Vì sao không nên xem thường xoắn tinh hoàn ở bé trai?

Xoắn tinh hoàn là một dạng bệnh lý cấp tính ở nam giới, nếu không được phát hiện và chẩn đoán kịp thời có thể khiến người bệnh phải cắt bỏ tinh hoàn. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, do đó cha mẹ không nên xem thường xoắn tinh hoàn ở bé trai.

Vì sao không nên xem thường xoắn tinh hoàn ở bé trai? Vì sao không nên xem thường xoắn tinh hoàn ở bé trai?

Bệnh xoắn tinh hoàn ở bé trai là gì?

Xoắn tinh hoàn ở bé trai xảy ra khi tinh hoàn xoăn khiến thừng tinh (trong đó có cuống mạch máu của tinh hoàn) bị xoắn, gây phù nề và cảm giác đau đớn dữ dội. Xoắn tinh hoàn có thể gặp ở bất cứ độ tuổi nào nhưng phổ biến nhất là ở bé trai từ 12 – 16 tuổi, thậm chí là bẩm sinh.

Tần suất mắc bệnh ở nam giới dưới 25 tuổi là 1/4.000. Bệnh nguy hiểm ở chỗ nếu không được chẩn đoán và can thiệp kịp thời, tình trạng thiếu máu kéo dài có thể khiến tinh hoàn bị hoại tử và buộc phải cắt bỏ. (Theo báo Sức Khoẻ Đời Sống)

Chớ coi thường xoắn tinh hoàn ở bé trai!

Khi mới hình thành trong bào thai, tinh hoàn của bé trai nằm cạnh 2 quả thận. Lúc thai được 3 tháng trong khi thận nhích lên một tí, thì 2 hòn bi lại chui dần ra khỏi bụng. Khi bé trai ra đời mỗi bi dính với bụng bằng một cuống mạch máu dài gọi là thừng tinh. Hòn bi với dây thừng tinh giống như quả bóng treo trên dây nó có thể lắc lư, xoay qua xoay lại, và nếu xoay quá đà thì xoắn luôn. Khi thừng tinh bị xoắn mạch máu nuôi tinh hoàn nằm trong thừng tinh sẽ bị xoắn lại và tắc. Máu không thể lưu thông để nuôi tinh hoàn bị đói. Và nếu tình trạng đói bụng này kéo dài quá 6 giờ thì các tế bào của tinh hoàn sẽ chết.

Trên thực tế, xoắn tinh hoàn là một bệnh lý thường gặp ở trẻ song nhiều bậc cha mẹ lại lơ là, mất cảnh giác để rồi phải hối hận.

Theo các chuyên gia Nam học, xoắn tinh hoàn là một trong các nguyên nhân thường gặp nhất dẫn tới việc phải cắt bỏ 1 bên tinh hoàn ở bé trai. Nguy hiểm hơn, nếu đã bị xoắn tinh hoàn 1 bên thì nguy cơ xoắn ở bên còn lại cũng rất cao.

Xoắn tinh hoàn ở bé trai được xem là một dạng bệnh lý cấp cứu, cần được phát hiện kịp thời để thực hiện mổ tháo xoắn ngay. Việc phẫu thuật phải được tiến hành sớm, chỉ trong vòng vài giờ sau khi phát hiện xoắn tinh hoàn để tránh việc phải cắt tinh hoàn của trẻ, khiến chất lượng cuộc sống và tâm lý của bé sau này bị ảnh hưởng.

vicare.vn-khong-nen-xem-thuong-xoan-tinh-hoan-o-be-trai-body-1

Nên đưa trẻ đến bệnh viện sớm nhất có thể

Chia sẻ về bệnh lý xoắn tinh hoàn ở bé trai, TS Nguyễn Quang – Giám đốc Trung tâm Nam học (Bệnh viện Việt Đức) cho hay, rất nhiều trường hợp khi bệnh nhân bị đau tinh hoàn và đi khám, một số cơ sở y tế lại chẩn đoán nhầm thành viêm tinh hoàn và điều trị viêm tinh hoàn, dẫn tới việc chậm trễ trong xử trí xoắn tinh hoàn cho người bệnh.

