Bị chó mèo dại cắn bao lâu thì phát bệnh?
Bị chó mèo cắn là một tai nạn rất phổ biến , đặc biệt là ở các vùng nông thôn nơi chó mèo được nuôi thả tự do. Bị chó mèo cắn còn kèm theo mối nguy hại lây lan bệnh dại qua những vết cắn và câu hỏi được đặt ra là bị chó mèo dại cắn bao lâu thì phát bệnh đang rất được quan tâm.
Bị chó mèo dại cắn bao lâu thì phát bệnh?
Mặc dù hiện nay đã có vacxin phòng chống bệnh dại nhưng vẫn có những trường hợp tử vong đáng tiếc do không được tiếp cận với nguồn thông tin chính xác và đầy đủ về việc phòng ngừa bệnh dại. Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu để làm rõ và có câu trả lời đầy đủ nhất cho câu hỏi bị chó mèo dại cắn bao lâu thì phát bệnh?
Bệnh dại là gì?
Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus dại gây lên, lây truyền từ chất tiết, thông thường nhất là nước bọt của động vật bị nhiễm virus dại. Một số trường hợp cũng có thể do lây truyền từ việc hít khí dung hoặc ghép các tổ chức mới bị nhiễm virus dại.
Khi đã lên cơn dại cả động vật và con người đều tử vong, hiện nay chưa có phương pháp chữa trị.
Đặc điểm của virus gây bệnh dại ?
- Hình thái: virus dại có hình viên đạn, một đầu tròn một đầu dẹt.
- Sức đề kháng: yếu, dễ bị bất hoạt bởi xà phòng, cồn iot, ether, ở nhiệt độ 56oC chết trong vòng 30 phút, ở 600C chết trong 5-10 phút và ở 700C chết trong 2 phút. Mất độc lực khi tiếp xúc với ánh sáng và chất diệt khuẩn có nồng độ 2-5 %. ở nhiệt độ 4oC virus tồn tại được vài tuần đến 12 tháng, dưới 0oC tồn tại được từ 3-4 năm.
- Các chủng: có 2 chủng chính là chủng đường phố tồn tại trong cơ thể vật bị bệnh và chủng cố định được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, đã giảm, mất độc lực và không gây bệnh, được dùng làm vacxin dại lần đầu tiên bởi L.Pasteur.
Đường lây truyền và cơ chê gây bệnh
Đường lây truyền
Các động vật máu nóng vừa là nơi chứa, vừa là vecto lây truyền bệnh.ví dụ như chó nhà, mèo, cáo, chó sói, chồn, gấu....
Đường lây truyền chủ yếu là qua da và niêm mạc, bị động vật dại cắn, cào, liếm hoặc dính nước bọt trên da trợt, vết thương hở của người có thể lây virus dại sang cho người, thường gặp nhất là do chó cắn (trên 90%).
Ngoài da còn có trường hợp lây nhiễm do đi vào hang động nơi có loài dơi nhiễm virus dại cư trú (thường gặp ở nam mỹ)
Cơ chế bệnh sinh
Sau khi lây sang người qua vết thương ở da, niêm mạc, virus dại sẽ tồn tại ở vết cắn một thời gian rồi sau đó nhân lên ở tế bào cơ, rồi xâm nhập vào thần kinh trung ương gây lên tình trạng chết tế bào theo chương trình, từ đó dẫn đến các biểu hiện lâm sàng.
Khi ở trong cơ thể người, virus dại có ở nước bọt, nước tiểu, dịch não tủy, tập trung nhiều ở tiểu não, cuống não và hạch nền sọ ngoài ra còn thấy ở các nơi khác như thận, cơ tim, ...
Biểu hiện của chó mèo bị bệnh dại
Các biểu hiện của chó mèo dại thường được chia làm 2 thể là thể điên cuồng (thể dại điên) và thể dại câm (thể bại liệt hay im lặng) nhưng cũng có khi xen kẽ cả 2 thể trên thời gian đầu là thể kích động, điên cuồng sau đó chuyển sang bị ức chế và bại liệt.
