Vì sao thiếu i ốt là nguyên nhân dẫn đến bệnh lý tuyến giáp?
I ốt là vi chất dinh dưỡng rất cần thiết cho sự phát triển của cơ thể chúng ta, cần cho sự phát triển xương, quá trình biệt hóa, tổng hợp hóoc môn giáp. duy trì thân nhiệt và phát triển của não và hệ thần kinh trong thời kỳ bào thai. Chính vì thế, nếu thiếu I ốt sẽ gây ra nhiều bệnh về tuyến giáp.
Vì sao thiếu i ốt là nguyên nhân dẫn đến bệnh lý tuyến giáp?
Vì sao thiếu i ốt là nguyên nhân dẫn đến bệnh lý tuyến giáp?
Hơn 75% I ốt trong cơ thể người tập trung ở tuyến giáp để tổng hợp nên các hormon tuyến giáp T3 (tri-iodothyronin) và T4 (thyroxin). T3 và T4 có vai trò quan trọng trong sự phát triển bình thường của cơ thể và chuyển hóa năng lượng.
Điều này lý giải vì sao thiếu i ốt là nguyên nhân gây ra các bệnh tuyến giáp. Bởi thiếu iốt sẽ làm giảm tổng hợp hormon tuyến giáp, gây ra nhiều các dị tật bẩm sinh.
Tác dụng của I ốt với cơ thể
Duy trì quá trình trao đổi năng lượng của cơ thể và sinh ra nhiệt
Thiếu iốt làm giảm lượng hoóc-môn tuyến giáp tiết ra, từ đó gây tổn thương cho các hoạt động cơ bản để duy trì sự sống của cơ thể, đồng thời cũng làm suy giảm các chức năng cơ thể.
Thúc đẩy quá trình phát triển của cơ thể
Các hoóc-môn tuyến giáp khống chế quá trình phát triển hệ xương, giới tính, và cơ cũng như chiều cao của trẻ trong giai đoạn phát triển. Việc thiếu hụt hóc môn tuyến giáp sẽ khiến cơ thể phát triển không bình thường.
Hỗ trợ phát triển trí não
Trong giai đoạn phát triển trí não nhất định của thai kỳ hay thời kỳ phát triển của trẻ nhỏ, nhất thiết phải dựa vào các hoóc môn tuyến giáp. Việc thiếu hụt hoóc-môn tuyến giáp sẽ gây ảnh hưởng cho quá trình phát triển trí não, về sau sẽ gây trở ngại cho sự phát triển trí tuệ.
Một số bệnh lý liên quan đến thiếu I ốt
Bệnh bướu cổ do thiếu I ốt
Bệnh bướu cổ do thiếu I ốt còn được gọi là bướu giáp đơn thuần, bướu giáp lành tính, bướu giáp không nhiễm độc, hoặc là bướu giáp dịch tễ, bướu giáp địa phương,...
Bệnh bướu cổ đơn thuần thường khó phát hiện vì không có nhiều triệu chứng rõ ràng, ngoài một số biểu hiện như cổ to ra. Một số bệnh nhân có cảm giác bị nghèn nghẹn ở cổ, thường được người khác phát hiện, hoặc đi khám sức khỏe.
Ngoài ra, có bệnh nhân có biểu hiện nhược giáp như mệt mỏi, đau cơ, táo bón, rụng tóc, nói khàn, chán ăn, giảm trí nhớ; vùng cổ có một hoặc nhiều cục bất thường; cảm giác tức ở cổ, nhất là khi nuốt...
Do đó, khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ, người bệnh cần đến Trung tâm y tế hoặc Bệnh viện chuyên khoa để khám và được điều trị kịp thời.
Suy giáp bẩm sinh và bệnh đần độn (cretinism)
Suy giáp ở trẻ do bị thiếu I ốt nặng nề từ trong bào thai đến lúc sinh ra và lớn lên gây nên bệnh đần độn (cretinism). Bệnh này trước đây thường gặp ở các dân tộc thiểu số vùng núi cao, đất thiếu I ốt, nên còn có tên bệnh đần độn địa phương.
