Bác sĩ sản khoa chia sẻ bí quyết rặn, thở khi chuyển dạ giúp mẹ sinh "dễ như ăn kẹo"
Bác sĩ Trần Vũ Quang hiện đang công tác tại bệnh viện Phụ sản Trung ương. Với kinh nghiệm 12 năm làm việc trong ngành sản phụ khoa, gần đây, bác sĩ Quang đã đưa ra lời khuyên về cách thở và rặn khi sinh để mẹ bớt đau đớn, con ra đời nhanh chóng, suôn sẻ.
Bác sĩ sản khoa chia sẻ bí quyết rặn, thở khi chuyển dạ giúp mẹ sinh "dễ như ăn kẹo"
Thở và rặn đúng cách sẽ giúp chuyển dạ nhẹ nhàng hơn, quá trình sinh con của mẹ bớt đau đớn và an toàn.
Bác sĩ Trần Vũ Quang hiện đang công tác tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Với kinh nghiệm 12 năm làm việc trong ngành sản phụ khoa, gần đây, bác sĩ Quang đã đưa ra lời khuyên về cách thở và rặn khi sinh để mẹ bớt đau đớn, con ra đời nhanh chóng, suôn sẻ.
Bác sĩ chia sẻ: "Là một bác sĩ sản phụ khoa, tôi phải khẳng định rằng không có cơn đau nào đau bằng cơn chuyển dạ. Mang thai 9 tháng 10 ngày với cái bụng bầu to bự, nặng nề, đến ngồi còn thấy khó khăn, thở còn thấy mệt nhưng cũng không đáng gì so với cơn đau khi chuyển dạ. Khi đó các mẹ thường mong sao cho sinh thật nhanh để thoát khỏi cơn đau tưởng như chết đi sống lại này!
Lúc này, nếu chưa tìm hiểu và được dặn dò, các mẹ thường cố gắng thở thật nhanh, rặn thật nhiều để đẩy thai nhi ra ngoài nhưng không hề biết rằng điều này chỉ làm các mẹ nhanh mất sức, càng đau thêm, giai đoạn sổ thai diễn ra lâu hơn và em bé có nguy cơ bị ngạt ngay khi chưa kịp sinh ra"
Bác sĩ Quang sẽ giúp các mẹ làm rõ từng vấn đề về rặn và thở khi sinh thường.
Lúc nào thì nên bắt đầu rặn?
Cơn co tử cung sẽ bắt đầu xuất hiện khi thời gian chuyển dạ đã đến. Cơn co thường kéo dài khoảng 10 – 15 giây và tần số xuất hiện ban đầu là 10 phút/ lần. Sau đó, càng gần đến lúc rặn sinh thì cơn co sẽ kéo dài 15 – 20 giây hoặc 20 – 30 giây, 30 – 40 giây. Cơn co càng kéo dài thì thời gian rặn sinh càng đến nhanh. Khi các cơn co dồn dập xuống còn 3 phút/lần chính là thời điểm các mẹ bắt đầu rặn sinh.
Một điều các mẹ cũng cần lưu ý, ngay cả khi áp dụng phương pháp gây tê để đẻ không đau, sản phụ cũng cần học cách rặn. Vì nếu không biết thở và rặn thì cuộc chuyển dạ cũng không diễn ra suôn sẻ được.
Hướng dẫn thở đúng cách
Khi bắt đầu cảm thấy đau, nghĩa là khi cơn co xuất hiện, thai phụ nên tập trung vào việc thở. Hơi thở cần phải nhanh dần, dứt khoát. Sản phụ hít bằng mũi và thở bằng miệng, cơn đau càng tăng thì thở càng nhanh hơn, nông hơn, tần suất nhịp thở tăng dần ở thì kéo dài.
Khi cơn đau xuất hiện nhiều và đau hơn thì nên thở nhanh hơn, thở sao cho tạo ra tiếng rít gần như huýt sáo nhỏ. Đến khi cơn đau giảm thì lại thở chậm lại, sâu hơn, nhịp thở giảm dần.
Ở giữa các cơn đau, thai phụ có thể thở sâu, nhẹ nhàng như bình thường để lấy năng lượng đã mất đi. Thực tế, thở nhanh sẽ mệt hơn thở nông. Thai phụ cần giữ năng lượng cho những lần chịu cơn đau tiếp theo.
Hướng dẫn rặn đúng cách
Khi cảm thấy cơn đau tử cung, bụng gò cứng thai phụ hít vào một hơi thật sâu, sau đó nín thở, miệng ngậm chặt, hai tay nắm chặt vào hai thành của bàn sinh, chân đạp mạnh vào ống treo chân ở bàn sinh, dồn hơi rặn mạnh để đẩy hơi xuống bụng giúp đẩy thai nhi ra ngoài.
Khi thấy hết hơi, hít một hơi thật sâu và rặn tiếp cho đến hết cảm thấy đau bụng. Ngoài ra, sản phụ nên nghe theo tiếng hô rặn của bác sĩ để việc rặn đúng và tránh mất sức.
Đặc biệt, bác sĩ Quang lưu ý các mẹ tuyệt đối không la hét trong quá trình rặn vì sẽ làm mất sức. Nên tập trung vào việc lấy hơi và rặn. Để dễ hiểu, các mẹ có thể tưởng tượng như đi vệ sinh rặn sao thì lúc đẻ rặn vậy, nhưng cần rặn đúng vì rặn sai sẽ gây sa trĩ. Giữa 2 cơn co tử cung, hết đau thì thở sâu, điều hòa, dưỡng sức để tập trung rặn kế tiếp.
Trong quá trình sinh, thai phụ cần nghe và làm theo đúng với sự hướng dẫn của bác sĩ và y tá để cuộc vượt cạn diễn ra suôn sẻ.
Theo Khám Phá