11 tác dụng phụ của thuốc phá thai
Một trong những phương pháp chấm dứt thai nghén được lựa chọn khá nhiều hiện nay là sử dụng thuốc phá thai. Tuy nhiên việc này không đơn giản như uống một viên thuốc trị bệnh thông thường do các tác dụng phụ của thuốc phá thai cũng như các di chứng để lại tương đối phức tạp. Cùng tìm hiểu rõ hơn vấn đề này qua bài viết sau đây.
11 tác dụng phụ của thuốc phá thai
Phá thai bằng thuốc
Phá thai bằng thuốc là một trong những phương pháp phá thai không dùng đến các can thiệp ngoại khoa. Phương pháp này có ưu điểm là giúp người bệnh giảm bớt các áp lực tâm lý, giảm bớt cảm giác đau đớn và sợ hãi. Tuy nhiên phương pháp này chỉ an toàn khi thực hiện dưới sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa tại bệnh viện.
Thực hiện phá thai nội khoa bằng cách sử dụng phối hợp hai thuốc.
- Thuốc thứ nhất là mifepristone (tên gọi khác là RU486, có biệt dược là Mifestad®200). Lưu ý thuốc này hoàn toàn khác với biệt dược tránh thai khẩn cấp Mifestad®10).
- Thuốc thứ hai là misoprostol.
Tác dụng của thuốc thứ nhất mifepristone khiến cho niêm mạc tử cung không phát triển, không tạo được điều kiện thuận lợi để trứng thụ tinh vào làm tổ. Tác dụng của thuốc thứ hai Misoprostol là gây co thắt tử cung để đẩy trứng thụ tinh đã trở thành bào thai ra ngoài cơ thể.
Trường hợp có thể áp dụng phá thai bằng thuốc
Phụ nữ mang thai từ 7 tuần tuổi trở xuống (tuổi thai tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối cùng, không tính từ ngày giao hợp) do một nguyên nhân nào đó dẫn đến bắt buộc phải chấm dứt thai kỳ, có thể dùng phương pháp phá thai nội khoa.
Lưu ý tuyệt đối không tự ý mua thuốc uống để phá thai. Bắt buộc phải đến cơ sở y tế, tiến hành làm các xét nghiệm trước khi uống thuốc. Nếu tự ý phá thai hoặc đến những nơi không phải cơ sở y tế chuyên khoa uy tín sẽ rất nguy hiểm, do nguy cơ gặp tai biến cao và không biết xử lý khi gặp phải tác dụng phụ của thuốc phá thai.
Hiệu quả phá thai khi kết hợp misoprostol đường uống với mifepristone
Quy trình phá thai nội khoa bằng thuốc
Tại cơ sở y tế, thai phụ có nhu cầu chấm dứt thai nghén sẽ được thăm khám, hỏi một số câu hỏi liên quan đến sức khỏe, giải thích về quá trình dùng thuốc phá thai và tư vấn các biện pháp tránh thai. Sau đó người phụ nữ phải ký tên vào một bản cam kết phá thai nội khoa.
- Nhân viên y tế sẽ đưa một viên mifepristone để uống tại cơ sở. Đa số phụ nữ sau khi uống viên thứ nhất này vẫn chưa cảm nhận điều gì bất thường, tuy nhiên vẫn có số ít thấy ra máu âm đạo. Người nữ được cho về nhà sau khi sử dụng thuốc.
- Sau khi uống loại thuốc thứ nhất được 2 ngày, người nữ sẽ tiếp tục uống loại thuốc thứ hai là 2 viên misoprostol và ở lại cơ sở y tế để theo dõi trong thời gian ít nhất 4 giờ. Trong 30 phút đến 4 tiếng sau khi uống, bệnh nhân sẽ có dấu hiệu đau bụng dưới, ra máu nhiều, máu cục chứng tỏ quá trình thai nhi được đẩy ra ngoài.
- Sau đó, trong vòng 10 ngày kể từ khi uống thuốc, người nữ sẽ ra máu như chu kỳ kinh nguyệt, một số rất ít còn có thể gặp tình trạng ra máu nhẹ kéo dài hơn một tháng (có thể ra máu kéo dài nhưng phải giảm dần về lượng).
Sau phá thai, người bệnh phải thường xuyên quay lại cơ sở y tế để được theo dõi trong khoảng 14 ngày bằng các xét nghiệm chuyên môn để kiểm tra hiệu quả phá thai, nếu thuốc thất bại cần tiến hành hút thai để ngăn ngừa thai nhi phát triển không bình thường. Sáu tuần sau khi sổ thai, người nữ sẽ có chu kỳ kinh nguyệt trở lại, nếu như không có chu kì phải báo ngay cho bác sĩ.
Người phụ nữ sau khi phá thai bằng thuốc phải quay lại cơ sở y tế để kiểm tra ngay khi có các dấu hiệu sau:
- Đau bụng liên tục không giảm sau giai đoạn ra máu ban đầu.