Suy giáp bẩm sinh là tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ hormone ở giai đoạn sơ sinh. Là một bệnh nội tiết xảy ra do tuyến giáp của trẻ sơ sinh không sản xuất đủ nội tiết tố đáp ứng nhu cầu cần thiết của cơ thể trẻ. Nguyên nhân là do dị tật bẩm sinh không có hoặc có nhưng tuyến giáp lạc chỗ hoặc do dị tật trong quá trình trao đổi chất tuyến giáp hoặc thiếu iốt. Cứ khoảng 3.000 đến 4.000 trẻ được sinh ra sẽ có 1 trẻ mắc bệnh này.
Các dấu hiệu lâm sàng của suy giáp bẩm sinh
- Bộ mặt đặc biệt (mắt to, má phị, mũi tẹt, lưỡi dày)
- Chậm phát triển tinh thần vận động
- Chậm tăng cân
- Vàng da kéo dài
- Táo bón kéo dài
- Lùn không cân đối
- Thoát vị rốn
- Khóc ít và tiếng khóc nhỏ
- Da khô, tóc khô và gãy.
Thông thường, bé bị bệnh được mô tả là “bé sơ sinh ngoan” vì bé ít khóc và ngủ hầu hết thời gian. Bệnh phổ biến hơn ở những bé có cân nặng sơ sinh dưới 2kg hoặc trên 4,5kg.
Lấy máu gót chân của bé sơ sinh trong khoảng 38-48 tiếng sau sinh nhằm xét nghiệm phát hiện bệnh điều trị sớm đã làm giảm thiểu những em bé bị chậm phát triển về thể lực, trí tuệ và nhiều bệnh lý khác.
Phòng ngừa thiếu hụt I ốt hiệu quả
Nhu cầu I ốt hàng ngày của một người bình thường là từ 150 đến 200 mcg I ốt, còn ở phụ nữ mang thai hoặc cho con bú cần thêm 30 đến 50 mcg. Cơ thể con người không tự tổng hợp được I ốt mà hoàn toàn phải cung cấp từ bên ngoài, chủ yếu từ lương thực, thực phẩm, một phần qua không khí và việc bổ sung I ốt phải thường xuyên, liên tục chứ không phải chỉ trong một lần, một lúc, một giai đoạn.
Do lượng I ốt ngày càng nghèo đi từ các nguồn cung cấp tự nhiên mà nhu cầu lại cần thường xuyên và liên tục, cho nên vấn đề sử dụng muối I ốt và các chế phẩm có I ốt (đủ tiêu chuẩn phòng bệnh) là nguồn bổ sung I ốt cần thiết.
Vì vậy để phòng ngừa các rối loạn do thiếu I ốt, người dân nên sử dụng muối I ốt thay cho muối thường trong ăn uống và chế biến thức ăn hàng ngày. Phải bổ sung I ốt liên tục mới đảm bảo đủ nhu cầu I ốt, không nên dùng một thời gian rồi dừng.
Nhu cầu I ốt của trẻ/ngày là:
- Trẻ từ 0-6 tháng tuổi cần 40mcg/ ngày, với trẻ bú mẹ hoàn toàn thì mẹ nên ăn nhiều hải sản và dùng muối I ốt, nước mắm có I ốt để nguồn dưỡng chất quan trọng này tiết qua sữa và bổ sung cho bé.
- Với trẻ đã ăn dặm (6-12 tháng) cần 50mcg, có thể bổ sung I ốt qua ăn uống hàng ngày.
- Trẻ từ 1 đến 3 tuổi cần 70mcg
- Trẻ từ 4-9 tuổi cần 120mcg
- Trẻ từ 10-12 tuổi cần 140mcg
- Từ 14 tuổi đến khi trưởng thành là 150mcg.
Trứng và các thực phẩm từ sữa là một nguồn cung cấp I ốt khá tốt. Ngoài ra, I ốt cũng có nhiều trong hải sản như cá, tôm, cua và có nhiều trong các loại rau xanh...
Sử dụng muối I ốt thay cho muối thường trong ăn uống và chế biến thức ăn hàng ngày là đủ nhu cầu I ốt cho cơ thể và phòng ngừa được các rối loạn do thiếu I ốt cũng như các bệnh lý tuyến giáp khác.
Xem thêm:
- Trẻ bị thiếu canxi khám ở đâu tốt?
- Thiếu không tốt nhưng thừa I ốt liệu có gây hại không?
- Tại sao thiếu iot là nguyên nhân gây ra bệnh bướu cổ?