng tăng cân nhanh. Một tuần có thể tăng trọng lượng lên đến 500 gam. Nguyên nhân của việc tăng cân nhanh này là do cơ thể thai phụ bị giữ nước.

Tăng huyết áp có phải dấu hiệu nhiễm độc thai nghén?

vicare.vn-cac-dau-hieu-nhiem-doc-thai-nghen-thuong-gap-body-2

Thai phụ được xác định bị tăng huyết áp khi chỉ số huyết áp đo được từ 140/90 mmHg trở lên. Nghĩa là huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên, huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên. Hoặc ở những tháng cuối của thai kỳ, huyết áp tâm thu tăng thêm khoảng 30 mmHg và huyết áp tâm trương tăng thêm 15 mmHg so với trước khi mang thai.

Lúc này, thai phụ cần được theo dõi cẩn thận để phát hiện sớm tình trạng nhiễm độc thai nghén, nhằm tránh biến chứng tiền sản giật, sản giật.

Protein có trong nước tiểu cũng là dấu hiệu nhiễm độc thai nghén

Nước tiểu của thai phụ thường không có chất protein (hay gọi là albumin). Khi bị nhiễm độc thai nghén trong 3 tháng cuối thai kỳ, chất này sẽ hiện diện trong nước tiểu. Nồng độ protein trong nước tiểu càng nhiều thì tình trạng nhiễm độc thai nghén càng nặng.

Nồng độ protein trong nước tiểu chỉ có thể xác định chính xác thông qua việc thực hiện các xét nghiệm. Khi kết quả xét nghiệm nước tiểu có nồng độ protein lớn hơn 0,3 gam/lít thì không bình thường, khi đó cần theo dõi nhiễm độc thai nghén. Trường hợp nồng độ protein trong nước tiểu quá cao, bác sĩ còn phải kiểm tra chức năng gan của thai phụ để xem có tổn thương gan kèm theo hay không. Vì vậy, để sớm phát hiện được dấu hiệu này, thai phụ nên đi khám thai thường xuyên.

Tuỳ theo mức độ nhiễm độc thai nghén mà mỗi thai phụ sẽ có ít hay nhiều dấu hiệu trên. Tuy nhiên, cho dù xuất hiện bao nhiêu dấu hiệu và mức độ nặng nhẹ của các dấu hiệu ra sao thì bạn cũng không nên chủ quan, phải nhanh chóng đi khám sớm để có thể chẩn đoán và điều trị kịp thời nhằm đảm bảo có một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh.

Xem thêm:

  • Nhiễm độc thai nghén cần lưu ý điều gì?
  • Phù chân – dấu hiệu cực kỳ nguy hiểm do nhiễm độc thai nghén