Các bệnh về mắt và nguyên nhân

Đôi mắt là món quà vô giá giúp con người cảm nhận về thế giới xung quanh. Do đó chúng ta cần quan tâm, chăm sóc để có một đôi mắt sáng, khỏe mạnh. Mắt là một cơ quan rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương hay nhiễm trùng. Hãy cùng HoiBenh tìm hiểu các bệnh về mắt và nguyên nhân để có những kiến thức đầy đủ nhất để phòng ngừa những nguy cơ mắc bệnh cho mắt

Các bệnh về mắt và nguyên nhân Các bệnh về mắt và nguyên nhân


.

Bệnh loét giác mạc

Bệnh loét giác mạc khá phổ biến, đặc biệt là ở các nước đang phát triển có khí hậu nóng ẩm, dễ gây nhiễm trùng như nước ta. Giác mạc là một trong 2 phần quan trọng của mắt. Giác mạc là cửa sổ trong suốt, cho phép ánh sáng có thể đi qua mắt. Giác mạc cũng tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài nên có thể bị nhiễm bụi bẩn. Bệnh có thể nặng, nhẹ tùy mức độ. Tuy nhiên trong một số trường hợp bạn bị đau nhiều, ảnh hưởng tới khả năng nhìn, chảy dịch từ mắt...Khi bệnh trở nên nghiêm trọng cần gặp bác sĩ ngay và điều trị kịp thời để ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm như gây suy giảm hoặc mất thị giác vĩnh viễn.

Nguyên nhân bệnh loét giác mạc

Nguyên nhân chính gây nên viêm giác mạc là do nhiễm trùng:

  • Nhiễm vi khuẩn do đeo kính áp tròng, hoặc bị nhiễm khuẩn từ không khí, nước, bụi bẩn
  • Nhiễm virut như virut herpes, varicella.
  • Nhiễm nấm

Ngoài nguyên nhân nhiễm trùng, các vấn đề về mắt như khô mắt hoặc chấn thương ở mắt tạo nên các tổn thương ở giác mạc, gây viêm, loét giác mạc.

Thiếu vitamin A hay đeo kính áp tròng chưa diệt trùng và không đúng cách cũng có thể gây bệnh loét giác mạc.

Các tật khúc xạ (cận, viễn, loạn thị)

Khúc xạ mắt là những rối loạn mắt rất phổ biến làm mắt không thể tập trung rõ ràng các hình ảnh từ thế giới bên ngoài. Bệnh làm mờ tầm nhìn, đôi khi làm thị lực suy yếu, nhìn đôi; tầm nhìn bị chói hoặc bị quầng sáng; gây nhức đầu; mỏi mắt. Bệnh không thể ngăn ngừa, nhưng có thể chẩn đoán bệnh bằng việc khám mắt và điều trị bằng kính chỉnh hình, kính áp tròng hoặc phẫu thuật khúc xạ, đúng thời gian và đúng với các chuyên gia chăm sóc mắt, bệnh không cản trở chức năng thị giác tốt của bạn.

Ba bệnh phổ biến nhất là:

  • Cận thị: khó nhìn thấy rõ các vật ở xa
  • Viễn thị: khó nhìn thấy rõ các vật ở gần
  • Loạn thị: có thể làm méo mó thị lực do một giác mạc cong không đều, lớp vỏ bọc rõ ràng của nhãn cầu.

Nguyên nhân

Những nguyên nhân chủ yếu gây ra tật khúc xạ là:

  • Nguyên nhân di truyền;
  • Tư thế không phù hợp
  • Ánh sáng.

Thoái hóa điểm vàng

Thoái hóa điểm vàng (hay còn gọi là thoái hóa hoàng điểm) là bệnh rối loạn về mắt gây ảnh hưởng đến khả năng nhìn, nguyên nhân chính dẫn đến mù lòa. Xảy ra ở những người lớn tuổi nên còn được gọi chung là bệnh thoái hóa điểm vàng do lão hóa.

Bệnh có hai loại:

  • Thoái hóa điểm vàng dạng khô: Thị lực suy giảm, cảm giác bị nhòe khi nhìn một vật gì đó. Khi bệnh trở nên nặng hơn, một điểm mờ sẽ xuất hiện giữa tầm nhìn của bạn và càng ngày càng sẫm màu hơn.
  • Thoái hóa điểm vàng dạng ướt: Triệu chứng phổ biến nhất là bạn sẽ thấy tầm nhìn trung tâm bị bóp méo. Hoặc tầm nhìn trung tâm sẽ xuất hiện một điểm mờ, theo thời gian điểm mờ này lớn dần làm giảm khả năng nhìn

Nguyên nhân thoái hoá điểm vàng

Thoái hóa điểm vàng dạng khô: Phổ biến nhất, xảy ra khi các tế bào nhạy cảm điểm sáng trong vùng điểm vàng từ từ bị suy giảm.

