Bé bị viêm tai giữa uống thuốc gì?
Viêm tai giữa cấp hay còn gọi là viêm tai giữa mủ xảy ra thường xuyên ở trẻ em. Đây là một bệnh phổ biến nhất được kê kháng sinh và các thuốc khác điều trị triệu chứng. Việc theo dõi điều trị và dùng thuốc phải rất nghiêm ngặt, nếu không thì bệnh sẽ kéo dài và có biến chứng nghiêm trọng.
Bé bị viêm tai giữa uống thuốc gì?
Viêm tai giữa cấp hay còn gọi là viêm tai giữa mủ xảy ra chủ yếu ở trẻ em. Đây là một bệnh phổ biến, thường được kê kháng sinh và các loại thuốc để điều trị. Việc theo dõi bệnh và dùng thuốc phải rất nghiêm ngặt, nếu không thì bệnh sẽ kéo dài và có biến chứng nghiêm trọng.
Viêm tai giữa là một bệnh rất phổ biến ở trẻ, đặc biệt là trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi tỷ lệ mắc bệnh rất lớn.
Viêm tai giữa ở trẻ em có nhiều dạng khác nhau nhưng chủ yếu là thể cấp tính; do đó hầu hết các trường hợp là dễ chữa trị.
Tuy nhiên, nếu không phát hiện kịp thời và được điều trị đúng cách thì bệnh có thể trở nên phức tạp; thậm chí có biến chứng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
1. Các nguyên nhân gây viêm tai giữa ở trẻ em
Trẻ nhỏ từ 6 đến dưới 5 tuổi cơ thể còn non nớt và đang trong quá trình xây dựng hệ thống miễn dịch của cơ thể nên sức đề kháng kém, rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm mũi, viêm họng, viêm VA...
Mặt khác, do cấu trúc vòi nhĩ (ống nhỏ thông từ họng lên tai giữa) của trẻ ở giai đoạn này ngắn, độ chênh giữa tai và họng thấp nên dễ bị bít tắc bởi dịch nhầy và lây nhiễm lên vùng tai giữa gây viêm tai giữa ở trẻ em.
Một số trường hợp viêm tai giữa ở trẻ em ít gặp hơn đó là do trẻ bị sặc khi bú mẹ hoặc khi ăn bột, ăn cháo; thức ăn tràn lên gây tắc vòi nhĩ. Một số trường hợp trẻ bị viêm tai giữa do quá trình tắm gội bị nước vào tai, lau rửa tai không đúng cách làm tổn thương tai...
2. Các triệu chứng biểu hiện Viêm tai giữa ở trẻ em
Viêm tai giữa ở trẻ em thường gặp là viêm tai giữa chảy mủ và viêm tai giữa thanh dịch.
Viêm tai giữa chảy mủ
Thường biểu hiện qua 2 giai đoạn cấp tính và mạn tính. Ở giai đoạn cấp tính (thường đi kèm với bệnh mũi họng) triệu chứng biểu hiện khi trẻ bị viêm tai giữa khá rõ rệt: Trẻ bị đau tai, hay dùng tay rụi vào vùng tai, trẻ sốt cao, quấy khóc, biếng ăn, bỏ bú, nôn trớ, rối loạn tiêu hóa...
Sau khoảng 2-3 ngày sẽ chuyển sang giai đoạn vỡ mủ; lúc này do áp lực của dịch mủ trong tai giữa, màng nhĩ sẽ bị thủng một lỗ nhỏ làm cho dịch mủ từ tai giữa chảy ra ngoài.
Khi dịch mủ thoát ra được thì các triệu chứng khác của trẻ sẽ giảm dần, trẻ hết đau tai, đỡ sốt, ăn và ngủ tốt hơn, tiêu hóa bình thường trở lại. Triệu chứng chủ yếu còn lại là tình trạng chảy mủ tai dịch lúc đầu trắng xanh nhạt, sau đó có thể chuyển qua giai đoạn mạn tính chảy dịch màu hơi vàng nhạt, rồi vàng loãng.
Viêm tai giữa thanh dịch (ứ dịch)
Là tình trạng viêm tai giữa ở trẻ em nhưng màng nhĩ vẫn đóng kín, dịch nhầy vô khuẩn ứ đọng trong hòm tai, triệu chứng biểu hiện rất nghèo nàn, khó phát hiện, trẻ có cảm giác bị ù tai, đầy nặng trong tai, nghe kém.
