Vỡ tử cung - tai biến sản khoa đe dọa đến tính mạng cả mẹ lẫn con

Vỡ tử cung là một trong 5 tai biến sản khoa cực kỳ nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng của cả thai phụ lẫn thai nhi. Trước khi vỡ tử cung, thai phụ sẽ trải qua giai đoạn dọa vỡ tử cung với những dấu hiệu có thể được nhận biết dễ dàng. Do vậy, hiểu đầy đủ về tai biến vỡ tử cung sẽ giúp thai phụ bảo vệ được cả mẹ và con.

Vỡ tử cung - tai biến sản khoa đe dọa đến tính mạng cả mẹ lẫn con Vỡ tử cung - tai biến sản khoa đe dọa đến tính mạng cả mẹ lẫn con

Những nguyên nhân gây nên vỡ tử cung

Vỡ tử cung là một tai biến sản khoa “cực kỳ nguy hiểm”, nếu không được can thiệp y tế kịp thời sẽ gây tử vong cho cả mẹ và thai nhi. Các nguyên nhân chính gây nên vỡ tử cung đều xuất phát từ thai phụ và thai nhi:

Thai phụ

  • Khung chậu méo mó, hẹp khiến đầu thai nhi không chui lọt để ra bên ngoài.
  • Xuất hiện khối u ở cổ tử cung, đoạn dưới của cổ tử cung và đường sinh dục dưới, khối u làm chặn đường ra của thai nhi.
  • Sinh đẻ nhiều lần: tử cung mỏng, nhão vì thế các cơn co mạnh có thể làm tử cung bị vỡ, lớp đoạn dưới của tử cung bị rách.
  • Có vết sẹo do đã mổ tử cung trước đó, có thể mổ đẻ hoặc mổ để lấy khối u trong tử cung. Khi tử cung co bóp mạnh, thì vết sẹo sẽ trở thành nơi yếu nhất trong tử cung nên rất dễ bị rách và khiến tử cung bị vỡ.
vicare.vn-vo-tu-cung-tai-bien-san-khoa-de-doa-den-tinh-mang-ca-me-lan-con-body-1

Thai nhi

  • Thai nhi quá to không thể chui lọt được qua khung chậu, mặc dù khung chậu của mẹ hoàn toàn bình thường.
  • Thai nhi dị dạng với đầu to quá mức (do não chứa đầy nước) nên không qua được khung chậu.
  • Thai nhi nằm trong tử cung với tư thế khác thường, khiến thai nhi không thể chui qua khung chậu, trong khi các cơn co bóp cứ liên tục dồn thai nhi xuống đáy tử cung và gây vỡ tử cung.

Can thiệp sản khoa

Tử cung bị vỡ do làm các thủ thuật kéo thai, xoay thai cặp, đỡ đẻ bằng forcep không đúng quy định và khi thực hiện trong điều kiện không thuận lợi. Ngoài ra, thai phụ sử dụng thuốc tăng co tử cung không đúng liều lượng cũng có thể làm vỡ tử cung.

Dấu hiệu của vỡ tử cung

Vỡ tử cung thường xảy ra trong thời điểm chuyển dạ để chuẩn bị sinh con. Chỉ một số ít trường hợp, vỡ tử cung xảy ra vào cuối thai kỳ do tử cung có các vết sẹo cũ, vết sẹo bị viêm nhiễm và có thể dễ dàng bị rách, dẫn đến vỡ tử cung do tử cung co bóp nhiều và mạnh. Trước khi vỡ tử cung, thai phụ có thể xuất hiện những dấu hiệu của dọa vỡ tử cung.

Dọa vỡ tử cung

  • Các cơn co tử cung gia tăng theo thời gian, ngày càng mạnh và nhanh khiến thai phụ đau đớn, kêu la và mệt mỏi.
  • Quan sát ở bụng thấy đáy tử cung cao dần lên so với rốn. Khi siêu âm, các bác sĩ sẽ thấy tử cung bị chia thành 2 khối thân tử cung và đoạn dưới tử cung bị thắt ở giữa như hình quả bầu nậm. Khối dưới là đoạn dưới bị kéo dài (có khi lên tới rốn), giãn mỏng và đẩy khối thân tử cung lên cao. Vị trí thắt ở giữa vòng Bandl càng lên cao và càng rõ. Hai dây chằng tròn, bị căng như sợi dây đàn và có thể sờ thấy ở bụng.
  • Khi nghe tim thai thì thấy tim có thể đập nhanh, chậm hoặc không đều.
  • Thăm khám âm đạo sẽ tìm thấy các nguy cơ dẫn đến sinh khó và vỡ tử cung: khung chậu hẹp, u tiền đạo, ngôi vai, ngôi trán, ngôi mặt cằm cùng, ngôi chỏm thai to hoặc bất tương xứng giữa thai và khung chậu...
vicare.vn-vo-tu-cung-tai-bien-san-khoa-de-doa-den-tinh-mang-ca-me-lan-con-body-2

