Bệnh béo phì - “kẻ giết người” thầm lặng

Bệnh béo phì là một trong những bệnh lý phổ biến nhất hiện nay. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi và có diễn tiến âm thầm nhưng lại gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, còn rất nhiều người chủ quan do chưa biết rõ về bệnh lý này. Bài viết sẽ cung cấp những thông tin cần thiết về bệnh béo phì cho bạn.

Bệnh béo phì - “kẻ giết người” thầm lặng Bệnh béo phì - “kẻ giết người” thầm lặng

Bệnh béo phì là gì?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa: Bệnh béo phì là bệnh lý có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 25 trở lên. Chỉ số này được tính toán bằng cách lấy cân nặng (theo đơn vị kilôgam) chia cho bình phương của chiều cao (theo đơn vị mét).

Đối với hầu hết người lớn, chỉ số BMI sẽ cho biết thể trạng của bạn như thế nào. Cụ thể như sau:

  • Dưới 18,5: có nghĩa là bạn đang gầy
  • Từ 18,5 đến 22,9: có nghĩa là bạn đang có thể trạng cân đối.
  • Từ 23 đến 24,9: có nghĩa là bạn đang thừa cân
  • Từ 25 đến 29,9: có nghĩa là bạn đang mắc bệnh béo phì
  • Từ 30 trở lên: có nghĩa là bạn đang mắc bệnh béo phì nặng
vicare.vn-benh-beo-phi-ke-giet-nguoi-tham-lang-body-1

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), các yếu tố như tuổi tác, giới tính, chủng tộc và khối lượng cơ bắp có thể làm sai lệch mối liên hệ giữa chỉ số BMI và khối lượng mỡ thừa trong cơ thể, dẫn đến việc chỉ số BMI không đánh giá đúng thể trạng trong mọi trường hợp.

Hơn nữa, BMI không phân biệt được giữa mỡ thừa, cơ bắp và xương, cũng như không cung cấp bất kỳ gợi ý nào về sự phân bố mỡ thừa trong cơ thể. Chính vì vậy, chỉ số BMI không được sử dụng để chẩn đoán chắc chắn bệnh béo phì.

Lấy ví dụ cụ thể, đối với một số người có rất nhiều cơ bắp và không có mỡ thừa thì chỉ số BMI sẽ cao, nhưng vẫn không thể xếp họ vào nhóm người mắc bệnh béo phì. Mặc dù tồn tại những hạn chế như vậy, BMI vẫn tiếp tục được sử dụng rộng rãi như một chỉ số để đánh giá thể trạng.

Để khắc phục hạn chế của chỉ số BMI, hiện nay còn có các phương pháp để xác định chính xác khối lượng mỡ thừa và sự phân bố mỡ thừa trong cơ thể, các phương pháp này bao gồm:

  • Số đo vòng eo: từ 90 cm trở lên ở nam và từ 80 cm trở lên ở nữ.
  • Tỷ số vòng eo trên vòng mông (WHR): lớn hơn 1 ở nam và lớn hơn 0,85 ở nữ.
  • Đo độ dày của da: phản ánh lượng mỡ dưới da.
  • Các xét nghiệm như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT Scan) và chụp cộng hưởng từ (MRI).

Bác sĩ cũng có thể chỉ định thực hiện một số xét nghiệm khác để giúp chẩn đoán bệnh béo phì cũng như phát hiện các rủi ro sức khỏe liên quan đến bệnh béo phì. Các xét nghiệm này bao gồm:

  • Xét nghiệm kiểm tra nồng độ cholesterol máu.
  • Xét nghiệm chức năng gan.
  • Xét nghiệm tầm soát bệnh đái tháo đường.
  • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp để tầm soát bệnh suy giáp.
  • Đo điện tâm đồ để tầm soát các bệnh lý tim mạch.

Đối với trẻ em, việc đánh giá trẻ có bị mắc bệnh béo phì hay không sẽ thông qua 2 số đo là cân nặng và chiều cao như sau:

  • Đối với trẻ em từ 0 đến 5 tuổi: trẻ bị béo phì khi chỉ số cân nặng theo chiều dài nằm hoặc chiều cao đứng từ 3 độ lệch chuẩn (3 SD) trở lên.
  • Đối với trẻ em từ 5 đến 19 tuổi: trẻ bị béo phì khi chỉ số khối cơ thể theo tuổi (BMI-Zscore) từ 2 độ lệch chuẩn (2 SD) trở lên.

Nguyên nhân gây bệnh béo phì là gì?

