Bệnh gout uống thuốc gì để cải thiện hiệu quả nhất?
Bệnh gout (Gút) là một trong những bệnh lý đã được biết đến từ hàng ngàn năm trước đây. Ngày nay, trong xã hội hiện đại với sự phát triển về kinh tế bệnh gout đang có số người mắc ngày càng tăng cao và được xếp vào một loại bệnh liên quan đến sự thay đổi lối sống, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, thừa cân, béo phì...
Bệnh gout uống thuốc gì để cải thiện hiệu quả nhất?
Bệnh gout không còn là căn bệnh của người giàu mà đã trở thành căn bệnh của toàn xã hội.
Bệnh gout là gì?
Bệnh Gout là bệnh viêm khớp do rối loạn chuyển hóa axit uric làm tăng axit uric trong máu, các tinh thể urat lắng đọng trong bao khớp gây ra đau khớp. Nếu người bình thường có lượng axit uric là 2-5mg/ 100ml thì người bệnh gout có thể lên tới 8,8mg/ 100ml.
Nguyên nhân chính là tăng acid uric ở trong máu. Đối với nam giới tỷ lệ acid uric trong máu là trên 420 μmol/l, còn ở nữ giới là trên 380 μmol/l.
Những đối tượng nào dễ mắc phải căn bệnh này?
Bệnh gout thường gặp ở nam giới hơn nữ giới. Nam giới ở độ tuổi 30 – 60 tuổi chiếm 90% - 95%, còn nữ giới chiếm khoảng 5% thường ở độ tuổi sau mãn kinh.
Đâu là nguyên nhân gây ra bệnh gout?
Nguyên nhân gây ra bệnh gout được chia thành 2 nhóm:
- Nguyên nhân nguyên phát: do trục trặc gen di truyền. Trường hợp này người bệnh có nồng độ acid uric tăng cao ở trong máu dẫn đến sự lắng đọng, tích lũy các tinh thể urat sắc nhọn, hình kim ở các khớp và các mô ở cạnh khớp gây nên tình trạng sưng, nóng, đỏ, đau ở các khớp và các phần mềm quanh khớp.
- Nguyên nhân thứ phát: do tăng sản xuất acid uric hoặc do giảm đào thải acid uric qua đường nước tiểu hoặc cả 2 nguyên nhân trên. Đặc biệt, trong một số trường hợp như bệnh nhân suy thận, bệnh nhân về máu như bệnh bạch cầu cấp, một số bệnh nhân sử dụng thuốc điều trị ung thư, các bệnh nhân đang điều trị các thuốc lao phổi có thể dễ bị các cơn gout cấp. Các bệnh nhân sử dụng các thuốc lợi tiểu như bệnh nhân tim mạch cũng có thể là nguy cơ dẫn đến tình trạng tăng acid uric.
Ngoài ra, ở bệnh nhân tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh nhân bị rối loạn chuyển hóa lipid trong máu, bệnh nhân béo phì cũng có nguy cơ bị tăng acid uric trong máu.
Ở nam giới uống nhiều rượu, bia, ăn nhiều thức ăn có chứa nhân purin như hải sản, phủ tạng động vật, thịt màu đỏ... cũng là một yếu tố nguy cơ dẫn đến tăng acid uric trong máu. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến những đợt gout cấp tính, tái phát nhiều lần.
Triệu chứng của bệnh gout là gì?
Người mắc bệnh gout thường có các biểu hiện như sau:
- Sưng, viêm đỏ: Khớp ngón tay và ngón chân cái sẽ xuất hiện tình trạng sưng đau và kèm với đó cơn đau cũng có thể xuất hiện tại các khớp lân cận như khớp gối, bàn cổ tay, mắt cá.
- Khó vận động: Do xương khớp bị tổn thương viêm, gây đau buốt nên quá trình vận động của người bệnh cũng bị gián đoạn.
- Trong trường hợp bệnh tiến triển nặng và phát triển thành mãn tính thì có thể làm mất khả năng vận động, biến dạng xương khớp, hình thành nên cục tophi do tinh thể urat lắng đọng trong mô mềm.
- Các cơn sưng, nóng, đỏ, đau thường xảy ra vào ban đêm khiến người bệnh mất giấc ngủ.
Bệnh gout uống thuốc gì?
Hiện nay, y học hiện đại chưa có phương pháp vào điều trị khỏi bệnh gout hoàn toàn, mục đích chính là giảm thiểu cơn đau do gút và ngăn ngừa sự tăng lên của axit uric trong máu.
- Sử dụng các thuốc giảm đau thông thường như nhóm thuốc paracetamol, efferalgan codeine...(lưu ý: chỉ nên sử dụng ngắn ngày vì có tác dụng phụ đối với gan).
- Sử dụng thuốc chống viêm giảm đau không steroit như Indometacin, naproxen, ibuprofen, ketoprofen, piroxicam, diclofena... các nhóm thuốc ức chế chọn lọc COX-2 (meloxicam, celecoxib, etoricoxib...). Tuy nhiên, vì nhóm kháng viêm không steroid có tác dụng phụ trên hệ tiêu hóa, do đó bệnh nhân mắc kèm theo các bệnh như viêm loét dạ dày tá tràng, suy thận...nên ta chỉ nên sử dụng ngắn ngày.
- Colchicin: Colchicin là thuốc được chọn dùng để làm giảm đau trong các đợt gút cấp. Cần dùng thuốc càng sớm càng tốt (trong vòng 12 giờ đầu khởi phát cơn gút). Liều lượng 1mg/ngày. Thuốc ít tác dụng phụ với dạ dày, tim mạch, gan, thận.
Lưu ý: Khi dùng thuốc nếu xảy ra hiện tượng nôn, tiêu chảy, cần phải giảm liều hay tạm ngưng trị liệu và báo cáo với bác sĩ để được điều chỉnh hoặc thay thuốc.
Biện pháp phòng chống bệnh Gout
Chế độ ăn uống hay luyện tập không thể thay thế được thuốc, nhưng nó góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu và ngăn chặn cơn đau, đồng thời dự phòng sự tiến triển của bệnh. Trong bệnh gút, dù có dùng thuốc đúng nhưng nếu không có chế độ ăn phù hợp thì kết quả điều trị cũng thất bại. Do vậy, đối với bệnh nhân gút, cần lưu ý chế độ ăn như sau:
- Kiêng tất cả các thức ăn có chứa nhân Purin như thịt đỏ, phủ tạng động vật, tôm, cua, cá mòi, các trích... đặc biệt là trong các cơn gout cấp.
- Kiêng rượu, bia, các chất kích thích.
- Ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi.
- Uống nhiều nước: 2-2,5l/ ngày.
- Tăng cường vận động, tập luyện thể dục thể thao giữ trọng lượng ở mức sinh lý, tránh béo phì, tránh giảm cân quá nhanh.
- Tránh lao động quá mức.
Bệnh Gout là bệnh điều trị cho hiệu quả cao nếu bệnh nhân tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ kết hợp với chế độ ăn uống và sinh hoạt nghiêm ngặt, hợp lý. Cách tốt nhất để phòng bệnh là thường xuyên kiểm tra đường huyết, khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các nguy cơ cảnh báo.
Xem thêm:
- Xét nghiệm bệnh Gout ở đâu tại Hà Nội
- 4 xét nghiệm cần thiết phát hiện bệnh gout
- Bệnh gout có nên ăn cá hay không?