3 yếu tố có thể dẫn đến xoắn buồng trứng, bạn hãy xem để biết mình có nguy cơ bị bệnh không
Xoắn buồng trứng là tình trạng buồng trứng bị tụt xuống và xoắn vặn lại. Tình trạng này khiến cho nguồn máu cung cấp để nuôi buồng trứng bị tắc nghẽn. Bệnh xoắn buồng trứng thường gặp hơn ở phụ nữ dưới 30 tuổi nhưng không phải chị em nào cũng hiểu về bệnh này.
3 yếu tố có thể dẫn đến xoắn buồng trứng, bạn hãy xem để biết mình có nguy cơ bị bệnh không
Bệnh xoắn buồng trứng thường gặp hơn ở phụ nữ dưới 30 tuổi nhưng không phải chị em nào cũng hiểu về bệnh này.
Xoắn buồng trứng là tình trạng buồng trứng bị tụt xuống và xoắn vặn lại. Tình trạng này khiến cho nguồn máu cung cấp để nuôi buồng trứng bị tắc nghẽn. Nếu không được xử lý kịp thời, dòng máu nuôi buồng trứng bị tắc nghẽn lâu dài sẽ khiến các mô bị xoắn bị hoại tử, gây viêm nhiễm nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh không được phát hiện và điều trị sớm còn ảnh hưởng đến chức năng nội tiết tố nữ và khả năng sinh sản về sau.
Khi bị xoắn buồng trứng, chị em thường có các triệu chứng phổ biến như: Đau bụng dưới đột ngột, nôn mửa, cơn đau có tính chu kì. Cơn đau quặn bụng thường xuất hiện ở vùng hạ vị (dưới rốn) và đau nhiều vùng chậu, đau không giảm khi dùng thuốc giảm đau. Giai đoạn sau, bệnh nhân càng đau liên tục, sốt và buồn nôn.
Bệnh xoắn buồng trứng thường gặp hơn ở phụ nữ dưới 30 tuổi nhưng không phải chị em nào cũng hiểu về bệnh này. Dưới đây là 3 yếu tố làm tăng cao nguy cơ xoắn buồng trứng. Bạn hãy tham khảo để biết cách bảo vệ mình nhé.
1. Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có nguy cơ bị xoắn buồng trứng cao
Xoắn buồng trứng phổ biến nhất ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, vì vậy, nếu bạn đang mãn kinh, nguy cơ bị xoắn buồng trứng có thể giảm đi một chút. Mike Hoaglin, bác sĩ phòng cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Duke nói: "Với phụ nữ trẻ, mô tế bào sẽ mềm dẻo hơn và buồng trứng có thể dễ di chuyển và xoắn lại do sự thay đổi hormone.
Bác sĩ Janet Choi, giám đốc y khoa của Trung tâm Y học Sinh sản Colorado, cho biết: "Sau khi qua độ tuổi sinh sản, buồng trứng nhỏ đi và ít bị lật nên nguy cơ bị xoắn buồng trứng cũng giảm. Tuy nhiên, trong trường hợp buồng trứng có khối u thì khả năng mắc bệnh này vẫn có thể xảy ra".
2. Buồng trứng có nhiều nang thì càng có nguy cơ bị xoắn cao
Nếu trong buồng trứng có u nang hoặc các khối u khác thì bạn càng có nguy cơ cao bị xoắn buồng trứng. Lý do là vì, các khối u có thể tạo ra sức nặng lên các buồng trứng khiến nó bị xoắn. Theo bác sĩ Hoaglin, phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS - có các khối u nhỏ trên buồng trứng) chắc chắn có nguy cơ cao bị xoắn buồng trứng. Điều đáng nói là bất kì ai cũng có thể bị u nang buồng trứng".
Bác sĩ Choi nói thêm: "Nếu bạn bị đau ở bụng, đừng bỏ qua vì biết đâu đó là dấu hiệu xoắn buồng trứng. Dù đó chỉ là buồng trứng bị xoắn, bạn cũng cần phải phẫu thuật nội soi để xử lý".
3. Thuốc hỗ trợ sinh sản cũng có thể là nguyên nhân gây xoắn buồng trứng
Mira Aubuchon, bác sỹ chuyên khoa về béo phì và sinh sản tại Trung tâm Y học Sinh sản Missouri cho hay, những loại thuốc được sản xuất để giúp bạn mang thai có khuynh hướng làm cho buồng trứng của bạn trở nên lớn hơn, và khi buồng trứng lớn hơn thì nó cũng có xu hướng xoắn lại. Bác sĩ Aubuchon cho biết: "Để giảm thiểu nguy cơ bị xoắn,tôi thường khuyên phụ nữ nên tập thể dục nhưng tránh tập thể dục liên quan đến nhảy hoặc bật lên xuống. Thay vào đó, các bài tập yoga sẽ phù hợp hơn".
Hiện nay, việc tầm soát nhằm phát hiện sớm các u buồng trứng được thực hiện qua khám phụ khoa định kỳ và siêu âm bụng. Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cần đi khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần và thực hiện các hình thức kiểm tra khác theo chỉ định của bác sĩ (như là siêu âm). Đặc biệt, đối với những người có tiền sử xoắn buồng trứng bị cần đi khám ngay khi có biểu hiện đau quặn bụng vùng bụng dưới.
Bác sĩ Choi cho biết, trước đây, phương pháp xử lý xoắn buồng trứng thường là cắt bỏ buồng trứng. Tuy nhiên ngày nay, các bác sĩ sẽ cố gắng bảo tồn và đưa buồng trứng về đúng vị trí, trong nhiều trường hợp, buồng trứng sẽ hồi phục. Còn nếu buồng trứng không hồi phục lại thì bạn sẽ cần phẫu thuật cắt bỏ để ngăn ngừa nhiễm trùng. Nhưng ngay cả khi bị cắt một bên buồng trứng, bên còn lại vẫn làm việc tốt thì bạn cũng không phải lo lắng quá đến nguy cơ vô sinh.
Theo Trí Thức Trẻ