5 bệnh ngoài da phổ biến trẻ thường mắc vào mùa hè
Khi môi trường bị ô nhiễm, khí hậu nóng bức thì da là một trong các cơ quan của con người sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Bệnh của da có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng ở trẻ em dễ mắc bệnh về da hơn do trẻ em sức đề kháng của cơ thể chưa được hoàn thiện. Cha mẹ hãy tìm hiểu 5 bệnh ngoài da phổ biến trẻ thường mắc vào mùa hè để có biện pháp phòng tránh phù hợp.
5 bệnh ngoài da phổ biến trẻ thường mắc vào mùa hè
Khi môi trường bị ô nhiễm, khí hậu nóng bức thì da là một trong các cơ quan của con người sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Bệnh của da có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng ở trẻ em dễ mắc bệnh về da hơn do trẻ em sức đề kháng của cơ thể chưa được hoàn thiện. Cha mẹ hãy tìm hiểu 5 bệnh ngoài da phổ biến trẻ thường mắc vào mùa hè để có biện pháp phòng tránh phù hợp.
Bệnh ngoài da trẻ hay mắc vào mùa hè
Mùa hè, các bé thường ra nhiều mồ hôi, nếu như không được bổ sung lượng nước thường xuyên thì rất có thể trẻ sẽ bị nóng trong người, dễ gây các bệnh ngoài da. Thường xuyên cho bé uống nước trong ngày để đảm bảo lượng nước cung cấp đủ cho cơ thể các bé. Có thể cho bé ăn thêm các loại trái cây có tác dụng làm mát cơ thể.
1. Chàm sữa
- Chàm sữa thường gặp ở trẻ sau 3 tháng tuổi
- Biểu hiện bệnh là những mụn nhỏ li ti xuất hiện ở hai bên má rồi lan đến cằm và trán
- Nốt mụn nhanh chóng vỡ ra khiến cho da trở nên đỏ và bị rớm dịch
- Nếu không giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, trẻ rất dễ bị nhiễm khuẩn, những vết vỡ sẽ bị đóng vảy, da trẻ đỏ nhiều hơn, trẻ thấy ngứa ngáy khó chịu.
Bệnh có thể tái đi tái lại nhiều lần, có người cho rằng bệnh nổi theo tuần. Nguyên nhân gây chàm sữa ở trẻ em khá phức tạp và khó xác định. Có nhiều ý kiến cho rằng yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng trong bệnh này. Tuy nhiên, bệnh không nguy hiểm, đến khoảng 2 tuổi, bệnh chàm sữa có thể tự biến mất mà không để lại dấu vết gì.
2. Rôm sảy
- Rôm sảy cũng là bệnh thường gặp ở trẻ vào mùa hè nóng bức
- Rôm sảy hay xuất hiện tại các vùng da nhiều mồ hôi như đầu, mặt, cổ, ngực, lưng... với các nốt mụn nước nhỏ màu đỏ
- Càng ở những vùng mồ hôi tiết ra nhiều như trán, cổ, lưng, ngực, các nếp gấp của cơ thể... càng có nhiều rôm.
- Nguyên nhân của rôm sảy là do thời tiết nóng ẩm cùng với mồ hôi, trong khi cơ thể trẻ chưa thể tự điều chỉnh thân nhiệt để thích nghi với thời tiết, mồ hôi trẻ tiết nhiều không thoát ra được hết, ứ đọng trong ống bài tiết. Việc cho trẻ mặc đồ chật, nóng và trong phòng kín cũng góp phần khiến rôm sảy dễ xuất hiện.
Để trẻ không bị rôm sảy, cha mẹ nên cho bé nằm ở phòng thoáng mát, có điều hòa hoặc quạt ở mức độ vừa phải. Thường xuyên lau mồ hôi và tắm rửa vệ sinh cho bé thường xuyên cũng là biện pháp hiệu quả giúp phòng ngừa các bệnh ngoài da ở trẻ.
