Bản tin hỏi đáp bác sĩ ngày 19/7 (Phần 2)

Điều trị viêm tai giữa, viêm phế quản và viêm Amidan là các vấn đề bác sĩ đã tư vấn cho bạn đọc trong phần 1. Mời các bạn cùng theo dõi phần tư vấn của chuyên gia, bác sĩ Bùi Văn Hòa - Chuyên khoa Tai - Mũi - Họng theo các câu hỏi tiếp theo về chủ đề này.

Bản tin hỏi đáp bác sĩ ngày 19/7 (Phần 2) Bản tin hỏi đáp bác sĩ ngày 19/7 (Phần 2)

Điều trị viêm tai giữa, viêm phế quản và viêm Amidan là các vấn đề bác sĩ đã tư vấn cho bạn đọc trong phần 1.

Mời các bạn cùng theo dõi phần tư vấn của chuyên gia, bác sĩ Bùi Văn Hòa - Chuyên khoa Tai - Mũi - Họng theo các câu hỏi tiếp theo về chủ đề này.

1. Độc giả Nguyễn Văn Đình có hỏi:

Bác sĩ ơi hiện tại em muốn hỏi vể vấn đề bị thủng màng nhĩ của vợ em. Do vô tình trong lúc đùa giỡn có quơ tay trúng vào phía mặt của vợ em (năm nay 20 tuổi) mà sao lại bị thủng màng nhĩ. Em đã đưa vợ đến bác sĩ khoa tai khám thì màn nhĩ thủng to và bác sĩ có cho một số thuốc để điều trị. Nhưng em rất lo lắng vì bây giờ vợ em ù tai và không biết thủng to như vậy có khả năng lành lại được hay không. Ngoài ra có cách nào để mình ngăn ngừa bị viêm nhiễm, có cách điều trị nào phục hồi tốt nhanh nhất có thể không ạ và có cần bổ sung thêm thuốc hoặc ăn gì để cải thiện cho màng nhĩ mau lành không. Mong các bác sĩ hổ trợ cho em ạ.

Bác sĩ Bùi Văn Hòa: Chào bạn, bạn không nên quá lo lắng. Vợ bạn bị thủng màng nhĩ do chấn thương thường sẽ tự hồi phục sau 1-3 tháng. Thủng màng nhĩ nên vợ bạn sẽ ù tai và ảnh hưởng chất lượng cuộc sống. Nếu không có chảy máu, ống tai ngoài sạch thì chỉ cần giữ gìn không để nước vào tai, không ngoáy tai thì màng nhĩ hầu như sẽ tự liền. Trường hợp có chảy máu hoặc ống tai ngoài nhiều ráy thì cần phải làm sạch ống tai ngoài, hút sạch máu để tránh nhiễm trùng và dùng thuốc kháng sinh nhỏ tai. Việc làm thuốc tai cần làm tại phòng khám chuyên khoa chứ không phải tự làm. Trường hợp theo dõi sau 3 tháng màng nhĩ không liền lúc đó mới xem xét có cần thiết vá màng nhĩ hay không nhé.

2. Độc giả Mạc Thị Duyên có hỏi:

Chào bác sĩ, cháu là Duyên 25 tuổi. Hiện tại một bên tai trái của cháu nghe rất kém chỉ được tầm 60-70% thôi ạ. Tình trạng này kéo dài đã lâu và rất ảnh hưởng đến cuộc sống của cháu ạ. Trước đây vào mùa đông cháu thường bị nghẹt mũi khó thở và thường xuyên phải sử dụng thuốc nhỏ mũi. Có thể nói nếu không có thuốc cháu sẽ không chịu được, cứ nằm xuống là không thở được và dần không còn bị nữa nhưng cháu luôn có cảm giác ù tai đau tai và tình trạng nghe kém nhiều lúc cứ nghe vo ve trong tai rất khó chịu ạ. Cháu có đi khám mấy lần bác sĩ kết luận là tắc vòi nhĩ và đã kê thuốc cháu uống nhưng không thuyên giảm. Nay cháu muốn được bác sĩ chuyên sau tư vấn kỹ hơn để cháu nắm được tình trạng bệnh của mình và đưa ra phương pháp điều trị sớm ạ. Cháu xin chân thành cảm ơn. Mong bác sĩ hồi âm ạ.

Bác sĩ Bùi Văn Hòa: Chào bạn. Bạn cần khám nội soi đánh giá xem nguyên nhân chính xác của nghe kém là gì. Vì bạn có triệu chứng ngạt mũi kéo dài thì có thể nghe kém do viêm tai thanh dịch, xẹp nhĩ. Sau khi khám nội soi tuỳ theo tổn thương mà có thể tiến hành kiểm tra thính lực, nhĩ lượng đánh giá sức nghe. Phải đánh giá chính xác nghe kém thì mới có hướng xử trí.

