Ý nghĩa của xét nghiệm ure là gì?

Bạn có thường hay nhìn thấy kết quả xét nghiệm nồng độ ure máu trong giấy xét nghiệm sinh hóa? Bạn có từng thắc mắc ý nghĩa của xét nghiệm này trong quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh? Bài viết này sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quát nhất về xét nghiệm này.

Ý nghĩa của xét nghiệm ure là gì? Ý nghĩa của xét nghiệm ure là gì?

Ý nghĩa của xét nghiệm ure là gì?

Xét nghiệm ure máu hay thử nghiệm ure máu (BUN – Blood urea nitrogen) là đánh giá, kiểm tra lượng nito - ure trong máu.

Gan sản xuất ra anomiac – trong đó có chứa Nito – sau khi phá vỡ các protein được sử dụng bởi các tế bào trong cơ thể. Nito kết hợp với các nguyên tố khác như Carbon, Hydro, Oxy để hình thành Ure - được thải trừ ra ngoài qua thận (nước tiểu). Vì vậy Ure là sản phẩm chuyển hóa cuối cùng của protein trong cơ thể.

Test ure máu nhằm giúp đánh giá tình trạng hoạt động của gan và thận.

vicare.vn-y-nghia-cua-xet-nghiem-ure-la-gi-body-1

Xét nghiệm ure máu được thực hiện khi nào?

Do giúp đánh giá tình trạng hoạt động của gan và thận nên các bác sĩ chỉ định làm test ure máu khi nghi ngờ có tổn thương thận hoặc gan hoặc khi chức năng gan hoặc thận cần được đánh giá. Đối với bệnh nhân chạy thận nhân tạo hoặc thẩm phân phúc mạc, BUN cũng được sử dụng nhằm giúp đánh giá hiệu quả điều trị lọc máu.

Khi cần đánh giá chức năng thận, ngoài BUN ra thì nồng độ creatinine máu cũng cần được kiểm tra. Do ure máu dễ thay đổi theo chế độ ăn uống (nhiều hay ít đạm) vì vậy đánh giá chức năng thận thông qua nồng độ creatinine sẽ có độ tin cậy và chính xác cao hơn do nồng độ creatinine không phụ thuộc vào ăn uống.

Một số bệnh lý khác cũng cần nồng độ ure máu để chẩn đoán như suy gan, tắc nghẽn đường tiết niệu, suy tim sung huyết hoặc xuất huyết tiêu hóa tuy nhiên cần kết hợp với các chỉ số lâm sàng, sinh hóa, các dấu hiệu khác để có được chẩn đoán chính xác cho từng trường hợp.

BUN là một xét nghiệm máu thông thường. Tuy nhiên cần thông báo với bác sĩ tất cả các loại thuốc đang sử dụng do một số loại thuốc có thể làm ảnh hưởng đến BUN. Nếu mẫu máu chỉ sử dụng để làm thử nghiệm BUN thì bệnh nhân có thể ăn uống bình thường trước khi làm thử nghiệm. Bác sĩ sẽ cung cấp các hướng dẫn trong từng trường hợp cụ thể.

Kết quả test ure máu và ý nghĩa

Kết quả test ure máu bình thường

Kết quả của xét nghiệm BUN được đo bằng miligam trên mỗi decilit (mg / dL). Giá trị BUN bình thường có xu hướng thay đổi tùy theo giới tính, độ tuổi và độ chính xác của máy móc thiết bị. Giá trị BUN bình thường được thể hiện trong bảng dưới đây:

vicare.vn-y-nghia-cua-xet-nghiem-ure-la-gi-body-2

Giá trị BUN bình thường đối với người lớn trên 60 tuổi cao hơn một chút so với mức bình thường của người lớn dưới 60 tuổi.

Kết quả test ure máu tăng cao

Giá trị BUN tăng cao có thể xuất hiện trong một số trường hợp:

  • Các bệnh lý về thận như: suy thận
  • Giảm lượng máu đến thận trong suy tim sung huyết, sốc, căng thẳng, đau tim, bỏng nặng, ...
  • Xuất huyết tiêu hóa, nhiễm trùng nặng.
  • Tắc nghẽn đường tiết niệu, thiểu niệu, vô niệu.
  • Thừa protein từ chế độ ăn nhiều đạm.
  • Tăng dị hóa protein khi sốt, bỏng, suy dinh dưỡng, bệnh lý u tân sinh.
  • Ngộ độc thủy ngân.

Một số thuốc cũng có thể làm tăng giá trị BUN như: amphotericin B, carbamazepine, cephalosporin, furosemide, methotrexate, methyldopa, rifampin, spironolactone, tetracycline, thuốc lợi tiểu thiazide, vancomycin.

Trong các nguyên nhân gây tăng BUN, cần chú ý đặc biệt đến các nguyên nhân tại thận như: viêm thận cấp và mạn tính, lao thận, ứ nước bể thận do sỏi thận, hội chứng gan thận do leptospira, thận đa nang.

Để hạn chế tăng ure máu, bạn cần:

  • Có một chế độ ăn uống phù hợp (không quá nhiều hay quá ít protein)
  • Ngưng sử dụng các thuốc gây tăng ure máu.

Kết quả test ure máu thấp hơn bình thường

Giá trị BUN thấp có thể xuất hiện trong một số trường hợp:

  • Suy gan, xơ gan, viêm gan cấp hoặc mạn tính.
  • Suy dinh dưỡng, chế độ ăn nghèo protein.
  • Thiếu protein nghiêm trọng trong chế độ ăn uống

Một số thuốc cũng có thể làm giảm mức BUN như: chloramphenicol, streptomycin

Một số ảnh hưởng tới cơ thể gây ra bởi test ure máu

Một số trường hợp hiếm gặp, việc tiến hành xét nghiệm BUN gây ảnh hưởng đến tình trạng của bệnh nhân khi bệnh nhân bị rối loạn chảy máu hoặc đang sử dụng thuốc chống đông. Điều đó khiến bệnh nhân có thể chảy máu nhiều hơn trong quá trình làm xét nghiệm. Một số tác dụng phụ liên quan đến xét nghiệm BUN tại vị trí lấy máu là:

  • Chảy máu tại chỗ
  • Bầm tím tại chỗ
  • Tích tụ máu dưới da
  • Nhiễm trùng tại vị trí lấy máu.

Thông báo cho bác sĩ nếu bạn gặp bất kỳ tác dụng phụ bất ngờ hoặc kéo dài nào sau khi tiến hành thử nghiệm BUN.

Xem thêm:

  • Xét nghiệm Ure trong máu phát hiện chức năng gan không?
  • Ý nghĩa của xét nghiệm máu lắng và những điều mà bạn nên quan tâm
  • Các chỉ số xét nghiệm máu thường gặp nhất