Các bước thụ tinh ống nghiệm đầy đủ cần biết trước khi thực hiện

Thụ tinh ống nghiệm là phương pháp được thực hiện cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn. Tuy là phương pháp điều trị vô sinh, hiếm muộn phổ biến nhưng thụ tinh trong ống nghiệm không phải là một quyết định dễ dàng, nhất là những cặp vợ chồng chưa có nhiều kinh nghiệm, kiến thức về vấn đề này.

Các bước thụ tinh ống nghiệm đầy đủ cần biết trước khi thực hiện Các bước thụ tinh ống nghiệm đầy đủ cần biết trước khi thực hiện

Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về phương pháp hỗ trợ sinh sản này.

Thụ tinh ống nghiệm là gì?

Thụ tinh ống nghiệm (IVF) là phương pháp y khoa tiên tiến được sử dụng cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn hoặc gặp các vấn đề di truyền liên quan đến giới tính. Đây là kỹ thuật có hiệu quả cao nhất của công nghệ hỗ trợ sinh sản hiện nay. Ở Việt Nam, IVF được áp dụng để điều trị nhằm tăng khả năng sinh sản cho các cặp vợ chồng hiếm muộn.

Thụ tinh trong ống nghiệm được thực hiện bằng cách lấy trứng của người vợ và tinh trùng của người chồng hoặc trứng hoặc tinh trùng hay thậm chí là phôi thai của người hiến để tạo thành phôi thai, sau đó cấy vào trong tử cung của người vợ hoặc người mang thai hộ. Quá trình mang thai sẽ được diễn ra như bình thường.

vicare.vn-cac-buoc-thu-tinh-ong-nghiem-day-du-can-biet-truoc-khi-thuc-hien-body-1

Những trường hợp cần thụ tinh trong ống nghiệm

Thụ tinh trong ống nghiệm sẽ đem lại hiệu quả thành công cao đối với những trường hợp sau:

  • Tắc, tổn thương vòi trứng hoặc không có ống dẫn trứng.
  • Lạc nội mạc tử cung.
  • Tinh trùng bất thường nhẹ.

Ngoài ra, thụ tinh trong ống nghiệm còn được áp dụng với những trường hợp vô sinh không rõ nguyên do ở cả người vợ lẫn người chồng hoặc trong thời gian dài áp dụng các phương pháp điều trị vô sinh khác mà không thụ thai.

Chuẩn bị trước khi làm thụ tinh ống nghiệm

Trước khi chuẩn bị làm thụ tinh ống nghiệm, các cặp vợ chồng sẽ cần phải thực hiện một số xét nghiệm đánh giá khả năng sinh sản. Để quyết định xem cặp vợ chồng có nên làm thụ tinh ống nghiệm hay không, các bác sĩ sẽ dựa trên nhiều yếu tố, như: Tuổi tác, sức khỏe, nguyên nhân gây vô sinh, những nguy cơ tiềm ẩn khi thực hiện kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm, chi phí và thời gian thực hiện,....

Sau khi đã được khám, tư vấn và được chỉ định thực hiện phương pháp thụ tinh ống nghiệm, người vợ sẽ được hẹn quay lại bệnh viện thăm khám vào ngày kinh thứ 2 hoặc thứ 3 của chu kỳ. Đây là khoảng thời gian để các cặp vợ chồng chuẩn bị tâm lý, sức khỏe cũng như sắp xếp công việc và nguồn tài chính để chuẩn bị bước vào các quy trình của thụ tinh ống nghiệm.

Các bước thụ tinh ống nghiệm

Một chu kỳ thụ tinh ống nghiệm thường sẽ mất khoảng 2 tuần. Ngoài ra, để đạt được hiệu quả thành công cao nhất, các bác sĩ có thể cấy nhiều phôi vào tử cung cùng lúc nhằm tăng hiệu quả thụ thai.

Quy trình thụ tinh ống nghiệm được thực hiện như sau:

Bước 1: Kích thích trứng

  • Người vợ được tiêm thuốc kích trứng liên tục mỗi ngày, trong khoảng thời gian từ 10 đến 12 ngày. Trong thời gian tiêm thuốc, người vợ sẽ được hẹn siêu âm và xét nghiệm để kiểm tra sự phát triển của nang noãn.
  • Khi nang noãn đạt kích thước yêu cầu, người vợ sẽ được tiêm mũi thuốc cuối cùng để kích thích trứng trưởng thành (mũi kích rụng trứng).

