10 dấu hiệu mang thai sớm trong những tuần đầu tiên
Bạn hồi hộp không biết liệu mình có mang thai hay không nhưng lại quá sớm để thử thai hoặc siêu âm. Vậy có thể dựa trên những biểu hiện nào để nhận biết tình trạng này? Bạn có thể tự kiểm tra dựa trên các dấu hiệu mang thai sớm sau đây để giải đáp băn khoăn, giảm bớt lo lắng và căng thẳng cho bản thân.
10 dấu hiệu mang thai sớm trong những tuần đầu tiên
Những tín hiệu đầu tiên nói rằng bạn sắp làm mẹ:
1. Trễ kinh - dấu hiệu mang thai sớm điển hình
Chảy máu kinh nguyệt là hiện tượng bong niêm mạc tử cung khi trứng không được thụ tinh để bắt đầu một chu kỳ mới. Thông thường, nữ giới mỗi tháng đều gặp kinh nguyệt một lần. Vì vậy nếu chu kỳ của bạn đều đặn nhưng bỗng nhiên tháng này lại không thấy “nàng dâu” ghé thăm thì rất có khả năng bạn đã mang trong mình một thiên thần.
Tuy nhiên, ở nhiều người độ dài chu kỳ kinh nguyệt mỗi tháng lại khác nhau (gọi là rối loạn kinh nguyệt). Khi đó, rất khó để xác định có thai hay không dựa vào việc trễ kinh. Ngoài ra, vòng kinh còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác như: tâm lý nữ giới, cân nặng, thuốc tránh thai...
2. Ra máu báo thai
Nếu như bạn chậm kinh và thay vì đến ngày đèn đỏ, bạn lại chỉ ra vài giọt máu thì sau đó bạn cũng cần thử thai. Đây có thể là máu báo thai, báo hiệu quá trình thụ thai thành công, hợp tử đã di chuyển về tử cung và làm tổ tại đây gây chảy máu nhẹ.
Trong trường hợp đã có thai, ra máu báo là triệu chứng rất bình thường, cho biết rằng em bé đã về đúng vị trí của nó. Do đó bạn không cần lo lắng mà ngược lại, bạn nên yên tâm vì lúc này đã tránh được rủi ro chửa ngoài tử cung mà nhiều người gặp phải.
3. Đau tức ngực
Nếu bạn quan hệ tình dục không dùng biện pháp tránh thai, và sau quan hệ từ 1-2 tuần cảm thấy căng tức 2 bên ngực thì hãy chuẩn bị tinh thần thật sẵn sàng. Đây là một trong các dấu hiệu mang thai sớm rất hiệu quả để nhận biết, vì nếu có thai thì chỉ sau một thời gian ngắn, cơ thể người mẹ đã có những thay đổi về hocmon, tác động đến ngực gây ra cảm giác đau.
Bạn cũng cần bình tĩnh và chờ đợi thêm, bởi vào ngày rụng trứng hoặc gần ngày đèn đỏ thì một số bạn nữ cũng gặp phải chứng đau tức ngực.
4. Đầu vú bất thường
Bên cạnh cảm giác đau ở ngực, núm vú của bạn cũng có những sự thay đổi nhất định trong thời gian đầu mang thai. Nếu núm vú trở lên sẫm màu hơn, to hơn, nhạy cảm hơn thì bạn cũng hãy nghĩ đến mình có thể đã có một em bé.
5. Cảm giác mệt mỏi
Cảm giác mệt mỏi vì ốm nghén xảy ra nhiều nhất trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Ở những tuần đầu tiên khi mới thụ thai, nữ giới sẽ bị mệt mỏi mà không biết nguyên nhân là gì.
Trạng thái mệt mỏi, lơ mơ, có thể kèm theo buồn nôn, chóng mặt nếu xảy ra thì bạn hãy cẩn thận hơn, tránh sử dụng các loại thuốc điều trị nhiều tác dụng phụ, làm ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng.
