Xét nghiệm sinh thiết cổ tử cung để làm gì?
Ung thư cổ tử cung là một bệnh ung thư phổ biến, thường gặp ở nữ giới, nó đứng thứ 2 trong các bệnh ung thư ở phụ nữ Việt Nam, đứng sau bệnh ung thư vú. Có một số xét nghiệm để xác định bệnh ung thư cổ tử cung thường dùng hiện nay đó là test PAP, soi cổ tử cung và sinh thiết cổ tử cung. Trong đó xét nghiệm sinh thiết cổ tử cung cho kết quả chính xác nhất.
Xét nghiệm sinh thiết cổ tử cung để làm gì?
Ung thư cổ tử cung là một bệnh ung thư phổ biến, thường gặp ở nữ giới, nó đứng thứ 2 trong các bệnh ung thư ở phụ nữ Việt Nam, đứng sau bệnh ung thư vú. Đây là một căn bệnh nguy hiểm, song thường được phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, do nó phát triển một cách âm thầm. Có một số xét nghiệm để xác định bệnh ung thư cổ tử cung thường dùng hiện nay đó là test PAP, soi cổ tử cung và sinh thiết cổ tử cung. Trong đó xét nghiệm sinh thiết cổ tử cung cho kết quả chính xác nhất.
Xét nghiệm sinh thiết cổ tử cung là gì?
Xét nghiệm sinh thiết cổ tử cung là việc lấy một mẫu mô ở cổ tử cung đem đi xét nghiệm xem có gì bất thường trong cấu trúc mô đó hay không. Thông thường bác sĩ sẽ chỉ định làm xét nghiệm này nếu trong quá trình soi cổ tử cung phát hiện có khu vực bất thường.
Soi cổ tử cung là phương pháp được sử dụng để kiểm tra bộ phận sinh dục nữ từ bên ngoài âm hộ vào trong âm đạo và cuối cùng tới cổ tử cung một cách kỹ lưỡng. Phương pháp cận lâm sàng này nhằm kiểm tra xem có bất thường nào ở bộ phận sinh dục nữ hay không và làm hướng dẫn cho xét nghiệm sinh thiết cổ tử cung.
Xét nghiệm này phải kết hợp với việc soi cổ tử cung. Hai xét nghiệm này đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện bệnh ung thư cổ tử cung sớm. Trong đó sinh thiết là phương pháp cuối cùng và cũng là phương pháp cho kết quả chính xác nhất, là cơ sở để chẩn đoán xác định bệnh ung thư cổ tử cung.
Tác dụng của xét nghiệm sinh thiết cổ tử cung
Khi xét nghiệm PAP (xét nghiệm phết tế bào bong niêm mạc cổ tử cung) hoặc quá trình khám phụ khoa nếu phát hiện có những dấu hiệu bất thường, bác sĩ chỉ định soi cổ tử cung và làm sinh thiết cổ tử cung.
Soi cổ tử cung được sử dụng để chẩn đoán các bệnh đường sinh dục nữ như:
- Mụn cóc bộ phận sinh dục.
- Bệnh ung thư âm hộ.
- Bệnh ung thư âm đạo.
- Bệnh viêm cổ tử cung.
- Bệnh ung thư cổ tử cung.
Soi cổ tử cung kết hợp với xét nghiệm sinh thiết ở cổ tử cung để tầm soát bệnh ung thư cổ tử cung.
Chị em phụ nữ cần lưu ý gì khi sinh thiết cổ tử cung?
Như đã trình bày ở trên, để làm được xét nghiệm sinh thiết cổ tử cung cần phải dựa vào hướng dẫn của biện pháp soi tử cung. Nói cách khác, nếu không soi tử cung được thì cũng không thể làm sinh thiết được.
Những điều chị em phụ nữ cần chú ý khi soi cổ tử cung gồm có:
- Các chị em không soi tử cung trong những ngày hành kinh.
- Trước khi đi soi tử cung 02 ngày, chị em tuyệt đối không được quan hệ tình dục.
