Bệnh ho gà có điều trị tại nhà được không?
Theo thống kê, hàng năm bệnh ho gà đã cướp đi mạng sống của hơn 300.000 người trên thế giới, trong đó chủ yếu là trẻ em dưới 1 tuổi. Đây là loại bệnh đường hô hấp dễ lây lan từ người sang người.
Bệnh ho gà có điều trị tại nhà được không?
Bệnh ho gà là bệnh gì?
Bệnh ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính qua đường hô hấp do trực khuẩn ho gà Bordetella pertussis gây nên. Đây là một bệnh ở đường hô hấp, thường xuất hiện ở lứa tuổi trẻ nhỏ hoặc những người có hệ miễn dịch suy giảm .
Vì là một dạng viêm nhiễm của đường hô hấp trên nên đôi khi bệnh ho gà không được phát hiện sớm do nhầm lẫn với các triệu chứng của các bệnh lí đường hô hấp trên. Vì vậy có những hiểu biết về căn bệnh này là cách tốt nhất để phát hiện bệnh và bảo vệ sức khỏe cho con cái, bản thân và gia đình bạn.
Nguyên nhân gây bệnh ho gà
Nguyên nhân chính gây bệnh ho gà là vi khuẩn Bordetella pertussis. Vi khuẩn xâm nhập vào đường hô hấp rồi khu trú và phát triển ở lông mao biểu mô trụ của đường hô hấp như thanh quản, khí phế quản. Tại đây vi khuẩn Bordetella pertussis sẽ tiết ra một loại độc tố Pertussis toxin. Đây là loại protein độc lực chính đóng vai trò gây nên các triệu chứng bệnh của bệnh ho gà.
Trong một số điều kiện thuận lợi vào mùa đông xuân là điều kiện lí tưởng cho vi khuẩn ho gà phát triển, sinh sôi nảy nở và gây bệnh. Thời điểm này cũng là thời điểm lây lan bệnh và có thể bùng phát thành dịch ở từng vùng.
Triệu chứng bệnh ho gà
Các triệu chứng của bệnh ho gà chủ yếu biểu hiện trên đường hô hấp. Ở giai đoạn sớm của bệnh, bệnh biểu hiện bằng các cơn ho nhẹ . Nếu không điều trị bệnh tiến triển nặng lên sẽ nghe thấy tiếng rít và có thể dẫn đến khó thở , suy hô hấp.
- Thời gian đầu mắc bệnh, trẻ sẽ có những cơn ho nhẹ, giai đoạn này đôi khi bị bố mẹ bỏ qua không chú ý đến triệu chứng bệnh. Có thể bị nhầm lẫn với các triệu chứng của viêm thanh quản, viêm họng, viêm tiểu phế quản.
- Thời gian ủ bệnh của vi khuẩn ho gà là 7-10 ngày sau thì trẻ bắt đầu ho nhiều hơn, chảy nước mũi. Khi hít thở sẽ có những tiếng rít ở vùng thanh khí quản. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị thì bệnh trở nên nặng hơn gây ho nặng hơn, kéo dài dẫn tới việc trẻ mệt mỏi, chảy nước mắt nước mũi. Sau những cơn ho trẻ thường đỏ mặt hay tím tái toàn thân do cơn ho kéo dài làm trẻ bị thiếu khí thở gây thiếu oxy cung cấp cho cơ thể.
- Cơn ho kéo dài và bệnh nặng gây suy hô hấp và có thể gây tử vong.
Bệnh ho gà có tự khỏi không? Điều trị bệnh ho gà thế nào?
Cho đến nay chưa có nghiên cứu nào kết luận việc bệnh ho gà có tự khỏi được không. Tuy nhiên, bệnh thường không để lại biến chứng gì nguy hiểm nếu được điều trị kịp thời ở giai đoạn sớm.
Với trẻ lớn bị bệnh ho gà và không có biến chứng, trẻ sẽ được điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu trong 10-14 ngày theo chỉ định của bác sĩ. Còn với trẻ dưới 6 tháng tuổi thường được khuyến cáo nằm điều trị nội trú trong bệnh viện để theo dõi tiến triển bệnh.
