Bệnh tay chân miệng có mấy cấp độ?
Trẻ nhỏ là một trong những đối tượng thường xuyên mắc bệnh tay chân miệng khi thời tiết thay đổi. Bệnh thường được đặc trưng bởi các triệu chứng như sốt, đau họng và nổi ban có bọng nước... Để tìm hiểu rõ hơn về những cấp độ của bệnh này, cung như cách điều trị bệnh sao cho hiệu quả hãy cùng HoiBenh theo dõi bài viết dưới đây.
Bệnh tay chân miệng có mấy cấp độ?
Trẻ nhỏ là một trong những đối tượng thường xuyên mắc bệnh tay chân miệng khi thời tiết thay đổi. Bệnh thường được đặc trưng bởi các triệu chứng như sốt, đau họng và nổi ban có bọng nước...
Để tìm hiểu rõ hơn về những cấp độ của bệnh này, cung như cách điều trị bệnh sao cho hiệu quả hãy cùng HoiBenh theo dõi bài viết dưới đây.
Bệnh tay chân miệng là gì?
Tay chân miệng là một trong những căn bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền rất nhanh có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh xuất hiện phổ biến ở trẻ nhỏ, và có thể gặp ở người lớn. Bệnh xảy ra phổ biến ở nhiều nước châu Á.
Dấu hiệu đặc trưng của tay chân miệng là sốt, đau họng, niêm mạc miệng và da bị tổn thương; chủ yếu là ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông.
Bệnh tay chân miệng do các loại virus thuộc nhóm đường ruột gây ra, gồm có Coxsackie, Echo... và một số loại virus đường ruột khác. Trong đó hay gặp nhất là virus đường ruột týp 71 (EV71) và coxsackie A16. Đáng chú ý là loại virus EV71, có thể gây ra các biến chứng nặng nề thậm chí là tử vong (Nguồn: suckhoedoisong.vn).
Các giai đoạn bệnh chân tay miệng
- Giai đoạn ủ bệnh: 3 - 7 ngày.
- Giai đoạn khởi phát: Từ 1 - 2 ngày với các triệu chứng chưa rõ rệt sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy nhiều lần trong ngày
- Giai đoạn toàn phát: Giai đoạn này có thể kéo dài 3-10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh như sau:
- Loét miệng: Xuất hiện các vết loét đỏ hay phỏng nước với đường kính 2-3 mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, khiến trẻ bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt.
- Phát ban dạng phỏng nước: Phát ban ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; thời gian tồn tại ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại sẹo thâm, có thể loét hay bội nhiễm nhưng hiếm khi xảy ra.
- Sốt nhẹ.
- Nôn.
- Trẻ sốt cao và nôn nhiều rất dễ có nguy cơ biến chứng.
- Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ ngày 2 đến ngày 5 của bệnh.
Các cấp độ bệnh tay chân miệng
Chúng ta có thể nhận biết bệnh tay chân miệng, thông qua những triệu chứng sớm nhất của bệnh như: Trẻ nhỏ thường bị sốt, đây là triệu chứng đầu tiên của bệnh tay chân miệng, sốt thường kéo dài 24 - 48 giờ; trẻ chán ăn, mệt mỏi và thường xuyên bị đau họng; xuất hiện nhiều đốm đỏ như phỏng rộp và sau đó trở thành vết loét...
Các vết loét này thường nằm trên lưỡi, nướu răng và niêm mạc má; trong một số ít trường hợp, bệnh có thể diễn biến nhanh với các triệu chứng về thần kinh, hô hấp và nhanh chóng dẫn đến tử vong...
Bệnh tay chân miệng có 4 cấp độ, lần lượt là 1, 2, 3 và 4. Trong đó:
- Cấp độ 1: Đây là cấp độ bệnh tương đối nhẹ và có thể điều trị tại nhà, bệnh thường có biểu hiện loét miệng và/hoặc tổn thương da.
- Cấp độ 2: Ở giai đoạn này, người bệnh sẽ có những biểu hiện thường gặp như giật mình dưới 2 lần/30 phút; sốt trên 2 ngày, hay sốt trên 39 độ , nôn, lừ đừ, khó ngủ, quấy khóc vô cớ. Trong cấp độ 2 của bệnh, trẻ sẽ được phân vào những nhóm bệnh khác nhau với những biểu hiện đặc trưng và cách điều trị phù hợp cho từng nhóm.
- Cấp độ 3: Những dấu hiệu của trẻ bị tay, chân, miệng cấp độ 3 thường thấy như: Mạch đập chậm (dấu hiệu rất nặng); vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc khu trú; HA tăng; thở nhanh, thở bất thường; rối loạn tri giác (Glasgow < 10 điểm); tăng trương lực cơ...