Bước 2: Chọc hút trứng

  • Khi trứng đã đạt yêu cầu, các bác sĩ sẽ tiến hành chọc hút trứng qua đường âm đạo vào khoảng 36 giờ sau mũi tiêm cuối cùng. Khi chọc hút trứng, người vợ sẽ được gây mê để không cảm thấy đau đớn. Thời gian thực hiện chọc hút trứng sẽ rơi vào khoảng 10 - 15 phút.
  • Cùng lúc đó, người chồng sẽ được lấy tinh trùng để chuẩn bị cấy phôi hoặc được thông báo lấy mẫu tinh trùng đông lạnh nếu như đã được trữ đông từ trước đó.
  • Sau khi chọc hút trứng, người vợ sẽ được nằm theo dõi sức khỏe tại bệnh viện 2 - 3 giờ.

Bước 3: Tạo phôi

  • Trứng và tinh trùng sẽ được chuyển vào phòng Lab để tiến hành thụ tinh và tạo phôi. Phôi sẽ được nuôi cấy bên ngoài từ 2 - 5 ngày.
  • Trong thời gian này, người vợ sẽ được cho dùng thuốc và đặt âm đạo để chuẩn bị chuyển phôi.
  • Trong trường hợp người vợ không đủ điều kiện sức khỏe để chuyển phôi ngay sau khi tạo phôi, toàn bộ phôi đạt chất lượng sẽ được đem đi trữ đông và người vợ sẽ được chuyển phôi vào chu kỳ tiếp theo.
vicare.vn-cac-buoc-thu-tinh-ong-nghiem-day-du-can-biet-truoc-khi-thuc-hien-body-2

Bước 4: Chuyển phôi

  • Sau khi tạo phôi, các bác sĩ sẽ thông báo về số lượng, chất lượng phôi được tạo thành. Số phôi đạt yêu cầu sẽ được chuyển vào buồng tử cung, số phôi dư sẽ thông qua sự thống nhất của 2 vợ chồng và bác sĩ để đưa đi trữ đông.
  • Bác sĩ kiểm tra niêm mạc tử cung của người vợ, nếu đạt độ dày cần thiết và chất lượng tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình làm tổ và phát triển của phôi khi đặt vào buồng tử cung, các bác sĩ sẽ tiến hành chuyển phôi.
  • Sau khi hoàn tất quá trình chuyển phôi, người vợ sẽ được chăm sóc tại bệnh viện 2 - 4 giờ. Trong thời gian 2 tuần sau khi chuyển phôi, người vợ sẽ được sử dụng các loại thuốc nội tiết và thực hiện chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Trong trường hợp chuyển phôi trữ, người vợ sẽ được siêu âm và theo dõi niêm mạc từ ngày thứ 2 của chu kỳ kinh kế tiếp trong vòng 14 - 18 ngày, sau đó sẽ được chọn ngày phù hợp để chuyển phôi.

Bước 5: Thử thai

  • 2 tuần sau khi chuyển phôi, người vợ sẽ được tiến hành xét nghiệm máu (xét nghiệm Beta HCG). Nếu nồng độ HCG trong máu trên 25 IU/I thì sẽ được xác định là có thai.
  • Nếu nồng độ HCG trong máu sau 2 ngày tăng gấp rưỡi trở lên thì được xác định là thai đang phát triển, các bác sĩ sẽ cho người vợ uống thuốc dưỡng thai chờ đến ngày siêu âm để xác định túi thai và tim thai.
  • Nếu sau 2 ngày, chỉ số HCG trong máu không tăng không giảm thì tiếp tục theo dõi. Thai bị sinh hóa khi nồng độ xuống còn dưới 5 UI/I.
  • Nếu chưa có thai nhưng phôi trữ vẫn còn, người vợ có thể tiếp tục dùng phôi trữ để chuyển vào trong tử cung ở các chu kỳ tiếp theo.

Xem thêm:

  • Chi phí thụ tinh trong ống nghiệm 2018
  • Quá trình thụ tinh ống nghiệm (TTON): Lợi hay hại?
  • Nguyên nhân khiến sảy thai sau thụ tinh trong ống nghiệm