10 gợi ý để phụ nữ mang thai làm việc luôn thoải mái
Theo nhiều ý kiến, công việc cũng giúp phụ nữ mang thai giảm bớt lo lắng, căng thẳng và duy trì các mối quan hệ xã hội
10 gợi ý để phụ nữ mang thai làm việc luôn thoải mái
Thời gian 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ, phụ nữ mang thai luôn cảm thấy bất tiện và ảnh hưởng đến chất lượng công việc. HoiBenh xin mách bạn một số gợi ý để làm việc luôn thoải mái, tránh những áp lực không tốt nơi làm việc nhé.
1. Tranh thủ nghỉ giải lao
Nếu yêu cầu công việc phải đứng nhiều, bạn nên tranh thủ đi lại xung quanh hoặc ngồi nghỉ tại chỗ để cơ bắp được thoải mái. Đặc biệt giảm áp lực xuống chân - áp lực lớn trong thời gian dài có thể gây tê chân, chuột rút
2. Tăng cường đi lại
Nếu làm công việc văn phòng và phải ngồi nhiều, ban nên tăng cường đi lại hoặc vận động nhiều hơn. Có thể là đi lấy nước uống, đi photo giấy tờ. Nên đi lại ít nhất 2 tiếng 1 lần để các cơ được giãn. Khi đứng dậy, bạn cũng có thể thực hiện một số động tác duỗi người, giãn cơ tại chỗ nhẹ nhàng
3. Mặc đồ thoải mái
Nên mang giày bệt, da mềm, vừa chân trong thời gian mang thai. Về quần áo, nên chọn quần áo thoải mái, làm từ chất liệu mềm, thoáng mát. Để phòng ngừa bệnh giãn tĩnh mạch, cũng có thể mặc quần ôm hoặc đi tất dành riêng cho bà bầu
4. Ăn uống đúng giờ và điều độ
Bạn nên ăn các bữa nhẹ ngoài 3 bữa ăn chính nhằm ngăn ngừa hạ đường huyết, tụt huyết áp do ốm nghén. Các bữa ăn cần đủ chất dinh dưỡng cho bà bầu và ngoài ra cần có chất xơ để ngăn ngừa táo bón. Nếu có điều kiện, bạn có thể tự chuẩn bị bữa trưa mang đi ăn tại nơi làm việc
5. Uống nhiều nước
Nên để một cốc nước trên bàn làm việc và uống thường xuyên. Có thể uống mỗi lần 1 ngụm nhỏ. Việc uống nhiều nước có thể kéo theo bạn đi vệ sinh nhiều. Bạn cũng không nên nhịn đi vệ sinh nhé. Đứng dậy đi lại cũng là một cách vận động và thư giãn cơ thể, rất tốt cho quá trình mang thai
6. Hạn chế các động tác lặp lại, nghỉ ngơi khi có thể
Nếu công việc vất vả, bạn nên hạn chế các việc chân tay sau giờ làm. Ngoài ra, nếu công việc yêu cầu các động tác lặp đi lặp lại (như công nhân sản xuất theo dây truyền...) bạn nên điều chỉnh các động tác hoặc xen kẽ các động tác khác nhau. Việc lặp đi lặp lại 1 động tác tay sẽ làm tăng nguy cơ mắc hội chứng ống cổ tay.
7. Giảm bớt căng thẳng
Nếu không thể giải quyết căng thẳng tại nơi làm việc, bạn nên học cách “sống chung với lũ”. Thay vào đó, có thể tự cân bằng bằng các động tác thể dục nhẹ nhàng, yoga, nghe nhạc trong giờ nghỉ...
8. Xin nghỉ khi quá mệt mỏi
Nếu bạn ốm nghén trong 3 tháng đầu, đừng ngại xin nghỉ phép khi thấy cơ thể không đủ sức khỏe để làm việc. Việc cố gắng hoàn thành công việc không những không đạt hiệu quả trong công việc mà còn khiến bản thân mệt mỏi, tự tạo áp lực.
9. Nhận sự giúp đỡ từ đồng nghiệp
Trong thời gian mang thai, nếu nhận được sự giúp đỡ của đồng nghiệp, không nên khách sáo từ chối. Thay vào đó, bạn nên mỉm cười cảm ơn vì đây là một may mắn của bạn. Chia sẻ với đồng nghiệp những khó khăn trong lúc mang thai cũng sẽ giúp bạn giải tỏa phần nào tâm lý.
10. Khắc phục ốm nghén ở phụ nữ mang thai lúc làm việc
Ốm nghén là triệu chứng khá phổ biến ở phụ nữ mang thai, thường xuất hiện trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Với triệu chứng là buồn nôn, nôn, chóng mặt, mệt mỏi... ốm nghén ảnh hưởng không nhỏ tới công việc của phụ nữ mang thai.
Nếu bạn gặp khó khăn khi nuốt thức ăn, có thể chuẩn bị túi nhựa, khăn và nước uống để xúc miệng để sử dụng lúc cần thiết trong lúc làm việc. Nếu tình trạng ốm nghén nghiêm trọng hơn, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng thuốc chống ốm nghén.
Với chế độ thai sản hiện nay, phụ nữ mang thai vẫn cần phải làm việc trong thời gian thai kỳ. Theo nhiều ý kiến, công việc cũng giúp phụ nữ mang thai giảm bớt lo lắng, căng thẳng. Hi vọng, những ý kiến chia sẻ hơn sẽ giúp bạn phần nào giữ thoải mái khi làm việc lúc mang thai.