Cung cấp năng lượng (calo) thông qua chế độ ăn uống nhiều hơn so với nhu cầu năng lượng hàng ngày trong một thời gian dài, có thể gây ra bệnh béo phì. Theo thời gian, những calo dư thừa này sẽ cộng gộp lại, khiến bạn tăng cân và mắc bệnh béo phì.

Các nguyên nhân cụ thể gây bệnh béo phì bao gồm:

  • Ăn một chế độ ăn giàu chất béo và calo.
  • Có lối sống ít vận động..
  • Ngủ không đủ giấc: Điều này có thể dẫn đến thay đổi nội tiết tố khiến bạn cảm thấy đói bụng và thèm ăn một số loại thực phẩm có hàm lượng calo cao.
  • Di truyền: Có thể ảnh hưởng đến cách thức cơ thể biến đổi thức ăn thành năng lượng và cách dự trữ mỡ thừa.
  • Cao tuổi: Có thể dẫn đến khối lượng cơ bắp ít hơn và tốc độ trao đổi chất chậm hơn nên dễ gây tăng cân.
  • Mang thai: tăng cân khi mang thai có thể khó giảm và cuối cùng có thể dẫn đến bệnh béo phì.

Một số bệnh lý cũng có thể là nguyên nhân của béo phì, bao gồm:

  • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): xảy ra ở phụ nữ, là một tình trạng mất cân bằng hormone sinh dục nữ nên dễ gây tăng cân.
  • Hội chứng Prader-Willi: một bệnh lý bẩm sinh hiếm gặp, trẻ mắc bệnh luôn có cảm giác đói quá mức, dẫn đến ăn uống không kiềm chế và rất dễ gây ra bệnh béo phì.
  • Hội chứng Cushing: một bệnh lý được gây ra do có quá nhiều hormone cortisol trong cơ thể của bạn.
  • Bệnh suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém): tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ lượng hormone quan trọng cần thiết cho cơ thể.
  • Bệnh viêm xương khớp và các bệnh lý khác gây đau nhiều: có thể dẫn đến việc hạn chế hoạt động thể lực, lâu dài sẽ bị bệnh béo phì.
vicare.vn-benh-beo-phi-ke-giet-nguoi-tham-lang-body-2

Những ai có nguy cơ mắc bệnh béo phì?

Các yếu tố nguy cơ béo phì bao gồm: yếu tố di truyền, yếu tố môi trường, yếu tố tâm lý và thói quen. Các yếu tố này không trực tiếp gây ra bệnh béo phì nhưng có thể làm tăng nguy cơ béo phì của một người cũng như có thể làm bệnh béo phì tiến triển nặng hơn.

Yếu tố di truyền

Một số người có yếu tố di truyền khiến họ rất khó để giảm cân. Những người này có thể thừa hưởng một đặc điểm di truyền bất lợi nào đó từ cha hoặc mẹ, chẳng hạn như cảm giác thèm ăn quá mức, có thể làm cho việc giảm cân trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Yếu tố môi trường

Môi trường sống của bạn có thể bao gồm: ở nhà, ở trường và ở cộng đồng dân cư. Tất cả các môi trường sống này đều có thể ảnh hưởng đến những gì bạn ăn và mức độ vận động của bạn. Môi trường sống có thể khiến bạn không học được cách làm những món ăn lành mạnh hay không thể cung cấp cho bạn được những thực phẩm tốt cho sức khoẻ. Nếu khu phố của bạn khá chật hẹp và không thích hợp để bạn vận động thể lực (đi bộ hoặc chạy bộ), bạn có thể đi đến một nơi tốt hơn để vận động, chẳng hạn như công viên. Bên cạnh đó, bệnh béo phì cũng có liên quan nhiều đến các yếu tố môi trường khác, chẳng hạn như việc ăn uống kém lành mạnh có thể được học từ thời thơ ấu.

Yếu tố tâm lý và thói quen

Trầm cảm đôi khi có thể dẫn đến tăng cân, do khi mắc bệnh trầm cảm thì người bệnh có thể sẽ chuyển sang sử dụng các thực phẩm không lành mạnh để tạo sự thoải mái về mặt cảm xúc hơn và những thực phẩm này đôi khi có hàm lượng calo cao nên dễ gây bệnh béo phì.

Bỏ thuốc lá luôn luôn là một điều rất có lợi cho sức khoẻ. Tuy nhiên, bỏ thuốc lá cũng có thể dẫn đến tăng cân. Vì vậy, điều quan trọng là bạn phải tập trung vào chế độ ăn kiêng và tập thể dục trong quá trình bạn bỏ thuốc lá.

