Vì sao hệ thống lọc nước RO có thể gây ra thảm hoạ y tế trong chạy thận?
Vụ tai biến ở Hoà Bình dù chưa có kết quả cuối cùng nhưng Hội đồng chuyên môn nghĩ nhiều đến có sự bất thường của nguồn nước RO sử dụng trong quá trình chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân tại Đơn nguyên Thận nhân tạo của BVĐK tỉnh Hòa Bình.
Vì sao hệ thống lọc nước RO có thể gây ra thảm hoạ y tế trong chạy thận?
RO chiếm vị trí số 1
Trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Cao Luận - Nguyên trưởng Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai - cho biết, RO là hệ thống nước dùng để lọc máu. Hệ thống xử lý nước RO qua nhiều công đoạn.
Nguồn nước đầu vào là nước thành phố (nước máy) nước giếng, nước sông ngòi nhưng ở Hoà Bình hay các bệnh viện khác trong cả nước, phần lớn là nước thành phố.
Chu trình lọc nước trải qua các khâu lọc khác nhau. Đầu tiên là qua hệ thống lọc thô, có thể là cát công nghiệp hoặc cát đa tầng để lọc bỏ cặn. Sau đó nước tiếp tục qua lớp lọc mềm, loại bỏ các ion canxi, magic, các kim loại nặng và qua 1 lần lọc carbon, loại các chất hữu cơ, cloramin (chất tẩy trong nước máy) những chất sát khuẩn ở đường nước... Nếu không loại bỏ các chất này thì màng RO sẽ hỏng. Sau đó nó tiếp tục qua lớp lọc gọi là vi lọc để lọc các vi khuẩn, vi rút... sau đó nó mới qua màng lọc RO.
Qua màng lọc RO nước sẽ được truyền qua máy lọc thận bằng hệ thống đường ống. TS Luận cho biết, nước RO tinh khiết đưa đến máy thận và tiếp xúc với dịch lọc để tiếp xúc với máu người, trực tiếp vào trong người nên với kỹ thuật lọc máu, nước được xem là quan trọng số 1. Vai trò của nước là tiếp xúc với dịch lọc, với máu để pha loãng ra như huyết tương qua màng bán thấm ở quả lọc.
Những nước càng phát triển, người ta đòi hỏi độ tinh khiết của nước RO càng cao. Ví dụ ở Nhật Bản, Singapore, Châu Âu tiêu chuẩn khác, tiêu chuẩn ISO riêng của họ. Còn tại Việt Nam vẫn sử dụng tiêu chuẩn của Mỹ từ năm 2007. Tuy nhiên theo TS Luận, Việt Nam là nước đang phát triển nên đảm bảo được tiêu chuẩn của Mỹ đã là tiến bộ.
Cần kiểm tra sau xử lý súc rửa
Tuy nhiên, TS Luận cho rằng, tai biến thường không phải là do nước đã qua RO vì lúc đó vi khuẩn, vi rút đã bị loại bỏ, nước sạch hoàn toàn có thể uống. Nhưng khi xảy ra tai biến có hệ thống như ở Hòa Bình, có thể do quá trình không súc rửa đường ống, kiểm tra có thể còn tồn dư chất nào đó.
Sốc phản vệ liên quan tới nước RO chỉ có thể xảy ra khi còn chất tồn dư sau khi rửa máy. Ví dụ lọc máy cả tuần, chủ nhật phải xử lý sát khuẩn đường nước và làm sạch đường ống - thường phải dùng hoá chất.
Hoá chất muốn tẩy được biofin và các chất tồn dư trong đường ống ngoài hệ thống nước RO (đường ống từ hệ thống vào máy lọc thận), người ta phải dùng javen 5%, muốn tẩy cặn phải dùng axet.
Theo quy định khi tẩy xong phải có test kiểm tra xem chất tẩy rửa đó có còn không. Nếu còn, nó rất nguy hiểm cho tính mạng người bệnh. "Lỗi là lỗi ở khâu rửa này. Có thể khi làm họ có quy trình, nhưng khâu kiểm soát dễ bỏ qua" - TS Luận nói.
Đa số là trường hợp như thế thường gây ra tai biến hàng loạt nên nước tinh khiết rất quan trọng. Khi tất cả bệnh nhân trong phòng đều bị như thế, người ta nghĩ ngay đến nước. Còn quả lọc, khi rửa quả lọc người ta cũng dùng nước, dùng hoá chất, nhưng nếu người dùng quả lọc mới vẫn bị thì có thể loại trừ.
Việt Nam có khoảng 80 -100 người /1 triệu dân phải lọc máu một năm.
Nhưng hiện nay xu hướng là điều trị bảo tồn thận. Việc điều trị bảo tồn thận ở Việt Nam còn kém, chỉ một số bệnh viện trung ương làm được, còn đa số bệnh nhân bị suy thận giai đoạn cuối phải ghép thận, chạy thận nhân tạo, lọc thận qua màng bụng.
Chính vì thế, TS Luận cho rằng, cần tăng cường hệ thống điều trị thay thế thận, lọc màng bụng, ghép thận, chạy thận về đến tỉnh, huyện, thậm chí xã để người dân đỡ phải đi lại, thậm chí có thể chạy thận ở nhà, không cần phải đến bệnh viện.
Xem thêm:
- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình: 5 người tử vong trong số 18 người bị dị ứng khi đang lọc máu chạy thận
- Vụ 6 bệnh nhân tử vong khi chạy thận: Đoàn công tác của Bộ Y tế lên hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình