Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ như thế nào?

Cùng với các kiểm tra thường quy quan trọng khác trong quá trình mang thai, xét nghiệm tiểu đường thai kỳ cũng được các chuyên gia khuyến cáo nên thực hiện cho mẹ bầu. Với chị em mang thai lần đầu, các thắc mắc thường liên quan tới việc: xét nghiệm tiểu đường thai kỳ như thế nào? Cần lưu ý gì khi làm xét nghiệm này? Vicare sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc trên.

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ như thế nào? Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ như thế nào?

Nguyên nhân, Tầm quan trọng của xét nghiệm tiểu đường thai kỳ

Nguyên nhân gây tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ hay còn gọi là đái tháo đường thai nghén, thường gặp ở phụ nữ mang thai vào tam cá nguyệt thứ 3 (từ tháng thứ 6 của thai kỳ trở đi). Nguyên nhân do trong thời gian này tốc độ phát triển của thai nhi rất lớn, nhu cầu cung cấp năng lượng của mẹ vì thế cũng tăng lên. Trong khi nhu cầu về insulin tăng gấp 3-4 lần so với trạng thái bình thường thì thực tế lượng insulin của mẹ tăng lên chưa đáp ứng được con số này, dẫn đến thiếu hụt insulin tương đối.

Thêm vào đó, trong quá trình thai nghén, cơ thể phụ nữ cũng tiết ra các nội tiết tố đề kháng insulin, làm giảm độ nhạy cảm của insulin, gây ra tiểu đường thai kỳ.

Một nguyên nhân nữa khiến thai phụ thường bị đường máu cao là tâm lý tẩm bổ nhiều để con thông minh khỏe mạnh nên mẹ ăn uống quá nhiều chất dinh dưỡng, gây dư thừa năng lượng, làm tăng nồng độ glucose huyết.

Tiểu đường thai kỳ tác động như thế nào đến sức khỏe của mẹ và bé?

vicare.vn-xet-nghiem-tieu-duong-thai-ky-nhu-nao-body-1

Trong đa số các trường hợp tiểu đường sẽ tự hết khi kết thúc thai nghén. Nhưng nếu tiểu đường không được điều trị kịp thời và không thể kiểm soát tốt khi mang thai thì có thể dẫn đến:

  • Gây tăng huyết áp ở mẹ, tăng nguy cơ tiền sản giật.
  • Sinh con nặng cân hơn so với bình thường. Gây nguy hiểm khi chuyển dạ, nhiều ca phải mổ sớm lấy thai. Nếu tiểu đường nghiêm trọng hơn có thể gây sẩy thai, thai chết lưu mà không có các dấu hiệu cảnh báo.
  • Gây hạ đường huyết cho con sau khi sinh. Điều này gây ra bởi việc sản xuất insulin của em bé vẫn tiếp tục như khi còn trong bụng mẹ, nhưng lúc này bé không còn nhận đường thêm từ mẹ nữa, dẫn đến dư thừa insulin gây hạ đường huyết. Thêm vào đó, em bé còn dễ bị ảnh hưởng đến tim và hệ hô hấp sau khi được sinh ra.

Chính vì những hệ lụy và tác động tiêu cực đến cả mẹ và bé, mà xét nghiệm tiểu đường thai kỳ là cực kỳ quan trọng, để giúp mẹ bầu sớm kiểm soát được tình trạng bệnh, và có những điều trị, xử lý kịp thời.

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ như thế nào

Có 2 cách để tiến hành xét nghiệm tiểu đường thai kỳ:

Cách 1: kiểm tra 1 bước

Bước này sẽ đo mức độ dung nạp glucose. Thai phụ không ăn gì trong vòng 8 giờ trước khi xét nghiệm.

Khi đến phòng xét nghiệm, trước hết bác sĩ lấy máu của thai phụ để đo đường huyết lúc đói. Tiếp theo, bạn sẽ được uống một dung dịch glucose tương ứng với 75 gam glucose, cứ cách khoảng 1 giờ sau đó bác sĩ sẽ lấy mẫu máu 1 lần. Cần lấy 2 mẫu máu sau khi uống glucose.

Giá trị máu được coi là bất thường trong xét nghiệm dung nạp glucose đường uống trong 2 giờ được thể hiện như sau:

  • Trước ăn: lớn hơn 92 mg/dL (5,1 mmol/L)
  • sau uống đường 1 giờ: lớn hơn 180 mg/dL (10,0 mmol/L)
  • Sau uống đường 2 giờ: lớn hơn 153 mg/dL (8,5 mmol/L)

Cách 2: kiểm tra 2 bước

Bước 1: Bước sàng lọc

Kiểm tra này bạn không cần nhịn ăn hoặc thay đổi chế độ ăn của bạn trước đó. Đầu tiên bác sĩ sẽ cho bạn uống một dung dịch glucose có hàm lượng nhất định, rồi sau đó 1 giờ đồng hồ lấy máu đi xét nghiệm. Nếu đường huyết có chỉ số cao ở bước này (≥7,8 mmol/L) thì bạn cần làm thêm bước thứ 2.

Bước 2: Kiểm tra dung nạp glucose

Để thực hiện kiểm tra dung nạp đường, bạn cần nhịn ăn ít nhất 8 tiếng trước đó. Bác sĩ lấy một lượng máu để đo đường huyết lúc đói của bạn. Sau đó bạn được yêu cầu uống một dung dịch tương ứng với 100 gam glucose. Cứ 1 giờ sau khi uống dung dịch này, bác sĩ sẽ lấy máu của bạn một lần để kiểm tra. Bạn cần phải chờ ít nhất 3 giờ để lấy được thêm 3 lần máu như vậy.

Bạn được chẩn đoán mắc tiểu đường thai kỳ nếu như đường huyết trong máu có các chỉ số:

  • Trước ăn: lớn hơn 95 mg/dL (5,3 mmol/L)
  • Sau uống đường 1 giờ: lớn hơn 180 mg/dL (10,0 mmol/L)
  • Sau uống đường 2 giờ: lớn hơn 155 mg/dL (8,6 mmol/L)
  • Sau uống đường 3 giờ: lớn hơn 140 mg/dL (7,8 mmol/L)
vicare.vn-xet-nghiem-tieu-duong-thai-ky-nhu-nao-body-2

Các lưu ý về xét nghiệm tiểu đường ở phụ nữ mang thai

Xét nghiệm này thường được thực hiện vào tam cá nguyệt thứ 3, tức là từ tuần thứ 24 đến 28 của thai kỳ. Một số thai phụ cần thực hiện sớm hơn nếu có các yếu tố nguy cơ. Đặc biệt là những người bị béo phì, tuổi lớn hơn 35, đã từng có tiền sử bị tiểu đường hoặc gia đình có người mắc bệnh này hoặc phát hiện có glucose cao trong nước tiểu tại các lần khám thai trước đó.

Trước khi đi xét nghiệm vài ngày, nên ăn uống bình thường như chế độ ăn hàng ngày. Việc kiêng cữ đồ ngọt, giảm ăn hoặc ăn quá nhiều thức ăn đồ uống chứa đường đều dẫn đến sai lệch kết quả.

Các xét nghiệm tiểu đường thai kỳ đều dễ thực hiện và không gây ảnh hưởng gì đến mẹ và bé. Đôi khi mẹ có thể cảm giác hơi buồn nôn và khó chịu sau khi uống dung dịch chứa glucose nhưng triệu chứng này sẽ hết rất nhanh sau vài phút.

Xem thêm:

  • Biến chứng của tiểu đường thai kỳ mẹ cần biết
  • Phòng ngừa và điều trị tiểu đường thai kỳ