Viêm tinh hoàn, viêm buồng trứng - biến chứng dễ gặp khi bị quai bị

Triệu chứng rõ ràng nhất khi bị quai bị là sưng tuyến nước bọt, và vấn đề đáng lo ngại nhất là các biến chứng dễ gặp của bệnh, có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Nhờ sự ra đời của vaccine phòng bệnh tiêm cho trẻ nhỏ, đã giảm được hơn 95% các trường hợp mắc quai bị ở Hoa Kỳ.

Viêm tinh hoàn, viêm buồng trứng - biến chứng dễ gặp khi bị quai bị Viêm tinh hoàn, viêm buồng trứng - biến chứng dễ gặp khi bị quai bị

Quai bị là tình trạng tuyến nước bọt bị nhiễm virus, bệnh rất dễ lây và đối tượng mắc nhiều nhất thường là trẻ em. Triệu chứng rõ ràng nhất khi bị quai bị là sưng tuyến nước bọt, và vấn đề đáng lo ngại nhất là các biến chứng dễ gặp của bệnh, có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Nhờ sự ra đời của vaccine phòng bệnh tiêm cho trẻ nhỏ, đã giảm được hơn 95% các trường hợp mắc quai bị ở Hoa Kỳ.

Bốn thông tin cơ bản về bệnh quai bị

  • Quai bị cực kỳ dễ lây lan.
  • Khoảng 20% những người mang virus quai bị không xuất hiện triệu chứng.
  • Đã có vaccine phòng bệnh (vaccine MMR) với độ an toàn cao.
  • Không có thuốc điều trị kháng virus cho bệnh quai bị; chỉ có thể điều trị các triệu chứng.

Nguyên nhân gây quai bị

Virus quai bị có thể lây truyền qua dịch tiết đường hô hấp (ví dụ như nước bọt) từ người mang virus. Khi bị nhiễm vào người, virus sẽ di chuyển từ đường hô hấp đến tuyến nước bọt và phát triển ở đó, khiến các tuyến này bị sưng lên. Các cách lây bệnh bao gồm:

  • Hắt hơi hoặc ho văng nước bọt ra ngoài môi trường
  • Sử dụng chung các dụng cụ thìa dĩa, bát ăn, cốc uống nước với người bị nhiễm bệnh.
  • Ăn chung đồ ăn thức uống với người bị nhiễm bệnh.
  • Hôn nhau.

Ngoài ra, người bị quai bị có thể chạm tay vào mũi, miệng của mình và sau đó sờ vào một bề mặt mà người khác có thể chạm vào.

Những người bị quai bị có khả năng truyền virus gây bệnh trong khoảng 15 ngày (6 ngày trước và tối đa 9 ngày sau khi có các triệu chứng bệnh). Virus quai bị là một loại của paramyxovirus, một tác nhân gây nhiễm trùng phổ biến, đặc biệt là ở trẻ em.

Đối tượng dễ bị quai bị

vicare.vn-viem-tinh-hoan-viem-buong-trung-cac-bien-chung-thuong-gap-khi-bi-quai-bi-body-1

Trước đây, quai bị là bệnh khá thường gặp cho đến khi vaccine phòng bệnh xuất hiện vào năm 1967. Hiện nay, bệnh này vẫn có thể xảy ra nhưng không phổ biến như trước và nguy cơ phát triển thành dịch rộng là rất hiếm.

Hầu hết các trường hợp bị quai bị là trẻ em lứa tuổi từ 5-14 tuổi (độ tuổi đi học ở trường), tuy nhiên tỷ lệ bị bệnh của những thanh niên trẻ bị có sự tăng lên trong hai thập kỷ qua.

Thông thường không có ai bị quai bị nhiều lần, hầu hết mọi người có đáp ứng miễn dịch suốt đời kể từ lần nhiễm bệnh đầu tiên.

Triệu chứng khi bị quai bị

Các triệu chứng của bệnh thường xuất hiện 2-3 tuần sau khi bệnh nhân bị nhiễm virus. Tuy nhiên, có khoảng 20% người mang virus không có bất kỳ triệu chứng nào.

Nếu bị quai bị, bạn sẽ thấy các triệu chứng sau::

  • Nhức mỏi cơ thể
  • Đau đầu
  • Chán ăn, buồn nôn
  • Mệt mỏi
  • Sốt nhẹ

Vài ngày sau đó, các triệu chứng điển hình của quai bị sẽ phát triển. Triệu chứng chính là đau và sưng tuyến mang tai (một loại tuyến nước bọt), điều này khiến má của người bệnh phồng to lên, vấn đề sưng không chỉ một lần mà xảy ra nhiều đợt. Các triệu chứng liên quan khác có thể bao gồm:

  • Đau ở bên mặt bị sưng.
  • Đau khi nhai nuốt, khó nuốt.
  • Sốt cao, có thể lên hơn 39°C
  • Miệng bị khô.
  • Đau khớp.

