Viêm mũi dị ứng chữa bằng cây cứt lợn có tốt không
Những ai đã từng bị viêm mũi dị ứng thì đều biết viêm mũi dị ứng cực kỳ khó chịu. Trong dân gian, cây cứt lợn được cho là có tính mát và giúp giảm dị ứng. Vậy viêm mũi dị ứng chữa bằng cây cứt lợn có được không?
Viêm mũi dị ứng chữa bằng cây cứt lợn có tốt không
Giới thiệu về cây cứt lợn
Cây cứt lợn còn có một số tên gọi khác nghe hay hơn là cây hoa xuyến chi, hoặc cây hoa ngũ sắc. Vì khi vò có mùi hôi nên cây bị gọi là cây cứt lợn. Đây là một loài cây phổ biến, mọc hoang rất nhiều trên khắp đất nước Việt Nam. Cây thân nhỏ, cao chỉ khoảng 25 - 50 cm, có nhiều lông mềm trên thân. Hoa thường có màu tím hoặc xanh nhạt.
Tinh dầu cây hoa xuyến chi chứa các chất như cadinen, caryophyllen, geratocromen, ..., được cho là có khả năng chống viêm, chống dị ứng và chống phù nề. Trong đông y, cây hoa xuyến chi là loài có tính hàn, vị hơi đắng, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc.
Viêm mũi dị ứng chữa bằng cây cứt lợn có tốt không?
Viêm mũi dị ứng là khi các tác nhân bên ngoài như lông chó mèo, khói bụi, phấn hoa, bào tử nấm mốc ... gây kích ứng ở mũi. Biểu hiện là chảy nước mũi, ngứa mũi, hắt xì hơi liên tục. Có một số người chỉ bị dị ứng mũi khi tiếp xúc các tác nhân nói trên. Một số người sẽ bị dị ứng theo mùa phấn hoa, và cỏ dại. Nhưng cũng có người bị dị ứng quanh năm.
Trong dân gian, có bài thuốc chữa viêm mũi dị ứng bằng cây cứt lợn như sau: chọn những cây cứt lợn tươi, rửa sạch. Sau đó giã nát, vắt lấy nước. Dùng bông sạch thấm lấy nước rồi đặt trong lỗ mũi khoảng 10 - 15 phút. Sau đó xỉ mũi sạch, sẽ thấy dễ chịu hơn nhiều. Ngoài ra, cũng đã có một số loại chiết xuất cây cứt lợn đã được chế tạo thành thuốc nhỏ mũi, tiện dùng hơn. Nếu bạn không thích nhỏ mũi, có thể dùng cây cứt lợn khô đun với nước rồi chia ra làm hai phần: một phần để xông mũi, một phần để uống. Tuy nhiên, đây là những bài thuốc dân gian. Bạn nên đến khám bác sĩ để chẩn đoán đúng là mình bị viêm mũi dị ứng và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng những bài thuốc này.
Làm gì để giảm thiểu viêm mũi dị ứng
Ngoài việc sử dụng các bài thuốc dân gian hoặc thuốc tây để chữa dị ứng, bạn cũng có thể thử các phương pháp sau.
Tránh các tác nhân gây dị ứng
- Nếu bị dị ứng theo mùa, bạn nên ghi lại nhật ký hằng năm để biết thời gian thường bị dị ứng. Tìm hiểu xem loại hoa, cây cỏ nào có khả năng gây dị ứng. Bạn nên quan sát khi nào các cây này nở hoa hoặc ra lá để tránh ra ngoài trời nhiều vào những ngày này.
- Nếu muốn ra ngoài trong khoảng thời gian này, bạn nên chọn ra ngoài trong hoặc sau cơn mưa. Các cơn mưa sẽ tạm thời cuốn trôi phấn hoa trong không khí.
- Bạn cũng có thể đeo khẩu trang khi đi ra ngoài để giảm thiểu việc hít phải phấn hoa và khói bụi.
- Cần tránh ra ngoài khi bên ngoài đang có người cắt cỏ, cào lá vì đây là lúc các tác nhân gây dị ứng có nhiều nhất trong không khí.
- Không phơi chăn gối hoặc quần áo ngoài trời trong khoảng thời gian cây ra hoa, ra lá, hay cỏ phát triển gây dị ứng, vì phấn hoa, phấn cây có thể dính vào quần áo và gây dị ứng thêm.
- Để tránh mang các tác nhân dị ứng vào nhà, cần tắm gội, thay quần áo sạch sẽ mỗi khi đi từ ngoài về. Hoặc có thể đội mũ, mặc áo chống nắng, ... để tránh cho phấn hoa, và bụi tích tụ vào tóc và quần áo.
- Nếu bị dị ứng với vật nuôi, nên tránh tiếp xúc với chó mèo khi đến thăm nhà những người có nuôi chó, nuôi mèo.
- Nếu bị dị ứng nhẹ với chó mèo, và bạn vẫn muốn nuôi, nên để chó mèo ở ngoài nhà phần lớn thời gian, hoặc chỉ cho phép chúng ở một phòng nhất định. Không để chó mèo vào phòng ngủ.
- Không dùng thảm và đệm vì chúng dễ tích tụ phấn hoa, bụi bẩn, lông chó mèo, và các tác nhân gây dị ứng khác.
Làm sạch không khí trong nhà
- Trong thời gian bị dị ứng theo mùa, cần đóng cửa sổ để phấn hoa, phấn cây không bay vào nhà.
- Lắp đặt điều hòa có bộ lọc không khí và bật điều hòa trong khoảng thời gian bị dị ứng.
- Có thể dùng máy hút ẩm để làm giảm độ ẩm trong nhà, sẽ giúp giảm nấm mốc.
Vệ sinh và dọn dẹp nhà cửa
- Hút bụi là cách tốt nhất để loại bỏ các tác nhân gây dị ứng ở thảm hoặc đệm ghế trong nhà. Cần phải đảm bảo máy hút bụi có lực hút mạnh và bộ lọc tốt, và được vệ sinh thường xuyên.
- Nếu có thể, giảm thiểu các loại đệm và thảm trong nhà.
- Giặt ga, gối bằng nước nóng để loại bỏ các mạt bụi.
- Giảm các đồ vật trang trí trong nhà để tránh tích tụ bụi. Và thường xuyên lau bụi các đồ vật bày trong nhà.
- Nếu bị dị ứng do nấm mốc, cần kỳ cọ rất kĩ phòng tắm bằng dung dịch vệ sinh để tránh nấm mốc phát sinh.
- Giữ cho nhà cửa khô thoáng. Dọn dẹp những chỗ ẩm ướt mà nấm mốc có thể phát sinh.
Xem thêm :
- Ngăn ngừa biến chứng viêm mũi dị ứng
- Địa chỉ đáng tin cậy điều trị bệnh viêm mũi dị ứng
- Chớ coi nhẹ bệnh viêm mũi dị ứng ở trẻ sơ sinh