Viêm amidan mủ có triệu chứng gì?

Viêm amidan mủ hay còn gọi là viêm amidan hốc mủ, là tình trạng viêm với một hoặc nhiều hốc chứa mủ ở amidan. Bệnh gây ra nhiều triệu chứng khó chịu ở cả người lớn và trẻ em. Tuy viêm amidan mủ không đe dọa tính mạng nhưng lại rất dễ nhầm với triệu chứng của ung thư vòm họng. Vậy viêm amidan mủ có triệu chứng gì? nguyên nhân của bệnh đến từ đâu?

Viêm amidan mủ có triệu chứng gì? Viêm amidan mủ có triệu chứng gì?

Làm sao để phân biệt viêm amidan mủ và ung thư vòm họng? Vicare sẽ giúp bạn có thêm thông tin.

Viêm amidan mủ là bệnh gì?

Amidan là một tổ chức nằm bên thành họng. Đây thực chất là các hạch bạch huyết lympho. Amidan là hệ thống phòng vệ đầu tiên của hệ miễn dịch cơ thể người, có chức năng sinh ra kháng thể bảo vệ. Amidan có vai trò thanh lọc vi khuẩn hoặc virus xâm nhập vào cơ thể qua đường mũi - miệng.

Tình trạng viêm amidan xảy ra khi các vấn đề nhiễm khuẩn hoặc virus làm quá tải sự phòng vệ của amidan, gây ra sưng và viêm. Mặt khác, amidan có cấu trúc đặc biệt với bề mặt khá nhiều khe, hốc, múi... nên rất thuận lợi cho vi khuẩn, virus tấn công gây viêm.

Những tác nhân gây bệnh này trú ngụ lâu ngày hình thành các khối mủ có dạng như hạt đậu hoặc hạt tấm màu trắng xanh, đóng cục và thường có mùi hôi.

Viêm amidan được phân chia làm hai loại là viêm amidan cấp tính và viêm amidan mạn tính (quá phát).

Viêm amidan mủ là viêm mạn tính có ít nhất một hốc chứa mủ (thường có màu trắng như sữa), nhiễm trùng, cặn bã, chất xơ viêm.

vicare.vn-viem-amidan-mu-co-trieu-chung-gi-body-1

Nguyên nhân gây ra viêm amidan mủ

  • Tiến triển từ viêm amidan cấp tính không được điều trị hoặc điều trị không đúng.
  • Tác nhân gây bệnh chủ yếu là các loại vi khuẩn như: tụ cầu, liên cầu khuẩn, các loại xoắn khuẩn, chủng ái khí và kị khí. Ngoài ra còn có virus: virus cúm, á cúm, sởi, ho gà...
  • Hệ miễn dịch cơ thể bị suy yếu, đề kháng kém
  • Thời tiết giao mùa, nhiệt độ thay đổi đột ngột (lạnh đột ngột, độ ẩm cao) khiến cơ thể không kịp thích ứng, các vi khuẩn, virus có sẵn ở đường mũi họng tiến triển gây bệnh.
  • Ô nhiễm môi trường: quá nhiều bụi, khí thải, hóa chất độc hại, điều kiện sinh hoạt thấp và vệ sinh kém.
  • Sự lây lan của các ổ viêm nhiễm ở miệng như sâu răng, viêm lợi, viêm nha chu, hoặc viêm họng, viêm xoang... Tình trạng vệ sinh răng miệng kém. Hút thuốc lá.
  • Đặc điểm cấu trúc của amidan có nhiều khe kẽ, hốc ngăn, ngách là nơi cư trú và phát triển thuận lợi cho vi khuẩn. Bên cạnh đó, vị trí của amidan nằm trên ngã giao nhau của đường ăn và đường thở - cửa ngõ rất dễ bị vi khuẩn, virus tấn công.