Rất hiếm trường hợp người lớn mắc quai bị, nếu có thì các triệu chứng bệnh tương tự như trên, nhưng mức độ có thể nặng hơn và khả năng xảy ra các biến chứng có thể nhiều hơn một chút.

Điều trị bệnh quai bị

Bệnh có nguyên nhân là do virus, nên không thể sử dụng kháng sinh để điều trị và hiện tại chưa có thuốc kháng virus để điều trị bệnh này.

Các phương pháp điều trị hiện nay chỉ có tác dụng cải thiện các triệu chứng cho đến khi bệnh qua đi và cơ thể hình thành khả năng miễn dịch, giống như bệnh cảm lạnh. Nhìn chung, mọi người thường phục hồi sau khoảng 2 tuần bị quai bị.

Một số cách để giúp giảm các triệu chứng của bệnh quai bị:

  • Uống thật nhiều nước và chỉ nên uống nước lọc, hạn chế uống nước ép hoa quả vì chúng kích thích sản xuất nước bọt, có thể gây đau.
  • Chườm lạnh lên vùng bị sưng để giảm đau.
  • Ăn thức ăn dạng lỏng, mềm nhão vì nhai có thể gây đau.
  • Nghỉ ngơi và ngủ đủ.
  • Súc miệng bằng nước muối ấm.
  • Uống thuốc giảm đau trong trường hợp bị đau nhiều.

Ngăn ngừa sự lây lan của virus quai bị

Có một số biện pháp giúp ngăn ngừa sự lây lan của virus gây bệnh đó là:

  • Rửa tay bằng nước và xà phòng thường xuyên.
  • Không đi làm, đi học, hạn chế đến nơi công cộng trong vòng 5 ngày đầu xuất hiện các triệu chứng bệnh.
  • Che mũi và miệng bằng khăn giấy khi hắt hơi hoặc ho.
vicare.vn-viem-tinh-hoan-viem-buong-trung-cac-bien-chung-thuong-gap-khi-bi-quai-bi-body-2

Biến chứng dễ gặp khi bị quai bị

Các biến chứng thường gặp ở người lớn hơn trẻ em, phổ biến nhất là:

  • Viêm tinh hoàn ở nam: có thể bị ở 1 hoặc 2 bên, tinh hoàn bị sưng lên và gây đau, xảy ra với tỷ lệ 1/5 nam giới trưởng thành mắc bệnh. Hiện tượng sưng thường giảm trong vòng 1 tuần; triệu chứng ấn đau có thể kéo dài lâu hơn thế. Trong một số tình huống hiếm gặp, có thể dẫn đến vô sinh.
  • Viêm buồng trứng ở nữ: buồng trứng sưng và đau; xảy ra với tỷ lệ 1/20 phụ nữ trưởng thành mắc bệnh. Triệu chứng sưng đau sẽ giảm dần khi hệ thống miễn dịch của cơ thể đánh bại được virus. Tương tự ở nam, tình trạng này hiếm khi dẫn đến vô sinh.
  • Viêm màng não do virus: đây là một trong những biến chứng ít gặp nhất trong số các biến chứng thông thường. Tình trạng này xảy ra khi virus lây lan vào máu và nhiễm vào hệ thống thần kinh trung ương của cơ thể (não và tủy sống).
  • Viêm tụy: biểu hiện là bệnh nhân có cảm giác đau ở vùng bụng trên; điều này xảy ra với tỷ lệ 1/20 trường hợp mắc quai bị và thường chỉ viêm nhẹ.

Phụ nữ mang thai mắc virus quai bị trong 12-16 tuần đầu của thai kỳ sẽ tăng nhẹ nguy cơ sảy thai, dù có biểu hiện triệu chứng bệnh hay không.

Các biến chứng hiếm gặp khi bị quai bị

  • Viêm não: não bị sưng lên gây ra các vấn đề về thần kinh, trong một số trường hợp, nó có thể gây tử vong. Đây là một rủi ro rất hiếm gặp và chỉ ảnh hưởng đến 1/6.000 trường hợp bệnh.
  • Mất thính giác: đây là biến chứng hiếm gặp nhất trong tất cả, chỉ ảnh hưởng đến 1/15.000.

