8 loại thực phẩm Tết dễ ẩn chứa hóa chất độc hại
Những món ăn sau đây hầu như không thể thiếu trong dịp Tết Cổ Truyền Việt Nam. Tuy nhiên bạn cần phải thận trọng với những món như hạt dẻ cười, bóng bì, khô bò,... đêu là những thực phẩm Tết dễ ẩn chứa hóa chất độc hại.
8 loại thực phẩm Tết dễ ẩn chứa hóa chất độc hại
Hạt dẻ cười, bóng bì, khô bò,... là những thực phẩm thường xuất hiện trong các gia đình vào ngày Tết. Quen thuộc là vậy, nhưng chúng dễ ẩn chứa hóa chất độc hại mà chúng ta không hề hay biết.
1. Mứt
Các loại mứt Tết đều có màu sắc bắt mắt nhưng bạn cũng cần phải cẩn trọng khi mua và sử dụng. Bởi không ít cơ sở sử dụng thuốc nhuộm công nghiệp chứa nhiều hóa chất không được dùng trong thực phẩm để tạo màu cho các loại mứt này. Hiện nay, với nhiều loại mứt đơn giản như mứt dừa, nhiều gia đình đều tự làm ở nhà, với màu nhuộm tự nhiên.
2. Bánh chưng
Bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong danh sách thực phẩm ngày Tết mà nhà nào cũng phải có. Tuy nhiên, bánh chưng cũng khiến người dùng lo lắng bởi rất dễ nhiễm độc hóa chất do người làm sử dụng pin để luộc bánh.
Có ý kiến cho rằng, khi luộc bánh với pin bánh nhanh chín, nếp bên trong sẽ mềm và dẻo hơn. Nhưng theo các chuyên gia sức khoẻ, trong pin có nhiều hóa chất nguy hại đến người sử dụng như thủy ngân, thạch tín, chì... Đây đều là những chất cực độc, gây nguy hiểm cho não, tim mạch, thận và ảnh hưởng nhiều đến khả năng sinh sản. Nếu nhiễm độ chì ở mức độ nặng có thể dẫn tới tình trạng tăng huyết áp, vô sinh, sảy thai, lâu ngày dẫn đến ung thư, tử vong.
3. Giò chả
Giò chả làm theo cách truyền thống thường bị bở, không đẹp mắt và không có độ dai dai. Do đó, nhiều người làm "không có tâm" đã sử dụng hàn the và một số loại hóa chất để giò chả trông ngon hơn và khi ăn có độ dai nhất định.
Tuy nhiên, hàn the lại là chất nguy hiểm cho cơ thể con người, không tác dụng trực tiếp như thủy ngân hay thạch tín nhưng nếu xâm nhập vào người với liều lượng cao có thể gây ra ngộ độc cấp. Nếu chúng tích tụ lâu dài sẽ gây ra ngộ độc gan hoặc thận.
4. Bóng bì
Bóng bì cũng là một trong những thực phẩm được dùng trong ngày Tết của người Việt. Thông thường, bì lợn sống được lọc sạch mỡ, luộc chín tới rồi cạo rửa, sau đó phơi nắng cho khô cứng. Cuối cùng, bì lợn được đưa vào lò nướng nhiệt độ cao để nổ thành bóng.
Thời gian vừa qua, đã không ít lần các cơ quan chức năng bắt một số cơ sở dùng da lợn ngâm hóa chất để tẩy trắng, tạo nở da lợn. Điều này cho thấy không phải sản phẩm bóng bì nào cũng đảm bảo an toàn thực phẩm. Hiện nay, để làm sạch bì lợn nhiều cơ sở sản xuất sử dụng oxy già, nước javen và các chất phụ gia công nghiệp như kalisunfit, hydrosunfit có tính tẩy mạnh để làm sạch bì lợn. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thường xuyên ăn bóng bì lợn được tẩy trắng bằng hóa chất sẽ dẫn tới ngộ độc, tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, tăng nguy cơ ung thư.
Để mua được bóng bì lợn ngon bóng bì sạch thường có màu trắng hồng. Khi chế biến, bóng bì sạch sẽ có độ giòn, dai vừa phải. Bóng bì sạch thường có mùi vị thơm ngậy đặc trưng. Còn bóng bì lợn ngâm hóa chất có màu trắng tinh bất thường. Bì lợn bẩn dù đã qua tẩy rửa nhưng khi chế biến vẫn có thể phát hiện mùi khác lạ của hóa chất, mùi hôi, ôi thiu.