Khó nghe một bên tai
Phải đánh giá chính xác nghe kém thì mới có hướng xử trí

3. Câu hỏi của độc giả Trần Đức Thành:

Xin chào! Bé nhà em 7 tháng bé bị chảy mũi kéo dài. Tiểu sử bệnh của bé:

- Chảy mũi kéo dài 2 tuần, có hút mũi, rửa mũi, kèm nhỏ mũi nhưng không giảm, sau đó bé ho viêm họng uống thuốc 3 ngày khám lại phát hiện viêm tiểu phế quản bội nhiễm, điều trị 9 ngày bé khỏi viêm tiểu phế quản nhưng vẫn chảy mũi.

- Sau viêm tiểu phế quản bé khỏe 10 ngày nhưng vẫn chảy mũi, sang ngày 11 bé sốt cao, chuẩn đoán sốt virut, sốt 3 ngày liên tục sau đó hạ sốt, trong quá trình bệnh bé vẫn tiếp tục chảy mũi không dứt.

- Sau sốt virut 1 tuần bé khỏe thì lại xuất hiện ho, đưa bé đi khám thì bé viêm họng, uống thuốc 5 ngày không đỡ chuyển viêm tiểu phế quản. Uống thuốc 10 ngày viêm tiểu phế quản, bé vẫn tiếp tục chảy mũi không dứt.

- Khỏi tiểu phế quản tái lần 2 bé uống 5 ngày Propan và Siro kháng Histamin để giảm mũi nhưng vẫn bị chảy mũi.

Em thật sự quá hoang mang không biết là bé bị làm sao, mỗi lần bé ốm đều nội soi tai mũi họng nhưng dù được điều trị triệu chứng chảy mũi của bé lại không giảm. Bé sử dụng các loại thuốc nhỏ mũi như Poema, Thekati, Nemydexan. Xịt muối Xixat, Sterimar (tùy vào lần thăm khám được đổi loại)

Em muốn hỏi tình trạng bé như vậy thì nên làm thế nào để cải thiện ạ! Xin cảm ơn!

Bác sĩ Bùi Văn Hòa: Chào bạn. Vấn đề cốt lõi của con bạn nằm ở cái mũi. Con bạn bị viêm mũi và viêm V.A điều trị không khỏi dứt điểm dẫn đến viêm họng, viêm phế quản. Bạn chỉ điều trị ngọn mà không điều trị tốt vấn đề gốc rễ thì khi bạn dừng thuốc bệnh lại tái diễn lại. Bạn nên theo điều trị bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, không điều trị theo bác sĩ nhi hoặc bác sĩ nội. Vì tôi biết nhiều cơ sở y tế vẫn khám soi tai mũi họng nhưng khi kê đơn lại là bác sĩ nội hoặc bác sĩ nhi kê đơn. Điều này dẫn đến không thống nhất và có thể điều trị không hiệu quả. Còn trường hợp con bạn đã điều trị hợp lý theo phác đồ mà bệnh không hiệu quả thì cần thiết có thể phải nạo VA để thuyên giảm các đợt viêm mũi họng.

4. Độc giả Hải đã gửi câu hỏi:

Chào bác sĩ và mọi người ! Em là Hải. Năm nay 21 tuổi. Em bị viêm amidan cấp và đi nhiều nơi khám bệnh rồi. Nay em muốn chưa trị dứt điểm để đỡ bệnh tật. Em có đi khám ở 1 số nơi người ta khuyên dùng phương pháp tia Plasma để cắt khối Amidan . Tuy nhiên, hôm nay em đi khám tại bệnh viên đa khoa Giải Phóng ( 709 giải phóng) các bác sĩ tư vấn cho em dùng phương pháp xâm lấn tối thiểu loại bỏ các hạt. Em đang phân vân không biết nên dùng phương pháp nào cho hiệu quả nhất. Mong các bác sĩ tư vấn giúp em. Em xin cám ơn ạ.

Bác sĩ Bùi Văn Hòa: Chào bạn. Cắt Amydal đúng là có nhiều phương pháp mỗi phương pháp đều tốt cả và điều hiệu quả. Bạn không nên quá lăn tăn vì các phương pháp cắt Amydal. Cắt Amydal là cắt 2 khối Amydal ở 2 bên họng chứ không phải là cắt bỏ các tổ chức hạt (lympho) ở thành sau họng nhé. Tôi khuyên nếu bạn muốn cắt Amydal thì bạn nên vào bệnh viện cắt để an toàn hơn. Vì 1 số các phòng khám nói là cắt Amydal nhưng thực chất họ không hề cắt mà chỉ đốt bề mặt Amydal nên nó không có hiệu quả và tốn tiền.

Hãy cùng chia sẻ thêm những câu hỏi của bạn về các vấn đề sức khỏe cho các bác sĩ Vicare TẠI ĐÂY.

Thông tin bác sĩ Bùi Văn Hòa: Là người đã có 4 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Tai - Mũi - Họng, bác sĩ Bùi Văn Hòa hiện đang làm bác sĩ tại phòng khám chuyên khoa Tai Mũi Họng Người lớn & Trẻ em tại Hà Nội.

XEM THÊM:

  • Bản tin hỏi đáp bác sĩ ngày 19/7 (Phần 1)