Tuy hiếm nhưng các biến chứng này vẫn có thể xảy ra, vì vậy bạn cần thận trọng, đi khám bác sĩ ngay nếu nghi ngờ bản thân hoặc con cái đang bị những hiện tượng này.

vicare.vn-viem-tinh-hoan-viem-buong-trung-cac-bien-chung-thuong-gap-khi-bi-quai-bi-body-3

Xét nghiệm và chẩn đoán quai bị

Thông thường, bệnh có thể được chẩn đoán dễ dàng thông qua các triệu chứng, điển hình là nhìn khuôn mặt bị sưng. Bác sĩ cũng sẽ thăm khám các vị trí khác:

  • Kiểm tra bên trong miệng để xem vị trí của amidan, khi mắc quai bị, amidan của người bệnh có thể bị đẩy lệch sang một bên.
  • Đo nhiệt độ cho bệnh nhân.
  • Lấy mẫu máu, nước tiểu hoặc nước bọt để chẩn đoán chính xác.
  • Trong trường hợp bệnh nặng, có thể lấy mẫu dịch não tủy để làm xét nghiệm nếu cần.

Trường hợp cần đi khám bác sĩ ngay

Bệnh quai bị có thể ảnh hưởng đến màng não và não. Vì vậy, cần đi khám bác sĩ ngay nếu con bạn được chẩn đoán bị quai bị và có các hiện tượng:

  • Cứng gáy
  • Co giật
  • Lơ mơ, không tỉnh táo
  • Đau đầu dữ dội
  • Bất tỉnh

Ngoài ra cần để ý hiện tượng đau bụng của trẻ, nó có thể là một dấu hiệu của viêm tụy ở bé trai và bé gái; hoặc viêm buồng trứng ở bé gái. Ở bé trai, cần theo dõi thêm tình trạng sốt cao, kèm theo đau và sưng tinh hoàn.

Phòng bệnh quai bị

Vaccin quai bị là phương pháp tốt nhất để ngăn ngừa bệnh; có loại vaccin 1 tác nhân hoặc kết hợp với tác nhân sởi và rubella (vaccine MMR).

  • Nên tiêm vaccin MMR cho trẻ em ngoài 1 tuổi và nhắc lại 1 lần nữa trước khi trẻ bắt đầu đi học.
  • Người lớn ở mọi độ tuổi cũng có thể tiêm vaccin MMR nếu cơ thể chưa có đáp ứng miễn dịch; bác sĩ có thể khuyến cáo tiêm phòng cho những người chuẩn bị đi đến các khu vực được cho là có nguy cơ cao, ví dụ: Ấn Độ, một số quốc gia Châu Phi, Pakistan, ....

Ngoài ra những người làm các nghề sau cũng được khuyến cáo tiêm phòng:

  • Làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, ví dụ: bệnh viện, các cơ sở y tế.
  • Làm việc hoặc tiếp xúc nhiều với trẻ em, từ bậc mẫu giáo đến đại học.

Người bị bệnh ung thư hoặc có bệnh gây suy giảm hệ thống miễn dịch, cần tư vấn bác sĩ trước khi quyết định tiêm vaccin MMR.

Những đối tượng không nên tiêm vaccin MMR:

  • Bệnh nhân có hệ thống miễn dịch bị tổn hại nghiêm trọng.
  • Bệnh nhân đã có phản ứng dị ứng với kháng sinh neomycin hoặc gelatin.
  • Phụ nữ mang thai hoặc có khả năng sắp có thai (trong vòng 4 tuần tới).

Tác dụng phụ của vaccin MMR

Hầu hết những trường hợp tiêm vaccin MMR không bị tác dụng phụ, và bản thân vaccin không gây ra bệnh. Một tỷ lệ nhỏ có thể xuất hiện tác dụng phụ nhẹ như: bị phát ban, sốt và có thể đau ở khớp.

Có một tỷ lệ dưới 1/1.000.000 người sẽ bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng từ vaccin này, chính vì vậy nó được coi là rất an toàn.

Trẻ em nếu được tiêm phòng đầy đủ, đồng thời các bậc cha mẹ có kiến thức đầy đủ về bệnh quai bị sẽ dễ dàng xử trí trong trường hợp bé chẳng may bị bệnh và góp phần giúp xã hội đẩy lùi căn bệnh này.

(HoiBenh chuyển ngữ từ MedicalNewsToday - Kidshealth)

Xem thêm:

  • Cách điều trị quai bị an toàn bạn nên ghi nhớ
  • Bị quai bị cần và không cần kiêng gì?