Xuất hiện đốm thâm trên môi là mắc bệnh gì?

Chào Bác sĩ!

Ngay từ khi học lớp 11 (6 năm về trước), môi dưới của tôi xuất hiện đốm thâm nhỏ khoảng bằng đầu ngón tay út. Sau 1 thời gian thì biến mất và lại xuất hiện, diễn ra trong khoảng gần 3 năm. Thời gian gần đây thì đốm đen đó lại xuất hiện nhưng to hơn và sẫm màu hơn nhiều. Tại chỗ đốm đen đó da bị khô ráp và lâu lâu cũng bị ngứa. Cứ sau 1 thời gian thì lại di chuyển khắp môi dưới và những vùng da khác trên môi cũng bị sẫm màu nữa. Khoảng thời gian sau này thì tôi có dùng son nhưng lúc học cấp 3 thì hoàn toàn không thấy. Tôi không biết đây là hiện tượng gì nữa, mong bác sĩ tư vấn giúp tôi và cho tôi lời khuyên để thoát khỏi tình trạng này.

Cảm ơn Bác sĩ!

Xuất hiện đốm thâm trên môi là mắc bệnh gì?

Bác sĩ Huỳnh Văn Quang cho biết: "Theo như bạn mô tả về những đốm thâm trên môi, có thể bạn bị ban đỏ nhiễm sắc cố định tái phát (Erythème fixatum pigmentosum récidivans-fixed drug eruption). Đây là một phản ứng da do thuốc (dị ứng thuốc), thường là do thuốc uống, có thể do thức ăn hay một chất gì đó có đặc điểm là tổn thương đỏ da hình tròn, bầu dục, nề, có khi nổi bọng nước, trợt, nhiễm sắc ở giai đoạn thoái lui, thường tái phát sau những lần uống thuốc, cố định ở một số vị trí (có thể thêm vị trí mới), thường xuất hiện vài giờ sau khi dùng thuốc, sự xuất hiện tổn thương thường được báo trước bởi cảm giác nóng bỏng và căng ở vị trí mà sau đó sẽ mọc tổn thương.

Vị trí: Bất kỳ vị trí nào, nhưng hay gặp ở môi, quanh miệng, ở bộ phận sinh dục ngoài, quanh mắt, có thể gặp ở bàn tay, thân mình, mặt.... Số lượng tổn thương thường 1 - 10 cái. Cá biệt có tình huống vài chục cái. Khi bệnh tái phát tổn thương lại xuất hiện ở những vị trí đã bị lần trước, ngoài ra còn có thể thêm vị trí mới. Có tình huống có thể tổn thương niêm mạc miệng, viêm màng tiếp hợp, hoặc tương tự Herpes simplex".

Điều trị và dự phòng

  • Ngừng ngay thuốc nghi vấn.
  • Tại chỗ bôi thuốc dịu da như dầu Oxit kẽm, hoặc kem Corticoid.
  • Toàn thân dùng kháng Histamine tổng hợp, Corticoid, vitamin C.
  • Nhiễm sắc sau viêm kéo dài vài tháng hoặc nhiều năm và nên chữa trị bằng thuốc bôi Hydroquinone.

Phòng bệnh như thế nào?

  • Thận trọng trong việc dùng một số thuốc gây bệnh như đã nói ở trên, nhất là nhóm thuốc cảm sốt, kháng sinh, Sulfamid, thuốc ngủ.
  • Theo dõi và tránh các loại thức ăn đã gây bệnh trên.
  • Nhận diện và ngừng uống thuốc gây bệnh; nếu đã bị một lần thì không dùng lại thuốc đó, các dạng khác của thuốc và thuốc cùng nhóm cũng có thể gây phản ứng chéo.

Chúc sức khỏe!