3. Chốc lở
- Bệnh chốc lở ở trẻ là một bệnh nhiễm khuẩn da, rất dễ lây, hay gặp ở trẻ em
- Chốc lở thường xuất hiện trên mặt, đầu nhất là quanh mũi và miệng của trẻ
- Bệnh xảy ra khi vi khuẩn (chủ yếu là tụ cầu và liên cầu) xâm nhập cơ thể qua các vết thương, trầy xước hay côn trùng đốt và gây bệnh. Mùa hè ra nhiều mồ hôi nên nguy cơ chốc lở càng tăng
- Biểu hiện bằng những bóng nước hình tròn, dẹt. Sau vài giờ, bóng nước đục hơn, có mủ rồi vỡ ra, đóng vảy màu vàng
- Trẻ em bị bệnh không sốt nhưng thường bị sưng hạch ở quanh vùng có vết chốc
- Vết chốc lở rất dễ lây lan sang các vùng da lành khác nếu bị dây dịch của vết chốc. Chốc lở có thể lan sang vùng xung quanh và gây viêm hạch bạch huyết gần đó
- Mụn sau khi bong vảy, thường để lại vết thâm lâu dài
Nếu mẹ không để ý và kịp thời chữa chốc lở cho trẻ thì có thể dẫn đến bệnh viêm cầu thận. Viêm cầu thận có thể phát triển sau khi bị chốc lở do liên cầu khuẩn. Viêm cầu thận xảy ra sau khi phát chốc lở khoảng 2 tuần. Triệu chứng gồm: phù mặt, nhất là phù mi mắt, đi tiểu ít, có máu trong nước tiểu, tăng huyết áp, cứng khớp và đau khớp.
4. Thủy đậu
- Thủy đậu là bệnh ngoài da và rất dễ lây lan trong không khí vì virus gây bệnh sẽ phát tán trong không khí theo đường nói, ho, hắt hơi, khóc của người bệnh
- Khi bị thủy đậu, trẻ thường có triệu chứng như nổi bóng nước rất nhanh và toàn thân, các nốt này thường nổi theo đợt, xen kẽ với đợt mụn cũ và mụn mới
Thủy đậu tuy là bệnh ngoài da lây lan rất nhanh nhưng thường không ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Cha mẹ chỉ cần cho trẻ ở nhà điều trị, nghỉ ngơi, uống thuốc để giảm ngứa, sốt, hạn chế tiếp xúc với nước và gió để bệnh mau lành. Ngoài ra, cách phòng bệnh tốt nhất là mẹ nên cho trẻ tiêm ngừa vắc xin thủy đậu 2 liều đầy đủ, đúng lịch.
Để phòng tránh thủy đậu, cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm vacxin thủy đậu khi đến độ tuổi tiêm phòng. Hiện nay, tại các trung tâm tiêm chủng đều có tiêm vacxin thủy đậu cho trẻ em.
5. Mụn nhọt
- Khác với rôm sảy, mụn, nhọt là do vi khuẩn gây ra. Các nốt rôm sảy không được vệ sinh cẩn thận, vi khuẩn sẽ gây bệnh tạo thành mụn, nhọt
- Biểu hiện ban đầu có thể thấy ở trẻ là đỏ sưng gây đau nhức, dần dần nốt mụn vỡ ra chảy mủ và thành sẹo
- Mụn nhọt có thể mọc ở nhiều nơi trên cơ thể, đau nhức khiến trẻ quấy khóc, kém ăn kém ngủ
- Những trẻ cơ thể suy yếu, không đủ sức chống đỡ với vi khuẩn có thể bị nhọt liên tiếp; nhọt này vừa khỏi nhọt khác lại mọc lên
- Nhọt trên đầu thường do tụ cầu khuẩn (hay gặp nhất là tụ cầu vàng), có thể xuất hiện một hoặc nhiều cái, mọc riêng lẻ hoặc từng chùm phụ thuộc vi khuẩn gây bệnh
- Tùy theo tổn thương, mụn, nhọt sẽ có nhiều kích cỡ khác nhau: to bằng hạt chanh, hạt bắp, trái chanh hoặc có thể bằng... trái táo xanh (áp-xe nguyên một khối cơ)
Khi cơ thể trẻ đề kháng tốt, những vi khuẩn chỉ khu trú trong mụn, nhọt; nhưng nếu sức đề kháng không tốt, vi khuẩn sẽ đi vào máu, gây nhiễm trùng huyết. Khi đó, trẻ có thể sốt cao 39 – 40 độ C. Nếu không được xử lý kịp thời, tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm độc bùng phát, trẻ còn có thể bị sốc do độc tố vi khuẩn. Không ít trường hợp trẻ bị nhiễm trùng huyết, sau đó vi khuẩn đi vào màng não. Nếu phát hiện và điều trị trễ, trẻ có thể bị các biến chứng như điếc, viêm màng não, viêm phổi, áp-xe phổi...