Ngoài ra, việc sử dụng các loại thuốc như corticoid, thuốc tránh thai, thuốc điều trị đái tháo đường, thuốc điều trị động kinh và các bệnh lý rối loạn tâm thần như trầm cảm hoặc tâm thần phân liệt cũng có thể khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh béo phì cao hơn.

Biến chứng của bệnh béo phì là gì?

Bệnh béo phì sẽ dẫn đến nhiều biến chứng hơn so với việc tăng cân mức độ vừa phải. Trong bệnh béo phì, tỷ lệ mỡ thừa cao hơn nhiều so với khối lượng cơ bắp nên dễ làm tăng áp lực lên xương khớp cũng như các cơ quan nội tạng của bạn. Nó cũng làm tăng tình trạng viêm của cơ thể, tình trạng này được cho là một trong những nguyên nhân gây ung thư. Bệnh béo phì cũng là một nguyên nhân chính gây ra bệnh đái tháo đường type 2.

Các biến chứng của bệnh béo phì có thể từ mức độ nhẹ đến nặng, một số biến chứng có thể đe dọa đến tính mạng. Các biến chứng phải kể đến như sau:

  • Bệnh lý tim mạch, chẳng hạn như xơ vữa động mạch và nguy hiểm hơn cả là nhồi máu cơ tim cấp.
  • Tăng huyết áp.
  • Đái tháo đường type 2.
  • Hội chứng chuyển hóa (tình trạng kết hợp giữa bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp và béo phì).
  • Hen suyễn.
  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
  • Một số bệnh ung thư như ung thư vú, ung thư đại tràng và ung thư nội mạc tử cung.
  • Đột quỵ
  • Bệnh lý túi mật, điển hình là sỏi mật.
  • Bệnh gan nhiễm mỡ.
  • Bệnh thận.
  • Rối loạn lipid máu (cholesterol máu cao).
  • Ngưng thở khi ngủ và các vấn đề về hô hấp khác.
  • Viêm khớp.
  • Vô sinh.
  • Các biến chứng khi mang thai, chẳng hạn như đái tháo đường thai kỳ hoặc tiền sản giật.
  • Theo các nghiên cứu cho thấy, bệnh béo phì làm giảm tuổi thọ trung bình từ 3 đến 10 năm, tuỳ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nó.

Bên cạnh đó, bệnh béo phì còn có thể gây ra các vấn đề hàng ngày như:

  • Khó thở.
  • Tăng tiết mồ hôi.
  • Ngủ ngáy.
  • Hoạt động thể chất chậm chạp, khó khăn.
  • Thường cảm thấy rất mệt mỏi.
  • Kém tự tin, cảm thấy bị cô lập, có thể dẫn đến trầm cảm.
vicare.vn-benh-beo-phi-ke-giet-nguoi-tham-lang-body-3

Bệnh béo phì được điều trị như thế nào?

Nếu bạn mắc bệnh béo phì và bạn không thể tự giảm cân được thì các phương pháp hỗ trợ y tế sẽ luôn sẵn sàng giúp bạn. Bác sĩ điều trị có thể giới thiệu cho bạn đến gặp một chuyên gia về cân nặng. Bác sĩ cũng có thể đề nghị bạn gia nhập vào một nhóm chăm sóc sức khoẻ để giúp bạn giảm cân. Đội ngũ của nhóm này có thể bao gồm: một chuyên gia dinh dưỡng, một nhà trị liệu tâm lý và các nhân viên chăm sóc sức khỏe khác. Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn về cách thay đổi lối sống. Đôi khi, bác sĩ có thể đề nghị bạn dùng thuốc hoặc phẫu thuật giảm cân trong một số trường hợp.

Thay đổi lối sống và hành vi

Bác sĩ và nhóm chăm sóc sức khoẻ có thể tư vấn cho bạn về việc lựa chọn các thực phẩm có lợi cho việc giảm cân và giúp xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh phù hợp với bạn. Một chương trình tập thể dục có kế hoạch và tăng cường vận động hàng ngày với thời gian lên tới 150 đến 300 phút (2,5 đến 5 giờ) mỗi tuần, sẽ giúp bạn tăng cường sức mạnh, sức bền và sự trao đổi chất của cơ thể.

Ngoài ra, bác sĩ và nhóm chăm sóc sức khoẻ cũng có thể giúp bạn xác định các yếu tố nguy cơ gây tăng cân và giúp bạn đối phó với bất kỳ vấn đề về tâm lý nào, chẳng hạn như lo lắng hay trầm cảm.