Theo TS Nguyễn Quang, bình thường tinh hoàn cần được cung cấp máu để nuôi dưỡng, nhưng nếu bị xoắn thì tinh hoàn sẽ bị mất máu. “Nếu phát hiện sớm và đưa đi cấp cứu ngay trong vòng 6 tiếng thì sẽ chữa được, nhưng nếu để sau 6 tiếng thì tinh hoàn sẽ bị hoại tử và phải cắt bỏ” – ông Quang nói.

Do đó, TS Nguyễn Quang cho biết ngay khi có biểu hiện đau tinh hoàn, biện pháp đầu tiên mà bác sĩ khám phải nghĩ đến là xoắn tinh hoàn và coi đó là cấp cứu ngoại khoa, khẩn trương thực hiện điều trị cho người bệnh. Để chẩn đoán chính xác, bác sĩ cần tiến hành làm siêu âm và đánh giá độ tưới máu của tinh hoàn là nhiều hay ít hay không có tưới máu và bị xoắn thừng tinh.

Nếu là xoắn thừng tinh cấp tính cần tiến hành phẫu thuật cấp cứu. Nếu bệnh nhân đến sớm có thể tự tháo xoắn, nếu không tháo xoắn được sẽ phải áp dụng biện pháp cấp cứu ngoại khoa.

Trường hợp tinh hoàn mỗ ra vẫn còn hồng, bệnh nhân đến sớm thì sẽ được bác sĩ thực hiện tháo xoắn cố định. Ngược lại, nếu tinh hoàn hoại tử và có màu đen thì phải cắt bỏ.

Phòng tránh xoắn tinh hoàn ở bé trai như thế nào?

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (Khoa Ngoại – Thận niệu, Bệnh viện Nhi đồng 2) nhấn mạnh các bậc phụ huynh cần phải lưu tâm đến các yếu tố nguy cơ để phòng tránh xoắn tinh hoàn ở bé trai. Với những bé có tinh hoàn di động (sờ có lúc thấy tinh hoàn có lúc không) thì mẹ cần đưa trẻ đi khám xem liệu có nguy cơ bị xoắn tinh hoàn hay không.

Nếu có, các bác sĩ sẽ thực hiện một phẫu thuật nhỏ, nhẹ nhàng để cố định tinh hoàn, tránh nguy cơ xoắn tinh hoàn ở trẻ về sau. Bên cạnh đó, cha mẹ cần học cách nhận biết những biểu hiện của bệnh lý xoắn tinh hoàn ở bé trai để sớm phát hiện bệnh và có thể kịp thời đưa trẻ tới bệnh viện điều trị. Các biểu hiện thường gặp của chứng xoắn tinh hoàn gồm:

  • Trẻ bị đau đột ngột ở vùng bìu. Thường chỉ đau 1 bên và khởi phát vào ban đêm, sau đó đau lan lên bẹn và vùng hông lưng. Cảm giác đau có thể nặng hơn khi vận động nên trẻ thường ít chạy nhảy mà chỉ nằm im trên giường. Tuy nhiên, cảm giác đau đớn không giảm khi trẻ ngủ hay nghỉ ngơi.
  • Một vài trường hợp, trẻ có thể tiểu khó, nôn và buồn nôn.
  • Cha mẹ cần tránh nhầm lẫn xoắn tinh hoàn ở bé trai với thoái vị bẹn do bệnh lý này cũng khiến tinh hoàn sưng to. Ngay khi thấy tinh hoàn của trẻ xuất hiện những biểu hiện bất thường như sờ vào hơi đau, tấy đỏ thì cần đưa trẻ đi khám ngay.
  • Một số trường hợp, trẻ có thể bị đau tinh hoàn đột ngột rồi sau đó tự khỏi. Tuy vậy, cha mẹ vẫn nên đưa bé đi khám sớm và thực hiện phẫu thuật để tránh xoắn tinh hoàn tái phát lại.

vicare.vn-vicare.vn-khong-nen-xem-thuong-xoan-tinh-hoan-o-be-trai-body-2

Bên cạnh đó, cần nhắc trẻ tránh va chạm mạnh vào vùng nhạy cảm để không làm tổn thương tới tinh hoàn. Với các trường hợp đã phải cắt bỏ một bên tinh hoàn do bị hoại tử thì càng cần thận trọng hơn vì nếu bị hỏng nốt bên tinh hoàn còn lại mà không được điều trị kịp thời cũng sẽ làm tinh hoàn hoại tử, dẫn tới vô sinh.

Minh Thùy