Tuy nhiên các biểu hiện thường gặp nhất khi chó mèo bị dại đó là tính tình thay đổi, có những phản ứng bất thường như không dám nhìn thẳng, buồn bã,nằm riêng xó tối hoặc sục sạo, chồm vồ vật động,chúng liếm, gãi, nhay vết cắn, nuốt bất kì vật gì như rơm rạ, gỗ, đất...hay cắn sủa, chó thường hú nhiều và liên tục.
Có thể có kích thích mạnh bộ phận sinh dục.
Thời kì nung bệnh ở chó mèo thường từ 3 tuần đến 3 tháng,chúng thường chết sau 2-10 ngày từ khi phát bệnh.
Nước bọt của chó truyền bệnh một thời gian trước khi có triệu chứng, thường khoảng 1-2 tuần nên sau khi bị chó cắn cần nhốt và theo dõi chúng chặt chẽ trong vòng 10-15 ngày.
Bị chó mèo dại cắn bao lâu thì phát bệnh
Sau khi bị chó mèo dại cắn, người bệnh sẽ trải qua một thời gian ủ bệnh không có triệu chứng trước khi phát bệnh.
Thời kì ủ bệnh
- Từ 10 ngày đến trên 1 năm, trung bình khoảng 20-60 ngày.
- Nếu vết cắn có diện tích lớn, sâu và gần với thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh sẽ bị rút ngắn, trong thời kì ủ bệnh thì hoàn toàn không có triệu chứng gì.
Thời kì khởi phát
- Thời gian: từ 1-4 ngày
- Yếu tố thuận lợi: một kích thích tinh thần hoặc thể chất
- Trước khi phát bệnh thì người bệnh thường có các biểu hiện tiền triệu như : lo lắng, bồn chồn, thay đổi tính tình, dị cảm, ngứa và đau ở chỗ bị cắn. thường xuyên mất ngủ, có thể rối loạn tiểu tiện hoặc đái khó.
Thời kì toàn phát
Trên lâm sàng bao gồm 2 thể chủ yếu đó là thể hung dữ (chiếm khoảng 80%) và thể bại liệt (chiếm khoảng 20%)
Thể hung dữ: các triệu chứng chủ yếu là tình trạng kích thích tâm thần vận động
- Bắt đầu là quá trình tăng kích thích vận động và cảm giác
- Bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo.
- Bệnh nhân trong tình trạng hưng phấn, kích động quá mức, mất ngủ thường xuyên
- Tăng nhạy cảm với ánh sáng, tiếng ồn, sờ mó,đụng chạm vào cơ thể mình. Dù với một cơn gió nhẹ cũng gây ra kích động.
- Có thể có các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật như: sốt, giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, tim đập nhanh.
- Triệu chứng đặc biệt và nổi bật nhất trong thời kì này đó là sợ nước, sợ gió: ban đầu các cơn kích thích tại chỗ chỉ xuất hiện khi uống nước, khi hít thở mạnh, nhưng sau đó chỉ cần nghe thấy tiếng nước chảy, cảm giác gió thổi qua hoặc nghe thấy nhắc đến nước là lên cơn kích động..
- Tăng tiết nước bọt không nuốt được nên bệnh nhân nhổ nước bọt liên tục, rất khát nhưng không dám uống nước.
- Do có tổn thương hạnh nhân tiểu não nên sẽ xuất hiện hiện tượng cương đau dương vật và xuất tinh tự nhiên ở nam giới.
Các cơn vật vã kích thích xuất hiện ngày càng nhiều và càng mạnh. Sau khoảng 7 ngày bệnh nhân sẽ rơi vào hôn mê, rối loạn các chức năng sống và có thể dẫn tới tử vong.
