Bị bệnh áp xe gan có nguy hiểm không?
Áp-xe gan có nguy hiểm không phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và giai đoạn phát hiện bệnh để có phương pháp điều trị kịp thời.
Bị bệnh áp xe gan có nguy hiểm không?
Áp-xe gan là hiện tượng nhiễm trùng gây ứ mủ trong gan do vi khuẩn xâm nhập vào gan từ nhiễm trùng túi mật hoặc theo máu. Các nguyên nhân phổ biến nhất của nhiễm trùng là vi khuẩn và amip (Entamoeba histolytica). Vậy bị bệnh áp xe gan có nguy hiểm không?
Triệu chứng bị áp xe gan
Đau ở vùng bụng trên bên phải
Đau ngực khi thở sâu
Sốt
Mệt mỏi
Sụt cân, chán ăn
>>> Xem thêm: Giải đáp thắc mắc bệnh áp xe gan có lây không?
Một vài lưu ý về mức độ nguy hiểm của bệnh áp xe
Áp-xe gan là một bệnh nặng, có thể gây tử vong với tỷ lệ cao. Tác nhân gây bệnh có thể là vi khuẩn, amíp hoặc nấm. Đường lây bệnh có thể theo đường máu hay đường mật hoặc lây lan trực tiếp bởi các ổ nhiễm khuẩn lân cận trong ổ bụng.
Áp-xe gan thường do vi khuẩn đi theo đường máu tới gan hay do các ổ nhiễm khuẩn bên cạnh trong khoang phúc mạc. Áp-xe gan có thể chỉ là một ổ đơn độc, hoặc cũng có thể là nhiều ổ áp-xe.
Trước đây, viêm ruột thừa vỡ là nguyên nhân gây áp-xe gan nhiều nhất, còn hiện nay bệnh đường mật phối hợp lại là căn nguyên gây áp-xe gan phổ biến hơn. Viêm mủ tĩnh mạch cửa thường do nhiễm khuẩn ở tiểu khung, nhưng đôi khi ổ nhiễm khuẩn ở nơi khác trong khoang phúc mạc cũng là nguyên nhân hay gặp gây áp-xe gan.
Áp-xe gan là một bệnh trong đó có một hoặc nhiều ổ mủ trong nhu mô gan, có trên 90% ổ áp-xe nằm ở thùy phải của gan. Đây là một bệnh khá phổ biến ở tất cả các nước, bệnh có xu hướng ngày càng tăng mặc dù trình độ vệ sinh đã được nâng cao và các kháng sinh đã được sử dụng khá rộng rãi...
Chính vì vậy việc bị bệnh áp-xe gan có nguy hiểm không phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và giai đoạn phát hiện bệnh để có phương pháp điều trị kịp thời. Bệnh cần được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời nếu không có thể dẫn đến tử vong.
Điều trị bệnh Áp-xe gan
Hiện tại, việc điều trị bằng cách chọc dẫn lưu qua da hoặc phẫu thuật vẫn còn là phổ biến để điều trị áp-xe ổ bụng, kể cả áp-xe gan, nhưng việc điều trị nội khoa cho áp-xe gan mủ cũng đã được quan tâm thỏa đáng.
Với việc sử dụng các thuốc kháng sinh phổ rộng để điều trị áp-xe gan giống như các thuốc dùng trong nhiễm khuẩn máu do nhiễm khuẩn ổ bụng.
Thông thường người ta hay phối hợp việc chọc hút ổ áp-xe trước khi điều trị nội khoa. Nhờ kết quả nuôi cấy bệnh phẩm, nên việc dùng thuốc theo kháng sinh đồ có kết quả tốt giúp bệnh nhân mau khỏi và tiết kiệm kinh phí điều trị bệnh. Ngược lại các trường hợp điều trị mà không có chọc dẫn lưu qua da thường phải dùng kháng sinh kéo dài hơn.
Những con số báo động về bệnh áp xe gan
Tỷ lệ tử vong do áp-xe gan hiện nay vẫn còn khá cao, khoảng 15% các trường hợp mắc bệnh. Do phương pháp dẫn lưu qua da có những hạn chế như khó áp dụng trong các ca có ổ áp-xe lớn, có nhiều ổ; áp-xe chứa chất nhầy, nhớt dễ làm tắc ống dẫn lưu; các bệnh kết hợp, chẳng hạn bệnh đường mật cần phẫu thuật... nên người ta có xu hướng sử dụng phẫu thuật hơn.
Trường hợp điều trị áp-xe gan do nấm Candida thường phải sử dụng amphotericin B dài ngày.
Theo một nghiên cứu đã khảo sát 540 trường hợp áp-xe ổ bụng, trong đó có 26% là áp-xe tạng; áp-xe gan chiếm tới 13% trong tổng số áp-xe và 48% trong số áp-xe tạng.