Các loại kháng sinh diệt khuẩn sử dụng để điều trị bệnh ho gà như:
- Erythromyxin liều dùng 20- 40 mg/kg/ngày trong 8-10 ngày.
- Ampicilin liều dùng 70-100 mg/kg/ngày từ 8-10 ngày.
Cùng với việc dùng kháng sinh, để điều trị ho gà, cần phải cắt đứt cơn ho liên tục kéo dài. Để hạn chế cơn ho có thể dùng các thuốc sau :
- Dung dịch dimedrol 0,15% uống 5-10 ml/lần, dùng 1 ngày từ 2-3 lần.
- Thuốc kháng histamin tổng hợp.
- Các thuốc an thần gây ngủ : Gardenal 3-4 mg/kg/ngày, seduxen 2-3 mg/kg/ngày.
Trong thời gian điều trị, nên cho trẻ bổ sung nhiều nước và các thức ăn dễ tiêu như cháo, sữa. Duy trì chế độ sữa mẹ như bình thường nếu trẻ vẫn còn đang bú mẹ. Không cần hạn chế kiêng loại thức ăn nào.
Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân bị bệnh ho gà. Nêu trẻ đang đi nhà trẻ thì cách ly các bạn đang mắc bệnh ho gà, cho nghỉ học.
Những người không mắc ho gà nhưng phải tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân ho gà thì sẽ được chỉ định điều trị dự phòng bằng kháng sinh để phòng tránh bệnh.
Trẻ bị bệnh ho gà có thể điều trị tại nhà được không?
Với những trẻ mắc ho gà thể nhẹ: Số cơn ho ít, thời gian mỗi cơn ho ngắn, trẻ vẫn ăn uống bình thường, trong cơn ho không tím mặt. Những trường hợp trẻ này thì mẹ có thể chăm sóc tại nhà.
- Cho trẻ nghỉ ngơi, yên tĩnh, tránh kích thích.
- Với trẻ bú mẹ tiếp tục cho bú mẹ bình thường. Với trẻ ăn dặm và trẻ lớn: cho trẻ ăn lỏng, dễ tiêu, ăn ít một, chia làm nhiều bữa.
- Vệ sinh thân thể, mũi miệng cho trẻ. Sau mỗi cơn ho vệ sinh sạch đờm ở miệng của trẻ, dùng khăn mềm lau sạch miệng bằng nước muối ấm. Có thể nhỏ mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý 9‰. Với trẻ lớn vệ sinh răng miệng và súc miệng bằng nước muối
- Cách ly trẻ bị bệnh với những trẻ khác để tránh lây lan bệnh
- Cho trẻ uống thuốc theo đơn của bác sĩ nếu có để điều trị các triệu chứng của bệnh.
Khi nào cần đưa trẻ đi khám ngay?
Khi trẻ ho có kèm 1 trong các dấu hiệu sau:
- Trẻ có nhiều cơn ho, trong cơn ho có đỏ hoặc tím mặt, thời gian mỗi cơn ho kéo dài
- Ăn kém, nôn trớ nhiều, mệt mỏi nhiều
- Thở nhanh/ khó thở
Khi có các dấu hiệu như trên thì nên đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để có biện pháp can thiệp điều trị sớm.
Phòng bệnh ho gà cho trẻ bằng cách nào?
- Tiêm phòng: Tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà cho trẻ là biện pháp đạt hiệu quả phòng bệnh cao nhất lên tới 90%. Hiện nay vắc xin phòng bệnh ho gà được tiêm miễn phí trong chương trình Tiêm chủng mở rộng của Bộ Y tế.
- Cách ly người bệnh: Cho trẻ tránh xa những người có dấu hiệu bị ho gà. Nếu trong gia đình có người mắc bệnh ho gà thì cần điều trị dứt điểm để không lây lan bệnh cho người trong gia đình.
Xem thêm:
- Tổng quan về bệnh ho gà mẹ cần biết
- Phải làm gì khi trẻ bị ho gà trong mùa dịch bệnh
- Ho gà có tự khỏi không?