- Cấp độ 4: Nếu trường hợp con bạn bị tay chân miệng cấp độ 4, thì bắt buộc bé phải được đưa đi bệnh viện ngày lập tức và thực hiện điều trị.
Điều trị bệnh
Tùy vào từng cấp độ bệnh sau khi thăm khám, mà các bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp điều trị thích hợp cho người bệnh. Trong đó:
- Cấp độ 1 và cấp độ 2: Bệnh nhân có thể tự điều trị tại nhà dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Đồng thời, trong điều trị cần cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho bé. Tái khám mỗi 1-2 ngày trong 8-10 ngày đầu của bệnh.Trẻ có sốt phải tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ.
- Cấp độ 3, 4: Điều trị nội trú tại đơn vị hồi sức tích cực. Trong điều trị, các bác sĩ sẽ theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở, tri giác... Giai đoạn này bắt buộc phải điều trị tại bệnh viện, vì nếu có trường hợp bất ngờ các bác sĩ có thể xử lý và khắc phục ngay được cho người bệnh tay chân miệng.
Kinh nghiệm của các mẹ về bệnh chân tay miệng
- Một mẹ có nickname "me be my" tại diễn đàn webtretho có chia sẻ như sau: "Bé nhà mình hôm trước cũng bị ở độ 2, phải lấy máu xét nghiệm và nằm viện theo dõi. Bác sĩ chỉ cho thuốc rơ miệng và hạ sốt thôi. Bạn chịu khó rơ miệng cho bé để bong cái mụn trong miệng ra (bé nhà mình nằm ở BV Nhi Đồng 2, cho thuốc của trong bệnh viện, bảo là cứ rơ cho mạnh vào để bong các mụn ấy ra mới mau khỏi và ăn uống được, rơ chảy cả máu miệng, bác sĩ bảo thế mới tốt, chỉ 1-2 lần là thấy hết rồi, xót con lắm nhưng phải cố!). Bạn phải theo dõi nhiệt độ của bé thường xuyên, lau mát nếu sốt 38 độ trở lên, hoặc báo ngay với bác sĩ. Và phải giữ gìn vệ sinh cho bé thật tốt, đừng để chạm đất dơ. Nếu bé nhà bạn không phải nhập viện thì nhẹ và mau khỏi lắm, đừng quá lo. Bé nhà mình lúc trước phải nằm viện 8 ngày đấy. Nhưng may là không gì nghiêm trọng. Chỉ có mấy ngày đầu bé đau miệng, không chịu ăn bất cứ thứ gì kể cả sữa, chỉ uống được vài ngụm nước. Lúc đấy nhìn mà thương con lắm, chỉ mong mình có thể bệnh thay con."
- Một mẹ khác có nickname "BanhMyPhap" cũng ở diễn đàn webtretho chia sẻ: "Con mình cũng bị 2 lần liền, cứ mùa hè là bị. Nhưng thực ra bệnh này kiêng kỹ thì lành. Chỉ nguy hiểm khi để bị biến chứng thôi. Bé sẽ bị nổi nốt ở bên trong miệng nên ăn uống khó khăn, đau miệng lắm, hay quấy khóc. Và nổi nốt cả ở bàn tay và chân nữa.
Kinh nghiệm của mình, sau khi đưa con đi bác sĩ, bác sĩ cho uống thuốc, chắc là thuốc để tăng sức đề kháng và loại kháng sinh nhẹ chống nhiễm trùng các nốt. Mình về luôn giữ cho con sạch sẽ, ko để bé lê la bẩn chân bẩn tay, thỉnh thoảng rửa tay chân cho bé. Không để các nốt bị vỡ ra nhiễm bẩn nhiễm trùng là không sao cả.
Con mình mình còn kiêng gió khoảng 15 ngày. Thế là ổn. Có lẽ con mình bị 2 lần nên mình cũng không còn lo lắm như lần đầu. Khoảng 1 tuần là các nốt lặn hết là khỏi thôi. Không có gì phải lo lắng hết."
Qua những chia sẻ của HoiBenh, mong các mẹ chú ý các biểu hiện của bé, kịp thời ứng phó điều trị để bé mau chóng khỏi bệnh. Chúc các mẹ và các bé sức khỏe!
Xem thêm
Chăm sóc trẻ nhiễm tay chân miệng tại nhà
Bé bị bệnh tay chân miệng thì nên ăn gì? kiêng gì?