Thể bại liệt:
- Thường xuất hiện ở những bệnh nhân đã tiêm phòng vacxin sau khi bị chó mèo dại cắn nhưng muộn.
- Thường không có các triệu chứng sợ gió, sợ nước.
- Triệu chứng ban đầu có thể là đau ở vùng cột sống, dị cảm ở vết cắn.
- Sau đó là tình trạng liệt các cơ chi dưới, chi trên, liệt cơ mặt, cơ hầu họng, và các cơ hô hấp và dẫn đến tử vong.
- Thể này tử vong chậm hơn thể hung dữ, có thể kéo dài từ 2-20 ngày.
Khi bệnh nhân đã lên cơn dại thì không thể chữa trị được và sẽ tử vong, thời gian tử vong còn phụ thuộc vào việc có hay không sự hỗ trợ các chức năng sống cho bệnh nhân.
Xử trí người bệnh khi bị chó mèo nghi dại cắn
Bước 1: Xử trí vết thương
- Rửa ngay vết thương bằng nước xà phòng đặc 20%, sau đó rửa lại bằng nước muối sinh lí và bôi các dung dịch sát khuẩn đậm đặc như cồn iot.
- Vết thương bẩn và dập nát cần được cắt lọc sau đó rửa bằng các dung dịch sát khuẩn và cồn iot.
- Không nên khâu vết thương quá sớm, chỉ khâu sau khi bị cắn 5 ngày.
Bước 2: Theo dõi súc vật cắn trong vòng 10-15 ngày, không giết thịt
Bước 3: Điều trị huyết thanh kháng dại
Được khuyến cáo sử dụng cho các trường hợp bị cắn vết thương nặng, sâu, nhiều vết cắn, ở gần trung tâm thần kinh trung ương.
Tiêm càng sớm càng tốt và trước khi tiêm vacxin.
Có 2 loại huyết thanh kháng dại:
- Huyết thanh kháng dại khác chủng lấy từ ngựa đã miễn dịch cao. Tiêm một liều duy nhất.
- Globulin miễn dịch, đồng chủng, đặc hiệu kháng dại. Tiêm một liều duy nhất.
Tiêm vacxin: chỉ định cho các trường hợp vết cắn nhẹ bị cắn bởi con vật nghi dại mà con vật ấy đã bị giết, đã bỏ đi hoặc bị động vật hoang dã cắn. nếu bị động vật khỏe mạnh cắn cần theo dõi con vật trong 10-15 ngày, nếu con vật có biểu hiện ốm, hoặc thay đổi tính tình cần tiêm ngay. Nếu sau 10-15 ngày mà con vật vẫn khỏe mạnh thì không cần tiêm.
Xử trí khi đã lên cơn dại
Hiện tại vẫn chưa có phương pháp chữa trị khi đã lên cơn dại, chỉ điều trị triệu chứng: an thần, nghỉ ngơi, tránh kích thích như tiếng ồn, ánh sáng, gió vì sẽ làm bệnh diến biến nhanh hơn.
Khi chăm sóc cần mang đầy đủ các biện pháp bảo hộ để tránh người bệnh cắn trong cơn kích động, gây lây lan bệnh. Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng, sát khuẩn bằng cồn sau khi tiếp xúc với người bệnh.
Bệnh dại là bệnh vô cùng nguy hiểm và để lại hậu quả rất nặng nề, hi vọng bài viết đã cung cấp cho các bạn các kiến thức hữu ích và đầy đủ nhất để có thể biết khi bị chó mèo dại cắn thì bao lâu sẽ phát bệnh và cách xử trí vết thương kịp thời cũng như khi nào nên tiêm vacxin phòng dại.
Xem thêm:
- Triệu chứng ban đầu của bệnh dại
- Bị chó cào vào chân, liệu có mắc bệnh dại không?
- Vắc-xin bệnh dại có gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh không?