- Ra máu âm đạo quá nhiều (mỗi giờ thấm hết 2 băng vệ sinh dày, và tiếp tục ra máu trong 2 giờ liền sau đó).
- Sốt cao từ 380C trở lên, kéo dài hơn một ngày kể từ khi uống misoprostol.
- Không ra máu trong vòng 24 giờ sau khi uống misoprostol.
Tác dụng phụ của thuốc phá thai
Chảy máu nhiều
Rong huyết sau khi phá thai (trên 10 ngày) gây mất máu nhiều và suy nhược cơ thể trầm trọng.
Sốt
Đây cũng là một tác dụng phụ của thuốc phá thai. Trường hợp này có thể được hỏi ý kiến bác sĩ việc sử dụng thêm thuốc hạ sốt để điều trị, nếu sốt kéo dài liên tục không dứt lại là một dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm cho sức khỏe, cần tái khám ngay.
Tiêu chảy
Là tác dụng phụ khá phổ biến ở bệnh nhân phá thai bằng thuốc, do tác dụng tăng co bóp tử cung cũng ảnh hưởng đến nhu động ruột.
Chóng mặt, đau đầu
Do mất máu quá nhiều cũng là một tác dụng phụ của thuốc phá thai.
Đau bụng
Giống như đau bụng kinh nguyệt hoặc đau nặng hơn do hiện tượng tử cung co bóp mạnh để đẩy bào thai ra ngoài hoặc do các thành phần của thuốc.
Nhiễm trùng
Nhiễm trùng vẫn có thể xảy ra với phương pháp phá thai nội khoa: nhiễm trùng tiểu khung, nhiễm trùng nội mạc tử cung... đây là tác dụng phụ hết sức nguy hiểm.
Thai chết lưu
Biến chứng thường gặp của các bệnh nhân do thuốc phá thai chỉ mới có tác dụng làm chết bào thai nhưng chưa đủ hoặc không thể đẩy thai ra khỏi tử cung. Thai chết nhưng vẫn nằm trong tử cung, nguy cơ nhiễm trùng cục bộ rất cao.
Băng huyết thậm chí tử vong
Giống như một ca sinh thường, kể cả khi không có bào thai thoát ra ngoài thì vẫn có hiện tượng vỡ ối, vi khuẩn tấn công vào cơ quan sinh sản của nữ giới gây nhiễm trùng nặng bên cạnh đó bào thai vẫn còn tồn tại trong tử cung dẫn đến hiện tượng băng huyết, nguy cơ gây tử vong.
Dị tật thai nhi
Khi phá thai bằng thuốc không thành công, không sảy thai, thai vẫn phát triển trong bụng mẹ nhưng phát triển bất thường do ảnh hưởng của thuốc, dị tật bẩm sinh.
Vô sinh
Là một trong những tác dụng phụ của thuốc phá thai mà ai cũng sợ hãi, những phụ nữ phá thai bằng thuốc nhiều lần sẽ có nguy cơ vô sinh tăng cao.
Sót nhau, sót thai
Khi phá thai bằng thuốc do tuổi thai quá lớn, hiệu quả của phương pháp giảm đi, thường có dấu hiệu đau bụng dữ dội, dễ dẫn đến nhiễm trùng tử cung, chảy máu hoặc thủng tử cung. Bắt buộc sử dụng biện pháp nạo hút thai để lấy hết thai hoặc nhau còn sót lại ra khỏi tử cung.
Chăm sóc sức khỏe sau khi phá thai bằng thuốc
- Nghỉ ngơi trên giường, không lao động hoặc mang vác vật nặng. Tránh ngồi tàu, xe, máy bay trên 4 giờ sẽ cản trở lưu thông máu. Chườm ấm vùng bụng dưới để giảm bớt cơn đau.
- Lưu ý ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung chất sắt giúp cơ thể hồi phục nhanh chóng, giảm nguy cơ thiếu máu. Không nên ăn các thực phẩm có tính hàn, ăn đồ sống, thức ăn quá chua, quá cay...
- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, không được tự ý thụt rửa âm đạo hoặc sử dụng quá nhiều chất tẩy rửa có tính kích ứng mạnh, dẫn đến thay đổi môi trường tự nhiên của âm đạo, gây viêm nhiễm vùng kín.
- Kiêng cữ việc quan hệ tình dục sau khi phá thai khoảng 4 tuần để cơ thể chị em hồi phục cũng như phòng tránh viêm nhiễm.
- Tái khám sau khoảng 2 tuần để xác nhận thai đã hoàn toàn được loại bỏ hay chưa và kiểm tra quá trình hồi phục cơ thể cũng như các biến chứng nếu có.
- Giữ tâm lý thoải mái, tinh thần lạc quan, không suy nghĩ tiêu cực ảnh hưởng đến quá trình hồi phục sức khỏe.
Xem thêm:
- Lưu ý 9 tác dụng phụ của thuốc tránh thai hàng ngày
- Trắc nghiệm kiến thức về thuốc tránh thai