Giảm cân bằng thuốc

Bác sĩ cũng có thể kê toa một số loại thuốc giảm cân cho bạn, bên cạnh việc xây dựng kế hoạch tập thể dục và ăn uống lành mạnh. Các loại thuốc thường chỉ được kê toa nếu các phương pháp giảm cân khác không có hiệu quả và nếu bạn có chỉ số BMI từ 27 trở lên hoặc có các vấn đề sức khỏe liên quan đến béo phì.

Thuốc giảm cân theo toa có tác dụng ngăn chặn sự hấp thu chất béo và ức chế sự thèm ăn. Những loại thuốc này có thể có các tác dụng phụ khó chịu. Ví dụ, thuốc orlistat (Xenical) có thể dẫn đến chứng rối loạn tiêu hóa bao gồm nhu động ruột tăng dẫn đến đại tiện không kiểm soát, đầy hơi và phân có mỡ. Bác sĩ sẽ phải theo dõi chặt chẽ trong quá trình bạn dùng các loại thuốc này.

Phẫu thuật giảm cân

Phẫu thuật giảm cân (hay còn được gọi là phẫu thuật Bariatric) yêu cầu một cam kết từ bệnh nhân rằng họ sẽ phải thay đổi lối sống. Do phẫu thuật giảm cân phải kết hợp với việc thay đổi lối sống thì mới điều trị thành công được bệnh béo phì.

Loại phẫu thuật này có tác dụng giảm cân bằng cách giới hạn số lượng thực phẩm mà bạn ăn vào trong mỗi bữa ăn hoặc bằng cách ngăn cơ thể bạn hấp thu calo từ thức ăn.

Phẫu thuật giảm cân là một cuộc phẫu thuật lớn, thời gian phẫu thuật kéo dài và có thể có những rủi ro nghiêm trọng. Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ cần phải thay đổi lối sống và chế độ ăn uống.

Người được chỉ định phẫu thuật giảm cân sẽ có chỉ số BMI từ 40 trở lên hoặc có BMI từ 35 đến 39,9 cùng với các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng liên quan đến bệnh béo phì.

vicare.vn-benh-beo-phi-ke-giet-nguoi-tham-lang-body-4

Bệnh nhân thường sẽ phải giảm cân trước khi trải qua phẫu thuật. Ngoài ra, bệnh nhân cũng sẽ được tư vấn để đảm bảo rằng họ đã chuẩn bị tinh thần cho cuộc phẫu thuật này và sẵn sàng thực hiện những thay đổi lối sống cần thiết sau phẫu thuật.

Các lựa chọn phẫu thuật giảm cân bao gồm:

  • Phẫu thuật bắc cầu dạ dày: phẫu thuật này tạo ra túi cùng nhỏ ở trên đỉnh của dạ dày và nối trực tiếp vào ruột non của bạn. Thức ăn và chất lỏng đi qua túi cùng này và đi thẳng vào ruột non, tránh đi vào phần lớn dạ dày.
  • Phẫu thuật thắt đai dạ dày qua soi ổ bụng điều chỉnh được (LAGB): phân tách dạ dày của bạn thành hai túi cùng bằng cách sử dụng một dải băng.
  • Phẫu thuật cắt vạt dạ dày: là phẫu thuật loại bỏ một phần của dạ dày.
  • Phẫu thuật chuyển dòng mật - tụy kèm đảo dòng tá tràng: phẫu thuật này sẽ loại bỏ hầu hết dạ dày của bạn.

Bạn có thể phòng ngừa bệnh béo phì bằng cách nào?

  • Để phòng ngừa bệnh béo phì thì cách tốt nhất là bạn nên lựa chọn một lối sống tốt cho sức khoẻ. Bạn nên tập thể dục vừa phải như đi bộ, bơi lội hoặc đi xe đạp trong 20 đến 30 phút mỗi ngày.
  • Ăn uống lành mạnh bằng cách chọn thực phẩm bổ dưỡng như trái cây, rau, ngũ cốc và chất đạm. Hạn chế ăn các thực phẩm giàu chất béo, nhiều calo.

(HoiBenh chuyển ngữ từ WHO - Healthline - NHS)

Xem thêm:

  • Làm thế nào để trẻ béo phì giảm cân và vẫn đủ dinh dưỡng phát triển chiều cao?
  • 11 loại ung thư do thừa cân, béo phì gây ra
  • Rượu, béo phì là nguyên nhân chính gây các vấn đề về gan