Phòng tránh bệnh ngoài da cho trẻ vào mùa hè
1. Bổ sung nước thường xuyên
- Cơ thể giữ đủ nước từ bên trong sẽ giúp giữ cho làn da của trẻ đủ nước. Trẻ luôn cần được bổ sung nước thường xuyên và đúng cách để có một cơ thể khỏe mạnh.
- Với mỗi độ tuổi nhu cầu về nước và hình thức bổ sung nước cho trẻ rất khác nhau. Ví dụ như trẻ dưới 6 tháng tuổi, sữa mẹ đã cung cấp đầy đủ lượng nước cần thiết, trẻ ăn dặm có thể cho uống nước bằng thìa để làm quen...
- Có thể bổ sung nước cho trẻ qua thực phẩm hàng ngày hoặc qua việc chế biến đồ ăn lỏng.
Tuy nhiên, cần tuyệt đối tránh cho trẻ uống trực tiếp nước máy hay nước giếng tại vòi. Ngoài việc trong nước có khả năng chứa nhiều tạp chất có hại cho sức khỏe thì chất lượng nước tại nhiều khu vực cũng bị ảnh hưởng do hệ thống đường ống dẫn xuống cấp. Để khắc phục vấn đề này, cha mẹ cần cho trẻ uống nước đun sôi được bảo quản đúng cách.
2. Mặc quần áo mỏng, mềm
- Vào mùa hè, cha mẹ nên để trẻ mặc trang phục mỏng, nhẹ, thấm mồ hôi và tắm rửa bằng lá chè xanh hoặc mướp đắng giúp da mát mẻ, sạch sẽ
- Luôn để trẻ chơi ở nơi thoáng mát thay vì ôm ấp bé quá nhiều
- Bản thân các mẹ cũng không nên mặc các loại vải cứng, ráp có thể cọ và làm tổn thương da bé
- Nên chọn những loại vải mỏng, nhẹ, ngăn ngừa và thấm hút mồ hôi tạo cho trẻ cảm giác thoáng mát và thoải mái như vải cotton hay lanh.
- Ngoài ra, mẹ cũng nên thường xuyên lau người cho bé mỗi khi ra nhiều mồ hôi và chú ý đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ.
3. Tắm đúng cách
- Vào mùa hè, trẻ dễ mắc các bệnh về da như rôm sảy, phát ban. Trẻ cần được tắm hằng ngày để da luôn sạch, thoáng mát, không thấm ẩm mồ hôi khiến mầm bệnh dễ phát triển
- Nên cho trẻ tắm bằng nước ấm vừa phải, không nên quá nóng và sau khi tắm xong cần lau khô thật nhanh, thật kỹ\Không chà xát da bằng khăn mà chỉ lau nhẹ nhàng để da trẻ có độ ẩm tự nhiên, sau đó thoa kem dưỡng da trong khi da vẫn còn giữ được độ ẩm.
Một điểm mà cha mẹ thường ít chú ý đó là nguồn nước sử dụng để tắm cho trẻ. Với hiện trạng nguồn nước không đảm bảo chất lượng như hiện nay, trẻ rất dễ bị mắc các bệnh ngoài da và thường tái phát liên tục do không giải quyết được triệt để vấn đề về chất lượng nước.
Để khắc phục vấn đề này, cha mẹ cần tìm hiểu kỹ về nguồn nước, kiểm tra nguồn nước thường xuyên. Với những gia đình có nguồn nước không đảm bảo, có thể sử dụng biện pháp như lọc thô, lọc tổng hoặc sử dụng máy lọc nước để đảm bảo sức khỏe cho trẻ.
Xem thêm:
- Trẻ bị quai bị có bị lại không?
- Ở trẻ em: bệnh tay chân miệng mọc ở đâu trước?
- Có nên cho trẻ em ăn thạch hay không?