- Trước khi đi soi tử cung 01 ngày, các chị em không được sử dụng các loại thuốc giảm đau, hoặc hóa chất khử mùi hay thụt rửa âm đạo.
Quy trình soi cổ tử cung như thế nào?
Quy trình soi cổ tử cung diễn ra như sau:
- Đầu tiên, bác sĩ sử dụng một cái mỏ vịt bằng kim loại hoặc bằng nhựa đặt vào trong âm đạo để giữ cho thành âm đạo mở, như vậy bác sĩ mới có thể quan sát cổ tử cung được.
- Sau đó, bác sĩ sẽ sử dụng máy soi cổ tử cung để quan sát từ ngoài âm hộ vào âm đạo cho tới cổ tử cung. Máy soi có cấu trúc khá đơn giản, gồm có một nguồn ánh sáng lạnh chiếu vào bên trong âm đạo và bộ phận phóng đại hình ảnh lên gấp 10 - 30 lần. Điều này cho phép bác sĩ quan sát rõ hình ảnh trên màn hình.
- Trong nhiều trường hợp, bác sĩ sẽ sử dụng các dung dịch như dung dịch acetic acid 2-3% và dung dịch lugol 10% bôi cổ tử cung, để có thể nhìn rõ hơn và xác định chính xác vị trí có sự xuất hiện của các tế bào bất thường.
- Quá trình soi cổ tử cung thường kéo dài khoảng 15 phút.
Quy trình xét nghiệm sinh thiết cổ tử cung diễn ra như thế nào?
- Trong quá trình soi cổ tử cung, nếu phát hiện có khu vực có các tế bào bất thường, bác sĩ sẽ tiến thành sinh thiết lấy một mẫu mô nhỏ tại vị trí bất thường để nghiên cứu.
- Mẫu xét nghiệm sẽ được kiểm tra tại phòng thí nghiệm.
- Kết quả xét nghiệm sinh thiết cổ tử cung thường có trong khoảng 1 - 2 tuần sau đó. Chính vì vậy bệnh nhân cần đến khám lại trong vòng 01 tháng để nhận kết quả và theo dõi hoặc điều trị nếu cần thiết.
Xét nghiệm sinh thiết cổ tử cung cho kết quả xét nghiệm các tế bào ở cổ tử cung, từ đó đưa ra kết luận cuối cùng bệnh nhân có bị ung thư cổ tử cung hay không.
Những điều chị em phụ nữ cần chú ý sau khi làm sinh thiết cổ tử cung
Sau khi làm sinh thiết cổ tử cung, chị em phụ nữ cần chú ý các điều sau ít nhất trong vòng 01 tuần:
- Không được quan hệ tình dục.
- Không được thụt rửa âm đạo.
- Các chị em cũng không được đưa bất kỳ vật gì vào bên trong âm đạo.
Thông thường, sau khi làm xét nghiệm sinh thiết cổ tử cung, chị em phụ nữ có thể sẽ bị xuất huyết nhẹ, đây là hiện tượng bình thường và sẽ tự hết, không cần xử lý.
Tuy nhiên, nếu sau khi làm sinh thiết cổ tử cung, các chị em thấy xuất hiện một trong các triệu chứng sau đây, cần phải đi khám ngay:
- Xuất huyết nhiều, không cầm.
- Đau bụng dưới.
- Sốt, ớn lạnh.
- Xuất hiện dịch tiết có mùi hôi ở âm hộ, âm đạo.
- Nếu thấy một hoặc các triệu chứng trên, chị em cần đi khám lại ngay, để các bác sĩ chuyên khoa xử lý kịp thời.
Trên đây là những thông tin cơ bản về xét nghiệm sinh thiết cổ tử cung - một trong các cách phát hiện ung thư cổ tử cung sớm nhất mà tất cả chị em phụ nữ cần biết.
Xem thêm:
- Quy trình xét nghiệm cổ tử cung và một số cơ sở xét nghiệm uy tín
- Phát hiện sớm ung thư cổ tử cung: Xét nghiệm PAP chưa đủ!
- Giá xét nghiệm ung thư cổ tử cung