Viêm não mô cầu ở trẻ và vắc xin phòng bệnh viêm não mô cầu

Viêm não mô cầu ở trẻ là căn bệnh nhiễm khuẩn xảy ra đột ngột, diễn tiến rất nhanh và có thể khiến trẻ đang khỏe mạnh có nguy cơ tử vong chỉ trong vòng 24 giờ sau khi những triệu chứng nhiễm bệnh đầu tiên xuất hiện. Theo các chuyên gia, tiêm vắc xin viêm não mô cầu đang là giải pháp phòng ngừa bệnh tối ưu nhất hiện nay.

Viêm não mô cầu ở trẻ và vắc xin phòng bệnh viêm não mô cầu Viêm não mô cầu ở trẻ và vắc xin phòng bệnh viêm não mô cầu

1. Tìm hiểu về bệnh viêm não mô cầu ở trẻ

Bệnh viêm não mô cầu (hay còn gọi là viêm màng não vô cầu) là bệnh truyền nhiễm cấp tính vô cùng nguy hiểm gây ra bởi vi khuẩn Neisseria meningitidis. Loại vi khuẩn này khi tấn công vào cơ thể có thể dẫn đến những tổn thương nghiêm trọng cho não.

Viêm não mô cầu thường xuất hiện ở những vùng có mật độ dân số cao và môi trường sống bị ô nhiễm. Tất cả các lứa tuổi đều có nguy cơ nhiễm vi khuẩn não mô cầu, tuy nhiên trẻ em là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Trẻ mắc viêm não mô cầu thường có những biểu hiện như sốt cao, buồn nôn, đau đầu dữ dội, cổ bị cứng và xuất hiện những mảng xuất huyết hình sao trên da.

HoiBenh.vn-viem-nao-mo-cau-o-tre-body-2
Viêm não mô cầu thường xuất hiện ở những vùng có mật độ dân số cao và môi trường sống bị ô nhiễm

2. Những triệu chứng của bệnh viêm não mô cầu ở trẻ

Bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể đều có nguy cơ bị vi khuẩn viêm não mô cầu tấn công. Các triệu chứng bệnh thay đổi tùy thuộc cơ quan bị nhiễm khuẩn. Bệnh viêm não mô cầu có hai thể bệnh thường gặp là viêm màng não và nhiễm trùng huyết với những biểu hiện đi kèm dưới đây.

Viêm màng não

  • Trẻ đang chơi đùa bình thường bỗng sốt cao đột ngột, nhiệt độ cơ thể có thể lên tới 39-40 độ C.
  • Trẻ bị đau đầu dữ dội, nhất là vùng trán và sau gáy khiến trẻ quấy khóc nhiều. Có thể xuất hiện tình trạng nôn mửa, ăn uống khó khăn hoặc bỏ ăn, bỏ bú, mệt mỏi, lừ đừ ở trẻ.
  • Trẻ có dấu hiệu bị cứng cổ cổ, trẻ dưới 12 tháng tuổi có thể bị phồng thóp. Đây là hai dấu hiệu điển hình của bệnh viêm màng não do khuẩn viêm não mô cầu gây ra.

Nhiễm trùng huyết

  • Trẻ đột ngột sốt cao 39-40 độ C, nhức đầu, nôn mửa, ớn lạnh, đau mỏi cơ, khớp , đặc biệt đau ở vùng sống lưng và hai chân, mạch đập nhanh, thở gấp và có thể bị tụt huyết áp.
  • Sự xuất hiện của những mảng xuất huyết hình sao trên da (hay còn gọi là tử ban) là triệu chứng đặc trưng của bệnh nhiễm trùng huyết do viêm não mô cầu. Có tới 75% trẻ bị nhiễm trùng huyết có triệu chứng này. Tử ban có màu đỏ hoặc tím thẫm, có đường kính 1 - 5mm xuất hiện trong vòng 1 - 2 ngày sau khi trẻ lên cơn sốt. Tốc độ lan nhanh, thường xuất hiện nhiều nhất ở vùng nách, hông, chân,...
HoiBenh.vn-viem-nao-mo-cau-o-tre-body-3
Sự xuất hiện của những mảng xuất huyết hình sao trên da là triệu chứng đặc trưng của bệnh nhiễm trùng huyết

Cả hai thể bệnh trên đều được xếp vào dạng ưu tiên cấp cứu, diễn tiến nhanh và có khả năng cướp đi sinh mạng người bệnh chỉ 24 giờ sau khi xuất hiện triệu chứng. Khi trẻ có dấu hiệu nhiễm viêm màng não mô cầu cần đưa trẻ đi khám ngay tại các cơ sở y tế, tuyệt đối không tự ý cho trẻ uống thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

3. Hậu quả do viêm não mô cầu gây ra

Viêm não mô cầu được xếp vào nhóm bệnh nhiễm khuẩn cấp tính nguy hiểm. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tỷ lệ bệnh nhân tử vong do nhiễm bệnh có thể lên tới 50 - 60%. Ngay cả khi phát hiện bệnh sớm và có sự điều trị tích cực thì vẫn có khoảng 5% - 15% ca bệnh tử vong.

Bệnh viêm não mô cầu khi được trị khỏi cũng có thể để lại những di chứng hết sức nặng nề. Theo thống kê, có khoảng 10 - 15% số người phải chịu những biến chứng về não, tâm thần, điếc 1 hoặc cả 2 bên tai, liệt, động kinh, suy giảm trí tuệ,... thậm chí bị tổn thương về mặt tâm lý sau khi khỏi bệnh.