Khám nội soi tai mũi họng sẽ thấy những biểu hiện đặc biệt: Màng nhĩ không thủng, nón sáng bị thu hẹp hoặc mất, màng nhĩ có biến đổi màu sắc: Màng nhĩ dày, mờ đục, có khi màng nhĩ màu vàng hoặc ánh vàng, có khi có mức dịch sau màng nhĩ, màng nhĩ có thể phồng do ứ dịch hoặc lõm do xơ dính, màng nhĩ hạn chế hoặc không di động khi tạo áp lực lên màng nhĩ.
Viêm tai giữa thanh dịch nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các vấn đề nguy hiểm về tai cho trẻ như dính màng nhĩ gây điếc; làm giảm khả năng tiếp nhận thông tin để phát triển ngôn ngữ, nhận thức, tư duy của trẻ.
3. Bé bị viêm tai giữa uống thuốc gì?
Giảm đau toàn thân và tại chỗ
Sử dụng ibuprofen hoặc acetaminophen để giảm đau trong viêm tai giữa. Có thể thay thế bằng benzocain, procain, lidocain nhỏ tại chỗ với trẻ từ 2 tuổi trở lên với điều kiện màng nhĩ chưa thủng. Nhỏ tại chỗ những thuốc tê này không được dùng cho trẻ dưới 2 tuổi vì nguy cơ thiếu máu do MetHemoglobin.
Thuốc chống xung huyết và kháng histamin
Đối với trẻ em bị viêm tai giữa và có hoặc nghi ngờ viêm mũi dị ứng thì có thể cân nhắc cho một thuốc chống sung huyết mũi và kháng histamin để giải quyết triệu chứng tại mũi. Nhưng cần thiết cân nhắc thật kỹ, so sánh lợi ích với những tác dụng ngoại ý và khả năng kéo dài thời gian chảy dịch tai giữa của kháng histamin.
Đối với trẻ không có viêm mũi dị ứng kèm theo thì không nên dùng các thuốc chống sung huyết và kháng histamin trong điều trị triệu chứng viêm tai giữa. Do việc sử dụng thuốc chống sung huyết và kháng histamin đơn độc hay phối hợp làm gia tăng tác dụng phụ của thuốc. Ngoài ra, việc sử dụng kháng histamin còn làm kéo dài hiện tượng chảy dịch tai giữa.
Liệu pháp kháng sinh
Dùng kháng sinh phải phụ thuộc vào tuổi của trẻ và độ nặng của bệnh.Với trẻ dưới 6 tháng tuổi cần điều trị kháng sinh ngay. Với trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi bị viêm tai giữa hai bên thì điều trị kháng sinh ngay. Nếu bị một bên mà triệu chứng nhẹ thì cho phép theo dõi trong khoảng từ 48-72 giờ.
Với trẻ trên 2 tuổi dùng kháng sinh ngay khi có dấu hiệu nhiễm độc, đau tai dai dẳng trên 48 giờ, có sốt trên 39 độ trong vòng 48 giờ trước, bị cả hai tai hoặc có chảy mủ, không đảm bảo trong việc theo dõi.
Lựa chọn kháng sinh: Dùng amoxicillin nếu trong vòng 1 tháng qua trẻ không dùng kháng sinh nhóm betalactam, không có tiền sử viêm tai giữa tái phát và không có bị viêm kết mạc mủ kèm theo. Amox-clav cho những trẻ trong vòng 1 tháng có dùng kháng sinh nhóm betalactam, có viêm kết mạc mủ kèm theo, có tiền sử viêm tai giữa tái phát. Nếu trẻ dị ứng penicillin thì có thể dùng cefdinir hoặc cefpodoxim...
Các quinolon (ofloxacin, ciprofloxacin) nhỏ tại chỗ có hiệu quả tương đương với đường uống trong trường hợp viêm tai giữa có chảy mủ và đặt ống thông nhĩ hầu và viêm tai giữa mạn tính. Không có nghiên cứu về việc nhỏ quinolon trong trường hợp viêm tai giữa hoặc thủng màng nhĩ mới.