Thoái hóa điểm vàng dạng ướt: Xảy ra khi các mạch máu bất thường sau võng mạc bắt đầu phát triển. Các mạch máu mới này thường dễ vỡ dẫn đến rỉ máu trong điểm vàng. Đây là nguyên nhân chính gây ra tình trạng mất thị lực sau này.

Tăng nhãn áp

Tăng nhãn áp (hay còn gọi là bệnh glaucoma) rất thường gặp ngày nay. Thần kinh thị giác mang hình ảnh từ võng mạc đến não của bạn, từ đó giúp bạn nhìn thấy thế giới xung quanh. Tăng nhãn áp chính là tình trạng gia tăng áp suất trong mắt do chất dịch trong mắt tiết ra không đều, và có thể gây tổn thương thần kinh thị giác. Bệnh ảnh hưởng đến 1 trong số 50 người ở độ tuổi trên 40. Bệnh khi tiến triển nặng có thể dẫn đến mù lòa. Có một số trường hợp các dây thần kinh thị giác vẫn có thể bị tổn thương mặc dù áp lực trong mắt của bạn nằm ở mức bình thường.

Nguyên nhân

  • Tăng nhãn áp góc mở và tăng nhãn áp bẩm sinh: thường do di truyền gây ra
  • Do có sự tắc nghẽn ống dẫn lưu trong màng mạch dẫn đến tăng áp lực lên mắt
  • Tăng nhãn áp thứ cấp: có thể hình thành nếu những ai đã từng mắc phải tăng nhãn áp góc mở, tăng nhãn áp góc đóng và bị thêm các bệnh như tiểu đường, chấn thương mắt hoặc thường xuyên dùng các thuốc loại thuốc corticosteroids.

Đau mắt đỏ (viêm kết mạc)

Đau mắt đỏ là tình trạng kết mạc, phần màng trong suốt giữa mí mắt và tròng trắng của mắt (phần trắng của nhãn cầu), bị sưng lên do viêm gây đỏ và đau nhức. Bạn có thể đau mắt đỏ một hoặc cả hai mắt, không ảnh hưởng đến thị lực. Bệnh đau mắt đỏ là bệnh truyền nhiễm nên bạn cần được cách ly và điều trị càng sớm càng tốt để tránh lây cho người khác. Nhiều người mắc bệnh này, tuy nhiên đa số trường hợp bệnh có thể tự phục hồi mà không cần dùng thuốc. Mọi người ở mọi lứa tuổi đều có thể bị đau mắt đỏ. Dịch đau mắt đỏ thường xảy ra vào mùa thu.

Nguyên nhân đau mắt đỏ

Có thể chia ra thành các nguyên nhân chính là dị ứng, nhiễm khuẩn, nhiễm virus và do vật lạ tác động. Cụ thể như:

  • Nhiễm khuẩn gây bệnh đường hô hấp như tụ cầu khuẩn Staphylococcus và liên cầu khuẩn Streptococcus
  • Nhiễm virus, thường là virus gây cảm lạnh thông thường
  • Dị ứng (lông chó, mèo, phấn hoa...)
  • Bị hóa chất bắn vào mắt; Nghẽn tuyến lệ (tuyến tạo ra nước mắt) ở trẻ sơ sinh

Đục thủy tinh thể (cườm khô, cườm đá)

Đục thủy tinh thể là hiện tượng đục mờ thủy tinh thể. Thủy tinh thể giống như một thấu kính mà chúng ta nhìn xuyên qua. Thủy tinh thể được cấu tạo chủ yếu từ nước, protein và một số chất hóa học khác. Dần theo tuổi tác, các chất protein này sẽ kết đám và cản trở đường đi của ánh sáng. Khi thủy tinh thể bị đục càng nhiều, bạn càng khó có thể nhìn rõ. Đục thủy tinh thể là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mù lòa trên toàn thế giới. Bệnh thường xảy ra đối với người lớn tuổi, có liên quan đến quá trình lão hóa. Cần gọi ngay cho bác sĩ khi bạn bị đau dữ dội ở mắt. Trong trường hợp bạn có thay đổi đột ngột về thị lực ví dụ như nhìn bị mờ đi hoặc nhìn một thành hai, hãy gặp bác sĩ ngay lập tức.

Nguyên nhân đục thuỷ tinh thể

Nguyên nhân gây đục thủy tinh thể chưa rõ ràng. Đục thủy tinh thể thông thường là do lão hóa, dần dần trở nên đục, sau đó dày, cứng, bị khô và cuối cùng sẽ bị đục hoàn toàn. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh có thể gây ra bởi dùng steroid trong thời gian dài, do mắt bị đỏ và sưng, nhiễm trùng mắt và các bệnh như tiểu đường.