6. Đi tiểu nhiều hơn
Hầu hết phụ nữ mang thai đều tâm sự rằng họ đi tiểu nhiều hơn trước một cách đáng kể ngay trong tam cá nguyệt đầu tiên (3 tháng đầu). Chính vì thế mà khi bạn phải ghé thăm nhà vệ sinh nhiều lần trong ngày thì nhiều dự đoán bạn đã sắp lên chức rồi.
Lý do khiến thai phụ đi tiểu nhiều hơn là vì khi mang thai lượng hocmon HCG (hocmon nội tiết tố quan trọng tiết ra ở người phụ nữ khi có bầu) tăng lên rất nhanh. Mặc dù chưa có nghiên cứu chính xác chỉ ra nồng độ HCG có ảnh hưởng đến tần suất đi tiểu của thai phụ nhưng nhiều người có niềm tin vào mối liên hệ này.
Ngoài HCG, khi mang thai, tử cung phụ nữ thường to hơn, gây chèn ép bàng quang, dẫn tới tăng số lần đi vệ sinh trong ngày.
7. Nhạy cảm với mùi
Mang thai thường đi kèm với sự tăng hocmon nữ estrogen trong thời gian đầu. Estrogen có mặt quá nhiều trong cơ thể sẽ khiến khướu giác của bà bầu nhạy cảm hơn. Bạn thường xuyên bị khó chịu và muốn nôn ói khi ngửi phải các mùi lạ như mùi thức ăn, mùi xe cộ,... Đây cũng là nguyên do khiến nhiều người bị sụt cân trong các tháng đầu tiên có thai.
8. Thèm ăn
Đối lập với việc nhạy cảm với mùi gây ra chán ăn, bỏ ăn thì ở một vài người khi mang thai lại tăng cảm giác thèm ăn, cân nặng tăng lên. Bạn tự nhiên thấy ăn ngon miệng hơn, nhanh đói hơn so với bình thường bởi cơ thể bạn đang rất cần năng lượng và dinh dưỡng cho bạn nhỏ trong bụng. Chúc mừng, có thể bạn sắp được làm mẹ rồi.
9. Đầy bụng, chướng hơi
Khi mang thai, cơ thể mẹ tiết ra nhiều hơn hocmon Progesteron để an thai, giảm hoạt động co bóp từ tử cung. Chất này có tác dụng quan trọng như vậy nhưng chính nó cũng là thủ phạm gây ra rối loạn tiêu hóa, đầy bụng khó tiêu ở thai phụ, bởi tính chất làm giảm co bóp của cơ trơn hệ tiêu hóa, giảm hoạt động tiêu thụ thức ăn.
Để hạn chế tình trạng này, bạn nên ăn nhiều chất xơ tự nhiên, các sản phẩm bổ sung lợi khuẩn và giảm các thức ăn từ tinh bột.
10. Nhiệt độ cơ thể tăng
Biểu hiện này tuy hơi mơ hồ nhưng với mẹ nào thường xuyên theo dõi nhiệt độ của cơ thể thì đây cũng là một mẹo nhỏ, một dấu hiệu mang thai sớm mà mẹ cần biết.
Càng có nhiều các dấu hiệu được liệt kê ở trên thì khả năng bạn sắp làm mẹ càng cao. Mặc dù vậy, để khẳng định chắc chắn mình có thai hay không, bạn hãy chờ đến khi trễ kinh vài tuần để làm kiểm tra với que thử và đi siêu âm tại phòng khám, cơ sở y tế uy tín. Hi vọng 10 dấu hiệu mang thai sớm này có thể đem lại niềm vui và thỏa nỗi mong chờ của bạn.
Xem thêm:
- Những dấu hiệu mang thai sớm mà cặp đôi nào cũng cần biết
- Nhận biết sớm các dấu hiệu mang thai ngoài tử cung