5. Hạt dẻ cười
Có nguồn gốc từ Trung Á và còn được gọi là “quả hồ trăn”, “quả hạnh phúc”, hạt dẻ cười đang trở thành một trong những mặt hàng thực phẩm cao cấp được yêu thích trong dịp Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên, ít ai biết rằng có thể hạt dẻ cười vỏ trắng, hạt xanh trên thị trường hàm chứa hóa chất tẩy trắng nồng độ rất cao.
Bản chất hạt dẻ cười ngon là loại hạt có vỏ ngoài vàng vàng, nâu nâu, bên trong màu sẫm hơn. Trông bề ngoài không đẹp song thực chất đó mới là loại hạt dẻ cười ngon và ít thuốc bảo quản. Còn những loại hạt dẻ cười có màu trắng sáng, nhân xanh bắt mắt thì hầu như đều có thuốc tẩy trắng với nồng độ cao.
Theo một số chuyên gia, để tẩy trắng vỏ hạt dẻ cười, có nhiều phương pháp được sử dụng như dùng natri sunfit hoặc chlorine. Trong đó, chlorine là một hóa chất sát khuẩn cực mạnh có trong thuốc trừ sâu, chất độc da cam...
Nếu dùng chất này quá đà thì dư lượng còn lại trên hạt thành phẩm sẽ lớn, dễ xâm nhập cơ thể. Ăn loại hạt dẻ kiểu này thường xuyên, bạn sẽ gặp nhiều vấn đề về rối loạn tiêu hóa, gan, dạ dày...
Do đó, khi lựa chọn mua hạt dẻ cười, bạn hãy tránh chọn những loại hạt dẻ cười quá trắng, nhân quá xanh bởi điều đó chứng tỏ, chúng được xử lí với hóa chất ở nồng độ cao. Những hạt nào có vỏ màu ngả vàng, ít trắng hơn thì nồng độ hóa chất cũng ít và an toàn hơn.
6. Hạt dưa
Nhiều cơ sở dùng phẩm màu công nghiệp để nhuộm màu hạt dưa, thay vì dùng màu thực phẩm như trước đây. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, những loại hóa chất có trong màu công nghiệp có thể gây ngộ độc hoặc ung thư nếu dùng lâu dài nên bị cấm sử dụng trong thực phẩm.
Giá thành thấp, giúp màu sắc tươi tắn, sặc sỡ, bền màu là nguyên nhân khiến các cơ sở sản xuất ướp thực phẩm với hóa chất rhodamine B. Hoá chất này khi pha loãng trộn có thể ngấm qua vỏ hạt dưa vào bên trong. Người sử dụng chỉ cần cắn hạt dưa, tiếp xúc vỏ dưa dính hoá chất này cũng đã rất nguy hiểm, có thể gây ung thư nếu dùng với số lượng lớn.
7. Khô bò
Thịt bò khô được nhiều người yêu thích nhưng lại là loại thực phẩm độc hại. Thịt bò khô công nghiệp có chứa các hóa chất có hại như monosodium glutamate, sodium nitrite, polysorbate 80, high fructose corn syrup, và một loạt các hương liệu từ không rõ nguồn gốc.
8. Măng
Măng có 2 loại là măng tươi và măng khô nhưng tin buồn với tín đồ của món ăn này là dù măng loại nào thì cũng chứa hóa chất nguy hại cho cơ thể. Đối với măng tươi, độc tố cyanide tự nhiên có trong măng dưới tác động của enzym tiêu hóa sẽ biến thành chất gây hại cho cơ thể như khó thở, mất tri giác, liệt cơ, co giật, ngừng thở, nặng hơn là tử vong.
Còn với măng khô thì khả năng ngộ độc còn cao hơn. Do để chống ẩm mốc, tạo màu vàng đẹp mắt nên chúng thường được ngâm hóa chất như lưu huỳnh, rất hại cho sức khỏe và không được phép dùng cho đồ ăn. Triệu chứng ngộ độc cấp chỉ là ngạt mũi, chảy nước mắt, đau đầu nhưng nặng hơn có thể nhiễm độc máu, ngấm thời gian dài có thể gây ra nguy cơ ung thư.
Theo Khỏe365