4. Tiêm vắc xin viêm não mô cầu

Viêm não mô cầu là căn bệnh lây truyền qua đường hô hấp, vì vậy biện pháp phòng bệnh tốt nhất cho trẻ là tiêm phòng vắc xin viêm não mô cầu. Vi khuẩn não mô cầu được chia thành nhiều chủng, trong đó có 4 chủng chính là A, B, C và D. Ở Việt Nam hiện có 3 chủng vi khuẩn A, B và C. Phụ huynh nên cho trẻ tiêm cả 2 loại vắc xin viêm não mô cầu hiện có là AC và BC để ngăn ngừa vi khuẩn gây bệnh, bởi mỗi loại vắc xin chỉ phòng ngừa được một số chủng vi khuẩn nhất định.

Vắc xin viêm não mô cầu AC (vacina Meningococcal A+C): Được sản xuất tại Pháp, có tác dụng phòng ngừa viêm màng não do vi khuẩn chủng A và C. Vắc xin Meningococcal A+C được chỉ định tiêm cho trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên và người lớn. Theo lịch tiêm phòng viêm não mô cầu AC, mũi 2 tiêm cách mũi 1 là 3 năm. Tuy nhiên, từ năm 2018 nhà sản xuất đã ngừng cung cấp loại vắc xin để chuyển sang sản xuất một loại vắc xin khác ưu việt hơn.

Vắc xin viêm não mô cầu BC (VC-Mengoc-BC): Được sản xuất tại Cuba có tác dụng phòng viêm màng não mô cầu gây ra bởi vi khuẩn chủng B và C. Loại vắc xin này được chỉ định tiêm cho trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên và người lớn. Theo lịch tiêm phòng viêm não mô cầu BC thì mũi 2 cách mũi 1 ít nhất 2 tháng. Một số phản ứng phụ có thể xảy ra khi tiêm vắc xin này là sốt, khó chịu, đau đầu, buồn ngủ. Ngoài ra, vùng tiêm có thể đau, nổi ban đỏ và căng cứng. Những triệu chứng này chỉ xuất hiện ở một số ít trẻ, trong vòng 24 giờ đầu sau khi tiêm và biến mất sau 1-2 ngày.

5. Một vài lưu ý khi tiêm vắc xin viêm não mô cầu cho trẻ

Hiện nay, vắc xin viêm não mô cầu chưa được đưa vào danh mục vắc xin tiêm chủng mở rộng cho trẻ mà mới được triển khai theo dạng tiêm chủng dịch vụ. Cũng như các loại vắc xin đang được sử dụng mở rộng khác, vắc xin viêm não mô cầu đã được nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng nên có độ an toàn cao, ít gây phản ứng phụ. Báo cáo thống kê cho thấy, chỉ có khoảng 5-10% trẻ có phản ứng phụ sau khi tiêm vắc xin viêm não mô cầu và các phản ứng phụ này thường biến mất trong vòng 72 giờ sau khi tiêm. Theo đó, 2-5% trường hợp có các phản ứng đau đầu, mệt mỏi, sưng nhẹ vùng tiêm; 3% trẻ bị sốt nhẹ sau khi tiêm; những phản ứng nghiêm trọng hơn như khiến trẻ dị ứng, không tỉnh táo hay động kinh rất hiếm gặp. Dù vậy, những trường hợp sau nên lưu ý khi tiêm vắc xin viêm não mô cầu:

  • Trẻ có dấu hiệu sốt, nhiễm khuẩn cấp tính, dị ứng đang tiến triển hoặc mắc các bệnh mãn tính có chống chỉ định tiêm ngừa cần xin ý kiến của bác sĩ trước khi tiêm.
  • Sau khi tiêm mũi vắc xin đầu tiên, nếu trẻ xuất hiện phản ứng nghiêm trọng thì nên dừng tiêm mũi thứ hai.
  • Chống chỉ định với những trường hợp quá mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào có trong vắc xin.
  • Phụ nữ có thai và cho con bú không nên tiêm vắc xin viêm não mô cầu. Trường hợp nguy cơ dịch bệnh cao cần có chỉ định của bác sĩ mới được tiêm.

Nên cho trẻ khám sàng lọc trước khi tiêm, bởi điều này có vai trò quan trọng trong việc xác định trẻ có đủ điều kiện tiêm vắc xin não mô cầu hay không. Sau khi tiêm, nên để trẻ ở lại cơ sở tiêm chủng 30 phút để theo dõi, nếu có phản ứng phụ của vắc xin cần kịp thời xử trí ngay.

Những năm gần đây, nhờ những tiến bộ trong việc chẩn đoán và điều trị, tỷ lệ tử vong do viêm não mô cầu đã giảm xuống đáng kể, nhưng đây vẫn là một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm. Vì thế các bậc cha mẹ cần hết sức lưu ý để phòng tránh, đặc biệt cần cho trẻ tiêm vắc xin viêm não mô cầu đầy đủ để trẻ không mắc phải căn bệnh nguy hiểm này!

Xem thêm:

  • Dấu hiệu viêm màng não mô cầu là gì?
  • Tại sao viêm màng não mô cầu gây tử vong?
  • Hỏi đáp cùng HoiBenh: Bệnh viêm màng não mô cầu