Vỡ tử cung

  • Các cơn đau diễn ra như giống như dọa vỡ tử cung, sau đó đột ngột đau quặn, đau nhiều chỗ, đau nhói lên sau đó thì dịu bớt đi.
  • Máu đen xuất hiện ở âm đạo. Khi mất máu quá nhiều, thai phụ sẽ có dấu hiệu: da nhợt nhạt, thở nông, niêm mạc mắt trắng bệch, vã mồ hôi, chân tay lạnh, mạch đập nhanh nhanh, tụt huyết áp và thậm chí có thể tử vong.
  • Nhìn: Khối thắt hình quả bầu nậm và vòng Bandl cũng có dấu hiệu gần như biến mất hoặc biến mất hoàn toàn.
  • Nghe: không có tim thai hoặc suy tim thai.
  • Sờ vào bụng, thai phụ sẽ cảm thấy đau nhói lên và có thể sờ thấy các phần thai nhi nằm ngay dưới lớp da bụng.
  • Thăm âm đạo sẽ thấy ngôi thai sẽ ở cao hơn bình thường.
  • Nước tiểu có màu hồng hoặc đỏ khi sonde tiểu, có thể do bàng quang cũng bị tổn thương và vỡ.

Điều trị vỡ tử cung

Tất cả các thai phụ bị vỡ tử cung đều phải mổ cấp cứu và được hồi sức kết hợp trong quá trình mổ. Sản phụ sẽ được hồi sức bằng cách truyền máu, truyền dịch, nước, điện giải, trợ tim. Cắt tử cung và khâu lại tử cung sẽ là hai phương pháp can thiệp chính trong điều trị vỡ tử cung. Các bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng sức khỏe của thai phụ, thời gian vỡ tử cung, tình trạng nhiễm khuẩn, mức độ phức tạp của vỡ tử cung, độ tuổi thai phụ và mong muốn có con của thai phụ trong tương lai để lựa chọn phương pháp phù hợp nhất.

  • Khâu tử cung: vết rách tử cung không bị nham nhở, nhiễm khuẩn, thai phụ còn trẻ và mong muốn có con trong tương lai.
  • Cắt bỏ tử cung: thai phụ đã sinh đẻ nhiều lần và đã có tuổi, vết rách nham nhở, đã nhiễm khuẩn, vỡ tử cung ảnh hưởng đến những cơ quan khác như làm vỡ bàng quang.

Phòng ngừa vỡ tử cung

Thai phụ

  • Nên đi khám thai định kỳ tại các cơ sở y tế, bệnh viện có uy tín.
  • Nếu thai phụ có khung chậu hẹp, méo mó, có sẹo mổ tử cung thì nên đăng ký sinh con ở những bệnh viện chuyên về sinh sản hoặc có chuyên khoa sản để được đẻ mổ hoặc được can thiệp bằng forcep.
  • Không nên mang thai và sinh con quá nhiều lần và quá dày. Khi đẻ mổ thì những lần mang thai và sinh con nên cách nhau 5 năm.
vicare.vn-vo-tu-cung-tai-bien-san-khoa-de-doa-den-tinh-mang-ca-me-lan-con-body-3

Người đỡ đẻ

  • Theo dõi sát các thai phụ chuẩn bị sinh đẻ, phát hiện các ca đẻ khó và kịp thời chuyển lên tuyến trên nếu cần thiết.
  • Cẩn thận khi sử dụng thuốc tăng co oxytocin vì không sử dụng đúng liều, đúng cách thuốc có thể làm vỡ tử cung.
  • Có kiến thức về sinh sản, có kinh nghiệm, nắm rõ thành thạo các kỹ thuật hỗ trợ sinh đẻ.

Xem thêm:

  • Đề phòng vỡ tử cung ở phụ nữ mang thai
  • Những bà bầu có nguy cơ bị vỡ tử cung - tai biến sản khoa cực kỳ nguy hiểm
  • Những điều cần biết về vỡ tử cung khi mang thai do vết mổ