Triệu chứng của bệnh viêm amidan mủ

vicare.vn-viem-amidan-mu-co-trieu-chung-gi-body-2
  • Sốt: là triệu chứng đầu tiên và thường gặp ở người viêm amidan mủ. Tuy nhiên vẫn có trường hợp không sốt khi bệnh đã tái phát nhiều lần.
  • Cảm giác cổ họng khô rát: vô cùng đau đớn khi nuốt nước bọt hoặc lúc ăn, đau tăng dần theo thời gian, lan sang cả vùng tai.
  • Cảm giác vướng cổ họng: lúc nào cũng cảm thấy như mắc sợi tóc, mắc đờm rất khó chịu. Việc ho, khạc để giảm vướng cổ họng càng làm nặng thêm sự đau rát, có thể khạc ra cục mủ đặc, màu trắng xanh, mùi hôi.
  • Quan sát thấy amidan sưng đỏ, hốc có mủ: dùng que chặn lưỡi ấn nhẹ có thể chảy ra mủ màu trắng sữa, có mùi hôi. Dấu hiệu quan sát mủ trong các hốc của amidan có ý nghĩa để chẩn đoán phân biệt với viêm amidan cấp tính hoặc viêm cổ họng.
  • Khó thở: một số trẻ em mắc viêm amidan mủ quá nặng có thể dẫn đến khó thở, ngưng thở do amidan sưng quá to, hạt mủ kích thước lớn. Nên nhanh chóng điều trị, tránh biến chứng.

Điều trị viêm amidan mủ

Khi mắc các triệu chứng nghi ngờ viêm amidan mủ, trước hết đến gặp bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, thực hiện các xét nghiệm vi sinh cần thiết trên mẫu bệnh phẩm (chất nhầy họng, mủ) để xác định tác nhân gây bệnh và chọn kháng sinh phù hợp. Bên cạnh thuốc kháng sinh, bác sĩ sẽ cân nhắc thêm các loại thuốc khác để điều trị triệu chứng.

Điều trị nội khoa đủ ngày nhưng bệnh không khỏi hoặc viêm amidan mủ tái đi tái lại thường xuyên, khi đó bác sĩ sẽ cân nhắc điều trị ngoại khoa (phẫu thuật) cắt bỏ amidan.

Khi nào cần cắt amidan

Chỉ định phẫu thuật cắt bỏ amidan khi:

  • Tình trạng viêm nhiễm tại amidan tái đi tái lại nhiều lần: 5-7 lần/năm.
  • Có các biến chứng ở amidan hoặc toàn thân: viêm - áp xe quanh amidan, viêm tấy thành họng, thấp khớp, hạch cổ... hoặc nghi ngờ ung thư amidan.
  • Viêm nhiễm quá phát ảnh hưởng đến khả năng ăn nuốt (nuốt khó liên tục), khả năng thở (khó thở, xuất hiện cơn ngừng thở ngắn).

Phân biệt viêm amidan mủ và ung thư vòm họng

vicare.vn-viem-amidan-mu-co-trieu-chung-gi-body-3

Ung thư vòm họng là bệnh lý ác tính khá phổ biến ở khu vực đầu mặt cổ, xảy ra khi có sự phát triển bất thường của tế bào tại vòm họng. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn cả ở người lớn (cao nhất 30 – 55 tuổi: 70%), nam giới mắc bệnh nhiều hơn nữ giới.

Triệu chứng khác biệt của ung thư vòm họng khi so sánh với viêm amidan mủ: tinh vi hơn, đa số vẫn là mượn các triệu chứng từ cơ quan xung quanh như tai, mũi, thần kinh, hạch... và phần lớn xuất hiện ở giai đoạn muộn. Bên cạnh triệu chứng cơ bản khá giống với viêm amidan mủ, ung thư vòm họng còn có các triệu chứng lan tỏa rộng hơn như sau:

  • Nhức đầu: âm ỉ không thành cơn, lâu ngày đau dữ dội và lan ra hai bên.
  • Ù tai: có thể ù tai nhẹ một bên, sau đó lan dần ra cả hai bên, khả năng nghe giảm đi rất nhiều.
  • Nghẹt mũi: khi ung thư tiến triển gây ra nghẹt mũi liên tục, có thể chảy máu mũi hoặc chảy mủ lẫn máu.
  • Nổi hạch ở góc hàm: ban đầu nổi hạch nhỏ, rắn và có thể di động được. Sau đó hạch cứng dần lên, bám chặt vào vùng cổ, dùng tay ấn vào có cảm giác đau, sau đó lan đến các vị trí khác

Bệnh nhân ung thư vòm họng cần được xạ trị, hóa trị theo phác đồ điều trị ung thư.

Xem thêm:

  • Viêm amidan hốc mủ kiêng ăn gì?
  • Viêm amidan hốc mủ và những điều bạn nên biết